21/11/2024 | 16:42 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

“Giải mã” tổ hợp công nghiệp quốc phòng Australia

Lê Thế Mẫu
“Giải mã” tổ hợp công nghiệp quốc phòng Australia Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Australia Richard Marles_Ảnh: breakingdefense.com
Ngày 17-4-2024, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Australia Richard Marles công bố Chiến lược quốc phòng mới trong bối cảnh tình hình chính trị - an ninh trong khu vực và trên thế giới đang trải qua những chuyển biến lớn có tác động trực tiếp đến Australia, buộc Canberra phải có biện pháp phản ứng thích hợp. Một trong những cơ sở vật chất - kỹ thuật quan trọng nhất để Canberra hiện thực hóa Chiến lược quốc phòng mới là tổ hợp công nghiệp quốc phòng Australia.

Các quốc gia trên thế giới chủ trương xây dựng tổ hợp công nghiệp quốc phòng (MIC), được phân chia thành 3 nhóm. Nhóm thứ nhất gồm các quốc gia theo đuổi tham vọng xây dựng MIC để giành ưu thế quân sự vượt trội, đứng đầu là Mỹ, Anh, Đức và Pháp. Tổng thống Mỹ Dwight Eisenhower từng cảnh báo MIC của Mỹ có ảnh hưởng lớn đến mức có thể làm khuynh đảo chính sách đối nội và đối ngoại của Washington. 

Nhóm thứ hai là các nước tham gia các liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu, trước hết là các quốc gia thành viên Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). MIC của nhóm nước này được xây dựng theo mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng của Mỹ. 

Nhóm thứ ba gồm các quốc gia chủ trương xây dựng MIC để làm chủ công nghệ chế tạo vũ khí, trang bị nhằm mục đích bảo vệ chủ quyền quốc gia, chống lại nguy cơ xâm lược từ bên ngoài. Thuộc nhóm này là đa số các quốc gia trên thế giới, đứng đầu là Liên Xô trước đây và Liên bang Nga hiện nay. Australia là quốc gia thuộc nhóm thứ hai.

MIC của Australia có lịch sử lâu đời, đã phát triển qua 5 giai đoạn. Giai đoạn 1 (1901 - 1938) là giai đoạn hình thành cơ sở vật chất ban đầu của MIC dưới sự bảo hộ của thực dân Anh. Giai đoạn 2 (1939 - 1950) là giai đoạn phát triển MIC để tham gia Chiến tranh thế giới thứ hai và những năm đầu thời kỳ hậu chiến. 

Giai đoạn 3 (1951 - 1990) là giai đoạn Australia thu hút đầu tư nước ngoài và công nghệ tiên tiến, bao gồm chuyển giao công nghệ dân sự sang sản xuất quốc phòng. 

Giai đoạn 4 (1991 - 2018) là giai đoạn chế tạo vũ khí và trang bị hiện đại theo giấy phép của các hãng công nghiệp quân sự hàng đầu thế giới, trước hết là từ Mỹ. 

Giai đoạn 5 (2018 - nay) là giai đoạn đưa MIC phát triển tới mức có thể tạo ra khả năng răn đe và tiếp cận thị trường vũ khí toàn cầu.

Trong đó, giai đoạn 4 và 5 là 2 giai đoạn sau khi kết thúc Chiến tranh lạnh và cũng là những giai đoạn quan trọng nhất. Kể từ những năm đầu thập niên thứ nhất thế kỷ XXI, Australia trao cho Mỹ quyền xây dựng và sử dụng khoảng 20 cơ sở công nghiệp quốc phòng trên lãnh thổ của mình. Đổi lại, Mỹ sẵn sàng cung cấp vũ khí và trang bị hiện đại cho Australia. 

Đồng thời, Chính phủ Australia quyết định thành lập công ty con của các công ty công nghiệp quân sự nước ngoài như BAE Systems của Anh, Raytheon và Boeing của Mỹ, Thales của Pháp và Airbus của châu Âu. 

Trong đó, Hiệp hội Công nghiệp hàng không của Australia bao gồm các nhà máy sản xuất máy bay của chính phủ và của tập đoàn hàng không của Khối thịnh vượng chung và của hãng Hawker de Havilland.

Sự phát triển MIC của Australia sau Chiến tranh lạnh đến nay có nhiều đặc điểm đáng chú ý. Thứ nhất, Sách trắng quốc phòng Australia đề xuất kế hoạch xây dựng tiềm lực công nghiệp quốc phòng nhằm thiết lập nền tảng công nghiệp chế tạo vũ khí trang bị phát triển mạnh, có khả năng đáp ứng nhu cầu quốc phòng, phát triển nền kinh tế và cạnh tranh quốc tế. 

