Nguy cơ lạm phát lương thực ở châu Á
La Tuấn
Ảnh hưởng mùa màng
Hạn hán và nhiệt độ Trái đất tăng cũng ảnh hưởng lớn tới sản xuất lương thực. Theo ước tính, khi nhiệt độ tăng 1%, sản lượng lương thực giảm 10%. Mối đe dọa từ thời tiết khô hạn này đối với hoạt động sản xuất lương thực ở châu Á xuất hiện sau khi giá ngũ cốc và dầu ăn tăng lên mức cao lịch sử trong năm 2022 do “chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga” ở Ukraina và đại dịch COVID-19 làm gián đoạn nguồn cung của thế giới. Charles Hart - nhà phân tích hàng hóa tại tổ chức Fitch Solutions ở London (Anh) - cho hay: “hiện tại, thị trường ngũ cốc toàn cầu vốn đang ở giai đoạn khan hiếm mang tính lịch sử, do đó có thể xảy ra biến động giá tăng đột ngột do diễn biến tiêu cực từ phía cung. Những căng thẳng của thời kỳ đại dịch COVID-19 và tình trạng thu hoạch vụ mùa kém của năm 2022 sẽ được cảm nhận rõ rệt trong năm 2023”.
Tương tự, mùa mưa đến chậm hơn cũng khiến thời gian thu hoạch bị gián đoạn. Tình trạng này đã xuất hiện ở tiểu lục địa Ấn Độ và Philippines thời gian gần đây. Vựa lúa gạo Thái Lan cũng đang bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi đợt hạn hán tồi tệ nhất trong lịch sử, đẩy nhiều nông dân xuống hố sâu của nghèo đói và nợ nần. Thái Lan đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế và Indonesia, Philippines có thể sẽ là các nước tiếp theo đưa ra động thái như vậy. Chris Hyde - nhà khí tượng học tại Maxar có trụ sở ở Mỹ - cho biết: “sẽ mất một thời gian để thời tiết khô hạn ở Đông Nam Á có tác động đến sản xuất dầu cọ và gạo. Còn ở miền Trung và miền Bắc của Ấn Độ, trải dài đến tận Pakistan, vấn đề ở đây chính là các điều kiện hiện tại trái ngược với điều kiện của Đông Nam Á. Khu vực này đang phải đối mặt với hạn hán, vì vậy ngay cả lượng mưa thấp hơn một chút so với bình thường cũng có khả năng gây rủi ro cho mùa màng”.
Ảnh hưởng tới khai thác thủy sản
El Nino cũng ảnh hưởng rất lớn tới nghề đánh bắt thủy, hải sản. Bởi lẽ, khi nhiệt độ nước biển tăng lên, cá có xu hướng sinh sống ở vùng nước sâu hơn hoặc di cư sang vùng khác sinh sống, khiến sản lượng đánh bắt cá ở các nước có ngành ngư nghiệp phát triển chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Các nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất của tình trạng này là các nước ở Thái Bình Dương, nơi ngành khai thác thủy sản đóng góp rất lớn vào GDP quốc gia. Nhiều nước ven biển ở Đông Nam Á cũng được cho là sẽ phải chịu những tác động không nhỏ do ngành khai thác thủy sản chiếm 8% - 10% GDP và đây cũng là việc làm chính của một bộ phận lớn người lao động.
