27/04/2025 | 13:09 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Tây Bắc, vùng văn hóa 3 con sông

Trương Hữu Thiêm
Trong hàng nghìn dòng sông lớn suối nhỏ, có tên và không tên trên địa bàn các tỉnh Tây Bắc, theo các nhà nghiên cứu, 3 dòng thủy lưu chủ đạo để góp phần làm nên bản sắc văn hóa vùng đất biên viễn miền Tây, đó là: sông Hồng, sông Đà và sông Mã.

Ngã ba sông Đà bên đục, bên trong (Trạm biên phòng Kẻng Mỏ, Đồn biên phòng Ka Lăng, Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Lai Châu)_Ảnh: T.H.T

Vùng văn hóa những con sông

Sông Hồng tiếng Thái gọi là Nậm Tao còn tiếng Kinh (Việt) là sông Thao, chảy từ Trung Quốc vào Việt Nam, điểm đầu tiên là xã A Mú Sung (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) - con sông có vai trò đặc biệt quan trọng trong lịch sử thiên di khổ đau mà kiêu hãnh của tộc người Táy đăm (Thái đen), trên hành trình chinh phục Tây Bắc (từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIV). Huyền thoại Thái kể rằng tổ tiên người Thái là Tạo Xuông - Tạo Ngần hóa thân từ 9 tầng mây xuống, vượt qua mấy trăm dòng sông rộng, mấy nghìn con thác dữ và mấy vạn đỉnh núi chọc trời bằng vũ dũng của người đi mở cõi.

Ông Lò Ngọc Duyên - dân tộc Thái, hiện là Trưởng ban Điều phối Trung tâm Bảo tồn và Phát triển tri thức các dân tộc Điện Biên, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch tỉnh Điện Biên - cho biết: theo một truyền thuyết Thái, dòng Nậm Tao còn có tên là Sông Đắng (Ta Khôm); con sông chảy qua ranh giới tưởng tượng giữa trời và người, giữa cõi linh thiêng với nơi phàm trần tục lụy. Từ Nghĩa Lộ, những người Thái đầu tiên trong sứ mạng khai sơn, phá thạch đã mang theo tên đất Mường Theng (Mường Trời) xuống Điện Biên. Vậy là từ “con người huyền thoại” (Tạo Xuông - Tạo Ngần) trên cõi trời thật, họ trở thành những cư dân bằng thật trên “vùng trời huyền thoại” (Mường Theng)!

Dòng sông thứ hai là sông Đà. Từ biên giới Việt - Trung, điểm đầu tiên sông Đà đổ vào nước ta là núi Ma Su trên bình đồ 1.500m (thuộc xã Mù Cả, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu). Với 543km dòng chảy trên lãnh thổ Việt Nam, sông Đà đi qua 4 tỉnh Tây Bắc (Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình), rồi kết thúc tại ngã ba Trung Hà (tỉnh Phú Thọ). Trong số 4 cái tên gọi: Rivière Noire (Pháp), Ly Tiên Giang (Hán), Nậm Tè (Thái) và sông Đà (Việt); sông Đà là cái tên ấn tượng nhất, được nhiều người biết nhất.

Với diện tích lưu vực gần 53.000km2, sông Đà cung cấp 31% lượng nước và là chi lưu lớn nhất của hệ thống sông Hồng. Căn cứ vào lưu tốc dòng chảy, sông Đà được các nhà nghiên cứu xếp vào loại hung dữ bậc nhất ở Đông Dương, là “thủ phạm” chính gây nên 50% lũ lụt sông Hồng. Tại thời điểm hiện nay, địa bàn vùng thượng nguồn sông Đà thuộc quyền quản lý của Trạm biên phòng Kẻng Mỏ (Đồn Biên phòng Ka Lăng, Bộ Chỉ huy Biên phòng Lai Châu). Đầu tháng 2-2023, chúng tôi có chuyến cùng đại úy Hoàng Văn Hưng - Trạm trưởng Trạm biên phòng Kẻng Mỏ - lang thang nửa ngày trời nơi ngã ba sông này. Ngồi nghỉ bên cột mốc chủ quyền số 18 (02), đại úy Hưng cho biết, dọc biên giới Việt Nam - Trung Quốc, ngã ba sông này là điểm duy nhất có con sông mà dòng nước nửa đục nửa trong.

