NATO dàn trận mới
Lý Mạc PhùTại Hội nghị cấp cao thường niên năm nay diễn ra trong 2 ngày 11 và 12-7 ở Thủ đô Vilnius của Lithuania, 31 thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tập trung chủ yếu vào những vấn đề liên quan đến hoặc là hệ lụy của cuộc chiến giữa Nga và Ukraina. Những nội dung trong bản tuyên bố chung của hội nghị cho thấy NATO đã thay đổi cơ bản như thế nào bởi cuộc chiến kia.
Thủ đô Vilnius được NATO chủ ý lựa chọn làm địa điểm tổ chức sự kiện vì ở vị trí địa lý sát cạnh Nga và Ukraina, hàm chứa thông điệp của NATO về ủng hộ Ukraina và cảnh báo, răn đe Nga. Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky được NATO mời tham dự. Cả chuyến công du châu Âu vào dịp này của Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng chủ yếu xoay quanh mọi chuyện liên quan đến Nga và Ukraina. Ông Joe Biden tới thăm Anh, vì Anh chẳng khác gì như hình và bóng với Mỹ trong NATO, trong hậu thuẫn Ukraina và đối địch Nga. Ông Joe Biden tham dự hội nghị cấp cao của NATO ở Vilnius vì Mỹ đã khôi phục được vai trò và ảnh hưởng dẫn dắt NATO. Ông Joe Biden tới thăm Phần Lan vì nước này vừa trở thành thành viên mới nhất (thứ 31) của NATO.
Kết quả nổi bật nhất của Hội nghị cấp cao năm nay của NATO là việc NATO thông qua kế hoạch đối phó Nga cho hiện tại và lâu dài. Lần đầu tiên kể từ hơn 30 năm nay, NATO giờ mới lại đưa ra kế hoạch như vậy. Trong thực chất, đó là dự định của NATO bày binh bố trận ở châu Âu để luôn luôn sẵn sàng đối phó Nga, phô trương quyết tâm và sức mạnh quân sự để thị uy Nga, cũng như sẵn sàng ứng phó về quân sự trong những tình huống xảy ra đụng độ quân sự giữa NATO và Nga. Với sự bày trận này, NATO tạo nên trên thực địa, chứ không chỉ có về chính trị và tâm lý, chiến tuyến thật sự xẻ dọc châu Âu giữa NATO và Nga.
Những kết quả khác của Hội nghị không có ý nghĩa chiến lược to tát. Ông Volodymyr Zelensky thất vọng khi NATO không đưa ra lộ trình thời gian cụ thể cho việc thu nạp Ukraina vào Liên minh. NATO hứa hẹn kết nạp Ukraina nhưng chỉ khi mọi điều kiện đều đã được đáp ứng, mà biết đến khi nào thì những điều kiện này mới được đáp ứng. NATO không thể, không dám thu nạp Ukraina vào Liên minh khi cuộc chiến chưa chấm dứt và ngã ngũ. Thổ Nhĩ Kỳ hứa sẽ làm các thủ tục cần thiết để Thụy Điển được gia nhập NATO, nhưng không ai dám chắc rồi đây Thổ Nhĩ Kỳ thật sự thực hiện lời hứa này và khi nào mới thực hiện. Còn về việc chi 2% GDP cho ngân sách quân sự và quốc phòng, vấn đề này đã được quyết từ cách đây 10 năm, nhưng cũng mới chỉ có một số thành viên NATO thực hiện cam kết. Cả ở Hội nghị cấp cao này, NATO biểu lộ đồng thuận nhất trí cao song trong thực chất nội bộ NATO vẫn phân rẽ thành “năm bè, bảy phái” về gần như mọi vấn đề quan trọng sống còn đối với NATO./.