Thiếu điện Một trong những ảnh hưởng lớn nhất của El Nino là gây ra tình trạng thiếu nước trầm trọng. Thủy điện cung cấp cho Myanmar và Nepal lần lượt 70% và 100% tổng sản lượng điện năng. Tuy nhiên, nguồn năng lượng đang giảm đi do tình trạng hạn hán xuất hiện ngày càng nghiêm trọng hơn khiến những quốc gia phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ thủy điện bị ảnh hưởng rất lớn do phải cắt điện hoặc đóng cửa các nhà máy thủy điện. Điều này thúc đẩy các nước này mua các nhiên liệu hóa thạch để thay thế. Hệ quả của tình trạng này là làm tăng giá nhập khẩu nhiên liệu, dẫn đến tình trạng lạm phát, gia tăng ô nhiễm môi trường. |
Bên cạnh đó, việc sản xuất lương thực bị ảnh hưởng dẫn đến sự khan hiếm thực phẩm và xu hướng dự trữ lương thực tăng cao sẽ thúc đẩy lạm phát gia tăng. Trong đợt El Nino gần nhất diễn ra vào năm 2010, giá các loại lương thực đã tăng tới gần 45%, trong đó người nghèo là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Gián đoạn kinh tế
Bộ phận phân tích thông tin thuộc Tạp chí Anh The Economist(EIU) khẳng định rằng có nguy cơ rất cao là El Nino cấp tính sẽ ảnh hưởng mạnh đến ngành nông nghiệp và thủy sản của khu vực, gây ra sự gián đoạn kinh tế nghiêm trọng cho nhiều quốc gia châu Á. EIU ước tính, thiệt hại dài hạn về GDP thực tế ở nhiều quốc gia mới nổi châu Á - chủ yếu là Nam và Đông Nam Á - từ 2% đến 6% GDP trong giai đoạn từ nay đến năm 2050, do các yếu tố từ sản lượng kinh tế bị giảm sút cho đến chi tiêu tài khóa tăng cao gắn với chi phí thích ứng với biến đổi khí hậu. Ở Ấn Độ, dự báo cơ sở của EIU ở mức 6,1% đã được coi là El Nino “nhẹ” trong năm 2023.
El Nino “nghiêm trọng” hơn có thể dẫn đến điều chỉnh giảm không quá 0,6 điểm phần trăm. Các sự kiện El Nino trong lịch sử đã báo trước những đợt hạn hán nghiêm trọng ở Ấn Độ, cho thấy rủi ro cao đối với sản lượng nông nghiệp và tăng trưởng GDP trong năm nay. Cục Khí tượng Ấn Độ dự báo một mùa gió mùa bình thường cho Ấn Độ vào năm 2023, dựa trên các kiểu khí hậu ở Ấn Độ Dương, sẽ chống lại tác động của hiện tượng El Nino nhẹ hơn. Tuy nhiên, hiện tượng El Nino nghiêm trọng có thể dẫn đến lượng mưa ít hơn dự kiến trong quý II và quý III năm 2023, gây gián đoạn nghiêm trọng cho sản lượng nông nghiệp. Điều này có thể buộc Chính phủ Ấn Độ phải đáp ứng bằng trợ cấp tiêu dùng cho các bộ phận dân cư nghèo hơn, do đó làm căng thẳng thâm hụt ngân sách vốn đã lớn hoặc áp đặt các hạn chế xuất khẩu có thể gây ra sự tắc nghẽn toàn cầu.
Đối với Trung Quốc, hiện tượng El Nino nghiêm trọng có thể làm giảm không quá 0,3 điểm phần trăm so với dự báo tăng trưởng GDP thực tế cho năm 2023 (hiện ở mức 6,1%). Đánh giá tương đối lành tính này, dựa trên thông báo công khai về thiệt hại kinh tế do các thảm họa thiên nhiên trong quá khứ, phần nào phản ánh tỷ trọng của khu vực nông nghiệp trong GDP là nhỏ hơn nhiều (7%, so với 15% của Ấn Độ). Mặc dù sản lượng nông nghiệp sẽ giảm, nhưng EIU cho rằng không có những rủi ro nghiêm trọng đối với an ninh lương thực hoặc áp lực lạm phát của Trung Quốc dưới tác động của El Nino cấp tính, xét đến năng lực của chính phủ, cũng như kho dự trữ lương thực thiết yếu của nước này ở mức cao.