Cuối cùng là con sông Mã (tục gọi sông Mạ - tức sông Mẹ) uốn lượn ngoằn ngoèo với chiều dài 512km dọc biên giới Việt - Lào, qua các xã phía Nam huyện Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên), chảy xuống huyện Sông Mã (tỉnh Sơn La). Rồi như chợt lưu luyến điều gì, một lần nữa sông Mã lại chảy sang đất Lào, đến phần tiếp giáp huyện Mai Châu (tỉnh Hòa Bình) đột ngột quay lại rồi sầm sập xuôi về miền Tây tỉnh Thanh Hóa. Tại Thanh Hóa, sông Mã nhằm hướng Tây Bắc - Đông Nam, hội với sông Chu, sông Bưởi, sông Cầu Chày rồi đổ ra Vịnh Bắc Bộ ở cửa Hới, trước khi hào phóng tặng lại cho tỉnh Thanh những điệu “hò lơ... hó... lơ...” trứ danh và một cánh đồng màu mỡ có diện tích lớn hàng thứ ba ở Việt Nam.

Nhớ lần đi thực tế tại xã Chiềng Sơ (huyện Điện Biên Đông), nơi sông Mã chảy qua, một đêm chúng tôi nghỉ lại gia đình ông Giàng Trừ Sớ - Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Chiềng Sơ. Sau hành trình đằng đẵng vừa đi xe vừa cuốc bộ suốt một ngày trời, tôi thiếp đi lúc nào không biết. Gần sáng chợt tỉnh giấc, nghe ngoài kia con sông Mã đang âm thầm xuôi sóng, như hàng nghìn năm qua chảy cùng nỗi niềm của con người. Hình như ban tối lúc chạm chén, ông Giàng Trừ Sớ có bảo với tôi rằng sở dĩ rượu Chiềng Sơ say lâu vì nấu bằng nước sông Mã - con sông khởi nguồn từ quê hương Chiềng Sơ - Điện Biên trăm quý nghìn yêu.

Điều thú vị, hấp dẫn và độc đáo là dẫu cùng chảy qua một vùng địa lý, nhưng mỗi con sông có một thuộc tính và một màu nước rất riêng. Nếu dòng Nậm Tao dằng dặc bờ bãi và lúc nào cũng như có hàng nghìn chậu huyết ai đổ xuống thượng nguồn, thì dòng Nậm Tè lại mang theo màu xanh đen của tầng tầng đá xám, của đại ngàn hoang dã, cô liêu. Trong khi con sông Mã trắng ghềnh trắng thác, tương truyền nó chảy qua những mỏ bạc, nên có những khúc bọt hất lên trời như con bạch mã tung bờm lúc phi nước đại... Những dòng sông nghìn đời hiến dâng, kiến tạo, ôm ấp cả một vùng văn hóa sông nước đa tầng, thiêng liêng, phong phú và bí hiểm. Có người cho đấy là cái nền chung để tạo ra những sắc thái văn hóa tộc người riêng biệt, trong đó có nhiều trò chơi, nghi lễ, tập tục,... gắn với đời sống của những dòng sông.

