Xác định bản chất mới
Lý Mạc PhùCho dù bị phủ bóng bởi vấn đề sức khỏe của Tổng thống Mỹ đương nhiệm Joe Biden và khả năng cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trở lại cầm quyền ở nước Mỹ sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới, cuộc gặp cấp cao thường niên năm nay của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) do ông Joe Biden chủ trì về cơ bản kết thúc khá thành công đối với NATO.
Những quyết sách mới của NATO và cũng là những kết quả nổi bật của sự kiện này được NATO thể hiện trong bản tuyên bố chung của cuộc gặp. Nổi bật nhất trên chương trình nghị sự là vấn đề về cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraina, chuyện đối đầu Nga và chuyện đối phó Trung Quốc.
Chương trình nghị sự này thật ra không mới mẻ gì đối với NATO, nhưng về thực chất đưa lại bản chất rất khác trước cho NATO. Trên danh nghĩa chính thức, NATO hiện không chiến tranh ở Ukraina.
NATO hậu thuẫn Ukraina về chính trị, để cho các thành viên tự quyết định, hoặc cùng nhau quyết định hậu thuẫn quân sự trực tiếp cho Ukraina như thế nào. Ở cuộc gặp cấp cao năm nay, NATO bắt đầu rũ bỏ mọi ngần ngại và dè chừng Nga để công khai can dự trực tiếp vào cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraina.
NATO khích lệ Ukraina sống mái đến cùng và bằng mọi giá với Nga thông qua chiêu bài vẽ cho Ukraina viễn cảnh rồi đây sẽ được gia nhập NATO, quả quyết với Ukraina là việc NATO thu nạp Ukraina đã trở nên không còn có thể bị đảo ngược. NATO cam kết cung cấp thêm các hệ thống phòng không và máy bay tiêm kích F-16 cho Ukraina, hứa viện trợ quân sự 43 tỷ USD cho Ukraina để Ukraina có đủ vũ khí và đạn dược huyết chiến với Nga đến cuối năm 2025.
Mỹ và Đức còn công bố thỏa thuận về việc Mỹ lại triển khai tên lửa tầm xa trên lãnh thổ Đức. Thiên hạ có thể thấy được qua đó NATO không còn là một liên minh quân sự phòng thủ nữa, mà trở thành một tác nhân quyết định diễn biến cuộc chiến tranh ở Ukraina; NATO chủ trương thông qua Ukraina đánh bại Nga bằng quân sự, hạ quyết tâm cùng Ukraina chiến tranh đến khi Nga thua trên chiến trường, chứ không hướng tới giải pháp chính trị hòa bình cho cuộc chiến tranh này. Mỹ lại triển khai tên lửa tầm xa ở châu Âu đồng nghĩa với việc cuộc đối đầu giữa Mỹ và NATO với Nga ở châu Âu càng thêm không khoan nhượng và Chiến tranh lạnh đã chính thức trở lại châu Âu.
NATO xác định bản chất khác còn bộc lộ ở chủ định đối phó Trung Quốc, Triều Tiên và Iran. NATO mời Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand tham dự cuộc gặp cấp cao, lại còn ký kết thỏa thuận liên kết với Hàn Quốc.
NATO xác định địch thủ mới để tập trung đối phó; vươn tới khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để gây dựng và tăng cường vai trò chính trị an ninh thế giới, trong khi nhằm tới vai trò quyết định trật tự và mọi cấu trúc chính trị an ninh ở châu Âu sau chiến tranh. NATO đã rẽ vào hướng trở thành liên minh quân sự khác./.