Mục tiêu của Chính phủ Australia là đến năm 2028 xây dựng MIC có đủ năng lực và khả năng đáp ứng nhu cầu quốc phòng trong nước và xuất khẩu.

Để đạt được mục tiêu này, Australia phát triển MIC theo nhiều hướng. 

Hướng thứ nhất, xây dựng cơ sở công nghiệp quốc phòng hiện đại bao gồm các doanh nghiệp có khả năng hợp tác có hiệu quả với các công ty quốc phòng xuyên quốc gia, vừa có khả năng đáp ứng nhu cầu của Lực lượng phòng vệ của Australia, vừa xuất khẩu trang bị ra thị trường thế giới và đưa ngành công nghiệp của Australia tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. 

Hướng thứ hai, coi đầu tư của nhà nước cho MIC là ưu tiên hàng đầu. 

Hướng thứ ba, đẩy mạnh và tăng cường hợp tác giữa các xí nghiệp của MIC với các trường đại học và các phòng thí nghiệm và nghiên cứu khoa học.

Hướng thứ tư, đẩy mạnh phát triển tiềm năng xuất khẩu của MIC. 

Hướng thứ năm, tăng cường hợp tác với các tập đoàn công nghiệp quốc phòng của các đồng minh và đối tác để tạo nguồn nhân lực công nghệ cao có khả năng ứng phó với những thay đổi trong môi trường chiến lược mới. 

Hướng thứ sáu, thực hiện chương trình SADI (Skilling Australia Defense Industry) để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, thậm chí tạo điều kiện cho các công ty nước ngoài thành lập các công ty con ở Australia hoặc mua lại các công ty của Australia. Trong số 40 công ty quốc phòng lớn nhất hoạt động ở Australia có 27 tập đoàn công nghiệp quốc phòng xuyên quốc gia hàng đầu thế giới.

Hướng thứ bảy, ưu tiên sản xuất vũ khí công nghệ cao và có độ chính xác cao theo giấy phép của các hãng công nghệ quân sự hàng đầu thế giới, từ đó xây dựng tiềm lực tự nghiên cứu phát triển vũ khí và thiết bị quân sự đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. 

Hướng thứ tám, tăng đầu tư từ ngân sách quốc gia cho MIC. Theo đó, ngân sách quốc phòng của Australia luôn tăng trưởng hằng năm. Năm 2016, ngân sách quốc phòng của Australia là 24,6 tỷ USD, chiếm 2% GDP. Hiện nay, ngân sách quốc phòng của Australia lớn thứ 12 trên thế giới. 

Chính phủ thành lập Quỹ xuất khẩu đặc biệt có vốn ban đầu là 3 tỷ USD để cung cấp các khoản vay ưu đãi cho các xí nghiệp công nghiệp quốc phòng xuất khẩu các sản phẩm và dịch vụ quân sự. Hướng thứ chín, xác định các lĩnh vực ưu tiên là công nghệ tình báo, kiểm soát, chiến tranh điện tử, hàng không - vũ trụ, điều khiển học, đào tạo nguồn nhân lực, công nghệ thông tin - truyền thông, hậu cần, cơ động đường không và đường biển, chiến tranh trên biển chống tàu ngầm và lực lượng trên bộ.

Để có được quyền tự chủ về công nghiệp quốc phòng, Chính phủ Australia xác định 9 lĩnh vực ưu tiên: 

(i) Xây dựng các nhà máy đóng tàu với công nghệ của thế kỷ XXI, có khả năng thiết kế, chế tạo và thử nghiệm tàu ngầm, khinh hạm và tàu chiến cỡ nhỏ; 

(ii) Hiện đại hóa phương tiện chiến đấu trên mặt đất với trình độ công nghệ ngang tầm hiện đại nhất của thế giới trên cơ sở khả năng tự thiết kế, chế tạo, sản xuất và tích hợp thành các hệ thống tác chiến liên hợp có khả năng hóa giải các thách thức an ninh trong tương lai; 

(iii) Thiết kế, chế tạo và đưa vào trang bị hệ thống radar mạng pha chủ động và thụ động với công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới để phục vụ hoạt động phòng thủ tấn công trong mọi môi trường và trong mọi tình huống; 

