21/11/2024 | 23:21 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Mối hoạ El Nino

Tiến Thắng - Công Minh - Khôi Nguyên - Thành Nam
Theo dự báo của các cơ quan khí tượng quốc tế, thế giới đang chuẩn bị phải trải qua những đợt nắng nóng mới với nhiệt độ có thể đạt mức kỷ lục từ trước đến nay. Đây là biểu hiện rõ ràng nhất của El Niño (thường gọi là El Nino) - một hiện tượng thời tiết theo chu kỳ đáng lo ngại đã từng xảy ra và được xem là nguyên nhân dẫn tới nhiều hiện tượng khí hậu và thời tiết cực đoan, như hạn hán, mưa lớn, bão lụt,... ở nhiều quốc gia với tổn thất ước tính lên tới hàng nghìn tỷ USD.

Đặt trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với những diễn biến nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu, El Nino chính là sự “cộng hưởng” rất đáng lo ngại có thể gây thêm nhiều bất ổn. Thực tế đó cũng đòi hỏi các quốc gia và cộng đồng quốc tế phải có những giải pháp ứng phó phù hợp, nhằm bảo vệ an toàn cho cuộc sống người dân cũng như bảo đảm mục tiêu phát triển.

I. EL NINO - HIỆN TƯỢNG THỜI TIẾT ĐÁNG LO NGẠI


Ngọn lửa thiêu rụi cánh đồng lúa mì khô héo do nắng nóng ở tỉnh Zamora, Tây Ban Nha, ngày 18-7-2022_Ảnh: Reuters

Từ món quà của “Chúa hài đồng”

Trong lịch sử, bề mặt nước phía Đông Thái Bình Dương xích đạo dọc ngoài khơi bờ biển Peru và Ecuador thường có nhiệt độ thấp. Tuy nhiên, vào mùa đông những năm đầu thế kỷ XVII, các ngư dân tại đây đã phát hiện những làn nước ấm bất thường chuyển dời từ phía Đông sang phía Tây Thái Bình Dương, làm cho nước ở khu vực biển trung tâm và phía Tây của đại dương ấm lên. Sự thay đổi của các dòng hải lưu và gió này mang đến những “món quà” từ vùng nhiệt đới, chẳng hạn như những trái dừa. Vì thường xuất hiện vào dịp Giáng sinh, những làn nước ấm mang theo những món quà đó được gọi là El Nino (nghĩa là Cậu bé hay Chúa hài đồng theo tiếng Tây Ban Nha).

Tuy nhiên, đến thế kỷ XIX, khi hoạt động đánh bắt cá phát triển, việc vùng nước lạnh ven biển và ngoài khơi được thay thế bằng vùng nước ấm trong thời gian xảy ra hiện tượng El Nino, ngành đánh bắt cá, nhất là cá cơm, đã bị ảnh hưởng rất lớn khi sản lượng khai thác giảm mạnh, thậm chí trong nhiều năm, cá cơm gần như biến mất. Cho tới lúc này, những tác động không mong muốn từ hiện tượng El Nino mới thực sự được quan tâm.

ENSO, El Nino và La Nina

Khi đề cập đến những diễn biến về khí hậu, người ta thường đề cập đến thuật ngữ ENSO. Theo đó, ENSO - chữ viết tắt của các từ ghép El Nino Southern Oscillation (El Nino Dao động Nam) - là một trong những hiện tượng khí hậu quan trọng nhất trên Trái đất do khả năng thay đổi hoàn lưu khí quyển - đại dương, từ đó ảnh hưởng đến nhiệt độ và lượng mưa trên toàn cầu.

Mặc dù ENSO là hiện tượng khí hậu đơn lẻ, nhưng nó có 3 trạng thái hoặc 3 giai đoạn. Trong đó có 2 giai đoạn đối nghịch nhau là El Nino và La Nina có liên quan với dao động của khí áp giữa 2 bờ phía Đông Thái Bình Dương với phía Tây Thái Bình Dương - Đông Ấn Độ Dương (được gọi là Dao động Nam).

El Nino

Là hiện tượng dùng để chỉ sự nóng lên của bề mặt đại dương hoặc nhiệt độ bề mặt nước biển trên trung bình (SST) ở vùng nhiệt đới trung tâm và phía Đông Thái Bình Dương. Hiện tượng này cũng gắn liền với những thay đổi trong hoàn lưu khí quyển nhiệt đới (thay đổi về gió, áp suất và lượng mưa), khiến lượng mưa có xu hướng tăng - giảm bất thường, trong đó lượng mưa tăng thường xuất hiện ở vùng nhiệt đới Thái Bình Dương và gây ra các hiện tượng khí hậu cực đoan trên toàn cầu như bão lụt và sóng thần...

El Nino thường lặp lại với chu kỳ từ 2 đến 7 năm một lần, thường kéo dài từ 9 đến 12 tháng, đạt cực đại trong khoảng thời gian từ tháng 11 đến tháng 1 và sau đó giảm dần trong nửa đầu năm sau. Các sự kiện El Nino mạnh và vừa phải có tác động làm tăng nhiệt độ bề mặt trung bình toàn cầu. Trong đó, El Nino 2015 - 2016 là một trong những hiện tượng mạnh nhất từng được ghi nhận.

