06/10/2024 | 00:44 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Bài toán cần những chính sách bền vững, phù hợp

Vũ Thanh Vân
El Nino có thể gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu hơn 4.000 tỷ USD trong những năm tiếp theo. Nếu các sự kiện El Nino tiếp tục gia tăng về mức độ và phạm vi, thiệt hại kinh tế toàn cầu có thể lên đến 84.000 tỷ USD cho đến cuối thế kỷ XXI. Đây là kết quả của nghiên cứu “Ảnh hưởng lâu dài của El Nino đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu” công bố trên tạp chí khoa học của Mỹ tháng 5-2023. Những tác động tiêu cực của El Nino và nhiều hiện tượng khí hậu cực đoan khác đòi hỏi các chính phủ nghiên cứu thấu đáo, từ đó xây dựng chính sách bền vững, phù hợp.


Ruộng ngô khô héo do ảnh hưởng bởi đợt hạn hán kéo dài ở ngoại ô Buenos Aires, Argentina, ngày 24-1-2022_Ảnh: Reuters

Tác động tiêu cực

Khi hiện tượng, sự kiện thiên nhiên bất thường ngày càng trở nên phổ biến, các nhà kinh tế học ngày càng quan tâm nghiên cứu mối quan hệ giữa khí hậu và hoạt động kinh tế. Các nghiên cứu tìm hiểu những yếu tố như nhiệt độ, mưa, bão và các hiện tượng thời tiết khác có tác động như thế nào đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp, năng suất lao động, giá cả lương thực, bất ổn xã hội và tăng trưởng kinh tế. Kiến thức này không chỉ phục vụ quá trình thích ứng với tự nhiên mà còn giúp các chính phủ xây dựng chính sách, đối sách kinh tế vĩ mô, vi mô phù hợp.

Các nghiên cứu khác nhau chỉ ra tác động khác nhau của El Nino đối với các quốc gia và các nền kinh tế. Nghiên cứu El Nino - Bé ngoan hay bé hư? của Paul Cashin và các đồng sự đăng trên Tạp chí Tài chính và Phát triển của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) xem xét tác động của El Nino trong thời gian từ năm 1979 đến năm 2013 đối với kinh tế toàn cầu và kinh tế quốc gia trên các phương diện tăng trưởng, lạm phát và giá hàng hóa cho thấy, El Nino có tác động to lớn khác nhau đối với các khu vực khác nhau.

Một mặt, El Nino khiến các quốc gia như Australia, Chile, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, New Zealand và Nam Phi đối mặt với tình trạng suy giảm các hoạt động kinh tế ngắn hạn, từ đó làm chậm lại hoặc giảm bớt đà tăng trưởng kinh tế. Thế nhưng, ở một số khu vực khác như Mỹ hay các quốc gia châu Âu, El Nino góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhờ hiệu ứng lan tỏa từ các đối tác thương mại. Sự khó khăn của nền kinh tế này trong một số trường hợp lại là cơ hội tăng trưởng cho nền kinh tế khác.

Australia là một trong những nền kinh tế chịu tác động tiêu cực của các hiện tượng và sự kiện El Nino. El Nino là nguyên nhân của mùa hè nóng và khô ở miền Đông Nam, làm gia tăng tần suất và mức độ của các vụ cháy rừng nhưng lại làm giảm bớt lượng xuất khẩu lúa mì. Hệ quả là giá lúa mì trên thị trường thế giới gia tăng trong khi tăng trưởng kinh tế của Australia suy giảm. Tình trạng tương tự xảy ra với New Zealand khi El Nino ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất nông nghiệp và xuất khẩu nông sản.

Ở một số quốc gia như Ấn Độ, Indonesia, El Nino thường diễn ra đồng thời với tình trạng lượng mưa giảm trong khi nhiệt độ tăng, từ đó dẫn đến tình trạng thiếu nước canh tác và tồi tệ hơn là sa mạc hóa đất nông nghiệp. Việc thiếu nước cho sản xuất ảnh hưởng trước hết đến năng suất và giá cả lương thực, thực phẩm, đe dọa an ninh lương thực trong nước đồng thời làm giảm nguồn cung một số sản phẩm nông nghiệp trên thị trường thế giới. Ví dụ, giá cà phê, ca cao và dầu cọ của Indonesia sẽ tăng do tác động tiêu cực của El Nino.

Trên phương diện vĩ mô, El Nino có khả năng khiến tình trạng lạm phát ở một số quốc gia xấu đi. Các quốc gia như Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan thường chứng kiến tỷ lệ lạm phát khá cao mà nguyên nhân là do giá thực phẩm chiếm tỷ lệ cao trong giỏ hàng hóa tiêu dùng (CPI). Nhà kinh tế Paul Cashin cùng các đồng sự nghiên cứu mối liên hệ giữa tỷ trọng thực phẩm trong giỏ hàng hóa tiêu dùng và mức độ lạm phát ở 21 quốc gia đã chỉ ra mối tương quan thuận giữa giá lương thực và lạm phát gia tăng. Điều này có nghĩa là, giá thực phẩm tăng thì lạm phát cũng tăng.

