26/04/2025 | 07:43 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Hang “Hỏa Tiễn” và 22 nữ liệt sĩ tuổi thanh xuân

NGUYỄN THỜI
Hang “Hỏa Tiễn” và 22 nữ liệt sĩ tuổi thanh xuân Du khách nghe giới thiệu về Cụm di tích hang Hỏa Tiễn thuộc khối Tân Hùng, phường Quỳnh Thiện, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An_Ảnh: baonghean.vn
Ngày 28-4-1966, trong lúc đang làm nhiệm vụ tại thôn Tân Hùng, xã Quỳnh Thiện, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An (nay thuộc khối Tân Hùng, phường Quỳnh Thiện, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An), các chiến sĩ Tổ 4, C271, Đội 27 thuộc lực lượng thanh niên xung phong đường sắt nghe báo động có máy bay địch nên vội xuống hang Kin (hang Hỏa Tiễn) tạm lánh. Phát hiện mục tiêu, không quân Mỹ dã tâm phóng 2 loạt hỏa tiễn vào nơi trú ẩn khiến 33 chiến sĩ hy sinh, trong đó có 22 nữ chiến sĩ tuổi đời còn rất trẻ.


Những nữ liệt sĩ tuổi đời mười tám

Trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An có một vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng. Đây là nơi tuyến quốc lộ 1A và đường sắt Bắc Nam bắt đầu đi vào xứ Nghệ. Dưới là biển, trên là rừng núi, thị xã Hoàng Mai có nhiều vật liệu, sỏi đá phục vụ cho việc san lấp, sửa chữa, khôi phục các đoạn đường bị tàn phá bởi đạn bom. Với vị trí địa lý chiến lược, Bộ Chính trị xem Hoàng Mai là một cứ điểm quan trọng để tiến hành các hoạt động chi viện cho chiến trường miền Nam. Nhiều đơn vị quân đội và lực lượng thanh niên xung phong được điều động, đồn trú ở khu vực này để bảo vệ 2 tuyến giao thông trọng yếu, huyết mạch.

Cùng với đường bộ, đường biển, trong chiến tranh chống Mỹ, đường sắt là tuyến đường quan trọng trong việc vận chuyển đạn dược, lương thực, thuốc men chi viện cho tiền tuyến. Vì vậy, sau khi tiếp nhận một số đơn vị thanh niên xung phong từ Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, ngày 27-4-1965, Bộ Giao thông Vận tải đã thành lập đơn vị C271, Đội 27 gồm 150 chiến sĩ, thuộc quân số của Tổng cục Đường sắt. C271, Đội 27 có nhiệm vụ bảo đảm giao thông thông suốt cho tuyến đường sắt huyết mạch chạy qua khu vực Thanh Hóa - Vinh, trong đó Hoàng Mai là một trong những cung, đoạn quan trọng nhất.

C271 được phiên chế thành nhiều tổ, đội khác nhau. Mỗi tổ, đội phụ trách một khu vực, thực hiện một nhiệm vụ. Tổ 4, C271, Đội 27 có 36 chiến sĩ, gồm 14 nam và 22 nữ, với nhiệm vụ được giao là xây dựng đoạn đường vào ga Hoàng Mai và khắc phục những sự cố do bom đạn trên tuyến đường sắt, bảo đảm an toàn cho những chuyến tàu hướng về miền Nam thân yêu. Cùng một đơn vị, cùng trang, cùng lứa, cùng cống hiến tuổi xuân cho quê hương, đất nước, nhưng 36 chiến sĩ của Tổ 4 đến từ các miền quê khác nhau như: Thừa Thiên Huế, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Thái Bình..., nhiều nhất là ở tỉnh Hà Nam. Với tuổi đời còn rất trẻ, chỉ mười tám, đôi mươi, hồn nhiên, trong trắng, nhưng các chiến sĩ thanh niên xung phong không hề sợ hãi trước những vũ khí tối tân, lợi hại của kẻ thù. Mặc bom rơi, đạn nổ, các chiến sĩ ngày đêm bám trụ trên 2 tuyến đường huyết mạch. Khi địch ngừng không kích, vừa ngớt tiếng bom rơi là các chiến sĩ lại cùng khoác súng lên vai, xúc đá, sửa ray, rải nhựa, vá đường..., vừa làm vừa hát, không quản ngại gian lao, nguy khó.