La Nina

Trái ngược với El Nino, La Nina (có nghĩa là Cô bé) là hiện tượng dùng để chỉ sự làm mát bề mặt đại dương hoặc nhiệt độ bề mặt nước biển dưới mức trung bình ở vùng nhiệt đới trung tâm và phía Đông Thái Bình Dương cùng với sự đảo ngược của các điều kiện khí quyển bên trên. Ở nhiều nơi, các đợt lạnh La Nina tạo ra những hiệu ứng khí hậu ngược lại với El Nino.

Trung tính

Giai đoạn 3 của ENSO thường được gọi là giai đoạn trung tính (không phải El Nino hay La Nina). Trong giai đoạn này, nhiệt độ bề mặt nước biển Thái Bình Dương thường gần với mức trung bình. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, đại dương có thể giống như đang ở trạng thái El Nino hoặc La Nina, nhưng bầu khí quyển lại không có những biểu hiện bất thường (hoặc ngược lại).

Những tác động của El Nino

Theo Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), khi xảy ra, El Nino có những tác động hết sức phức tạp và không bao giờ hoàn toàn giống nhau mà phụ thuộc vào cường độ của sự kiện, thời điểm trong năm khi nó phát triển và sự tương tác với các điều kiện khí hậu, địa hình khác.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, El Nino thường liên quan đến điều kiện khô và ấm ở các khu vực nội địa phía Nam và phía Đông của Australia cũng như Indonesia, Philippines, Malaysia và các đảo trung tâm Thái Bình Dương như Fiji, Tonga và Papua New Guinea. Vào mùa hè, ở bán cầu Bắc lượng mưa gió mùa Ấn Độ thường có xu hướng ít hơn bình thường. Vào mùa đông ở Bắc bán cầu, điều kiện khô hơn bình thường được quan sát thấy ở Đông Nam châu Phi và Bắc Brazil.

Trong khi đó, hiện tượng ẩm ướt hơn bình thường thường được ghi nhận ở khu vực dọc theo bờ biển phía Đông nước Mỹ, bờ biển phía Tây vùng nhiệt đới Nam Mỹ (Colombia, Ecuador và Peru) và từ miền Nam Brazil đến miền Trung Argentina. Các vùng phía Đông châu Phi (Kenya, Uganda) cũng thường có lượng mưa trên mức bình thường. El Nino có liên quan đến mùa đông ôn hòa hơn ở Tây Bắc Canada và Alaska do ít đợt không khí lạnh từ Bắc Cực tràn vào hơn...

Biến đổi khí hậu và El Nino

Dù nhiều người đánh đồng giữa biến đổi khí hậu và El Nino, nhưng theo WMO, không có bằng chứng nào cho thấy biến đổi khí hậu đang làm tăng tần suất của các hiện tượng El Nino (cũng như với La Nina). Tuy nhiên, biến đổi khí hậu có khả năng làm gia tăng các tác động, đặc biệt là của El Nino, khiến nhiệt độ Trái đất cao hơn và lượng mưa lớn hơn. Điển hình như năm 2016 là năm nóng nhất được ghi nhận do ảnh hưởng kết hợp của biến đổi khí hậu và El Nino. Ngay cả hiệu ứng làm mát tương đối của La Nina cũng không đủ để ngăn nhiệt độ tăng do khí nhà kính trong khí quyển gây ra.


II. MỘT SỐ HIỆN TƯỢNG EL NINO NGHIÊM TRỌNG NHẤT


Người dân thành phố Piura, Peru dọn dẹp sau mưa lũ do El Nino gây ra, năm 1983_Ảnh: TL

Năm 1982 - 1983

El Nino 1982 - 1983 được đánh giá là sự kiện mạnh nhất và tàn khốc nhất của thế kỷ XX, thậm chí là tồi tệ nhất được ghi lại trong lịch sử. Trong thời kỳ đó, những trận mưa xối xả và lũ lụt đã tấn công các vùng sa mạc, trong khi hạn hán thiêu đốt các vùng của mọi châu lục ngoại trừ châu Âu và Nam Cực. Nhiệt độ mặt nước biển ấm lên đã gây ra mưa lớn ở Ecuador và toàn bộ khu vực trung tâm Thái Bình Dương. Các khu vực khô cằn thường có lượng mưa thấp đã bị nhấn chìm bởi lượng mưa cực lớn, dẫn đến lũ lụt và sạt lở đất trên diện rộng. Hàng nghìn ngôi nhà bị phá hủy ở Ecuador, thiệt hại về mùa màng và tài sản lên tới hơn 400 triệu USD.

Tương tự, Peru cũng hứng chịu lượng mưa lớn nhất trong lịch sử; một số con sông có lưu lượng dòng chảy gấp 1.000 lần bình thường. Tính chung, mưa lớn và lũ lụt đã khiến hàng nghìn người Ecuador, Peru, Bolivia, Somalia và Kenya thiệt mạng, làm mất mát tài sản và mùa màng, đồng thời gây hư hỏng nhiều cơ sở hạ tầng quan trọng. Trong khi đó, nhiều khu vực ở Australia, châu Phi và Indonesia lại rơi vào tình trạng hạn hán, bão bụi và cháy rừng.

