05/11/2024 | 17:49 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Vui xuân “nhảy lửa” cầu may

Bùi Anh Tuấn
Vui xuân “nhảy lửa” cầu may Các thanh niên chân trần nhảy vào đống lửa để tạ ơn trời đất mang lại vụ mùa tốt tươi, cuộc sống bình yên, hạnh phúc_Ảnh: TL
Những chàng trai trẻ Dao đỏ tay không, chân trần lao vào đống lửa đỏ rực trong tiếng reo hì của dn bản như được ban một sức mạnh phi thường, đó là sự độc đáo nhưng cũng đầy huyền bí về lễ hội nhảy lửa của dân tộc Dao.

Ðã nhiều năm, cứ mồng 4 tết nguyên đán, chúng tôi lại vượt gần 300km đường đèo cheo leo vào xã Nậm Đét, huyện Bắc Hà (tỉnh Lào Cai) để được hòa mình vào không khí lễ hội của người Dao đỏ với màn “nhảy lửa” truyền thống có một không hai. Xã vùng cao Nậm Đét hầu hết là người Dao đỏ sinh sống đã bao đời nay, gọi là Dao đỏ bởi khác với trang phục truyền thống của đồng bào Dao, từ mũ, khăn, đến quần áo đều có các viền trang trí hoa văn mầu đỏ, đặc biệt những quả bông ngù rất to được làm bằng loại vải bông nhuộm đỏ rực rỡ được đính trên ngực áo.

Trước tết nguyên đán hằng tháng, những người sinh ra ở Nậm Đét nói riêng và người Dao đỏ nói chung dù đang công tác, làm ăn ở đâu cũng đều chuẩn bị cho chuyến đi đầu xuân trở về quê hương. Ai cũng mong mỏi được về dự lễ hội khai xuân. Theo phong tục, ngày khai hội không cố định mà căn cứ vào ngày đẹp, giờ đẹp được các già làng, trưởng họ hay thầy tào (thầy cúng) xem xét kỹ lưỡng trong khoảng từ mồng 2 đến mồng 5 tháng giêng âm lịch.

Bốn giờ sáng, trời lạnh buốt, sương đóng trắng lớp cỏ trên các sườn dốc, chúng tôi bám theo những chàng trai, cô gái súng sính trong trang phục mới đi về trung tâm xã. Những con đường liên xã trở nên chật hẹp khi các phương tiện chen chân nhau trong sương lạnh. Từ chiều hôm trước, bà con đã chuẩn bị thức ăn, đồ uống ngày tết cho ngày hội dự tính sẽ kéo dài suốt đêm. Các già làng, trưởng họ cùng nam thanh niên trong xã chuẩn bị cho ngày lễ các thứ cần thiết như đồ cúng, tế, bánh trái, đồ mặn cho bữa trưa. Ai nấy đều háo hức chờ đón ngày hội vui nhất trong năm. Ðúng giờ đã định, phần chính lễ bắt đầu, đồ lễ mang đậm bản sắc dân tộc Dao được bày ra một chiếc bàn dài nơi trang nghiêm nhất, trước khu sân rộng của ủy ban nhân dân xã. Ngay giữa sân, phía trước bàn cúng tế là một đống củi to được thanh niên bản mang đến từ chiều hôm trước.

Sau khi các lễ vật được chuẩn bị hoàn tất, thầy tào bắt đầu ngồi xuống chiếc ghế dài, hai bên là những thanh niên phụ lễ. Tiếng trống, thanh la, chũm chọe cất lên cũng là lúc bài cúng bắt đầu ngân lên bằng tiếng Dao, thỉnh mời các đấng thần linh gọi về nhập vào những người tham gia nhảy lửa. Khi thầy tào gõ đàn và làm lễ cúng, từng thanh niên vào ngồi đối diện với thầy, đó chính là lúc nhập đồng cho người nhảy lửa. Thầy tào nêu lý do tiến hành lễ với thần linh, như để cầu chúc cho năm mới mưa thuận, gió hòa, một cuộc sống bình yên, hạnh phúc, ấm no, muôn nhà, muôn người, muôn vật khỏe mạnh, sinh sôi, nảy nở... Trong ánh đèn dầu trên mặt bàn, thầy tào như người nối kết hai cõi lại với nhau, giữa thánh thần và những chàng trai nhảy lửa. Đọc xong một lượt, thầy tào cầm đôi mảnh gỗ ném xuống đất. Mỗi mảnh có mặt sấp và ngửa. Thầy tào phải ném làm sao cho ra được một lần có hai mặt sấp, một lần có hai mặt ngửa, một lần có cả mặt sấp và ngửa, nếu không sẽ ném đi ném lại. Hoàn thành 3 lần như thế, coi như thần linh đã “đồng ý” mang hơi ấm của mùa xuân về vui cùng dân bản. Kết thúc các nghi lễ cũng là lúc cơ thể những người tham gia nhảy lửa bắt đầu rung lên, báo hiệu họ sắp có sức mạnh và sự dũng cảm để nhảy vào đám than hồng trước mặt.

