Có một Bình Liêu giàu bản sắc
NGUYỄN THỜI
Bản sắc văn hóa độc đáo
Bình Liêu là một huyện vùng cao nằm ở phía Đông - Bắc của tỉnh Quảng Ninh. Không giống miền duyên hải như Đầm Hà, Móng Cái, Hải Hà trên là rừng, dưới là biển..., ở Bình Liêu chỉ có những ngọn đồi xanh, những cánh rừng hoang sơ và một khung trời đầy mây trắng. Đồi núi trùng trùng, điệp điệp, nối tiếp nhau chạy dài như vô tận. Vùng đất Bình Liêu là nơi quần tụ, sinh sống của nhiều dân tộc anh em, như Tày, Dao, Sán Chỉ, Kinh... Từ xa xưa, người dân nơi đây đã gắn bó với rừng núi, cuộc sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Người Tày, Dao Thanh Phán, Sán Chỉ,... đều trồng lúa, làm nương, nuôi bò, trồng bông, dệt vải... Ruộng bậc thang, lối canh tác độc đáo tưởng như chỉ có ở vùng Tây Bắc, thì ở đây, không biết tự bao giờ, trên khắp các triền đồi, dưới các thung lũng, kiểu ruộng này cũng được người dân sử dụng để trồng lúa nước. Trên những nẻo đường quanh co, uốn lượn, giữa lớp lớp cây rừng, du khách đều nhìn thấy những thửa ruộng bậc thang, lúa chín vàng óng ả khi vào vụ, từng bậc thấp dần dốc theo triền đồi, xuống dưới những thung lũng xa tít. Xa xa lưng đồi, giữa các nương lúa, nương ngô thấp thoáng bóng áo chàm, áo đỏ của những cô sơn nữ đang cặm cụi chăm sóc ruộng nương. Những chiếc mũ, chiếc khăn sặc sỡ của các cô như tô điểm thêm màu sắc cho không gian, cảnh vật khiến núi rừng ở đây càng thêm đẹp tươi, quyến rũ. Chiều về mây xuống thấp, sương giăng, khói lam chiều hờ hững, những cánh chim mải miết bay về tổ..., Bình Liêu sâu lắng, thanh bình mờ dần trong màn sương giữa vùng biên cương xanh thẳm.
Mỗi dân tộc sinh sống ở đây đều có những nét văn hóa bản sắc, độc đáo, như hát Then của người Tày, hát Pả Dung của người Dao và hát Soóng Cọ của người Sán Chỉ. Xã Húc Động, huyện Bình Liêu được gần xa biết đến bởi hội hát Soóng Cọ - một lối hát trữ tình, giao duyên của người Sán Chỉ. Hằng năm, hội Soóng Cọ được tổ chức tại đây vào cuối mùa xuân, đúng ngày trăng tròn (16-3 âm lịch). Soóng Cọ là ngày hội để trai gái giao duyên, tìm bạn trăm năm tri kỷ. Đặc biệt hơn, Soóng Cọ còn được xem như ngày hội của những người đã lập gia đình, nhưng “duyên nợ” với “người xưa” còn vương vấn. Với những đôi trai gái thầm mong ước kết duyên lành từ thời “thanh mai, trúc mã”, nhưng bởi hôn nhân sắp đặt, tình duyên trắc trở,... không thể “kết tóc, xe tơ”, sống cùng nhau mãn kiếp, trọn đời thì Soóng Cọ là cơ hội cho họ gặp lại “cố nhân”. Những nỗi niềm sâu kín, chất chứa trong tâm tư bấy lâu được các chàng trai, cô gái gửi trọn vào lời ca thiết tha, da diết. Chỉ là mấy câu ca, ánh mắt, nụ cười trao gửi, nhưng khoảnh khắc ngắn ngủi bên “người xưa” khiến họ thỏa lòng khao khát, mong chờ bấy lâu. Rồi ngày mai “đôi ngả đường đời”, mỗi người lại trở về an phận với gia đình, vui cùng trăng khuyết, mây ngàn, ruộng lúa, nương ngô... Những năm gần đây, hội Soóng Cọ được tổ chức rất quy mô, phong phú và kéo dài đến vài ba ngày. Cùng với hát giao duyên, hội còn có nhiều hoạt động vui chơi, giải trí, như đánh quay, đẩy gậy, bắn nỏ, thi giã bánh, đốt lửa trại trên núi...
Huyện Bình Liêu còn là nơi diễn ra nhiều lễ hội lịch sử, văn hóa đặc sắc, như Lễ hội đình Lục Nà, Hội mùa vàng Bình Liêu ở xã Lục Hồn, Hội Kiêng gió của người Dao Thanh Phán ở xã Đồng Văn. Còn ở xã Đồng Tâm, Hội hoa Sở diễn ra khi những rừng hoa Sở nở đầy hoa trắng muốt. Mỗi lễ hội đều mang đậm bản sắc truyền thống, tôn vinh giá trị tinh thần của một dân tộc, nhưng có sự giao thoa, đan xen, kết hợp với văn hóa của nhiều dân tộc khác nhau. Đây chính là nét độc đáo, phong phú, hấp dẫn tạo nên sức thu hút đặc biệt của các lễ hội ở Bình Liêu. |
Ở Bình Liêu, hát Then là hồn cốt trong các lễ hội văn hóa, tín ngưỡng của người Tày. Với giai điệu du dương, trầm bổng hòa với tiếng đàn Tính ngân vang, giọng hát trong trẻo của các “bà then” khiến người nghe thấy lâng lâng, bay bổng, say theo điệu nhạc âm vang giữa núi rừng trùng điệp. Nói về hát Then, nghệ nhân ưu tú Lương Thiêm Phú, dân tộc Tày, 83 tuổi, ở khu Chang Nà, thị trấn Bình Liêu - người sáng lập Câu lạc bộ hát Then Tình Húc - cho biết: “các bà then vừa hát hay, vừa đánh đàn rất giỏi”. Để truyền thống không bị mai một, bác Phú và các nghệ nhân cao tuổi vẫn dành thời gian truyền dạy nghệ thuật đàn Tính, hát Then cho các thế hệ kế tiếp.