Một số nhà khoa học Mỹ đã phát hiện ra rằng, El Nino 1982 - 1983 đã khiến xung lượng góc của Trái đất thay đổi một chút do những thay đổi trong mô hình bình thường của dòng phản lực và gió mậu dịch. Vào cuối tháng 1-1983, ở đỉnh điểm của El Nino, độ dài ngày kéo dài thêm 0,2 phần nghìn giây.

Ngoài ra, El Nino 1982 - 1983 còn gây ra nhiều tác động thứ cấp như dịch viêm não bùng phát ở bờ biển phía Đông của Mỹ, do mùa xuân ấm áp và ẩm ướt - điều kiện hoàn hảo cho sự phát triển của muỗi; các vụ rắn cắn gia tăng ở Montana, do thời tiết nóng và khô khiến lũ chuột từ trên cao xuống tìm kiếm thức ăn và nước uống - rắn đuôi chuông theo sau; sự gia tăng bệnh dịch hạch ở New Mexico, với mùa xuân ẩm ướt, mát mẻ tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển loài gặm nhấm có bọ chét; sự gia tăng các vụ cá mập tấn công ngoài khơi bờ biển Oregon do nhiệt độ nước biển ấm lên bất thường; các bệnh liên quan đến nước, chẳng hạn như dịch tả và sốt rét cũng gia tăng đáng kể ở các khu vực bị hạn hán và lũ lụt ở Đông Phi, Mỹ Latin và châu Á...

Tác động của El Nino 1982 - 1983 cũng được xem là đặc biệt nghiêm trọng đối với những nhóm dân cư nghèo khó và dễ bị tổn thương - nơi thiên tai có thể dễ dàng làm đảo lộn an ninh sinh kế mong manh của họ. Chẳng hạn như tại Indonesia, hạn hán liên quan đến El Nino đã khiến lượng ngũ cốc thiếu hụt hơn 3,5 triệu tấn; cuộc sống của nhiều người dân châu Phi cũng rơi vào cảnh khó khăn hơn do mùa màng bị phá hủy do mưa lũ, lượng thực dự trữ bị hư hại, vật nuôi bị chết...

Năm 1997 - 1998

Kể từ tháng 10-1997, những trận mưa lớn đặc biệt liên quan đến hiện tượng El Nino đã gây ra sự tàn phá ở hầu hết các vùng phía Đông châu Phi. Lũ lụt cũng đã gây thiệt hại lớn đối với mùa màng và hoạt động chăn nuôi gia súc. Cơ sở hạ tầng của tiểu vùng (đường, cầu, đường sắt) cũng bị thiệt hại nặng nề, làm gián đoạn nghiêm trọng hoạt động vận chuyển hàng hóa trong và giữa các quốc gia.

Ở một số quốc gia như Somalia, những trận mưa xối xả vào giữa tháng 10 đã gây ra lũ lụt tồi tệ nhất trong nhiều thập niên, dẫn đến cái chết của khoảng 2.000 người, buộc 250.000 người phải di dời, làm thiệt hại nghiêm trọng về nhà ở và cơ sở hạ tầng cũng như thiệt hại về mùa màng và vật nuôi.

Tại Kenia, mưa lớn đặc biệt vào tháng 11-1997 và tháng 1-1998 dẫn tới tình trạng lũ lụt nghiêm trọng, làm nhiều người thiệt mạng; hệ thống cơ sở hạ tầng và nhà ở bị hư hại nặng nề; nhiều ngôi làng bị cô lập và một bộ phận lớn dân cư địa phương phải di dời. Các khu vực như tỉnh Coast, các tỉnh khu vực Đông Bắc và miền Đông đã phải tuyên bố tình trạng thảm họa. Mưa cũng ảnh hưởng bất lợi đến việc sản xuất ngô - loại cây lương thực chính của đất nước này, làm giảm sản lượng lúa mì, đậu tương; đồng thời gây ra nhiều dịch bệnh ở người và gia súc.

Tại Uganda, mưa lớn từ giữa tháng 11 đến đầu tháng 12-1997, chủ yếu ở các vùng phía Đông, dẫn đến lũ lụt và lở đất gây thiệt hại về người, thiệt hại về nhà cửa và cơ sở hạ tầng, mùa màng. Giá ngô và đậu vào tháng 12-1997 đã tăng gấp đôi so với 1 năm trước đó.

Tại Ethiopia, những cơn mưa lớn bất thường cũng đã làm gián đoạn hoạt động thu hoạch tất cả các loại cây trồng. Ở các vùng phía Đông Nam giáp với Somalia và Kenya, mưa lớn gây ra lũ lụt trên diện rộng, dẫn đến nhiều thiệt hại về người và của, một số lượng lớn người phải di dời. Hơn 12.000 vật nuôi được báo cáo là bị mất và 30.000ha đất bị ngập lụt, khiến hơn 5 triệu người rơi vào tình trạng thiếu lương thực.

Năm 2015 - 2016

Năm 2015 là năm nóng nhất được ghi nhận với biên độ rộng do sự kết hợp của hiện tượng El Nino mạnh đặc biệt và sự nóng lên toàn cầu do khí nhà kính gây ra. Theo một phân tích tổng hợp từ WMO, nhiệt độ năm 2015 cao hơn khoảng 10C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Năm 2016, El Nino “đóng góp” trực tiếp vào nhiệt độ toàn cầu 0,120C; mực nước biển toàn cầu cũng tăng 7mm.

