05/02/2025 | 13:41 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang: Tích cực bài trừ, loại bỏ hủ tục lạc hậu

NGUYỄN THỊ THU HƯƠNG
Với nhiều dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang đang tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số bài trừ, loại bỏ những hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu.

Cán bộ huyện Quang Bình tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho hội viên Hội Nàng dâu tự quản họ Nguyễn Bảo Quang, thôn Hạ Thành, xã Bằng Lang, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang_ Ảnh: Thanh Hải

Để phát huy tác dụng, hiệu quả của phong trào, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức của huyện, mỗi cán bộ, đảng viên đều có trách nhiệm gương mẫu, đi đầu trong việc thực hiện. Từ đó, phong trào có sức thuyết phục mạnh mẽ và tạo được sự lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng. Đồng bào các dân tộc thiểu số đều đồng tình, ủng hộ và tích cực tham gia bài trừ, xóa bỏ những hủ tục rườm rà, nhiêu khê, lạc hậu trong cộng đồng.

Tuyên truyền, vận động, nêu cao tinh thần gương mẫu của cán bộ, đảng viên

Những năm gần đây, huyện Quang Bình luôn thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống. Trên địa bàn huyện, những lễ hội văn hóa dân gian, nghề thủ công truyền thống, phong tục cổ truyền, độc đáo,... của đồng bào các dân tộc thiểu số, như Mông, Dao, Tày,... đều được quan tâm bảo tồn và gìn giữ. Song do nhiều nguyên nhân khác nhau, ở một số thôn, bản còn tồn tại những phong tục, tập quán rườm rà, lạc hậu, gây ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống và kinh tế của các hộ gia đình, đặc biệt là ở khu vực vùng sâu, vùng xa. Tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, mê tín dị đoan, uống rượu nhiều, giết mổ nhiều gia súc, gia cầm trong đám cưới, đám tang, lễ hội,... là những hủ tục lạc hậu không chỉ gây tốn kém, lãng phí tiền bạc mà còn ảnh hưởng đến cuộc sống, sức khỏe, hoạt động sản xuất và sự phát triển giống nòi.

Trước thực trạng đó, Huyện ủy Quang Bình thành lập Ban Chỉ đạo 602 về xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh, tiến bộ ở các thôn, bản của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện. “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc”, song không thể để những phong tục, tập quán lạc hậu gây tác hại, ảnh hưởng đến cuộc sống còn nhiều khó khăn của người dân. Chính vì vậy, toàn bộ hệ thống chính trị huyện Quang Bình đã vào cuộc, quyết tâm tạo ra những chuyển biến tích cực nhằm giảm thiểu tác hại và loại bỏ những hủ tục, phong tục lạc hậu ra khỏi cộng đồng. Tất cả các xã, thị trấn trong huyện đều thành lập ban chỉ đạo thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng đời sống văn hóa - xã hội lành mạnh, văn minh, tiến bộ. Các xã, thị trấn đều tích cực tổ chức những cuộc hội thảo, gặp mặt để trưng cầu, tiếp thu ý kiến của các nghệ nhân dân gian, người có uy tín ở các thôn, bản,... nhằm bài trừ, loại bỏ những hủ tục, phong tục, tập quán cổ hủ, lạc hậu ra khỏi đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân, xây dựng nếp sống văn minh, lành mạnh, tiến bộ ở tất cả các thôn, bản trên địa bàn.

Trong lĩnh vực văn hóa, tinh thần, Ban Dân vận Huyện ủy và Ban Tuyên giáo Huyện ủy thường xuyên phối hợp với các xã, thị trấn thực hiện 2 nhiệm vụ song hành. Một mặt, tập trung làm tốt công tác vận động, tuyên truyền nhằm bài trừ những hủ tục, tập tục lạc hậu ra khỏi cuộc sống người dân. Mặt khác, gạn lọc, giữ gìn, bảo tồn những giá trị văn hóa bản sắc, truyền thống, tinh hoa của đồng bào các dân tộc thiểu số. Chính quyền và các đoàn thể tập trung tuyên truyền, vận động đồng bào xóa bỏ các tập tục lạc hậu, nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết, thực hiện nếp sống văn minh, lành mạnh trong tổ chức lễ cưới, lễ tang và lễ hội, đồng thời bài trừ thói mê tín, dị đoan, thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao đời sống, thu nhập, phát triển kinh tế gia đình. Cơ quan tuyên giáo, dân vận của huyện và các xã, thị trấn còn đẩy mạnh việc phổ biến, tuyên truyền, nâng cao ý thức cảnh giác của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số trước âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch với những thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt, lợi dụng vấn đề văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng,... để chống phá Đảng, Nhà nước.

Thực hiện trách nhiệm nêu gương, cán bộ, hội viên Hội Liên hiệp phụ nữ huyện, xã luôn gương mẫu, đi đầu trong việc thực hiện xóa bỏ các hủ tục lạc hậu trong lễ cưới, tang lễ và ký cam kết không để con em tảo hôn. Các xã, thị trấn đều xây dựng những mô hình bài trừ hủ tục lạc hậu như: “Nói không với tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống”, “Phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, bạo lực gia đình”... Tại thôn Khuổi Cuốm, Hội Phụ nữ xã Yên Hà ra mắt mô hình “Hội nàng dâu họ Giàng tham gia xóa bỏ hủ tục lạc hậu”. “Nghị quyết” của dòng họ Giàng là không tổ chức kết hôn khi chưa đủ tuổi quy định, không gả con cho anh em có cùng dòng máu trực hệ, không thách cưới quá 20 triệu đồng, không làm lễ cúng để chữa bệnh... Đặc biệt, đối với đám tang, mỗi gia đình chỉ giết mổ 1 con đại gia súc...

