06/10/2024 | 00:37 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Quan ngại trước chuyển biến gay gắt của biến đổi khí hậu

Minh Trí


Những hiện tượng như thời tiết cực đoan, hạn hán kéo dài khiến đất canh tác ngày càng bị thu hẹp, gia tăng dòng người tị nạn môi trường ở Somali_Ảnh: UN

Hậu quả của việc mưa ít và hạn chế phát triển năng lượng sạch

Hạn hán đã khiến mùa màng thất bát và giết chết gia súc, gây ra khủng hoảng ở một khu vực vốn đã nghèo đói và kết cấu hạ tầng yếu kém. Vào năm 2022, khoảng 942.000 trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi bị suy dinh dưỡng cấp tính chỉ riêng ở Kenya. Trên khắp Kenya, Ethiopia và Somalia, 3,3 triệu người đã phải rời bỏ nhà cửa và nhiều người đang sống trong các trại tị nạn. Phân tích mới cho thấy, những đợt hạn hán được ghi nhận ở vùng Sừng châu Phi trong 2 năm qua có khả năng xảy ra ít nhất 100 lần do biến đổi khí hậu. Vùng này thường trải qua 2 mùa mưa rõ rệt. Điều này bao gồm “mưa dài”, xảy ra từ tháng 3 đến tháng 5 và “mưa ngắn” từ tháng 10 đến tháng 12. Nhưng kể từ tháng 10-2020, đã 5 mùa mưa liên tiếp không xuất hiện, khiến tình trạng khô hạn nặng nề nhất được ghi nhận trong 40 năm qua, gây ra khủng hoảng nhân đạo.

Để hiểu tác động của biến đổi khí hậu do con người gây ra đối với hạn hán, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra xem nó có thể tác động như thế nào đến khả năng xảy ra lượng mưa thấp ở vùng Sừng châu Phi trong khoảng thời gian 2 năm từ tháng 1-2021 đến tháng 12-2022. Phân tích cho thấy, lượng mưa thấp quan sát được trong khoảng thời gian 2 năm có 5% khả năng xảy ra hằng năm. Sự thiếu vắng những trận mưa dài dự kiến sẽ xảy ra 10 năm một lần, đối với những trận mưa ngắn dự kiến sẽ xảy ra 5 năm một lần. Họ nói thêm “không có xu hướng nào khi nhìn vào những cơn mưa ngắn và dài kết hợp trong 24 tháng”. Những năm hạn hán cũng chứng kiến tình trạng La Nina liên tiếp. Theo các nhà nghiên cứu, ở phía Đông châu Phi, La Nina có liên quan đến những cơn mưa ngắn dưới mức trung bình.

Giám đốc điều hành Công ty điện lực quốc gia Nam Phi Eskom tuyên bố rằng, Chính phủ Nam Phi đã cố gắng “hạ thấp quản trị” về cách chi tiêu 8,5 tỷ USD tài trợ năng lượng sạch. Trong một cuộc phỏng vấn dài 50 phút trên truyền hình vào hồi đầu năm 2023, Andre De Ruyter tuyên bố rằng công ty mà ông lãnh đạo trong 3 năm đã bị tội phạm có tổ chức xâm nhập và xảy ra nạn tham nhũng nhưng bị chính quyền làm ngơ. Đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC) cầm quyền gọi De Ruyter là “kẻ phản bội” và nói rằng những tuyên bố của ông về tham nhũng là “lừa đảo, vô trách nhiệm và vô căn cứ”. Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP 26), Chính phủ Nam Phi tuyên bố sẽ nhận khoản vay và trợ cấp trị giá 8,5 tỷ USD từ các quốc gia giàu có để tài trợ cho các dự án như năng lượng tái tạo, đường dây truyền tải điện, sản xuất xe điện và hydro xanh. Phần lớn số tiền này sẽ được Eskom chi tiêu và De Ruyter cho biết thỏa thuận đã được thực hiện “phần lớn là nhờ sự can thiệp của Eskom”. Thỏa thuận, được gọi là quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), đã hình thành một mô hình cho các thỏa thuận tương tự với Indonesia và Việt Nam. Biến đổi khí hậu là mối đe dọa lớn đối với sản xuất lương thực, đồng thời đang khiến con người phải di dời và gia tăng rủi ro đối với sức khỏe trên toàn cầu. Giải quyết biến đổi khí hậu đòi hỏi nguồn lực lớn, bao gồm đầu tư tài chính để khử carbon cho nền kinh tế và sản xuất lương thực bền vững. Trên tất cả, nó đòi hỏi sự hợp tác và cam kết quốc tế - dựa trên sự hiểu biết chính xác về các vấn đề liên quan. Đáng lo ngại, nhiệt độ trên khắp miền Nam châu Phi được dự đoán sẽ tăng ít nhất 0,80C vào năm 2035.