Sáng ngày 28-4-1966, trong lúc đang khẩn trương khôi phục đoạn đường sắt chạy qua khu vực gần hang Kin - một hang động tự nhiên nằm trong dãy núi Eo Kin thuộc thôn Tân Hùng, xã Quỳnh Thiện, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An (nay thuộc khối Tân Hùng, phường Quỳnh Thiện, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An) - nghe tiếng máy bay Mỹ điên cuồng gầm rú trên bầu trời, các anh, các chị vội chạy vào hang trú ẩn. Thế nhưng, không quân Mỹ phát hiện mục tiêu, chúng liền phóng 2 loạt hỏa tiễn trúng miệng hang nơi 33 chiến sĩ đang trú ẩn. Hai tiếng nổ sấm sét vang lên, mặt đất rung chuyển, đá lở ào ào, khói bụi bay mù mịt và sau đó là những tiếng kêu đau đớn vọng lên từ chốn hang sâu. Ngay lập tức, các đơn vị bộ đội phối hợp với dân quân và các tổ, đội thanh niên xung phong khẩn trương ứng cứu. Khi một phần cửa hang được mở ra, bên trong là một cảnh tượng kinh hoàng, đau thương khủng khiếp. Thi thể của 33 chiến sĩ thanh niên xung phong nằm ngổn ngang, không một ai hình hài còn nguyên vẹn, trong đó tất cả 22 nữ chiến sĩ của Tổ 4 đều hy sinh. Nữ liệt sĩ trẻ nhất là Nguyễn Thị Lụa chỉ mới 17 tuổi và 5 nữ liệt sĩ hy sinh khi mới 18 tuổi đều cùng quê ở huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Để khắc cốt, ghi tâm một sự kiện quá đỗi thương đau, một tội ác chiến tranh vô cùng man rợ; để tưởng nhớ các liệt sĩ đã dâng trọn tuổi thanh xuân cho quê hương, đất nước, người dân nơi đây đặt tên cho hang Kin là hang “Hỏa Tiễn”.

Tưởng nhớ, ghi nhận và tri ân các liệt sĩ

Từ khu nhà tưởng niệm liệt sĩ nằm sát quốc lộ 1A, ông Nguyễn Bá Hào - Trưởng Ban Tuyên giáo Thị ủy Hoàng Mai - dẫn chúng tôi đi vào Nghĩa trang Liệt sĩ Đường sắt (Khu vực Hoàng Mai). Trên con đường nhỏ rải đá dăm, đoàn chúng tôi bước đi trong lặng lẽ. Hai bên đường là những bụi cây gai cao ngang lưng người. Xa xa, những cánh rừng bạch đàn xanh rợp trên những ngọn đồi trùng điệp. Trời xứ Nghệ trong xanh bao la, một đàn chim chao liệng giữa trời lộng gió. Núi rừng, cảnh vật đẹp tươi, thanh bình trong nắng... Nhưng có ai biết rằng, nơi đây năm xưa đã từng hứng chịu biết bao trận oanh kích đẫm máu của không quân Mỹ. Cũng chính tại nơi này, ngày 28-4-1966, 2 loạt hỏa tiễn định mệnh đã cướp đi sinh mạng của 33 chiến sĩ thanh niên xung phong giữa lúc sức xuân còn đang căng tràn, tuổi xuân còn đang phơi phới.


Bia tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh tại hang Hỏa Tiễn_Ảnh: baonghean.vn

Năm 2003, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định công nhận danh hiệu liệt sĩ cho các chiến sĩ thanh niên xung phong đường sắt thuộc Tổ 4, C271, Đội 27 và cấp bằng Tổ quốc ghi công, công nhận công lao, đóng góp của các liệt sĩ. Để tưởng nhớ, tri ân các chiến sĩ thanh niên xung phong đường sắt đã hy sinh cho Tổ quốc, năm 2007, ngành đường sắt đã xây dựng một cụm di tích lịch sử gồm 3 hạng mục công trình: Nhà bia hang Hỏa tiễn, Nghĩa trang Liệt sĩ Đường sắt, Nhà tưởng niệm 33 liệt sĩ thanh niên xung phong đường sắt.