Christopher Callahan - chuyên gia nghiên cứu về tác động khí hậu tại Đại học Dartmouth (Mỹ) - cho biết: “chúng tôi nhận thức, El Nino là cây búa lớn giáng vào Trái đất vài năm một lần. Nhưng chúng ta chưa hiểu hết những tác động của nó đối với kinh tế vĩ mô không chỉ trong ngắn hạn mà còn cả những ảnh hưởng dài hạn đối với tình trạng nóng lên của toàn cầu trong tương lai”. El Nino đã gây ra những tổn thương về kinh tế trong những thập niên qua, tiếp tục có những ảnh hưởng tiêu cực trong tương lai, đòi hỏi các chính phủ có đối sách phù hợp.

Giải pháp bền vững

Mặc dù El Nino được cho là có một số tác động tích cực đối với một số quốc gia, nhưng điều này không có nghĩa là các quốc gia không cần đưa ra những đối sách phù hợp. Các quốc gia như Mỹ, Canada, Argentina, Mexico may mắn nhận được những tác động tích cực của El Nino. Ví dụ, Canada có thời tiết ấm hơn trong năm El Nino, nhờ vậy hoạt động đánh bắt hải sản có năng suất cao hơn. Tuy nhiên, những lợi ích này mang tính tạm thời, ngắn hạn, cục bộ vì khi nhìn trên bình diện toàn cầu, El Nino đáng ngại hơn đáng mừng.

Justin Mankin - nhà khoa học về khí hậu tại Đại học Dartmouth (Mỹ) - cho rằng, thế giới chưa sẵn sàng đối phó với những tổn thương mà El Nio sẽ mang lại. Ông nhấn mạnh, cần nghiên cứu thiệt hại kinh tế của El Nino vì những tác động của nó khá giống với tác động của tình trạng nóng lên toàn cầu. Ông nhận định: “các nền kinh tế của chúng ta thích ứng chậm chạp và điều chỉnh lúng túng trước những biến thiên của khí hậu mà chúng ta đang phải đối mặt”. Kết quả nghiên cứu về ảnh hưởng kinh tế tiêu cực của El Nino của Justin Mankin khiến nhiều chính phủ quan tâm.

Các hiện tượng và sự kiện El Nino vốn xảy ra từ lâu nhưng chưa được chú ý một cách đúng mức, thậm chí còn được cho là một phần tất yếu của biến đổi tự nhiên hơn là hệ quả từ hoạt động của con người.

El Nino không được nhìn nhận trong mối liên hệ với quá trình gia tăng hoạt động công nghiệp, tiêu thụ các nguồn năng lượng hóa thạch và các hành động can thiệp thiên nhiên thô bạo như đốt phá rừng, lạm dụng hóa chất trong canh tác, xây dựng các đập thủy điện... Việc cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường vẫn là thách thức thực sự ở các quốc gia đang phát triển, chậm phát triển.

Trong nghiên cứu Thời tiết tốt hay kẻ thù? Ảnh hưởng của El Nino đối với kinh tế vĩ mô đăng trên Tạp chí Kinh tế quốc tế (Mỹ), Paul Cashin và các đồng sự cho rằng, khi hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô, các chính phủ cần cân nhắc đến tác động của các sự kiện, hiện tượng El Nino. Tác động của El Nino đối với nền kinh tế có thể trực tiếp hoặc gián tiếp, nhưng nếu chính phủ duy trì nền kinh tế với các lĩnh vực, hoạt động đa dạng thì El Nino sẽ có ít ảnh hưởng hơn đối với tăng trưởng kinh tế và lạm phát. Điều này cũng có nghĩa là, chính phủ cần cơ cấu nền kinh tế theo hướng giảm bớt những ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng tiêu cực của El Nino, hoặc tìm kiếm các công nghệ mới để nâng cao hiệu quả kinh tế của những lĩnh vực này.

Trong dài hạn, việc ứng phó với El Nino và các hiện tượng khí hậu cực đoan khác có mối liên hệ chặt chẽ với bảo vệ môi trường. Mục tiêu bảo vệ môi trường cần được xác định rõ ràng, đặt đúng vị trí so với mục tiêu phát triển kinh tế. Trong không ít trường hợp, môi trường tự nhiên bị tàn phá để đánh đổi những lợi ích kinh tế nhất thời, ngắn hạn, trong khi gây ra những hậu quả môi trường lâu dài, khó có thể khắc phục. Các nhà bảo vệ môi trường cảnh báo, nếu không ý thức được điều này, trong tương lai các nguồn lực phải đầu tư để cứu môi trường còn lớn hơn nhiều lần so với lợi ích kinh tế nhận được trong hiện tại.

Khí hậu ôn hòa, không khí trong lành, nước sạch, đất lành cần và phải là phúc lợi tự nhiên của người dân. Muốn hiện thực hóa được điều này, chính phủ các quốc gia cần có những giải pháp, chính sách mang tính bền vững. El Nino hay nhiều hiện tượng thiên nhiên khác chính là lời nhắc nhở, các chính sách, giải pháp hiện nay chưa đầy đủ hoặc chưa hiệu quả. Sự gia tăng mức độ, phạm vi, tần suất của các hiện tượng thiên nhiên cực đoan gây ra những hậu quả kinh tế nghiêm trọng. Chỉ riêng hiện tượng El Nino năm 1997 - 1998 đã gây thiệt hại 45 tỷ USD cho các chính phủ, theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB). Con số này sẽ không dừng lại ở đó nếu các chính phủ tiếp tục phớt lờ những cảnh báo để theo đuổi những chỉ số tăng trưởng mang tính định lượng mà không chú trọng đến chất lượng, mức độ toàn diện của tăng trưởng./.