Tại khu vực Đông Phi, El Nino đã dẫn đến tình trạng hạn hán kéo dài, nghiêm trọng nhất ở Ethiopia và Sudan, khiến khoảng 18,5 triệu người rơi vào tình trạng bị mất an ninh lương thực vào tháng 12-2015. Trong khi đó, sự gia tăng lượng mưa được ghi nhận ở các quốc gia như Kenya, Uganda, Ethiopia và Somalia đã làm hàng trăm người thiệt mạng và hơn 300.000 người phải sơ tán.

Theo WMO, El Nino 2015 - 2016 khiến băng ở Nam Cực tan nhanh và mực nước biển dâng nhanh hơn. Tháng 1-2016, nhiệt độ hạ thấp kỷ lục ở khu vực Đông Bắc Á như Nhật Bản, Hàn Quốc đã tạo ra đợt lạnh nhất trong vòng 30 năm. Ở Trung Quốc, nhiệt độ ở Hắc Long Giang giảm xuống -570C, còn ở Bắc Kinh là -270C. Ở các bang miền Đông nước Mỹ, bão tuyết mạnh hoành hành với lớp phủ tuyết dày 50 - 60cm, thiệt hại lên tới 2,5 tỷ USD. Tại Peru, ngay từ tháng 7-2015, 14/25 bang đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp; ở miền Bắc, mưa cực lớn xảy ra vào đầu tháng 12-2015 đã phá hủy hàng nghìn ngôi nhà. Ở Ấn Độ, nhiệt độ nước biển cao kỷ lục trong tháng 11 và 12-2015 gây ra những trận mưa dữ dội liên tiếp trong 5 tuần, làm ngập chìm các vùng ở miền Nam Ấn Độ và Sri Lanca. Đến cuối tháng 4-2016, hạn hán và nắng nóng trên 450C ở miền Nam Ấn Độ làm gần 300 người chết. Ảnh hưởng của hiện tượng El Nino 2015 - 2016 được cho là góp phần làm cho năm 2016 trở thành năm nóng nhất trong chuỗi số liệu quan trắc kể từ năm 1880.

Tại Nam Phi, hiện tượng El Nino dẫn đến lượng mưa thấp nhất được ghi nhận từ tháng 10 đến tháng 12 trên nhiều khu vực trong ít nhất 35 năm, làm hơn 40 triệu người rơi vào tình trạng mất an ninh lương thực. Lesotho, Zimbabwe và hầu hết các tỉnh ở Nam Phi đã phải tuyên bố tình trạng thảm họa.

Tại khu vực Nam Á, El Nino cũng được cho là đã đóng vai trò quan trọng trong sự thiếu hụt lượng mưa. Ngược lại, hiện tượng này lại có liên quan đến lượng mưa cao hơn bình thường ở miền Nam Ấn Độ và Sri Lanka trong mùa đông.

Tại Đông Nam Á, El Nino 2015 - 2016 kéo theo các đợt hạn hán trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 10-2015 được xem là nguyên nhân gây ra các vụ cháy rừng ở Indonesia - một trong những vụ cháy tồi tệ nhất, khiến khói mù dày đặc bao phủ nhiều vùng của Indonesia và các nước láng giềng khác, để lại ra những hậu quả đáng kể cho sức khỏe.

Tại Bắc Mỹ, El Nino ảnh hưởng đến nhiệt độ và lượng mưa ở Mỹ và Canada. Với nhiệt độ đại dương tăng cao kỷ lục, một phần do El Nino gây ra, gần 95% rạn san hô của Mỹ đối mặt với nguy cơ bị tẩy trắng.

El Nino cũng đã góp phần tạo nên một mùa bão nhiệt đới nghiêm trọng ở các lưu vực Tây Bắc Thái Bình Dương và Đông Bắc Thái Bình Dương. Trong đó, bão Patricia đổ bộ vào Mexico vào ngày 24-10-2015 được cho là cơn bão nhiệt đới dữ dội nhất ở Tây bán cầu với sức gió lên tới 325 km/h, một con số khủng khiếp đã vượt qua mọi thang đo cấp độ bão trên toàn thế giới và gây lụt trên diện rộng toàn Trung Mỹ.