Khu yên nghỉ của các liệt sĩ nằm giữa một rừng cây trên một ngọn đồi thấp. Ven sườn đồi thoai thoải những khóm hoa dại màu trắng đua nhau mọc. Được xây cất gọn gàng và xếp thành hàng ngay ngắn trong nghĩa trang, các ngôi mộ ở đây đều có bài vị ghi tên tuổi, quê quán rõ ràng. Kể thêm về các liệt sĩ, ông Hào cho biết: “có 4 liệt sĩ hy sinh ở dưới hang còn chưa tìm thấy thi thể. Vì thế, có mấy ngôi mộ chỉ có tên tuổi các liệt sĩ mà không có hài cốt bên trong. Liệt sĩ Nguyễn Ngọc Lâm bị đá chèn chưa đưa ra khỏi hang được nên ở đây chỉ có 32 ngôi mộ”.

Cách nghĩa trang không xa là hang Hỏa Tiễn. Trước cửa hang có nhà bia tưởng niệm, miếu thờ và những tấm bia đá ghi đầy đủ thông tin về các liệt sĩ thuộc Tổ 4, C271, Đội 27 thanh niên xung phong đường sắt. Sự kiện đau lòng ngày 28-4-1966 được ghi đầy đủ trên một tấm bia đá lớn. Bên trong cửa hang, trên vách đá vẫn còn nguyên những vết cày sâu của 2 loạt hỏa tiễn năm nào. Hang tối sâu thẳm, dưới kia vẫn còn những liệt sĩ nằm đó... Ông Đặng Ngọc Kim - người trông coi Cụm di tích lịch sử hang Hỏa Tiễn - cho biết: “hằng năm, vào các ngày 28-4, 30-4 và 27-7, chính quyền và nhân dân địa phương đều tổ chức các đoàn đến hang Hỏa Tiễn thắp hương tưởng niệm, tri ân các liệt sĩ”. Cứ đến ngày mùng một, ngày rằm, ngày giỗ, ông Kim đều chuẩn bị lễ vật, trái cây, hoa trắng thắp nén hương thơm để tưởng nhớ, tri ân các liệt sĩ. Vào ngày giỗ, dịp lễ tết, dù đường xa, nhiều thân nhân của các liệt sĩ cũng đến đây thắp hương, lễ bái, cầu an.

Với chiến thắng ngày 30-4 lịch sử, cuộc chiến đau thương 30 năm đã kết thúc, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, Bắc Nam một nhà. Chiến thắng này có công lao, đóng góp của biết bao chiễn sĩ đã anh dũng chiến đấu và hy sinh trên các mặt trận, các tuyến đường lửa đạn, trong đó có các liệt sĩ thuộc lực lượng thanh niên xung phong đường sắt. Để tưởng nhớ, tri ân các liệt sĩ đã dâng trọn tuổi xuân cho quê hương, đất nước, tỉnh Nghệ An, thị xã Hoàng Mai phối hợp với ngành đường sắt đang có kế hoạch tôn tạo, nâng cấp các hạng mục trong quần thể Cụm di tích lịch sử hang Hỏa Tiễn.

Với biển trời, nước non đẹp tươi, hùng vĩ, cùng với đền Cờn nổi tiếng linh thiêng, dự án tôn tạo, nâng cấp Cụm di tích lịch sử hang Hỏa Tiễn sẽ đóng góp tích cực vào việc khai thác, phát triển du lịch, làm phong phú thêm các sản phẩm du lịch ở thị xã Hoàng Mai. Không dừng lại ở đó, Cụm di tích lịch sử hang Hỏa Tiễn còn có giá trị đối với việc giáo dục các thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử, tinh thần yêu nước cao đẹp, sẵn sàng hy sinh, dâng hiến tuổi xuân cho quê hương, đất nước của các thế hệ thanh niên đi trước./.

13 June 2023
Tản văn
Hạnh phúc giản đơn (19/02/2025 13:59:36)
Những ngày hè cháy khát (11/07/2024 20:35:42)
Nguồn cội… (29/04/2024 10:22:58)