Áp lực sinh động lực
DƯ HỒNG QUẢNG“Một người không có kẻ thù là một người không có phẩm chất” (a man without enemies is a man without qualities). Nhiều người không dễ dàng đồng tình với ý kiến trên cho đến khi nghe chuyện của các ngư dân Nhật Bản và Na Uy.
Chuyện kể rằng ngày xưa, người Nhật Bản đánh bắt cá chình ngoài biển, khi mang về bờ, cá đều chết hết. Có một ngư dân, trang thiết bị đánh cá giống như mọi người, nhưng luôn chở được cá còn sống về bờ. Cá của ông bán được giá gấp nhiều lần người khác, khiến ông trở thành giàu có.
Bí quyết của ông là bỏ một con cá nheo vào trong khoang thuyền chứa đầy cá chình. Trong tự nhiên, cá chình và cá nheo luôn đánh nhau. Vì buộc phải cố gắng nghênh chiến, sức lực được huy động tối đa nên cá chình mới sống sót. Cá nheo đã đánh thức bản năng sinh tồn, cứu cá chình khỏi chết.
Câu chuyện tương tự như trên ở Na Uy, sau này được phương Tây đúc rút thành “hiệu ứng cá nheo” (catfish effect). Nó bắt nguồn từ chuyện người Na Uy đánh bắt cá mòi sardine. Từ biển rộng, bị bắt vào khoang thuyền chật hẹp, chỉ một lúc là cá sardine chết.
Một lần rất tình cờ, có ngư dân bỏ nhầm con cá nheo vào trong khoang thuyền chở cá sardine. Về đến cảng, ông mở khoang thuyền, rất ngạc nhiên thấy số cá sardine đều đang bơi lội.
Thì ra cá sardine phát hiện có kẻ lạ mặt thì phản ứng, nhảy nhót tứ tung, khiến cả khoang cá dập dềnh, mặt nước không ngừng dao động, làm cho hàm lượng dưỡng khí trong nước tăng lên, bảo đảm cho về cảng mà cá vẫn còn sống.
“Hiệu ứng cá nheo” chứng minh rằng cạnh tranh và thử thách chính là động lực mạnh mẽ cho sự cải thiện và phát triển. Nó dạy cho chúng ta một bài học giá trị: sự cạnh tranh, hoặc sự hiện diện của một đối thủ mạnh, có thể thúc đẩy mọi người trở nên nhanh nhẹn, sáng tạo và kiên cường hơn.
Nếu không có sự đe dọa của đối thủ, sự tự mãn sẽ xuất hiện, dẫn đến trì trệ và suy thoái. Khi có áp lực, để sinh tồn và phát triển tốt hơn, những người luôn sẵn sàng đón nhận áp lực chắc chắn sẽ cố gắng hơn những người khác, mà càng cố gắng thì làm càng hăng, hiệu quả càng cao.
Cạnh tranh thích đáng như là chất kích thích, có thể huy động tối đa, phát huy tốt nhất khả năng tiềm ẩn trong mỗi người.
Nếu trong thời gian dài chỉ biết an phận sẽ sinh lười biếng, thiếu sức cạnh tranh. Chỉ có khi chịu áp lực mới kích thích được chí tiến thủ. Khi sếp giao việc quá nhẹ thì không phải là giúp bạn.
Sức bạn gánh được 50kg, nếu chỉ cho gánh 5kg thì hoặc là sếp không tin tưởng, hoặc là sếp không muốn trao cơ hội cho bạn vươn lên. Giao bạn gánh 60kg, rồi 70kg, 80kg,... chính là đào tạo, rèn giũa cho bạn vươn lên tầm cao mới.
Ngược thác ghềnh luôn là thách thức, thậm chí hiểm nguy. Nhưng bơi ngược thác mới là cá sống, trôi theo dòng chỉ là cá chết. Duy trì khả năng chiến đấu làm cho cá chình Nhật Bản, cá sardine Na Uy luôn tỉnh táo, luôn cảnh giác, luôn chiến đấu để sống sót, giống như cái xe đạp đi thì không đổ, đứng yên sẽ đổ. Phải biết ơn cuộc sống luôn áp lực giúp ta tồn tại và phát triển.
Cuốn sách “33 chiến lược của chiến tranh” (Nhà xuất bản Trẻ, năm 2019) cho rằng nếu bạn có kẻ thù, đó không phải do lỗi của bạn. Từ enemy (kẻ thù) xuất xứ từ chữ inimicus (không phải là bạn) trong tiếng Latin.
Thay vì tránh né ý nghĩ về việc có kẻ thù, hãy sẵn sàng đón đợi nó. Bị tấn công là một dấu hiệu cho thấy rằng bạn khá quan trọng để trở thành một mục tiêu. Bạn nên tận dụng cơ hội để chứng tỏ bản thân.
Thông qua các cuộc tranh chấp với bạn bè, trẻ em học được cách thích ứng với thế giới và phát triển các kỹ năng để xử lý những vấn đề nan giải. Những em tìm cách né tránh xung đột bằng mọi giá, hoặc những em được cha mẹ bao bọc thái quá, kết cục sẽ bị khiếm khuyết về mặt xã hội và tâm trí.
Điều này cũng đúng cho cả người trưởng thành: chính nhờ những cuộc chiến đấu với người khác mà bạn biết được cái gì có hiệu quả, cái gì không, và làm cách nào để bảo vệ bản thân.
Một chiến binh Nhật Bản không có gì để đo lường tài năng của mình nếu họ không tìm được một kiếm thủ giỏi nhất. Một đối thủ cừ khôi sẽ mang lại điều tốt nhất cho bạn. Đối thủ càng lớn, sự tưởng thưởng bạn nhận được càng to, ngay cả khi bạn bị bại trận.
Kẻ thù mang lại cho bạn nhiều món quà. Ngày xưa Gia Cát Lượng làm cho Tư Mã Ý vĩ đại. Ngày nay các quốc gia khống chế, bao vây, đe dọa khiến các nước nhỏ bé như Israel, Singapore, Hàn Quốc vươn lên mạnh mẽ.
Áp lực đã làm cho bạn trưởng thành. Đến lúc nào đó, bạn phải thầm cảm ơn những người đã gây áp lực./.









Các bài cũ hơn