(iv) Phát triển công nghệ giảm thiểu khả năng dễ bị tổn thương và nâng cao khả năng sống sót của các binh sĩ trong chiến đấu bằng cách phát triển và đưa vào sử dụng công nghệ tàng hình và ngụy trang; 

(v) Phát triển các ứng dụng công nghệ xử lý tín hiệu trong lĩnh vực an ninh mạng, công nghệ radar vô tuyến diện và radar thủy âm, công nghệ chiến tranh điện tử; 

(vi) Phát triển công nghệ tự động hóa quan sát, thu thập và phân tích, truyền dẫn khối dữ liệu lớn; 

(vii) Thử nghiệm, đánh giá, cấp chứng chỉ và vận hành các loại vũ khí trang bị hiện đại nhất trên cơ sở đội ngũ nhân lực lao động lành nghề có trình độ chuyên nghiệp cao và các hệ thống trang thiết bị an toàn trong thời bình và thời chiến; 

(viii) Khả năng tự nghiên cứu, thiết kế và chế tạo tất cả các loại vũ khí trang bị của lục quân; 

(ix) Bảo dưỡng các phương tiện đường không - vũ trụ như máy bay trực thăng và máy bay cánh cố định của Lực lượng phòng vệ Australia và của các đồng minh như máy bay chiến đấu F-35A và máy bay không người lái được điều khiển từ xa, có tác dụng răn đe và tấn công hiệu quả.

Năm 2018, Chính phủ Australia đặt ra mục tiêu đầy tham vọng là trở thành nước xuất khẩu vũ khí lớn trên thế giới, ngang bằng với Anh và Đức. 

Liên quan tới MIC, Chiến lược quốc phòng mới của Australia xác định các lĩnh vực then chốt cần nhanh chóng đầu tư phát triển, gồm xây dựng tàu ngầm hạt nhân và cơ sở hạ tầng kỹ thuật để bảo đảm hoạt động có hiệu quả và tin cậy của lực lượng mới này trong thành phần các lực lượng vũ trang Australia; hiện đại hóa và hợp nhất các doanh nghiệp thuộc MIC để đáp ứng yêu cầu về vũ khí, trang bị của Australia và xuất khẩu; mở rộng và hiện đại hóa các căn cứ quân sự và hải quân ở biên giới phía Bắc để các lực lượng vũ trang Australia và đồng minh sử dụng; tăng cường mối quan hệ với các đồng minh và đối tác quan trọng trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương; tiến hành cải cách Bộ Quốc phòng và các cơ cấu liên quan nhằm phát triển tổ hợp công nghiệp quốc phòng.

Để hoàn thành các nhiệm vụ quốc phòng trong điều kiện mới, Chiến lược quốc phòng Australia xác định một số biện pháp cần ưu tiên thực hiện. 

Thứ nhất, sẽ chuyển đổi các lực lượng vũ trang Australia từ lực lượng có khả năng ứng phó với nhiều tình huống bất ngờ thành lực lượng liên hợp được tăng cường sức mạnh để hóa giải những thách thức và rủi ro chiến lược quan trọng nhất trong môi trường an ninh đang thay đổi căn bản. 

Thay vì tập trung vào việc duy trì lực lượng vũ trang có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ ở hầu hết mọi nơi trên thế giới, Australia sẽ tập trung cao độ vào việc xây dựng một lực lượng răn đe có thể bảo vệ lợi ích của Australia trong khu vực. 

Trọng tâm của chiến lược mới là kế hoạch xây dựng hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân có khả năng tàng hình, tăng số lượng tên lửa chiến lược và phát triển một hạm đội tác chiến mặt nước quy mô lớn.

Ngoài ra, Australia sẽ cắt giảm các chương trình quốc phòng khác để ưu tiên đầu tư cho chương trình phát triển tên lửa tầm xa, máy bay không người lái và tàu chiến. Những ưu tiên này cần phải được thể hiện trong kế hoạch thực hiện Chương trình đầu tư tổng hợp quốc gia.

Để hoàn thành nhiệm vụ đề ra trong Chiến lược quốc phòng, Australia sẽ tăng ngân sách quốc phòng thêm 32 tỷ USD trong thập niên tới. Đây là mức tăng chi tiêu quốc phòng lớn nhất trong hơn 50 năm qua. Theo đó, ngân sách quốc phòng Australia dự kiến chiếm 2,4% GDP và sẽ vượt mức 64 tỷ USD trong năm tài chính 2033 - 2034./.

26 June 2024
MỚI NHẤT
Đọc nhiều nhất

Trang: 1 2 3 Sau