Trong khi đó, nhiều thị trường mới nổi ở Nam và Đông Nam Á, nơi nông nghiệp có tầm quan trọng cao hơn đối với sản lượng kinh tế địa phương, dễ bị tổn thương hơn nhiều trước sự gián đoạn của El Nino. Chính phủ Thái Lan - nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới - đang kêu gọi nông dân chỉ trồng 1 vụ mùa trong năm nay thay vì 2 vụ như thường lệ vì El Nino có thể làm giảm lượng mưa. Sản lượng gạo giảm có nguy cơ đẩy giá lương thực thiết yếu của hơn 1/2 dân số thế giới lên cao. Đó là dấu hiệu ban đầu cho thấy điều kiện thời tiết phức tạp đang đe dọa sản lượng lương thực toàn cầu như thế nào.
Không chỉ đối với gạo, El Nino còn đặt ra rủi ro đối với sản lượng của các loại cây trồng gồm dầu cọ, cacao và đường, những mặt hàng mà Thái Lan cũng là nhà sản xuất chính. Giáo sư Witsanu Attavanich thuộc Đại học Kasetsart (Thái Lan) mới đây cảnh báo, hiện tượng El Nino chắc chắn sẽ tác động xấu đến nền kinh tế nước này. Giáo sư Witsanu cho biết, hiện tượng El Nino vào năm 1982 - 1983 và 1997 - 1998 khiến thu nhập của người dân Thái Lan giảm 5% - 7,5%. Ông nhấn mạnh, thu nhập hằng năm của họ sẽ giảm hơn nữa trong giai đoạn 2020 - 2099 nếu không thực hiện các biện pháp thích hợp để đối phó với biến đổi khí hậu, chẳng hạn như thiết lập hệ thống quản lý và lưu trữ nước trong mùa mưa. Còn tại Indonesia, chính phủ nước này đã thực hiện các bước chủ động để đối phó với sự gián đoạn tiềm tàng của El Nino. Đầu tháng 4-2023, họ công bố kế hoạch nhập khẩu 2 triệu tấn gạo vào năm 2023, tăng từ 320.000 tấn của năm 2022, do những cú sốc dự kiến đối với năng suất cây trồng địa phương.
Trong khi đó, triển vọng của Sri Lanka mờ mịt hơn. Sri Lanka đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi El Nino do hậu quả của lũ lụt: trong đợt El Nino gần đây nhất ở nước này hồi năm 2016, lượng mưa cao hơn vừa làm giảm sản lượng chè vừa làm tăng tỷ lệ mắc bệnh sốt xuất huyết. Các ca sốt xuất huyết gia tăng - hiện đã có hơn 31.000 ca vào đầu năm 2023 - cho thấy hiện tượng El Nino nghiêm trọng có thể làm tình hình tồi tệ hơn. Tuy nhiên, tình trạng hỗn loạn kinh tế và chính trị đang diễn ra ở Sri Lanka sẽ ngăn cản kế hoạch phối hợp của chính phủ nhằm ứng phó với hiện tượng El Nino nghiêm trọng hơn, qua đó cho thấy những cú sốc kinh tế sâu sắc hơn so với những giả định hiện tại của EIU.
Rõ ràng, El Nino không phải một hiện tượng khí tượng thời tiết thông thường mà nó là sự liên kết ảnh hưởng giữa khí hậu Trái đất với nền kinh tế. Cường độ ngày càng tăng của các sự kiện El Nino trong những thập niên gần đây cho thấy tác động rộng lớn hơn của biến đổi khí hậu đối với việc hạn chế tăng trưởng kinh tế khu vực châu Á. Trong đợt El Nino nghiêm trọng nhất từng được ghi nhận hồi năm 1997 - 1998, tỷ lệ nghèo khó tăng 15% ở châu Á, còn chính phủ các nước ảnh hưởng đã tiêu tốn tới 45 tỷ USD để khắc phục hậu quả.Các chuyên gia dự báo, trong lần trở lại này, mức thiệt hại được sự đoán sẽ còn tăng gấp nhiều lần. Do vậy, các nước trong khu vực châu Á và Thái Bình Dương cần chung tay phối hợp để chuẩn bị đối phó và hành động chung nhằm giảm thiểu tác động của El Nino./.