Khi bắt đầu vào buổi lễ cũng là lúc đống lửa được đốt lên, đến khi này, đống củi đã trở thành một núi than hồng rừng rực cháy. Cái thiêng liêng của buổi lễ chạy từ bàn cúng sang ngọn lửa chỉ cách nhau vài mét. Mọi người đổ dồn về tạo thành các lớp vòng tròn quây quanh ngọn lửa, dùng que tre gõ vào các ống vầu tạo thành những lớp âm thanh náo động cả núi rừng. Pung... pung... pung, tiếng trống trong tay thầy tào mỗi lúc một thôi thúc, các động tác lắc lư của các chàng trai mạnh dần. Họ say sưa, lắc lư theo nhịp trống tế, để ngay khi thầy tào cho phép, từng chàng trai lao vào ngọn lửa mà không chút do dự. Ở những phút giây đầu tiên này, họ chỉ lăn thật nhanh cả thân mình qua đám lửa. Rồi họ đá chân lên trời, xoay cơ thể đủ các vòng. Họ thường tiếp xúc với lửa bằng lưng trước, rồi mới tới tay chân. Thứ quần áo họ đang mặc không bén lửa. Không chút dấu hiệu nào của nỗi đau, không nét nhăn nhó nào hiện lên trên mặt các chàng trai. Họ dường như đang tận hưởng cảm giác “tắm lửa”.

Trong sự cổ vũ cuồng nhiệt của đám đông, từng thanh niên xin nhảy lửa, người nọ nối tiếp người kia say đắm và náo nức trên đống than hồng, họ chạy vào giữa, đá đám tham đi xa, cứ thế hàng chục lần. Các tia lửa bay ra xa thành chùm chói lòa, làm hừng hực đôi mắt ngắm nhìn. Cứ khoảng 20 phút lại tiếp một đợt nhảy đến khi đống than hồng tắt lịm dưới những đôi chân trần đen nhẻm do than để lại. Thật kỳ lạ, chẳng có ai bỏng chân, bỏng tay, cháy quần áo. Mắt ai cũng rực sáng như ánh lửa mùa xuân, ánh lửa tình yêu rừng rực trong từng cặp trai tài, gái sắc. Những người không trực tiếp nhảy lửa cũng thấy nóng bừng không chỉ nhờ hơi ấm của than hồng mà họ đang say trong niềm vui ngày hội.

Vũ điệu nhảy lửa càng về sau càng sôi động. Dần dần, không chỉ có các thanh niên trực tiếp làm lễ xin phép tham gia mà ngay cả khán giả reo hò xung quanh cũng nhập cuộc khi đám tro than đã sắp tàn. Hòa trong sắc đỏ lập lòe và hương xuân núi rừng, hội nhảy lửa là một nét đẹp văn hóa, tồn tại mãi trong đời sống tâm linh của người Dao đỏ. Gói trong đó là khát vọng của con người được mạnh khỏe để vượt qua những khó khăn. Nó cũng khẳng định cái tâm sạch trước thần ma. Nó chứng minh lòng can trường, sức tồn tại của người Dao, hướng tới cái thiện và cái đẹp sau những thử thách.

Không chỉ có vậy, hội nhảy lửa của người Dao đỏ có thể gọi là “Lễ hội nhảy lửa tình xuân”. Bởi tình xuân, tình yêu, sự khát khao cũng được rực cháy trong hàng trăm đôi mắt của các cô gái má đỏ bồ quân đang dõi theo các chàng trai chưa vợ trong hội. Ðể rồi, ngày mai, ngày kia, khi hội xuân đã tan dần vào bầu trời xuân, rừng núi xuân, họ bắt đầu tìm đến nhau để nên vợ nên chồng. Mùa xuân sau, họ lại địu con, theo chồng xuống núi về dự hội, mong thần linh mang về cho gia đình hơi ấm của tình yêu, hơi ấm của ấm no và hạnh phúc./.

18 February 2024
Tản văn
Những ngày hè cháy khát (11/07/2024 20:35:42)
Nguồn cội… (29/04/2024 10:22:58)
Vết sẹo (17/04/2024 17:02:17)