Đại tướng với làng biển Lý Hòa
Mai Nam Thắng
Thiếu tướng Phan Khắc Hải hướng dẫn Đại tướng Võ Nguyên Giáp tham quan triển lãm ảnh “Người chiến sĩ hôm nay” do Báo Quân đội nhân dân tổ chức tại Hà Nội, ngày 22-12-1994_Ảnh: Trần Hồng
Lý Hòa văn võ địa linh
Dãy Trường Sơn hùng vĩ như bức tường thành phên dậu phía Tây của Tổ quốc, khi về đến địa giới giữa 2 tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình thì đột ngột trổ ngang một nhánh chạy ra Biển Đông, tạo nên dãy Hoành Sơn kỳ vĩ và thơ mộng mà điểm cuối cùng là những địa danh nức tiếng: Đèo Ngang, Vũng Chùa, Đảo Yến... Tiếp tục mạch kiến tạo hướng về Nam, khi về đến vùng Phong Nha - Kẻ Bàng, dãy Trường Sơn lại trổ tiếp một nhánh ngang ra biển. Đó là dãy núi Lệ Đệ mà điểm cuối cùng của nó khi gặp Biển Đông cũng có nhiều danh thắng nổi tiếng: đèo Lý Hòa, động Chùa Hang, bãi Đá Nhảy...
Dưới chân đèo Lý Hòa là làng biển Lý Hòa, tên hành chính là xã Hải Trạch (nhất làng nhất xã) thuộc huyện Bố Trạch. Đây một ngôi làng thượng sơn hạ thủy được sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn miêu tả là “dư khí của núi Lệ Đệ rủ xuống thành một bãi cát bằng, nổi cao mở rộng, dân cư ở ngang bãi trông về hướng Nam, nhân dân thịnh vượng đến hơn nghìn người”. Lịch sử hơn 300 năm khai canh lập làng của người dân Lý Hòa luôn gắn liền với nghề đánh cá biển và buôn bán, mà theo sách Phủ biên tạp lục thì từ thời Chúa Nguyễn đã “tục quen mua bán, bình thời vào Gia Định đóng thuyền lớn đến trăm chiếc, mỗi chiếc đến hơn nghìn quan...”.
Không chỉ giỏi giao thương buôn bán, Lý Hòa còn là làng văn hiến có nhiều người đỗ đạt, làm quan. Tiêu biểu như gia tộc Tiến sĩ Nguyễn Duy Cần từ năm Tân Sửu (1841) đến năm Canh Tuất (1910) có tới 7 đại khoa thuộc 3 thế hệ là những cử nhân, tiến sĩ, phó bảng,... được tấn phong nhiều chức trọng trong triều đình. Ngày nay, có người ví Lý Hòa như “Hồng Kông của Quảng Bình” vì sự nhạy bén và hiệu quả trong cơ chế thị trường và làm ăn. Đồng thời, Lý Hòa cũng là quê hương của nhiều vị tướng lĩnh và cán bộ cấp cao đã và đang công tác trên nhiều lĩnh vực, từ địa phương đến Trung ương...
