21/11/2024 | 23:19 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Ứng phó với thời tiết cực đoan: Cần sự chung tay của mọi quốc gia

Tuệ Minh
Bước sang thế kỷ XXI, thời tiết cực đoan ngày càng nghiêm trọng, dẫn đến lũ lụt do những đợt mưa lớn bất thường và tình trạng hạn hán do nắng nóng gây ra cao gấp 6 lần. Tác động của hiện tượng El Nino khiến nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng cao hơn 10C so với cách đây 150 năm. Điều này gây ra những tác động lớn đến mạng sống, sức khỏe của con người, gây bất ổn đời sống xã hội và ảnh hưởng đến sự phát triển của toàn cầu.


Lính cứu hỏa dập lửa do nắng nóng và hạn hán kéo dài gây ra cháy rừng ở Asturias, Tây Ban Nha_Ảnh: Reuters

Những bất ổn thời tiết

Trong những năm gần đây, điều kiện thời tiết, khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp. Sự nóng lên toàn cầu làm các hiện tượng thời tiết cực đoan như các đợt nắng nóng, hạn hán kéo dài và lượng mưa lớn trở nên dữ dội hơn bao giờ hết. Không giống như một số tác động khác của biến đổi khí hậu, các hiện tượng thời tiết cực đoan biến động mạnh về thời gian, xảy ra nhiều hơn và diễn biến bất thường hơn. Một báo cáo năm 2022 của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cảnh báo, nhiệt độ toàn cầu có thể đạt mức tăng cao kỷ lục trong giai đoạn 2023 - 2027 do hiệu ứng nhà kính và hiện tượng El Nino gây ra. Nhiệt độ toàn cầu trung bình hằng năm dự kiến tăng 1,50C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp. Thời tiết bất ổn xảy ra trên toàn thế giới. Một số nước châu Âu đang chịu ảnh hưởng từ thời tiết cực đoan, như tình trạng hạn hán ở miền Nam nước Anh vào cuối năm 2022, với lượng nước mưa dự trữ trong các hồ chứa và các nguồn nước ngầm thấp hơn mức trung bình khiến nhiều đồng ruộng gặp tình trạng khô hạn, nứt nẻ.

Trái ngược với thời tiết ở Anh, ở phía Đông Bắc Italia vẫn trong tình trạng ngập lụt. Vùng Emilia-Romagna bị đặt trong tình trạng báo động đỏ, do các trận mưa làm nhiều khu vực rộng lớn vẫn chìm trong nước và sạt lở đất chưa dừng lại. Tại nhiều khu vực khác, các hoạt động cứu trợ và sơ tán người dân vẫn được tiếp tục. Bà Gabriella Valenti - công dân Italia, cho biết: “tôi chưa bao giờ chứng kiến lũ lụt khủng khiếp đến như vậy. Mọi thứ thực sự tồi tệ”. Những trận mưa làm nước sông tràn bờ nhấn chìm hàng ngàn mẫu đất nông nghiệp, có khoảng 36.000 người mất nhà cửa và 14 người chết do lũ lụt.

Tại các quốc gia khác, Tây Ban Nha đang phải đối phó với cháy rừng do thời tiết khô hạn. Miền Nam nước Pháp đang hứng chịu hạn hán với nền nhiệt kỷ lục. Hạn hán cũng đến sớm ở Bồ Đào Nha. Ông Wim Thiery - chuyên gia về khí hậu thuộc Đại học Vrije (Brussel, Bỉ) - cho biết: “thay đổi thời tiết làm hạn hán tại châu Âu được cho là tồi tệ nhất trong vòng 500 năm trở lại đây, với 17% diện tích châu Âu đang trong tình trạng báo động về mức độ thiếu nước trầm trọng”. Một trong những nguyên nhân gây ra thời tiết cực đoan ở châu Âu là do nồng độ CO2 trong bầu khí quyển ở châu Âu vượt ngưỡng 420 ppm (part per million)[1] năm 2022. Nồng độ CO2 cao hơn 50% so với thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp. Nguy hiểm hơn, nồng độ CO2 tồn đọng trong bầu khí quyển tạo thành bẫy nhiệt, gây ra các đợt nắng nóng kéo dài ở châu Âu. Không chỉ riêng ở châu Âu, thế giới đang vật lộn giữ mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu dưới 1,50C, cao hơn trong 5 năm qua. WMO cảnh báo, đợt nắng nóng chỉ là khởi đầu cho đợt nắng nóng kỷ lục sắp diễn ra do sự phát triển của El Nino. WMO cũng đưa ra dự đoán, khả năng El Nino diễn ra vào cuối tháng 7 là 60% và cuối tháng 9-2023 là 80%. Các chuyên gia khí tượng cho rằng, hiện tượng này không biết sẽ kéo dài bao lâu, nhưng ngay cả khi El Nino xảy ra ở mức độ thấp cũng có thể ảnh hưởng đến lượng mưa và nắng nóng trên toàn thế giới. Nhìn chung, thời tiết cực đoan ngày càng xảy ra thường xuyên và bất thường hơn. Năm 2022, nhiệt độ tại Ấn Độ và Pakistan lên tới hơn 500C. Các đợt nắng nóng trải dài cho thấy tần suất các đợt nắng nóng tăng mạnh. Theo báo cáo tháng 1-2023 của Munich Re - công ty tái bảo hiểm lớn nhất thế giới (có trụ sở tại thành phố Munich, Đức), thời tiết cực đoan làm thế giới thiệt hại 270 tỷ USD. Điều này đòi hỏi các quốc gia phải có nhiều giải pháp cấp bách hơn để kịp thời ứng phó với thời tiết cực đoan.