Ngưng tụ những tinh chất Folklore

Ngày 6-3-2005, Chính phủ quyết định dành khoản kinh phí 2.600 tỷ đồng cho việc nâng cấp hơn 250km quốc lộ 6 lên Tây Bắc (Hà Nội - Sơn La). Hiển nhiên, con đường sẽ từng bước góp phần cải thiện mức sống cho gần 5 triệu người thuộc 33 dân tộc vùng Tây Bắc. Trong trường nghĩa khác, con đường đi qua một vùng văn hóa đa sắc tộc, có mùi ngai ngái của rêu đá nướng chấm với nặm pịa; có tiếng khèn bè như kể lể nỗi lòng, như sẻ san tâm sự cho bạn tri âm; đi qua những cánh rừng thấp thoáng bóng các cô gái Mông đang ngóng đợi người ấy đến “cướp” về làm dâu, có câu chuyện cổ “Bàn hồ - Bàn vương” bà kể bên bếp lửa đêm đông, có con sông vui cũng nổi sóng mà buồn cũng nổi sóng; con sông chảy từ đời này sang kiếp khác, chảy vào các tầng văn hóa và ngưng tụ lại những tinh chất lóng lánh thuần khiết Folklore (văn hóa dân gian).

Lễ tế thần sông Đà ở thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên_Ảnh: T.H.T

Xin nhắc lại câu ngạn ngữ không biết chính xác của dân tộc nào (nhiều người bảo của dân tộc Thái): “Xá ăn theo lửa, Thái ăn theo nước, Mông ăn theo sương mù”. Chỉ 13 âm tiết ngắn gọn vậy thôi, nhưng câu cách ngôn đã phản ánh được những nét văn hóa đặc trưng nhất về tập quán cư trú, sản xuất và sinh hoạt của 3 tộc người đại diện cho 3 nhóm ngôn ngữ: Môn - Khơme, Tày - Thái và Mông - Dao. Mỗi khi đọc truyện An Dương Vương bị Triệu Đà đánh cắp nỏ thần, ta lại nhớ đến một truyền thuyết của người Thái. Truyền rằng, quân Xá có tên mũi bịt đồng sắc nhọn, còn quân Thái chỉ có mũi tên tre. Thủ lĩnh Lạn Chượng bèn lập mưu tổ chức một cuộc thi bắn tên vào vách đá xem tên của ai sắc hơn. Tên của quân Xá gặp đá bật ra, trong khi tên của quân Thái thì “cắm” vào đá. Chả là trước đó Lạn Chượng sai quân quấn sáp ong vào mũi tên tre, nhờ đó mà tên dính được vào đá. Quân Xá thất bại, buộc phải đưa nhau vào những hẻm núi sinh sống, nhường phần đất màu mỡ, bằng phẳng trong các thung lũng vùng thấp cho quân Thái làm chủ, trong đó có cánh đồng Mường Thanh.

Sở hữu những phần đất với điều kiện canh tác thuận lợi, người Thái từng bước phát triển nền nông nghiệp lúa nước và ở đó, tiêu biểu trong hệ thống thủy lợi mương - phai - lái - lịn là cái cọn nước với trình độ cao của những cư dân đại diện cho nền văn minh thung lũng. Chẳng phải ngẫu nhiên mà trên mâm cúng cổ truyền của người Thái, bao giờ cũng có món xôi nếp và món cá nướng. Đó là cách bà con “trả ơn” những thửa ruộng vừa cấy lúa vừa thả cá - một loại hình canh tác cho thu nhập cao trên cùng một đơn vị điền thổ. Nhân đây, xin nhắc lại một sự kiện văn hóa xảy ra từ tháng 8-2003, đó là việc phát hiện những di chỉ khảo cổ tại công trường xây dựng Khu du lịch khoáng nóng U Va (xã Noong Luống, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên). Trong số các mẫu vật thu được, có khá nhiều hạt thóc cháy đã hóa thạch và một lưỡi cày bằng gang với hình thù hết sức lạ mắt. Theo báo cáo số 258/BC-VHTT, ngày 26-8-2003, của Viện Nghiên cứu Hán - Nôm, “về việc phát hiện di chỉ khảo cổ học trong khu vực hồ U Va thuộc bản U Va, xã Noong Luống, huyện Điện Biên”, những bằng chứng đó chứng tỏ cây lúa và nghề trồng lúa đã có ở thung lũng Mường Thanh không chỉ từ rất sớm, mà còn gián tiếp khẳng định chủ quyền cương vực đối với vùng đất biên thùy.