III. CẦN NHỮNG GIẢI PHÁP ỨNG PHÓ PHÙ HỢP


Lòng sông khô cạn ở Madiun, Đông Java, Indonesia, ngày 28-10-2015_Ảnh: Reuters

Những hậu quả không thể xem nhẹ

Nhìn lại dữ liệu quá khứ, thế kỷ XX ghi nhận 2 sự kiện El Nino tồi tệ nhất. Lần “siêu” El Nino gần nhất vào 2015 - 2016 cũng được đánh giá là đã để lại những hậu quả tương tự. Tuy nhiên, không chỉ gây ra những tác động đáng kể đến các kiểu thời tiết trên khắp thế giới, dẫn đến hạn hán, lũ lụt và cháy rừng nghiêm trọng ở nhiều khu vực khác nhau và để lại những hậu quả trực tiếp đối với sức khỏe, tính mạng, điều kiện sống của người dân và làm suy giảm tăng trưởng ở nhiều quốc gia, El Nino còn gây ra những tác động tiêu cực kéo dài trong nhiều năm. Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Science, khoảng 56% các quốc gia đã trải qua El Nino ghi nhận sự sụt giảm đáng kể về tăng trưởng trong vòng 5 năm sau sự kiện El Nino. Riêng 2 sự kiện El Nino lớn nhất trong thế kỷ XX xảy ra vào năm 1982 - 1983 và 1997 - 1998 đã có tổng mức thiệt hại lần lượt là 4.100 tỷ USD và 5.700 tỷ USD trong vòng hơn 5 năm sau đó. Đây cũng là những năm trùng với các cuộc khủng hoảng tài chính lớn.

Điều đáng nói là hầu hết tổn thất do

El Nino đều thuộc về các quốc gia đang phát triển hoặc có thu nhập thấp. Các nhà nghiên cứu đã tính toán thu nhập của một cư dân trung bình ở Peru sẽ cao hơn 1.246 USD (cao hơn 19%) vào năm 2004, nếu El Nino năm 1998 không xảy ra. Trong khi đó, các nước như Ecuador, Brazil và Indonesia tổn thất từ 5% - 19% GDP bình quân đầu người.

Hiểu rõ để chủ động ứng phó

Những hậu quả do El Nino gây ra là rất nghiêm trọng và kéo dài. Do vậy, theo các chuyên gia và tổ chức quốc tế, việc hiểu, theo dõi El Nino và các kiểu thời tiết khác cũng như cải thiện khả năng dự báo và chuẩn bị ứng phó đầy đủ, hiệu quả, kịp thời là rất cần thiết.

Những khó khăn cần lưu tâm

Nhiều phân tích cho thấy, mức độ tin cậy của các dự báo về El Nino và sự hạn chế trong nhận thức về mối họa này đang là những thách thức lớn trong việc phòng ngừa, giảm thiểu thiệt hại do El Nino. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu nguồn lực để đối phó theo cách phòng ngừa hoặc giảm nhẹ cũng là một vấn đề đáng lưu tâm. Ngoài ra, đa phần những hậu quả để lại từ hiện tượng này còn xuất phát từ việc giữa dự báo và tác động, ứng phó và tái thiết vẫn còn độ trễ và độ chênh nhất định hay tình trạng phối hợp chưa chặt chẽ, phát huy trách nhiệm chưa cao của các cơ quan liên quan. Tất nhiên, việc thực hiện và hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, ứng phó cũng phụ thuộc rất lớn vào điều kiện kinh tế - chính trị của các quốc gia và chính quyền các địa phương và khả năng của các nhà tài trợ...

Cần giải pháp phù hợp

Để khắc phục những khó khăn, hạn chế nêu trên, theo các chuyên gia, trước hết, các quốc gia, tổ chức quốc tế cần chú trọng đầu tư để nâng cao khả năng dự báo El Nino trên phạm vi toàn cầu cũng như với từng quốc gia, địa phương. Việc cải thiện dự báo về sự khởi đầu của El Nino và các tác động của nó có thể giúp chính quyền ở nhiều quốc gia có thêm thời gian để chuẩn bị đối phó với các điều kiện khắc nghiệt.

Điều cần lưu ý là trong khi không ít nhà khoa học và giới truyền thông có xu hướng đề cập đến El Nino như một sự kiện toàn cầu hoặc quốc gia, thì trên thực tế, do các đặc điểm khí hậu, địa hình đa dạng, hiếm khi toàn bộ một khu vực, quốc gia bị ảnh hưởng bởi cùng một hiện tượng dị thường liên quan đến El Nino. Ví dụ, trong khi

El Nino có thể khiến miền Bắc Peru bị lũ lụt, thì miền Nam nước này lại thường bị hạn hán; trong khi Đông Bắc Brazil hứng chịu hạn hán nghiêm trọng, thì mưa và lũ lụt lại hoành hành ở khu vực Đông Nam... Vì vậy, những khác biệt đó cần được nghiên cứu rõ ràng hơn để tối đa hóa tính hữu ích của các dự báo đối với chính phủ, các ngành công nghiệp, công chúng và giới truyền thông.

Trên cơ sở dự báo, các kế hoạch ứng phó thảm họa liên quan đến El Nino cũng cần được xây dựng cụ thể hơn đối với từng địa phương, vùng, quốc gia để có thể phát huy hiệu quả cao hơn khi triển khai.

Bên cạnh đó, các chính phủ bị ảnh hưởng phải chuẩn bị cho các trường hợp khẩn cấp liên quan đến El Nino bằng cách phát triển một tổ chức thường trực có khả năng huy động hiệu quả vai trò và tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, cơ quan (như những cơ quan liên quan đến nông nghiệp, nước, năng lượng, an toàn công cộng, y tế và phát triển kinh tế...) và các tổ chức phi chính phủ, cũng như với các quốc gia, tổ chức quốc tế trong việc ứng phó với El Nino. Để làm được điều này, các chính phủ cũng cần sẵn sàng can thiệp ở cấp cao nhất để huy động và thực hiện những giải pháp ứng phó phù hợp. Về quy hoạch, các nhà quy hoạch cần tính đến chu kỳ El Nino trong quy hoạch quốc gia (phòng thủ dân sự, quy hoạch đô thị, quy chuẩn xây dựng...) chứ không phải là một sự kiện bất thường.