Khung cảnh hoang sơ, thơ mộng
Bình Liêu không chỉ hấp dẫn vì bản sắc văn hóa mà nơi đây còn là một vùng đất quyến rũ. Không gian, cảnh vật tươi đẹp, hùng vĩ và rất đỗi thơ mộng. Đặt chân lên mảnh đất này mới cảm nhận được hết những vẻ đẹp của vùng biên viễn xa xôi. Từ những nẻo đường, ngọn đồi, cánh rừng, nương lúa, cho đến những nếp nhà đơn sơ nép mình dưới rặng tre xanh,... đều hiền hòa, thanh bình, tươi đẹp. Càng đi lên cao, cảnh vật ở Bình Liêu càng đẹp. Có lẽ vì vậy mà khi đến Bình Liêu, du khách đều háo hức khám phá những điểm cao chót vót, nằm “lơ lửng” giữa tầng mây, như núi Cao Xiêm, “sống lưng khủng long”, bãi đá thần, đồi cỏ lau... Ở độ cao 1.429m, Cao Xiêm là ngọn núi cao nhất ở Bình Liêu. Trên con đường dẫn lên đỉnh núi khung cảnh còn nguyên vẻ hoang sơ, thơ mộng. Lối đi đầy hoa rừng, qua mấy rặng thông xanh, một thảo nguyên đầy cỏ,... là đến “chốn bồng lai tiên cảnh”. Trên cao nhìn xuống, đất trời như gấm hoa, bao la, đẹp tươi biết mấy. Nhưng có lẽ không gì thú vị hơn là đứng ở đây mở rộng tầm mắt, chiêm ngưỡng vẻ đẹp mơ màng của thôn xóm, làng quê sau lũy tre mờ xa... Với các đêm hội trại, nơi đốt lửa tuyệt vời nhất là mặt thảo nguyên bằng phẳng nằm ngang sườn núi. Mặc sương đêm lạnh giá, quanh ánh lửa bập bùng, các chàng trai, cô gái say mê hát ca, nhảy múa...
Đồi cỏ lau là một điểm khám phá, trải nghiệm lý tưởng cho những người yêu thiên nhiên, rừng núi. Ngọn đồi thơ mộng này cách thị trấn Bình Liêu không xa, nhưng con đường dẫn đến điểm “check in” đẹp hút hồn rất quanh co, hiểm trở. Hai bên là núi cao, vực sâu. Đến càng gần điểm “check in”, hoa rừng nở càng nhiều. Sắc hoa ngời lên tím biếc. Đồi cỏ lau là một rừng hoa trắng, hoang sơ và lãng mạn. Hoa đua nhau nở. Những bông hoa trắng như tuyết phủ kín từ chân đến đỉnh đồi. Vào cuối tháng 10, hoa lau nở rộ. Nhìn từ xa, đồi cỏ lau trắng xóa như tuyết phủ. Đó là thời điểm đẹp nhất của mùa hoa lau. Khi hoàng hôn nắng nhạt, chiều tím dần, rừng lau trắng ngả nghiêng theo gió. Cảnh đẹp như mơ, lãng mạn và thơ mộng hiếm có. Băng qua rừng lau cao lút đầu, chúng tôi đặt chân lên cột mốc 1297 thiêng liêng. Chiều biên giới gió thổi lồng lộng. Không nơi đâu cao hơn, xanh hơn nơi này... Lên đồi cỏ lau, du khách có thể dạo chơi, ngắm cảnh, khám phá thiên nhiên, ngắm non sông hùng vĩ và thả hồn giữa một không gian mơ màng, đầy lãng mạn.
Với non cao, rừng xanh, thảo nguyên, thác nước..., ở Bình Liêu cảnh sắc đẹp tươi, hoang sơ không sao kể hết. Ở đây còn có những khung cảnh đẹp tươi do con người tạo ra nhưng rất tự nhiên, thơ mộng. Hợp tác xã hoa Bình Liêu ở thôn Cao Sơn, xã Hoành Mô là một không gian như vậy. Từ thị trấn Bình Liêu đi qua thác Khe Vằn, theo đường tuần tra biên giới chẳng mấy chốc đã đến nơi. Trên độ cao gần 1.000m, vườn hoa Cao Sơn nằm ở giữa những rừng sa mộc và thông xanh cao vút. Sát bên dưới là một thung lũng mênh mông, với những thửa ruộng bậc thang mầu mỡ. Ở đây có đến hằng trăm loại hoa khác nhau, như tử la lan, thanh liễu, mẫu đơn, cẩm tú cầu, mao địa hoàng... Giống như ruộng bậc thang, mỗi khu vườn trồng một loại hoa riêng, được xếp đặt theo thửa, thấp dần xuống phía thung lũng. Muôn loài hoa với mầu sắc, hương thơm, dáng vẻ khác nhau tạo thành một không gian đầy hoa rất độc đáo. Trên hoa viên rộng ở sát thung lũng đầy hoa hồng, cúc bách nhật, cẩm tú cầu,... là nơi du khách có thể dừng chân “check in”, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của muôn sắc, muôn màu của những loài hoa, giữa núi rừng bao la, hùng vĩ./.









Các bài cũ hơn


