28/04/2025 | 19:04 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Vẽ batik - kiệt tác công nghệ của Indonesia

Đăng Bẩy
Trong các nghi lễ quốc tế, đoàn đại biểu Indonesia bao giờ cũng mặc trang phục batik - loại vải lụa có những hoa văn vui mắt và trang trọng...

Nghệ nhân vẽ batik tại làng Giriloyo, thành phố Yogyakarta, Indonesia_Ảnh: TL

Người Indonesia cổ xưa có một buổi lễ quan trọng: người phụ nữ đang mang thai và sắp sinh nở được quấn trong 7 mảnh vải batik vẽ tay. Các hoa văn mà những người thợ thủ công tạo ra được cho là sẽ bảo vệ bà mẹ tương lai và đứa con của thai phụ ấy khỏi những thế lực xấu xa. Nhiều nghi lễ khác cũng không thể thiếu batik: sinh, cưới, tử, chuyển giao quyền lực và tiến hành chiến tranh,... cũng đi kèm với việc những người tham gia mặc quần áo bằng vải batik được nhuộm một cách cầu kỳ.

Indonesia - nơi sinh của batik

Công nghệ batik có từ rất lâu đời - nguồn gốc của nó xuất phát từ thiên niên kỷ thứ 6 Trước công nguyên, sau đó trở thành nghề nhuộm vải ở Ai Cập. Nhưng ở dạng batik quen thuộc với thế giới ngày nay thì chỉ biết rằng nó xuất hiện ở Indonesia. Từ “batik” vốn có nghĩa chính là “một giọt sáp”, và điều này không phải ngẫu nhiên: sáp là cần thiết để có được các mẫu nhiều màu sắc rõ ràng, phức tạp - nó ngăn không cho thuốc nhuộm bị nhòe và trộn lẫn với nhau.

Nơi sinh của batik là đảo Java của Indonesia. Ở thời xa xưa đó, kể từ thế kỷ thứ 6, các loại vải dành cho những người cai trị và tầng lớp quý tộc đã được trang trí bằng nhiều phương cách khác nhau, nhưng được chọn sử dụng nhiều nhất là những màu sắc gây ấn tượng. Các màu sắc đều dùng phẩm nhuộm bắt nguồn từ những nguyên liệu thực vật địa phương, vì vậy ban đầu batik có màu đất - đen, chàm, nâu, vàng. Về sau, các truyền thống của batik đã được áp dụng tại bờ biển Java - ở đó các mẫu có màu sắc đa dạng hơn, nhưng về mặt kỹ thuật thì cũng đơn giản hơn nhiều. Vấn đề là thương mại hàng hải đã mở ra cơ hội mua nhiều loại thuốc nhuộm khác nhau và bán các sản phẩm được tạo ra với sự giúp đỡ của những thuốc nhuộm ấy. Nhưng điều quan trọng là người Indonesia còn biết sử dụng nguyên liệu sáp: việc khai thác sáp ở đây cũng không gặp bất kỳ khó khăn đặc biệt nào.

Những bức tượng của người Java từ thế kỷ thứ XII trở về sau cho phép chúng ta nhìn thấy những nét chạm trổ tinh vi được sử dụng vào trang trí hoa văn trên chất liệu vải trong thời xa xưa đó. Đối với công việc tỉ mỉ này, người Java sử dụng một công cụ đặc biệt gọi là tjanting, làm bằng đồng và tre, giống như một cây bút để viết. Sau khi được đun nóng, sắp lỏng được đổ vào ruột tjanting làm bằng đồng và rỉ qua một lỗ hẹp để bôi lên vải phù hợp với hình thức của mẫu cuối cùng. Sau khi phẩm màu đã khô, sáp được cắt hoặc loại bỏ bằng cách đun nóng trong nước, và các hoa văn mới được tạo ra bằng cách dùng tjanting để bôi phẩm màu tiếp theo. Sáp ngăn không cho phẩm màu thấm vào vải, từ đó giúp tạo nên các đường nét, đường viền hoa văn rõ ràng.

“Bức tranh thiêng liêng”

Các hoa văn khác nhau tùy thuộc vào khu vực mà vật trang trí được tạo ra, vào địa vị của chủ nhân tương lai mà tấm vải sẽ trở thành bộ quần áo chủ nhân sẽ mặc trên người. Ở Indonesia, cũng như một số nước châu Á khác, họ vẫn mặc xà rông - loại vải quấn quanh thắt lưng. Có những hoa văn chỉ có thể trang trí cho quần áo của đại diện các gia đình cầm quyền, quần áo ấy thường bằng lụa, đắt tiền về mọi mặt. Ví dụ, những bức vẽ như vậy bao gồm hình ảnh hoa sen, loài hoa được coi là rất thiêng liêng.

