La Nina - hiện tượng thời tiết hay yếu tố địa - chính trị?
Tường Linh
Từ Cách mạng Pháp tới Nội chiến Mỹ
Với các nhà nghiên cứu, các hiện tượng thời tiết cực đoan, khắc nghiệt có thể tác động đến chính trị không phải là điều mới lạ. Một trong những ví dụ điển hình minh chứng cho điều đó là tình trạng khí hậu khắc nghiệt được coi là một trong những nguyên nhân thổi bùng cuộc Cách mạng Pháp năm 1789. Năm 1788, khí hậu khắc nghiệt với những đợt hạn hán vào mùa xuân và những cơn bão dữ dội vào tháng 7 khiến mùa màng thất bát, giá bánh mì tăng vọt. Mùa đông băng giá sau đó lại đẩy tiếp giá củi lên. Tình trạng đắt đỏ khiến cuộc sống người dân đảo lộn, nông dân đói khát tràn lên thành phố kiếm sống. Người dân nghèo tỏ ra chán ghét chính quyền và họ trở thành lực lượng tham gia cuộc cách mạng lật đổ Vua Louis XVI, chấm dứt chế độ quân chủ và lập ra nền cộng hòa Pháp.
Trong khi đó, La Nina lại chính là nguyên nhân gây ra những hiện tượng thời tiết dị thường, khắc nghiệt. Được hình thành bởi những luồng gió mậu dịch ở vùng xích đạo mạnh lên khi bán cầu Bắc chuẩn bị bước vào những tháng mùa đông, đưa những dòng biển lạnh từ dưới đáy sâu nổi lên trên bề mặt ở khu vực xích đạo của Thái Bình Dương, La Nina làm gián đoạn các mô hình bình thường về sự lưu chuyển của khí quyển và lượng mưa nhiệt đới, gây ra hàng loạt hiện tượng thời tiết cực đoan đáng sợ trên toàn cầu như: lũ lụt vào mùa xuân, tuyết rơi kỷ lục vào mùa đông, hạn hán vào mùa hè... Ngoài ra, nó còn gây ra hàng loạt cơn bão và siêu bão cũng như bão tuyết khủng khiếp đối với các khu vực bị ảnh hưởng. La Nina thường xuất hiện ngay sau khi El Nino kết thúc, tạo thành 2 pha lạnh và nóng trong một dao động gọi là ENSO.
Trong một bài viết đăng trên tạp chí của Hiệp hội Địa vật lý Mỹ, ông Max Torbenson đến từ Đại học Arkansas (Mỹ) khẳng định rất có thể La Nina đã đóng một vai trò quan trọng, khiến hạn hán kéo dài vào đầu những năm 60 của thế kỷ XIX, tác động đến cuộc nội chiến ở Mỹ. Bằng cách nghiên cứu các vòng cây, yếu tố có thể tiết lộ điều kiện khí hậu trong quá khứ theo độ dày của từng năm sinh trưởng (vòng cây dày có nghĩa là năm đó có nhiều mưa, vòng mỏng là hạn hán), ông chứng minh rằng hạn hán trong giai đoạn nội chiến là một trong những đợt hạn hán tồi tệ nhất trong lịch sử. Nó ảnh hưởng đến nước Mỹ trong nhiều thế kỷ, dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng của bò rừng Mỹ và ảnh hưởng đến diễn biến của cuộc nội chiến ở Mỹ (1861 - 1865). Lý do là bởi hạn hán nặng nề do La Nina đã gây ra tình trạng thiếu lương thực, làm chậm cuộc tiến công của quân đội miền Nam vào năm 1862, dẫn tới thất bại của Liên minh miền Nam trước Liên bang miền Bắc vào năm 1865, chấm dứt cuộc nội chiến duy nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Cũng liên quan đến cuộc nội chiến ở Mỹ, một nghiên cứu khác khá thú vị về tác động của La Nina là cuốn sách có tên gọi “Khí hậu, thời tiết và Nội chiến Mỹ”, xuất bản năm 2022. Trong cuốn sách, tác giả Kenneth Noe đã kể lại toàn bộ lịch sử của cuộc nội chiến với trọng tâm là cách khí hậu và thời tiết ảnh hưởng đến thành công và thất bại của các trận chiến và chiến dịch. Được coi là công trình nghiên cứu toàn diện về mối liên quan giữa thời tiết và khí hậu trong nội chiến Mỹ, khác với cách giải thích truyền thống trước đây, cuốn sách của Kenneth Noe cho rằng lũ lụt và hạn hán trong các năm 1862, 1863 và 1864 bởi sự xuất hiện của El Nino và La Nina đã khiến Liên minh miền Nam gặp rất nhiều khó khăn. Đã có lúc, chính quyền miền Nam rơi vào cảnh không biết ưu tiên cung cấp lương thực cho binh lính trước hay dân thường trước. Khó khăn trong bảo đảm hậu cần là một trong những nguyên nhân dẫn đến thất bại của Liên minh miền Nam trong cuộc nội chiến.
