05/11/2024 | 22:27 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 - 7-5-2024): Vẹn nguyên giá trị với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc

Phong Như - Đặng Mai
Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 - 7-5-2024): Vẹn nguyên giá trị với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Đoàn cán bộ quận Đống Đa (Hà Nội) thắp hương tưởng nhớ các liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đồi A1_Ảnh: Đặng Mai
Trước thềm kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, đến bất kỳ nghĩa trang liệt sĩ nào ở Điện Biên cũng bắt gặp những dòng người thành kính dâng vòng hoa, thắp những nén hương lên đài tưởng niệm, lên từng phần mộ liệt sĩ. 70 năm đã đi qua, Chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn luôn vẹn nguyên giá trị với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

“Cái giá của bao sự hy sinh”

Tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đồi A1, trong nghi ngút khói hương chiều muộn, tôi bắt gặp người lính già trong sắc phục màu xanh áo lính ngồi bên một ngôi mộ chưa được xác định danh tính, tay run run chạm vào từng con chữ trên bia mộ. Tôi hỏi ông vài câu, nhưng đáp lại chỉ là ánh mắt đục chiều hoàng hôn rưng rưng.

Lặng yên hồi lâu, ông đưa tay vuốt sự nghẹn ngào nơi ngực áo cài những huân, huy chương rồi chỉ tay về phía vợ ông cùng cậu cháu trai đang thắp những nén nhang lên phần mộ của những người lính tử trận năm nào. Qua người vợ ông - bà Trần Thị Dung - tôi được biết ông là Dương Văn Lâm (95 tuổi), người trực tiếp tham gia vào Chiến dịch Điện Biên Phủ, giải phóng Mường Thanh.

Bà cho biết, ông bà quê ở xã Hưng Châu, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, đang ở tổ 4, phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ. Ông đi bộ đội từ năm 16 tuổi, ở đơn vị thuộc Cục Quân giới - nơi nghiên cứu sản xuất, sửa chữa các loại vũ khí phục vụ cho kháng chiến. Ông bà yêu nhau từ những năm tháng đó. 

Khi Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc với chiến thắng lẫy lừng, ông được nghỉ phép 1 tuần. Ông bà cưới nhau vào dịp đó, rồi ông trở lại Điện Biên chuyển ngành làm ở Ủy ban nhân dân huyện Điện Biên.

Sau 4 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, năm 1958, ông đón bà lên Điện Biên. Thuở ấy ông bảo bà, ông muốn sống ở Điện Biên, bởi nơi đây gắn bó với ký ức hào hùng trong những năm tháng thanh niên hừng hực sức trẻ, nhiệt huyết của ông; nơi đây ông cũng được gần nhiều đồng đội, cả những người còn sống và những người đã ngã xuống. Từ đó đến giờ, ông bà gắn bó với Điện Biên, các con cháu của ông bà cũng cơ bản lập nghiệp tại đây, gắn bó với mảnh đất này.

Ông luôn nói, ông là người thật may mắn được sống đến ngày hôm nay, được chứng kiến bao bom đạn ác liệt một thời nay chỉ còn là dấu tích; được thấy Điện Biên gian khổ, thiếu thốn ngày nào mỗi năm lại “thay da, đổi thịt”. Kết thúc câu chuyện, bà cầm tay ông, giọng nghẹn ngào: “đúng thật cô ạ, hòa bình hôm nay là cái giá của bao sự hy sinh”.

Bài học xương máu không thể quên

Như người lính già kia, Đại tá Nguyễn Hữu Tài - nhân chứng trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ 70 năm trước, nguyên Chủ nhiệm chính trị Trung đoàn 209 (Trung đoàn Sông Lô) thuộc Đại đoàn 312 anh hùng - cũng luôn một mực khẳng định mình thật may mắn. 

Ông bảo, "tôi là một người may mắn “trời còn để có hôm nay”, 95 năm tuổi đời, 77 năm tuổi Đảng, 47 năm tuổi quân ngũ, tôi không bao giờ quên được những năm tháng ấy, không bao giờ quên được bài học xương máu mà những sĩ quan chỉ huy, những đồng đội, đồng chí đã để lại cho chúng tôi sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Đó là bài học chống hữu khuynh tiêu cực, nâng cao quyết tâm giành toàn thắng cho chiến dịch do Đảng ủy Mặt trận và các cấp ủy đảng lãnh đạo”.

Ngày đó, khi thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, tình hình mặt trận có nhiều khó khăn. Ông cho biết, sau nhiều ngày đêm kéo pháo vào, kéo pháo ra, xây dựng trận địa, nhiều đêm không ngủ, ăn uống lại thiếu thốn, các cán bộ hết sức lo lắng, một số có biểu hiện tiêu cực và thiếu tin tưởng khi chiến dịch kéo dài. 