Lời kết

Bằng kinh nghiệm thực tế và những kiến thức chuyên sâu, ông Đoàn Văn Chì - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Điện Biên - đưa ra những khái luận gợi mở: rằng nếu cuộc sống vùng sông nước cho người Thái, người Kháng, người La Ha tài chế tác thuyền độc mộc hình đuôi én, kinh nghiệm bắt cá bằng bả độc, thì cuộc sống trên các triền núi lạnh lẽo lại dạy cho người Mông, người Dao, người Hà Nhì cách giữ ngọn lửa quanh năm trong bếp. Tận bây giờ người Mông vẫn duy trì phong tục ủ lửa trong những ngày tết, đồng bào quan niệm ngọn lửa đem lại hạnh phúc, ấm no và nhất là cảm giác thư thái, bình an. Vùng văn hóa Tây Bắc, tựu trung, đó là quê hương của một nền văn học (cả thành văn lẫn truyền khẩu) và vốn ca nhạc dân gian huy hoàng của mấy chục dân tộc anh em. Nào là những “Xống chụ xon xao”, “Khôn Lú - Nàng ủa”, “Bun Trai - Bun Nhinh”, “Nàng Dợ - Chà Tăng”, “A Thào - Nù Câu”, “Tiếng hát cưới xin”, “Tiếng hát mồ côi”, “Tiếng hát làm dâu”, “Tiếng hát cúng ma”... Hội phổ biến trong nhiều dân tộc, đó là hội xuống đồng, hội hoa ban, hội cầu mùa, hội cúng rừng... Lễ thì có xên bản xên mường, lễ cấp sắc, lễ cơm mới, lễ cúng nương và thậm chí lễ tạ ơn con trâu vì đã nỗ lực lao động giúp đỡ con người... Chắc trong chúng ta, ai cũng hơn một lần từng nghe giai điệu đằm thắm bởi bài hát “Mưa rơi” của dân tộc Khơ Mú trong lễ cầu mưa: “Mưa rơi cho cây tốt tươi/ Búp chen lá trên cành/ Rừng đẹp trăm hoa rung rinh theo gió...”. Trong ngày hội mừng măng mọc, trung tâm chú ý là một cây chuối có cắm (treo) các “con giống” kết bằng nan tre nhuộm phẩm màu, hoặc mô phỏng các loài hoa, các loại hạt ngũ cốc, trứng gia cầm. Suốt thời gian hành hội, có nơi bà con còn tổ chức hát giao duyên và múa tăng bu tăng bẳng thật vui nhộn...

Ngoài ra, về văn hóa cơ tầng, vẫn biết khi đã chạm đến một phạm trù đề tài rất lớn trên một địa bàn rất rộng: “Tây Bắc - vùng văn hóa 3 con sông”, không thể không đề cập các loại nhạc cụ, các mẫu tự cổ, trang phục truyền thống, các điệu múa, các món ẩm thực, kiến trúc nhà cửa, các truyền thuyết, phong tục cưới xin, ma chay, sinh đẻ, kiêng kị, cả những dụng cụ dùng trong sản xuất và sinh hoạt, vũ khí phòng vệ hoặc săn bắn... Tiếc là khuôn khổ bài báo có hạn, chúng tôi xin hẹn vào những dịp khác khi điều kiện cho phép.

***

Mùa du lịch hoa ban 2023 đã bắt đầu, có dịp lên với Tây Bắc, bạn sẽ được hòa mình vào hội chơi núi hái hoa thật lãng mạn. Trong cái ấm nóng của men rượu ngô nồng nàn, những điệu xòe, tiếng khèn, tiếng pí và cả những ánh mắt ngày xuân sẽ trở thành ngôn ngữ - một thứ ngôn ngữ tượng hình và giàu tính biểu cảm mà nếu yêu hết mình, thiết nghĩ, rồi khắc ai cũng hiểu.../.

10 August 2023
Tản văn
Hạnh phúc giản đơn (19/02/2025 13:59:36)
Những ngày hè cháy khát (11/07/2024 20:35:42)
Nguồn cội… (29/04/2024 10:22:58)