Biến đổi khí hậu làm gia tăng bệnh tật, sự đau khổ

Những thay đổi trong các yếu tố khí hậu, chẳng hạn như nhiệt độ cao hơn và lượng mưa tăng lên, ảnh hưởng đến các kiểu phát triển, hành vi và phân bố của côn trùng như muỗi. Những thay đổi này có ý nghĩa nghiêm trọng đối với việc kiểm soát hiệu quả các bệnh do côn trùng gây ra như sốt rét, sốt xuất huyết. Sốt rét hiện có ở 3 tỉnh của Nam Phi: Limpopo, Mpumalanga và KwaZulu-Natal. Limpopo báo cáo 62% các trường hợp tại địa phương, trong khi KwaZulu-Natal ghi nhận tỷ lệ nhiễm bệnh “khiêm tốn” ở mức 6%. Những nơi nhiệt độ cao hơn làm tăng nguy cơ sốt rét. Điều này là do muỗi và ký sinh trùng sốt rét thích hợp nhất ở nhiệt độ từ 170C đến 350C. Ngoài ra, lượng mưa tăng lên sẽ có khả năng làm tăng số lượng các địa điểm sinh sản của muỗi... Nghiên cứu ở Limpopo chỉ ra rằng, mưa lớn vào mùa xuân thường liên quan đến số ca mắc bệnh sốt rét cao hơn trong mùa hè. Tác động của biến đổi khí hậu đối với muỗi là rất rõ ràng. Nhưng tác động của nó đối với việc truyền bệnh sốt rét vẫn chưa rõ. Một số nghiên cứu mô hình toán học lý thuyết dự đoán, sự gia tăng số ca mắc bệnh sốt rét do biến đổi khí hậu. Nhưng các mô hình khác cho thấy biến đổi khí hậu sẽ không ảnh hưởng đến bệnh sốt rét. Cần thêm dữ liệu để xem giả thuyết nào là chính xác; tuy nhiên, mức độ khả thi hiện bị ảnh hưởng bởi hiệu ứng khó kiểm tra trong phòng thí nghiệm. Cùng với việc xem xét biến đổi khí hậu có thể ảnh hưởng đến lượng mưa như thế nào trong thời gian hạn hán, các nhà nghiên cứu cũng xem xét tác động của nó đối với nhiệt độ. Điều này là do nhiệt độ cao hơn có thể khiến cây giải phóng nước nhanh hơn, khiến đất bị khô. Trong khi lượng mưa thấp gây ra “hạn hán khí tượng”, tỷ lệ giải phóng độ ẩm cao hơn từ thực vật (thoát hơi nước) gây ra “hạn hán nông nghiệp”. Phoebe Wafubwa - cố vấn của Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) có trụ sở tại Kenya - cho biết, hạn hán là vụ mới nhất trong một số cuộc khủng hoảng ảnh hưởng đến Đông Phi trong những năm gần đây. Trong một buổi họp báo, bà cho biết: “chúng tôi đã và đang phải trải qua tình huống xung đột ở Somalia, Kenya và Ethiopia... Trước khi bắt đầu các đợt khô hạn, chúng tôi đã gặp lũ lụt, tình hình COVID-19 và bùng phát dịch châu chấu”. Mohamed Adow - giám đốc của tổ chức tư vấn Power Shift châu Phi ở Kenya - cho biết, những kết quả từ việc phân tích củng cố lý do tại sao biến đổi khí hậu là “vấn đề bất công lớn nhất và nghiêm trọng nhất của thế giới”. Ông nói với tờ báo Carbon Brief: “là một người đến từ Đông Phi, thật đau lòng khi chứng kiến tác động của biến đổi khí hậu gây ra quá nhiều đau khổ cho những người không xứng đáng phải gánh chịu những điều này”. Được biết, Đông Phi chỉ chịu trách nhiệm cho 1,4% tổng số lượng khí thải nhà kính toàn cầu.

Những kết quả này cho chúng ta biết rằng các lợi ích cạnh tranh về kinh tế, xã hội và sức khỏe đang làm lu mờ các lợi ích về môi trường ở Nam Phi. Hiện tại, điều này là hợp lý, nhưng nhiều vấn đề trong số này sẽ trở nên trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu trong tương lai, tạo thêm thách thức khác đối với tham vọng phát triển của đất nước. Các chiến lược tập trung vào phụ nữ và cư dân nông thôn hơn những người khác nên được phát triển để thông báo và hỗ trợ công chúng giảm lượng khí thải carbon và tạo ra các công nghệ bền vững. Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres nói rằng, các nền kinh tế mới nổi bao gồm Trung Quốc và Ấn Độ - những nước có kế hoạch đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2060 và 2070 - phải làm điều đó khẩn trương hơn. Ông nói: “mọi quốc gia phải là một phần của giải pháp. Đòi hỏi người khác hành động trước chỉ bảo đảm rằng loài người sẽ hành động sau cùng”. Trong khi các nhà lãnh đạo toàn cầu tranh cãi về cách sắp xếp nào là tốt nhất, thì thế giới đang trên đà tăng nhiệt độ từ 2,4 đến 2,60C vào cuối thế kỷ này và khi đó, châu Phi sẽ là lục địa bị ảnh hưởng nặng nề nhất./.

Chuyên mục: Bên lề sự kiện