Cùng với việc ưu tiên đào tạo, nâng cao năng lực của các chuyên gia và cơ quan chuyên môn, các quốc gia cũng cần chú trọng các hoạt động giáo dục cộng đồng, nhất là các cộng đồng có nguy cơ bị rủi ro để cộng đồng có thể sẵn sàng chuẩn bị, ứng phó hiệu quả đối với các thảm họa liên quan đến El Nino...

IV. CẢNH BÁO MỚI ĐÁNG LO NGẠI VỀ EL NINO


Hiện tượng El Nino làm Trái đất nóng lên gây ra những biến đổi khí hậu toàn cầu_Ảnh minh họa

Ngày 17-5, WMO cảnh báo, nhiệt độ toàn cầu có thể tăng lên mức kỷ lục trong giai đoạn từ năm 2023 đến năm 2027 do khí nhà kính giữ nhiệt và hiện tượng tự nhiên El Nino xảy ra.

La Nina đã kết thúc

Trong báo cáo Cập nhật khí hậu hằng năm đến thập niên vừa công bố, WMO cho biết, ảnh hưởng làm mát của các điều kiện La Nina trong phần lớn thời gian 3 năm qua đã tạm thời kiềm chế xu hướng nóng lên trong dài hạn. Tuy nhiên, nhiệt độ trung bình toàn cầu vào năm 2022 vẫn cao hơn khoảng 1,150C so với mức trung bình của những năm 1850 - 1900 (giai đoạn tiền công nghiệp). Đáng chú ý là La Nina đã kết thúc vào tháng 3-2023 và hiện tượng El Nino được dự báo sẽ phát triển trong những tháng tới. Thông thường, El Nino làm tăng nhiệt độ toàn cầu trong năm sau khi nó phát triển - trong trường hợp này sẽ là năm 2024.

Thỏa thuận Paris đặt ra các mục tiêu dài hạn để hướng dẫn tất cả các quốc gia giảm đáng kể lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu nhằm hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu trong thế kỷ này ở mức 20C đồng thời theo đuổi các nỗ lực hạn chế mức tăng hơn nữa đến 1,50C, để tránh hoặc giảm các tác động bất lợi và các tổn thất, thiệt hại liên quan.

“Trong 5 năm tới, có 66% khả năng nhiệt độ toàn cầu gần bề mặt trung bình hằng năm sẽ cao hơn 1,50C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp trong ít nhất một năm. Có 98% khả năng ít nhất 1 trong 5 năm tới sẽ phá vỡ kỷ lục nhiệt độ được thiết lập vào năm 2016, khi có hiện tượng El Nino cực kỳ mạnh”, thông cáo báo chí của tổ chức này nhấn mạnh. Tổng Thư ký WMO Petteri Taalas cho biết, báo cáo này không có nghĩa là chúng ta sẽ vĩnh viễn vượt quá mức 1,50C được nêu rõ trong Thỏa thuận Paris, vốn đề cập đến sự nóng lên lâu dài trong nhiều năm. Tuy nhiên, WMO đang gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng, chúng ta sẽ tạm thời vi phạm mức 1,50C với tần suất ngày càng tăng.

Ông Petteri Taalas nói: “hiện tượng El Nino nóng lên dự kiến sẽ phát triển trong những tháng tới và điều này sẽ kết hợp với biến đổi khí hậu do con người gây ra để đẩy nhiệt độ toàn cầu lên một mức chưa từng có. Điều này sẽ có những tác động sâu rộng đối với sức khỏe, an ninh lương thực, quản lý nước và môi trường. Chúng ta cần phải chuẩn bị”.

Nhiệt độ tăng ở hầu hết các khu vực

Báo cáo của WMO nêu rõ, nhiệt độ gần bề mặt vào năm 2023 có thể sẽ cao hơn mức trung bình của giai đoạn 1991 - 2020 ở hầu hết các khu vực ngoại trừ Alaska, Nam Phi, Nam Á và một số khu vực của Australia. Các phần của Nam Thái Bình Dương có khả năng mát hơn mức trung bình. Trong khi đó, dự báo áp suất mực nước biển cho thấy áp suất thấp bất thường ở Bắc Cực; áp suất thấp ở Nam Cực và áp suất cao ở các vĩ độ trung bình ở bán cầu Nam. Các mô hình lượng mưa cho thấy khả năng xảy ra các điều kiện khô hạn hơn ở Trung Mỹ và Tây Nam Bắc Mỹ. Các vĩ độ cao phía Bắc có khả năng có lượng mưa trên trung bình.