Ân tình của Đại tướng
Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã 2 lần về Lý Hòa vào những năm 60 của thế kỷ trước và có nhiều ấn tượng về ngôi làng đặc biệt này. Điều đó đã được chính Đại tướng kể vào ngày 22-12-1994 tại cuộc triển lãm ảnh “Người chiến sĩ hôm nay” do Báo Quân đội nhân dân tổ chức tại Hà Nội, chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Lễ khai mạc triển lãm vinh dự được đón Chủ tịch nước và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến dự. Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân lúc đó là Thiếu tướng Phan Khắc Hải (sau này là Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam) - một người con của làng biển Lý Hòa. Hôm đó Đại tướng rất vui, lần lượt đi xem tất cả các phòng trưng bày. Đến phòng nào Đại tướng cũng rất chăm chú xem từng bức ảnh, cả những dòng chú thích. Rồi Đại tướng vui vẻ bắt tay chúc mừng các tác giả và ban tổ chức triển lãm đang vây quanh vị Đại tướng, Tổng tư lệnh kính mến. Đến lượt Thiếu tưởng Phan Khắc Hải, Đại tướng ân cần hỏi: “đồng chí Tổng Biên tập quê ở đâu?”. “Thưa Đại tướng! Tôi quê ở làng Lý Hòa, xã Hải Trạch...”. Mới nghe đến đây, Đại tướng vui vẻ ồ lên: “Lý Hòa có bãi tắm Đá Nhảy rất đẹp. Mùa hè nước trong xanh, mát lạnh, cát trắng mịn,... nay là một thắng cảnh quốc gia”. Ngừng lại giây lát như suy nghĩ điều gì đó, Đại tướng nói tiếp: “thời niên thiếu, Bác Hồ của chúng ta theo gia đình vào Huế, đã qua đèo Lý Hòa. Ấn tượng về con đèo khúc khuỷu quanh co, núi lấn ra biển, sóng biển vỗ vào vách đá, bọt nước trắng xóa khiến người ta có cảm tưởng như “đá nhảy” đã ghi vào trí nhớ của Bác. Mãi đến tháng 6-1957, khi về thăm Quảng Bình, Người đã nhắc lại với các đồng chí lãnh đạo địa phương vế đối của một vị tiền nhân mà đến nay vẫn chưa ai đối chuẩn: Bò đi đá nhảy[1].
Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên - người con ưu tú của quê hương Quảng Bình, người đồng đội thân thiết của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vì lý do sức khỏe không về dự được, đã gửi thư chúc mừng đến cán bộ, chiến sĩ và nhân dân xã Hải Trạch. Trước đó, trong quá trình thiết kế và thi công tượng Đại tướng, ở Hà Nội, ông đã nhiều lần trực tiếp theo dõi, góp ý với những người thực hiện và hết sức hài lòng với tác phẩm. |
Khỏi phải nói niềm xúc động và phấn khởi của vị Thiếu tướng đồng hương Quảng Bình, bởi Đại tướng hiểu biết rất rõ về ngôi làng nơi chôn rau cắt rốn của mình. Cảm xúc ấy in đậm mãi trong tâm trí của ông. Hơn chục năm sau đó, vào ngày 22-8-2008, Thiếu tướng Phan Khắc Hải cùng đoàn đồng hương tỉnh Quảng Bình ở Hà Nội đến tư gia của Đại tướng ở 30 Hoàng Diệu chúc mừng sinh nhật lần thứ 97 của Đại tướng (25-8-1911 - 25-8-2008). Nhân dịp này, ông báo cáo: “thưa Đại tướng, làng Lý Hòa, xã Hải Trạch vừa hoàn thành công trình đài tưởng niệm và nhà truyền thống rất khang trang. Đảng bộ và nhân dân xã nhà có nguyện vọng muốn xin một bức ảnh chân dung có bút tích của Đại tướng để trưng bày ở nhà truyền thống...”.
Đại tướng không trả lời ngay mà ân cần nói như tâm sự: “làng Lý Hòa là một làng biển có truyền thống hiếu học. Nhân dân cần cù, năng động và có truyền thống cách mạng. Trong số đó, có đồng chí Đặng Gia Tất trưởng thành từ phong trào đấu tranh cách mạng ở cơ sở rồi lên huyện, đến tỉnh, sau được điều ra công tác tại Trung ương. Khi đế quốc Mỹ mở cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, đồng chí Tất được Trung ương điều về làm Phó bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình. Trong chống Mỹ, cầu Lý Hòa và đèo Lý Hòa là trọng điểm đánh phá khốc liệt của không quân và hải quân Mỹ nhằm cắt đứt đường giao thông của ta. Cùng với quân và dân Quảng Bình, quân và dân Lý Hòa cùng các xã lân cận đã thực hiện xuất sắc khẩu hiệu “Xe chưa qua, nhà không tiếc. Đường chưa thông, không tiếc máu xương!”...