Các biểu hiện của tư tưởng hữu khuynh tiêu cực phổ biến là ngại gian khổ, ngại chiến đấu dài ngày, thiếu sâu sát và quan tâm đến đời sống của chiến sĩ, cá biệt có biểu hiện bi quan dao động muốn lui về phía sau nghỉ ngơi...

Trước những biểu hiện đó, Đảng ủy và Bộ Chỉ huy Mặt trận mở Hội nghị sơ kết sau 2 đợt tiến công, rút kinh nghiệm các trận đánh vừa qua và bàn các biện pháp chiến đấu bảo đảm cho chiến dịch toàn thắng, trong đó có cuộc vận động chính trị: “Nâng cao quyết tâm, khắc phục tư tưởng hữu khuynh tiêu cực, bảo đảm chiến dịch toàn thắng”. 

Qua Hội nghị, mọi người đều thấm thía những khuyết điểm, thấy rõ những lời phê bình, nhận xét nghiêm khắc nhưng chí tình của Đại tướngVõ Nguyên Giáp - Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy Mặt trận của chiến dịch Điện Biên Phủ - là cần thiết để tiếp sức cho từng người hoàn thành nhiệm vụ.

Bài học đó khắc sâu vào tâm trí, theo ông trong suốt cuộc đời binh nghiệp. Để đến hôm nay, ông đem bài học đó truyền đến các thế hệ tiếp nối, cho chúng tôi thấm thía: vinh quang này, hòa bình và tự do độc lập này chỉ có thể vững bền khi chúng ta ý thức được sâu sắc trách nhiệm của mình với Tổ quốc, không dao động trước những luận điệu chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trước sự gieo rắc hoài nghi đối với lịch sử đất nước của thế lực thù địch...

“Khắc ghi những dâng hiến, hy sinh”

Ông Đinh Trường Thọ - Thành ủy viên, Bí thư Quận ủy Đống Đa (Hà Nội), trưởng đoàn công tác của Quận ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân quận Đống Đa - tới Điện Biên bồi hồi chia sẻ: để làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ, lớp lớp người đã ngã xuống. Nơi chúng ta đứng đây, mỗi tấc đất đều nhuộm máu các chiến sĩ, cán bộ, quân dân ta.

Ông cho biết, quận Đống Đa cũng có nhiều liệt sĩ, thương bệnh binh, anh hùng từng tham gia thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Trong đó, số liệt sĩ trực tiếp tham gia vào Chiến dịch Điện Biên Phủ là 22 người. Ghi dấu chiến thắng này, quận có những ngôi trường mang tên các anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, liệt sĩ đã hy sinh, góp công lớn vào chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, đó là Trường Trung học cơ sở Bế Văn Đàn, Trường Tiểu học Tô Vĩnh Diện, Trường Trung học cơ sở Tô Vĩnh Diện. 

Hằng năm, quận Đống Đa cũng triển khai những hoạt động “đền ơn, đáp nghĩa” với gia đình có công với cách mạng, trong đó có những gia đình thân nhân của các cán bộ, chiến sĩ, liệt sĩ tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trong chuyến công tác tại Điện Biên lần này, đoàn công tác của Quận ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân quận Đống Đa đã sắp xếp thời gian gặp gỡ, tri ân các lão thành cách mạng, các nhân chứng lịch sử trong trận chiến Điện Biên Phủ tại tỉnh Điện Biên. Ngoài những phần quà tri ân, đoàn trao tặng 300 triệu đồng cho Trường Mầm non Tủa Thàng số 1, chia sẻ với huyện Tủa Chùa trong xây dựng, cải tạo cơ sở vật chất của ngôi trường.

Đối với ông Lê Tuấn Định - Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch ủy ban nhân dân quận Đống Đa - chuyến công tác mang nhiều ý nghĩa thiết thực. Tại không gian của mảnh đất lịch sử, được gặp gỡ, chia sẻ với các lão thành cách mạng, nhân chứng lịch sử trong trận chiến Điện Biên Phủ, đoàn công tác có cơ hội nhận thức đầy đủ, chân xác hơn về tầm vóc, ý nghĩa, sức lan tỏa sự kiện lịch sử Điện Biên Phủ; từ đó tự hào hơn về dân tộc, đất nước, khắc ghi những dâng hiến, hy sinh của cha anh trên mỗi tấc đất của chiến trường này./.

Chủ đề: Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ
6 May 2024
Tản văn
Những ngày hè cháy khát (11/07/2024 20:35:42)
Nguồn cội… (29/04/2024 10:22:58)
Vết sẹo (17/04/2024 17:02:17)