Công nghiệp dầu khí - hạt nhân cho phát triển bền vững kinh tế biển
Minh QuânĐối với Việt Nam, vai trò và ý nghĩa của ngành dầu khí càng trở nên quan trọng trong bối cảnh nước ta đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Hiện nay, các nhà máy lọc dầu ở Việt Nam mới chỉ cung cấp được khoảng 35% nhu cầu trong nước. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ dầu mỏ ngày càng tăng, không chỉ trong ngắn hạn mà cả trong dài hạn do sự bùng nổ dân số, các ngành công nghiệp tiếp tục phát triển, đặc biệt là sự tăng tốc của ngành giao thông do nhu cầu đi lại ngày càng nhiều.
Việc chủ động bảo đảm cung cấp nhiên liệu cho các ngành kinh tế quốc dân, các ngành công nghiệp sẽ giúp chúng ta tự chủ trong việc kiểm soát đầu vào, bảo đảm cung cấp nhiên liệu cho các ngành kinh tế quốc dân, góp phần đáng kể vào ngân sách quốc gia, thu ngoại tệ làm cân đối hơn cán cân xuất, nhập khẩu thương mại quốc tế, góp phần tạo nên sự phát triển ổn định đất nước.
Nghị quyết số 41-NQ/TW, ngày 23-7-2015, của Bộ Chính trị, “về định hướng chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035” khẳng định, phát triển ngành dầu khí Việt Nam gắn liền với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược năng lượng quốc gia, chiến lược biển Việt Nam, bảo đảm an ninh năng lượng và bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.
Ngày 22-10-2018, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW, “về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, trong đó xác định một số chủ trương về khai thác dầu khí và các tài nguyên, khoáng sản biển khác, như sau: nâng cao năng lực của ngành dầu khí và các ngành tài nguyên, khoáng sản biển khác; từng bước làm chủ công tác tìm kiếm, thăm dò, khai thác, đáp ứng nhiệm vụ phát triển kinh tế biển trong thời kỳ mới.
Đẩy mạnh công tác tìm kiếm, thăm dò, gia tăng trữ lượng dầu khí; nghiên cứu, thăm dò các bể trầm tích mới, các dạng hydrocarbon phi truyền thống; gắn việc tìm kiếm, thăm dò dầu khí với điều tra, khảo sát, đánh giá tiềm năng các tài nguyên, khoáng sản biển khác, khoáng sản biển sâu, đặc biệt là các khoáng sản có trữ lượng lớn, giá trị cao, có ý nghĩa chiến lược.
Nâng cao hiệu quả khai thác các tài nguyên khoáng sản biển gắn với chế biến sâu; kết hợp hài hoà giữa khai thác, chế biến với bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học biển.
Nghị quyết số 55-NQ/TW, ngày 11-2-2020, của Bộ Chính trị, “về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” có ý nghĩa to lớn thể hiện đường lối đúng đắn của Đảng về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045.
Nghị quyết số 55 nêu 14 mục tiêu cụ thể, trong đó phấn đấu tỷ lệ nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt 15% - 20% vào năm 2030 và 25% - 30% vào năm 2045; tỷ lệ tiết kiệm năng lượng trên tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng đạt 7% năm 2030 và 14% năm 2045; giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động năng lượng đạt 15% năm 2030 và 20% năm 2045; năng lực nhập khẩu LNG đạt 8 tỷ mét khối năm 2030 và 15 tỷ mét khối năm 2045...
Nghị quyết 55 đề ra 10 giải pháp, trong đó giải pháp phát triển các nguồn cung năng lượng sơ cấp theo hướng tăng khả năng tự chủ, đa dạng hóa, bảo đảm tính hiệu quả, tin cậy và bền vững.
Ngành dầu khí là ngành kinh tế - kỹ thuật đặc biệt, gắn liền không chỉ bài toán năng lượng mà còn là chuỗi giá trị kinh tế biển trong chiến lược phát triển đất nước, liên quan đến chất lượng cuộc sống của người dân, bảo đảm sự tự chủ về nhiên liệu nguồn năng lượng sạch, nguyên liệu đầu vào cho các ngành kinh tế, quốc phòng, an ninh trên biển…
Vì vậy, để tiếp tục thực hiện các chủ trương của Đảng về định hướng phát triển năng lượng quốc gia, phục vụ phát triển kinh tế biển bền vững cần tập trung làm tốt các nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, bám sát các chủ trương và định hướng trong các Nghị quyết 41, Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị và các luật, quy định hiện hành và chỉ đạo của Chính phủ về phát triển kinh tế biển và ngành năng lượng.
Lấy khâu thượng nguồn (E&P) làm cốt lõi, dầu khí cần tập trung phát triển các lĩnh vực kinh doanh chính bao gồm tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí, công nghiệp khí, công nghiệp điện, chế biến - tồn trữ và phân phối các sản phẩm dầu khí, dịch vụ dầu khí chất lượng cao.
Thứ hai, tăng cường hợp tác quốc tế để nghiên cứu điều tra cơ bản và tìm kiếm, thăm dò, khai thác các nguồn năng lượng mới/năng lượng sạch, phi truyền thống, như: khí hydrate (băng cháy), khí sét, khí than, hydro, nguồn địa nhiệt…
Bên cạnh đó, tiếp tục tập trung nghiên cứu sử dụng hiệu quả nguồn khí tự nhiên có hàm lượng CO₂ cao trong nước để có thể nhận lợi ích đồng thời từ việc sử dụng nguồn Hydrocabon và CO₂ nhằm giảm phát thải khí nhà kính; ứng dụng các giải pháp thu hồi, giảm đốt bỏ và rò rỉ khí ra môi trường và nghiên cứu tích hợp sử dụng nguồn điện năng lượng tái tạo.
Thứ ba, xây dựng và hoàn thiện các cơ chế tài chính với hệ thống thuế, phí hợp lý liên quan tới sử dụng tài nguyên và không gian biển; xây dựng cơ chế tài chính bảo đảm phát triển bền vững kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.
Sử dụng các công cụ tài chính để điều chỉnh một cách hiệu quả các hành vi khai thác tài nguyên, bảo vệ, bảo tồn môi trường và các hệ sinh thái biển theo hướng bền vững./.