Lắng nghe Đại tướng nói về truyền thống của quê hương mình, Thiếu tướng Phan Khắc Hải hết sức cảm động và phấn khởi. Lòng ông tràn trề hy vọng. Mấy ngày sau, ông nhận được quà của Đại tướng là bức chân dung do chính Đại tướng tự chọn. Dưới góc trái bức ảnh, Đại tướng ghi: Tặng xã Hải Trạch anh hùng. 8/2008 - Võ Nguyên Giáp. Tại lễ khánh thành đài tưởng niệm và nhà truyền thống xã nhà sau đó, bức chân dung Đại tướng đã được ông Nguyễn Hồng Thanh - Bí thư Huyện ủy Bố Trạch - trân trọng trao tặng cho đảng bộ và nhân dân làng Lý Hòa, xã Hải Trạch...
Tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại trung tâm hành chính - văn hóa xã Hải Trạch, huyện Bố Trạch (tỉnh Quảng Bình)_Ảnh: M.N.T
Đinh ninh lời hứa trước Người...
Một người con khác của làng Lý Hòa là doanh nhân Phan Hải sinh sống và làm ăn ở Thành phố Hồ Chí Minh, cũng rất nặng lòng với quê hương. Ông Phan Hải là nhà tài trợ chính xây dựng khu hành chính - văn hóa của làng Lý Hòa, xã Hải Trạch, bao gồm nhiều hạng mục công trình, như trường mầm non, trường tiểu học, trạm xá, nhà tổ chức sự kiện, đài phun nước, nhà truyền thống và đài tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ là con em của xã nhà... Chuẩn bị kỷ niệm 3 năm ngày mất và 105 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp tổ chức vào tháng 8-2016, ông Phan Hải có nguyện vọng muốn được kính tặng quê hương một bức tượng đồng Đại tướng, dựng tại trung tâm hành chính - văn hóa xã. Sau khi đề án xây dựng tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại làng Lý Hòa được các ngành chức năng và chính quyền địa phương các cấp chấp thuận, ông Phan Hải nhiều lần ra Hà Nội, cùng Thiếu tướng Phan Khắc Hải tiến hành các bước chọn mẫu, tham khảo ý kiến các nhà chuyên môn, rước thầy thuê thợ và giám sát thi công. Mẫu tượng do nhà điêu khắc Nguyễn Văn Thức thiết kế và nghệ nhân Trần Thanh Tùng ở Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch thực hiện, với sự tham gia góp ý chỉnh sửa trong từng khâu của nhiều nhà chuyên môn có uy tín, các tướng lĩnh từng nhiều năm được công tác gần gũi bên Đại tướng và các thành viên trong gia đình Đại tướng...
Đúng sinh nhật lần thứ 105 của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25-8-2016), công trình được khánh thành tại làng Lý Hòa, xã Hải Trạch. Bức tượng đồng bán thân nặng 200kg, cao 1,03m, tượng trưng cho 103 tuổi thọ của Đại tướng, được đặt trên bệ đá quý cao 1,8m. Vị trí đặt tượng giữa trung tâm hành chính - văn hóa của xã, lưng tựa vào nhà truyền thống và đài tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ của xã nhà với hình tượng đôi cánh buồm cao vút, mặt tượng hướng ra Biển Đông. Lễ khánh thành bức tượng Đại tướng là một sự kiện chính trị - văn hóa trọng đại đặc biệt của Đảng bộ và nhân dân làng Lý Hòa, xã Hải Trạch, với sự tham gia của đại biểu lãnh đạo tỉnh Quảng Bình, huyện Bố Trạch, gia đình Đại tướng và đông đảo đồng bào các địa phương lân cận. Phát biểu tại lễ khánh thành, GS, TS, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Quang Ngọc - Phó Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam - đánh giá, “bức tượng toát lên thần thái uy nghiêm của một vị tướng lỗi lạc, đồng thời toát lên vẻ nhân từ khoan dung của một nhà văn hóa lớn của dân tộc”.
Nói sao hết niềm phấn khởi tự hào của mỗi người dân Lý Hòa khi được đón bức tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp về dựng giữa làng mình. Trước Người, ai cũng tâm niệm đinh ninh phải đoàn kết cùng nhau phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh, bình yên./.









Các bài cũ hơn