Tuy nhiên, công trình nghiên cứu cho thấy rõ nhất mối liên quan giữa hiện tượng thời tiết cực đoan do El Nino và La Nina gây ra với nạn bạo lực và xung đột là của tác giả Solomon Hsiang đến từ Viện nghiên cứu Trái đất tại Đại học Columbia (Mỹ). Trong bài viết đăng trên tạp chí Nature, Hsiang cho biết đã cùng các đồng nghiệp phân tích thống kê về các cuộc xung đột trong giai đoạn từ năm 1950 đến năm 2004 tại 93 quốc gia ở vùng nhiệt đới và 82 quốc gia khác để xem chu kỳ El Nino - La Nina có ảnh hưởng đến các cuộc xung đột này hay không. Kết quả nghiên cứu cho thấy ở những nước bị ảnh hưởng của chu kỳ của ENSO, nguy cơ xung đột nổ ra trong giai đoạn La Nina là khoảng 3%, trong khi tỷ lệ ở giai đoạn El Nino là 6%. Với những nước nằm ngoài tầm ảnh hưởng của chu kỳ ENSO, tỷ lệ xung đột chỉ ở mức 2%. Như vậy, dù không tác động mạnh như El Nino nhưng La Nina rõ ràng là nguyên nhân khiến số vụ xung đột tăng lên.
La Nina gây xung đột, chiến tranh thế nào?
Vậy tác động của La Nina trên quy mô toàn cầu thế nào và những tác động nào của nó có thể dẫn tới xung đột và chiến tranh? Theo các nhà khoa học, nếu coi thời tiết như một dòng domino xếp nối tiếp nhau, một cái ngã xuống sẽ kéo theo tất cả những cái còn lại, thì con domino đầu tiên là La Nina. Chính nó là tác nhân làm thay đổi thời tiết ở Thái Bình Dương, rồi những thay đổi này sẽ lan ra khắp cả hành tinh. La Nina làm tăng cường gió từ Đông sang Tây trên vùng xích đạo Thái Bình Dương, khiến nhiệt độ ấm lên ở phía Tây Thái Bình Dương, đồng nghĩa với lượng mưa lớn ở Australia và Indonesia. Ngược lại, nó làm nhiệt độ đại dương phía Đông Thái Bình Dương tụt xuống, dẫn đến tình trạng khô hạn ở phía Tây của Nam Mỹ, phía Nam của Bắc Mỹ và khu vực Sừng châu Phi. Nó cũng khiến Bắc Mỹ, Bắc Á và châu Âu có thể phải đối mặt với mùa đông lạnh giá hơn. Tất cả những hình thái thời tiết khắc nghiệt này đều có thể là nguyên nhân khiến mùa màng thất bát, xã hội bất ổn, thậm chí rơi vào xung đột, nội chiến.
Chẳng hạn như ở khu vực Sừng châu Phi, một loạt nước ở khu vực này như Somalia, Ethiopia, Kenya từng rơi vào bất ổn mà một trong những nguyên nhân là do tác động của La Nina. Khu vực Sừng châu Phi vốn có 2 mùa mưa, đợt đầu là vào tháng 10, 11, 12, đợt sau là vào tháng 3, 4, 5. Tuy nhiên, khi La Nina xuất hiện, cả 2 mùa mưa này hoạt động rất kém, dẫn đến hạn hán khắc nghiệt ảnh hưởng đến mùa màng, khiến nạn đói bùng phát. Trong khi đó, ở miền Nam châu Phi, La Nina lại gây ra mưa lớn. Ngoài việc bị lũ lụt tàn phá, mùa màng ở khu vực này thường phải đối mặt sự bùng phát của nạn châu chấu. Trong điều kiện thời tiết khô, nóng, châu chấu ít xuất hiện. Nhưng khi những trận mưa lớn trên diện rộng xuất hiện do La Nina, châu chấu sẽ xuất hiện theo. Trong điều kiện thời tiết ẩm ướt kéo dài, châu chấu sinh sản rất nhanh, hệ quả là dịch châu chấu bùng phát, mùa màng thất bát.
Các nhà nghiên cứu cũng lo ngại việc La Nina có thể dẫn tới mùa đông lạnh giá hơn ở châu Âu và Bắc Á, làm gia tăng hóa đơn nhập khẩu năng lượng của các nước thuộc khu vực này trong ngắn hạn. Các vấn đề an ninh năng lượng và địa - chính trị vốn có quan hệ với nhau, sẽ bùng phát thành thách thức. Vì áp đặt các lệnh trừng phạt Nga do xung đột ở Ukraina, châu Âu chấm dứt việc nhập khẩu dầu thô từ Nga. Để có các nguồn cung thay thế, nhất là khi bị tác động bởi La Nina, châu Âu phải hướng sang các khu vực khác và điều này dẫn tới những thay đổi về ưu tiên trong chính sách đối ngoại của châu lục này, có thể gây ra sự cạnh tranh với các nước khác. Dòng biển lạnh La Nina cũng làm thay đổi nhu cầu năng lượng của Trung Quốc, khiến nước này tăng cường nỗ lực trong việc bảo đảm sự hiện diện ở các tuyến đường hàng hải trên Biển Đông. Điều này cũng cấp thiết với Nhật Bản và Hàn Quốc, những nước đều phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu thông qua Biển Đông và dễ bị tác động bởi La Nina. Cạnh tranh trên Biển Đông vì thế mà tăng lên và phức tạp hơn./.