Báo cáo cũng nhận định, trong giai đoạn 2023 - 2027, nhiệt độ toàn cầu từ tháng 5 đến tháng 9 nhiều khả năng sẽ cao hơn mức trung bình của giai đoạn 1991 - 2020 ở hầu hết mọi nơi, nhất là ở khu vực đất liền. Trong cùng một mùa của các năm trong giai đoạn này, áp suất mực nước biển được dự đoán là thấp bất thường trên Địa Trung Hải và các quốc gia xung quanh. Các dự đoán về lượng mưa cho thấy hiện tượng ẩm ướt bất thường ở Sahel, Bắc Âu, Alaska và Bắc Siberia; hiện tượng khô hạn bất thường trong mùa ở Amazon và miền Tây Australia.

Một nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí Science ước tính, El Nino năm 2023 có thể kìm hãm nền kinh tế toàn cầu khoảng 3.000 tỷ USD trong 5 năm tới. Các tác giả nghiên cứu dự đoán, do biến đổi khí hậu có thể làm tăng tần suất và cường độ của các sự kiện El Nino trong tương lai, thiệt hại kinh tế toàn cầu do El Nino có thể lên tới 84.000 tỷ USD vào cuối thế kỷ XXI, ngay cả khi các cam kết giảm lượng khí thải carbon hiện tại được đáp ứng.

 

Đối với mức trung bình từ tháng 11 đến tháng 3 trong các năm, hiện tượng ấm bất thường có thể xảy ra ở hầu hết mọi nơi, với nhiệt độ trên đất liền có sự bất thường lớn hơn nhiệt độ trên đại dương. Dị thường nhiệt độ gần bề mặt Bắc Cực lớn hơn gấp 3 lần so với dị thường trung bình toàn cầu. Dòng hải lưu cận cực Bắc Đại Tây Dương có những bất thường tiêu cực. Tiến sĩ Leon Hermanson - nhà khoa học của Met Office và là người đứng đầu báo cáo - cho biết: “nhiệt độ trung bình toàn cầu được dự đoán sẽ tiếp tục tăng, khiến chúng ta ngày càng rời xa hình thái khí hậu mà chúng ta quen thuộc”.


V. VIỆT NAM CHỦ ĐỘNG ỨNG PHÓ VỚI EL NINO


Nhiệt độ ghi nhận tại huyện Tương Dương (tỉnh Nghệ An) là 44,20C trong ngày 7-5-2023, trở thành mức nhiệt cao nhất từng ghi nhận trên toàn lãnh thổ Việt Nam_Ảnh: tuoitre.vn

Tại Việt Nam, việc ứng phó với El Nino được thực hiện theo các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã được nêu rõ tại Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Với từng diễn biến cụ thể, việc ứng phó cũng được triển khai trên tinh thần chủ động và tích cực nhất.

Nguy cơ hiện hữu

Trong điều kiện nóng lên toàn cầu do biến đổi khí hậu và hiện tượng ENSO đang dần chuyển sang pha El Nino (pha nóng), những tháng đầu năm nay nền nhiệt độ trên cả nước phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm, đã xuất hiện nhiều đợt nắng nóng diện rộng và gay gắt, nhiều nơi đã xuất hiện các giá trị vượt giá trị lịch sử quan trắc cùng thời kỳ. Đặc biệt, đầu tháng 5 đã ghi nhận kỷ lục nắng nóng nhất trong lịch sử Việt Nam. Cụ thể, ngày 6-5, nhiệt độ cao nhất tại xã Hồi Xuân (huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa) là 44,10C, vượt qua kỷ lục 43,40C ngày 20-4-2019 tại huyện Hương Khê (tỉnh Hà Tĩnh). Ngay sau đó, ngày 7-5, nhiệt độ ghi nhận tại huyện Tương Dương (tỉnh Nghệ An) là 44,20C, trở thành mức nhiệt cao nhất từng ghi nhận trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hiện tượng El Nino có thể xuất hiện vào nửa cuối mùa hè năm 2023 và duy trì đến năm 2024 với xác suất khoảng 80% - 85%. Trong điều kiện El Nino, ở hầu hết các vùng trong cả nước, nhiệt độ trung bình các tháng có xu thế cao hơn bình thường; nắng nóng có thể nhiều hơn và gay gắt hơn; khả năng xuất hiện nhiều kỷ lục về nhiệt độ cao nhất tuyệt đối; hoạt động của bão/áp thấp nhiệt đới có thể không nhiều nhưng tập trung vào giữa mùa, tính chất dị thường hơn, cả về cường độ và quỹ đạo. Điều đáng lưu ý là El Nino thường gây thâm hụt lượng mưa ở phần lớn diện tích cả nước với mức phổ biến từ 25% đến 50%.

Từ đầu năm đến nay, tổng lượng mưa trên toàn quốc phổ biến ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm. Hiện mực nước tại nhiều hồ chứa lớn ở mức rất thấp; một số hồ chứa lớn lượng nước trữ trong các hồ chứa thiếu hụt từ vài chục đến hàng trăm triệu mét khối. Với tình trạng thiếu hụt nguồn nước tại các hồ chứa lớn, đồng thời khả năng cao ảnh hưởng của hiện tượng El Nino vào nửa cuối năm 2023 và những tháng đầu năm 2014, nguy cơ xảy ra nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước nghiêm trọng là khá cao trong thời gian tới, nhất là tại các khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ...

