Thăng rượu, thăng quan
Dư Hồng QuảngTại Slovakia, tôi gặp Ivan trong một bữa nhậu. Anh thân với nhóm anh em người Việt ở Bratislava như người nhà. Dù rất cởi mở, chân tình nhưng Ivan không uống rượu bia, kể cả hôm đó, anh đến bằng xe đạp. Ivan bảo đã điều khiển phương tiện thì không dùng đồ uống có cồn. Tôi kể chuyện này với một người đang định cư tại Budapest là Phan Anh Sơn, người dịch cuốn “Say xỉn học toàn thư” sang tiếng Việt theo đặt hàng của Đại sứ quán Hungary. Anh Sơn cho biết, ở châu Âu, đã uống rượu bia là không bao giờ lái xe.
Một lần tại Việt Trì, tôi có dự buổi tiếp đoàn thành phố Nara, Nhật Bản. Giữa Trường Trung học cơ sở Văn Lang (mang tên cố đô của các Vua Hùng) và Trường Trung học cơ sở Nara (mang tên thủ đô xưa của người Nhật) có mối quan hệ khăng khít. Trong tiệc chiêu đãi buổi tối, riêng thày hiệu trưởng trường Nara cũng không uống rượu. Ông bảo mình có trách nhiệm chăm lo cho học sinh và sẽ không uống rượu trong suốt hành trình giao lưu tại Việt Nam. Qua 2 câu chuyện trên, tôi dần nhận ra rằng, vẫn có thể vui vẻ, nhiệt tình khi không uống rượu bia.
Thói quen lạm dụng rượu bia ở Việt Nam đã đến mức báo động. Một công bố của Tạp chí Y khoa Lancet (Anh) về tình trạng sử dụng đồ uống có cồn tại 189 quốc gia và vùng lãnh thổ giai đoạn 1990 - 2017 cho thấy, tỷ trọng tiêu thụ bia rượu trên toàn cầu đang có xu hướng tăng nhanh, nhất là ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Đáng chú ý, ở giai đoạn này, Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng tiêu thụ rượu lớn nhất thế giới...
Lật trang sử cũ, với 3 lần đánh thắng giặc Nguyên Mông, nhà Trần nước ta đã để lại một dấu son rực rỡ trong lịch sử loài người. Nhưng các vị vua sau này không theo được tiền nhân. Đặc biệt Vua Trần Dụ Tông được ghi chép trong Đại Việt sử ký toàn thư như một ông vua hổ danh vì rượu.
Trước hết là chuyện thăng rượu, thăng quan. Năm 1364, mùa hạ, tháng 4, nhà vua gọi người trong Cung Vĩnh An cùng uống rượu. Một người tên Khoan lập mẹo vờ uống hết 100 thăng rượu, được vua cho thăng chức. Tháng 5, vua đi hóng gió chơi trăng, vì uống rượu quá say, lội xuống sông tắm, nên bị ốm. Tháng 6, vua ngự thuyền nhỏ đến chơi uống rượu nhà Thiếu úy Trần Ngô Lang ở hương Mễ Sở (huyện Châu Giang, Hải Hưng) đến canh ba mới về. Khi tới sông Chử Gia bị cướp mất ấn báu, gươm báu.
Vị vua say này cũng vì ơn riêng vặt vãnh mà bổ nhiệm Nguyễn Nhiên không biết chữ làm quan hành khiển (điều hành chính sự của đất nước). Vua còn lệnh cho các nhà vương hầu dâng các trò tạp hý, vua xét duyệt trò nào hay thì thưởng cho. Vợ Dương Khương đóng trò Vương Mẫu hiến bàn đào, vị vua say xỉn thấy nàng xinh đẹp nên lấy làm vợ (khi đang có thai). Đến khi đẻ ra Nhật Lễ, vua nhận làm con mình. Rồi sau truyền ngôi cho Nhật Lễ, dứt dòng dõi nhà Trần.
Dụ Tông chơi bời, say xỉn, lười chính sự, quyền thần nhiều kẻ làm trái phép nước. Trung thần là Chu Văn An khuyên can, vua không nghe. Ông dâng sớ xin chém 7 tên nịnh thần (thất trảm sớ). Sớ dâng lên nhưng không được vua trả lời, Chu Văn An liền treo mũ cáo quan về quê.
Việt Nam được xếp hạng quốc gia có tốc độ tăng tiêu thụ rượu lớn nhất thế giới chắc không phải là kỷ lục hay. Chuyện cấm lái xe uống rượu bia, cả thế giới thực hiện. Bất luận chuyện uống rượu lái xe là lớn hay nhỏ, phải coi đó là câu chuyện kỷ cương khi tham gia giao thông. Giữ kỷ cương phép nước, thời nào cũng cần có dũng khí như của cụ Chu Văn An./.









Các bài cũ hơn