Mỗi hoa văn đều có tên riêng và có ý nghĩa sâu sắc, đóng vai trò quan trọng trong các nghi lễ. Có rất nhiều hoa văn dùng cho mọi trường hợp: khi một đứa trẻ cất tiếng chào đời, khi đứa trẻ lần đầu tiên chạm đất... Ấy là còn chưa kể đến những nghi thức phức tạp khác, khi đứa trẻ thay đổi trạng thái, cương vị trong xã hội. Batik được mặc trong cuộc sống hàng ngày và trong các ngày lễ, phục vụ như một dấu hiệu, dùng để nhận dạng, để xác định địa vị xã hội của một người thuộc về một lãnh thổ cụ thể nào. Những truyền thống này xuất hiện từ lâu và được bảo tồn thành công trong nhiều thế kỷ, bất chấp sự ra đời của thực dân châu Âu.

Khi các nhà hàng hải Hà Lan biết đến và đánh giá cao nghệ thuật cổ xưa này của Indonesia, batik cũng trở thành nhu cầu ở châu Âu. Thực dân đã biến việc sản xuất batik thành một ngành công nghiệp chính thức, mở rộng sản xuất thông qua việc sử dụng những khuôn mẫu bằng các lá đồng, giúp có thể bôi sáp và phẩm màu không phải bằng tay mà bằng cách ngâm vải vào bể. Sáp được phân phối trên vải, nơi khuôn đồng lá không che phủ nó, và sau khi đông đặc, nó ngăn chặn sự nhuộm màu của những khu vực này khi ngâm trong thuốc nhuộm.

Nghệ thuật cổ đại, phổ biến trong thế giới hiện đại

Kỹ thuật batik đã được công nhận ở nhiều quốc gia, được đánh giá cao tại Triển lãm thế giới và quần áo từ Indonesia với những đồ trang trí đặc trưng, đạt đến đỉnh cao của thời trang vào đầu thế kỷ thứ XIX và XX. Việc sản xuất batik chỉ bắt đầu bị suy giảm khi Indonesia bị đế quốc Nhật Bản chiếm đóng trong Thế chiến II, và sau khi giành độc lập vào năm 1945, nước này phải mất một thời gian để nghề thủ công truyền thống của địa phương được hồi sinh ở quy mô cũ.

Hiện tại, có một số công nghệ sản xuất batik mới, nhưng bản gốc, được vẽ bằng tay vẫn còn được duy trì, không bị lãng quên. Việc sản xuất batik thủ công, “batik tulis”, là một quá trình lâu dài, phải mất từ vài tháng đến 1 năm. Theo truyền thống, mỗi tấm vải “batik tulis” được bán theo từng mảnh có độ dài 2,25m. Ngoài ra, còn có một kỹ thuật nữa: vẽ tự do - trên vải trắng người ta vẽ một bức tranh ngẫu hứng. Trong trường hợp này, đơn giản là vải được ngâm trước bằng dung dịch muối để hạn chế sự lan rộng của phẩm màu và họa sĩ sử dụng thuốc nhuộm anilin.

Giờ đây, cư dân Indonesia mặc batik trong mọi trường hợp - trang phục như vậy là bắt buộc đối với các sự kiện chính thức của các nhà lãnh đạo nhà nước cũng như các sự kiện trang trọng trong đời sống của người Indonesia. Vào ngày 2-10-2009, vải batik của Indonesia đã được UNESCO đưa vào danh sách đại diện di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Do đó, ngày 2-10 được tuyên bố là một ngày lễ trong nước, Ngày Batik quốc gia.

Và cứ vào thứ sáu hằng tuần, nhân viên của tất cả các tổ chức ở Indonesia, đặc biệt là những người làm việc trong các cơ quan chính phủ, đều đến công sở làm việc trong trang phục được trang trí bằng batik - cho dù đó là áo sơ mi và áo cánh chung cho toàn thế giới hay sarong và mũ truyền thống của châu Á. Và mặc dù thực tế là các kỹ thuật gợi nhớ đến kỹ thuật của Indonesia đã phát triển ở các nơi khác trên thế giới, chủ yếu ở châu Phi, nhưng vải batik của người Java đã giành được tình yêu đặc biệt của những người yêu thích quần áo đẹp./.

 

14 August 2023
Tản văn
Hạnh phúc giản đơn (19/02/2025 13:59:36)
Những ngày hè cháy khát (11/07/2024 20:35:42)
Nguồn cội… (29/04/2024 10:22:58)