Chủ động ứng phó

Để chủ động ứng phó hiện tượng El Nino, Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ Tài Nguyên và Môi trường) đã sớm báo cáo Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai để cảnh báo về những tác động của El Nino; thông tin cho các bộ, ngành, địa phương có phương án ứng phó. Những việc cần làm trước mắt và lâu dài đối với các bộ, ngành, địa phương cũng đã được Thủ tướng yêu cầu trong Công điện số 397/CĐ-TTg, ngày 13-5, về việc chủ động triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, nhất là các tỉnh, thành phố khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn kiểm kê, đánh giá nguồn nước dự trữ tại các hồ chứa nước, công trình thủy lợi trên địa bàn, tính toán cân bằng nước để có kế hoạch vận hành từng hệ thống thủy lợi, hồ chứa thủy lợi, thủy điện, điều chỉnh, bổ sung phương án sử dụng nước, trong đó trước hết ưu tiên nguồn nước cấp cho sinh hoạt, chăm lo sức khỏe cho người dân, chăn nuôi gia súc và các lĩnh vực sản xuất trọng yếu. Triển khai các biện pháp cần thiết để trữ nước, ngăn mặn; đẩy nhanh tiến độ thi công sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt; lắp đặt và vận hành trạm bơm dã chiến; kéo dài đường ống dẫn nước để kết nối nguồn nước từ đô thị phục vụ cho nông thôn; vận chuyển nước sinh hoạt cho các khu dân cư, trường học, bệnh viện, cơ sở y tế tại các khu vực không bảo đảm nguồn nước. Căn cứ tình hình cụ thể về nguồn nước và khả năng cấp nước, điều chỉnh mùa vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp, chuyển đổi diện tích trồng lúa ở vùng hạn hán, chưa bảo đảm cấp nước sang cây trồng cạn...

Ngày 21-1-2021, Chính phủ thông qua Nghị quyết số 06/NQ-CP ban hành Chương trình hành động tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 3-6-2013, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Chương trình hành động của Chính phủ đã xác định cụ thể các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai nói chung cũng như hiện tượng El Nino nói riêng. Theo đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng là tiếp tục xây dựng năng lực dự báo, cảnh báo, chủ động phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng và phát triển năng lực nghiên cứu, ưu tiên nghiên cứu cơ bản về thiên tai; phát triển hệ thống theo dõi, giám sát thiên tai chuyên dùng; ứng dụng công nghệ chuẩn hóa và hiện đại. Xây dựng và thực hiện các chương trình phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai. Hiện đại hóa hệ thống quan trắc, dự báo khí tượng thủy văn; hệ thống quan trắc tai biến địa chất và phòng, chống thiên tai...

Bên cạnh đó, triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống, hạn chế tác động của triều cường, ngập lụt, xâm nhập mặn. Đánh giá rủi ro do theo vùng, miền… Triển khai thực hiện Nghị quyết số 76/NQ-CP,ngày 18-6-2018, của Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai; rà soát, hỗ trợ di dời dân cư ra khỏi các vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở bờ sông, bờ biển, sạt lở núi, đất và các nguy cơ thiên tai khác...

Thủ tướng cũng yêu cầu lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trực tiếp theo dõi, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương xây dựng và thực hiện phương án phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn; tổ chức dự báo chuyên ngành, chỉ đạo, hướng dẫn điều chỉnh thời vụ, cơ cấu cây trồng và thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước. Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, nguồn nước, hướng dẫn điều tiết nước tại các hồ chứa thủy lợi, quản lý nguồn nước trong các hệ thống công trình thủy lợi; thường xuyên kiểm tra, đánh giá cân đối nguồn nước để điều chỉnh kế hoạch sử dụng nước phù hợp đáp ứng tốt nhất nhu cầu nước sinh hoạt và sản xuất. Phối hợp với các địa phương rà soát, xác định các vùng có thể chủ động được nguồn nước, vùng có nguy cơ cao bị hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, trên cơ sở đó hướng dẫn chuyển đổi cây trồng, sản xuất phù hợp, hạn chế nguy cơ bị thiệt hại do hạn hán, thiếu nước...

Bộ Tài nguyên và Môi trường theo dõi sát diễn biến thời tiết, tăng cường dự báo, cảnh báo, nhận định về tình hình khí tượng thủy văn, kịp thời cung cấp thông tin phục vụ chỉ đạo sản xuất phù hợp với điều kiện nguồn nước và chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và các địa phương thống nhất kế hoạch vận hành linh hoạt, điều tiết nước các hồ chứa thủy lợi, thủy điện lớn để chủ động phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn và khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên nước trong cả mùa lũ, mùa cạn.

Bộ Y tế chủ động hướng dẫn người dân các kỹ năng để bảo vệ sức khỏe khi nắng nóng gay gắt kéo dài; chỉ đạo lực lượng y tế cơ sở hướng dẫn nhân dân bảo đảm an toàn môi trường, tránh bùng phát dịch bệnh do nắng nóng kéo dài, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan truyền thông tiếp tục làm tốt công tác thông tin, truyền thông, nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, tổ chức, đơn vị và người dân để thay đổi, nhận thức, chủ động sử dụng tiết kiệm điện, nước, chủ động ứng phó với tình trạng hạn hán, thiếu nước.../.

Chuyên mục: Hồ sơ