Trong lĩnh vực giáo dục, các trường học của huyện đều chú trọng đến việc tuyên truyền bài trừ, xóa bỏ hủ tục lạc hậu. Liên đội Trường Trung học cơ sở Tân Bắc tổ chức hội thi truyền thông với tên gọi “Tảo hôn” nhằm tuyên truyền về những tác hại, hậu quả của vấn nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết. Các tiểu phẩm tham gia hội thi đã phản ánh nhiều khía cạnh khác nhau về mối nguy hại của nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết đối với cuộc sống, sức khỏe bà mẹ, trẻ em, chất lượng dân số... Tảo hôn là một rào cản đáng kể đối với sự phát triển, tiến bộ của vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hội thi đã tác động, tạo sự lan tỏa, nâng cao nhận thức của các em học sinh, gia đình, cộng đồng và toàn xã hội, góp phần tích cực vào việc bài trừ những tệ nạn, hủ tục lạc hậu trong việc cưới hỏi, hôn nhân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện.

Tích cực bài trừ hủ tục lạc hậu trong cộng đồng

Thôn Đồng Tâm, xã Yên Thành là nơi sinh sống của 21 hộ dân đồng bào người Mông và 65 hộ dân đồng bào người Dao. Theo tục lệ cũ, người dân trong thôn thường mời thầy mo đến nhà cúng lễ khi ốm đau, giết mổ nhiều động vật trong lễ cưới, lễ tang... Từ khi được chính quyền và các đoàn thể vận động, tuyên truyền, người dân thôn Đồng Tâm đã thay đổi nhận thức, từng bước từ bỏ các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu. Ông Phàn Văn Thanh - một thầy cúng trong thôn - cho biết: “sau khi tham gia hội thảo của xã về xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu, tôi hiểu rõ tác hại của những hủ tục lạc hậu, nên khi người dân mời đến nhà làm lễ cúng khi ốm đau, tôi đã giải thích và khuyên mọi người nên đến bệnh viện để khám bệnh”. Không làm theo tục lệ như trước, giờ đây trong lễ cúng, đám ma, đám cưới, ông Thanh đều bàn bạc với gia đình chủ sự nên hạn chế việc giết mổ gia súc, gia cầm, làm lễ nhanh gọn, giảm bớt thủ tục nhiêu khê, phức tạp, rườm rà.


Để triển khai có hiệu quả Chỉ thị của Tỉnh ủy Hà Giang về bài trừ hủ tục, phong tục lạc hậu, nội dung của Chỉ thị đều được lồng ghép vào các buổi sinh hoạt chi bộ và họp thôn. Thông qua đó, đảng viên, người dân hiểu rõ tác hại, hậu quả trước mắt và lâu dài của những hủ tục, phong tục lạc hậu. Từ đó, đảng viên, cán bộ thôn, bản thay đổi nhận thức, nếp nghĩ, thói quen, gương mẫu, đi đầu và vận động bà con trong thôn, bản loại bỏ những phong tục, tập quán cổ hủ, nghi thức rườm rà, lạc hậu ra khỏi đời sống cộng đồng.

Với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, gần đây, công tác vận động, tuyên truyền xóa bỏ các hủ tục, phong tục lạc hậu tại các xã, thị trấn ở huyện Quang Bình đạt được những kết quả tích cực. Hầu hết các hộ gia đình đã thực hiện việc tổ chức đám cưới, lễ hỏi với nghi thức đơn giản, tiết kiệm, đúng luật... Năm 2022, thị trấn Yên Bình và nhiều xã như Xuân Giang, Xuân Minh, Vĩ Thượng,... không còn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, tục lệ thách cưới cao, tổ chức đám cưới kéo dài, giết mổ nhiều trâu, bò, ăn uống linh đình gây tốn kém, lãng phí... Các hủ tục như đi lễ, trả lễ, làm cây hoa,... cũng dần được xóa bỏ.

Trong đời sống thường ngày, nhận thức của người dân các dân tộc thiểu số về vệ sinh, môi trường từng bước được nâng cao. Người dân tích cực, chủ động làm chuồng trại nuôi nhốt gia súc xa nơi nhà ở, không thả rông gia súc, xây dựng hố chứa chất thải, lò đốt rác, không xả rác, nước thải trực tiếp ra môi trường tự nhiên... Để tránh ô nhiễm môi trường, nguồn nước, thực hiện nếp sống văn hóa mới, canh tác, sản xuất nông nghiệp khoa học, văn minh, người dân ở các thôn bản đều ngừng việc sử dụng thuốc diệt cỏ, thuốc bảo vệ thực vật không bảo đảm quy trình, từng bước ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, chăn nuôi theo hướng phát triển bền vững.

Với nhận thức đây chỉ là những thành tích, kết quả ban đầu, ngay trong đầu năm 2023, Ban Chỉ đạo 602 của huyện Quang Bình ban hành Kế hoạch đột phá thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh. Cùng với việc đề cao vai trò, tinh thần trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu, phong trào vận động, tuyên truyền của huyện luôn đề cao tinh thần đoàn kết, đồng thuận, vai trò của các tổ chức hội, người già, người có uy tín tại các thôn, bản, khu dân cư. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng của huyện cũng chú trọng đổi mới hình thức, nội dung tuyên truyền, ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, sử dụng có hiệu quả các thiết chế văn hóa,... trong việc vận động nhân dân xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu./.

5 August 2023
Tản văn
Những ngày hè cháy khát (11/07/2024 20:35:42)
Nguồn cội… (29/04/2024 10:22:58)
Vết sẹo (17/04/2024 17:02:17)