Cần nhiều giải pháp cấp bách

Để giải quyết vấn đề trên, Liên hợp quốc kêu gọi các quốc gia cắt giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch, chuyển đổi sang nền kinh tế có carbon thấp. Theo đó, một số giải pháp sau có thể áp dụng để góp phần giảm thiểu các tác động thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng hiện nay.

Thứ nhất, nâng cao hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm về thời tiết. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, việc cảnh báo sớm về một đợt nắng nóng hoặc bão sắp tới có thể giảm 30% mức thiệt hại. Hệ thống cảnh báo sớm giúp con người có hành động ứng phó, không bị động trước thời tiết cực đoan, giúp phòng tránh lũ lụt, tích trữ tài nguyên và kịp sơ tán con người ra khỏi vùng lũ lụt nguy hiểm.

Thứ hai, bảo vệ và phục hồi hệ sinh thái. Rừng có vai trò to lớn đối với đời sống của con người và các loài sinh vật. Rừng có tác động lớn đến môi trường và những biến đổi của thời tiết, có tác dụng điều hòa khí hậu. Mỗi quốc gia cần nâng cao trách nhiệm trong bảo vệ rừng, cần có kế hoạch phục hồi hệ sinh thái rừng bằng việc trồng lại các diện tích rừng bị tàn phá. Việc khai thác gỗ bảo đảm thời gian cho cây phục hồi và phát triển, đặc biệt hạn chế chặt phá rừng.

Thứ ba, xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng thích ứng với thời tiết cực đoan, nhất là xây dựng hệ thống cầu, đường giao thông và đường dây điện có thể chịu được các tác động, ảnh hưởng từ thời tiết cực đoan. Chính phủ các quốc gia cần khuyến khích những nhà đầu tư xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng thích ứng với thời tiết cực đoan; truyền thông mạnh mẽ các quy định xây dựng và quy hoạch không gian để bảo đảm các tổ chức, cá nhân nhận thức được rủi ro, dự báo sớm những bất ổn về thời tiết.

Thứ tư, khuyến khích lập kế hoạch quản lý tài nguyên nước. Các chính phủ cần khuyến khích phát triển những kế hoạch quản lý tài nguyên nước có tính đến đồng bộ chu trình của nước: từ nguồn cung đến nguồn cấp, xử lý, tái sử dụng và quay lại môi trường. Do vậy, cần đầu tư vào hệ thống tưới tiêu thông minh giúp tiết kiệm nước đem lại hiệu quả cho các hoạt động, đặc biệt là hoạt động nông nghiệp và nhu cầu khác của con người.

Thứ năm, cần có các giải pháp và kế hoạch ứng phó dài hạn. Các giải pháp ứng phó với thời tiết cực đoan sẽ hiệu quả hơn nếu được lồng ghép vào những chiến lược và chính sách phát triển kinh tế ở các quốc gia. Do mỗi quốc gia có vị trí địa lý, kinh tế khác nhau, nên cần có các kế hoạch ứng phó bằng việc xây dựng cơ sở dữ liệu, phần mềm và dự báo mức độ phát thải khí nhà kính giúp theo dõi những bất ổn thời tiết trong nhiều thập niên tới, từ đó đưa ra các kịch bản ứng phó kịp thời trước thời tiết ngày càng khắc nghiệt.

Thứ sáu, giảm áp lực về dân số. Dân số thế giới đã vượt mốc 8 tỷ người, gia tăng dân số gây sức ép lớn tới tài nguyên thiên nhiên và môi trường Trái đất do khai thác quá mức các nguồn tài nguyên phục vụ cho những nhu cầu của con người. Tăng dân số tạo ra sức ép lên kết cấu hạ tầng do thiếu nguồn đất xây dựng. Việc tìm kiếm mở rộng đất xây dựng kèm theo nạn phá rừng. Vì vậy, chính phủ các quốc gia cần có kế hoạch và chiến lược để giảm áp lực dân số, đặc biệt là một số quốc gia có tốc độ gia tăng dân số lớn nhất thế giới.

Có thể nói, ứng phó với thời tiết cực đoan vừa có tính cấp bách, vừa có tính lâu dài và phức tạp. Phạm vi ứng phó không chỉ ở một số quốc gia mà còn ở tất cả các quốc gia. Để giảm thiểu tác động từ thời tiết cực đoan, các quốc gia cần chủ động liên kết, tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm để ứng phó phù hợp với các hình thái thời tiết cực đoan mới./.



[1] Đơn vị dùng để đo mật độ của một chất nào đó trong một khối lượng hoặc thể tích nhỏ, ppm=1/1.000.000.