22/12/2024 | 13:18 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Trường Sĩ quan Tăng thiết giáp: Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo theo phương châm “chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”

Đặng Tuấn Anh
Đại tá, TS, Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Tăng thiết giáp
Trường Sĩ quan Tăng thiết giáp: Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo theo phương châm “chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị” Đồng chí Đại tá, TS Đặng Tuấn Anh Hiệu trưởng Nhà trường truyền thụ kinh nghiệm, phương pháp giảng dạy, học tập cho giảng viên, học viên_Ảnh: PV
Phương châm “Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị” chính là sự cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; thể hiện rõ trách nhiệm của nhà trường trong việc tạo nên sức mạnh và khả năng sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị tăng thiết giáp (TTG).

Theo đó, đào tạo dựa trên năng lực và chuẩn đầu ra, gắn đào tạo với sử dụng, nhà trường với chiến trường và đơn vị chính là cơ sở, định hướng quan trọng để nhà trường nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng lực lượng TTG toàn quân chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

Nhiều giải pháp đồng bộ nhằm tăng cường gắn kết nhà trường với đơn vị

Nhận thức được vị trí, tầm quan trọng của phương châm trên, thời gian qua Trường Sĩ quan TTG đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị TTG trong quá trình đào tạo; có nhiều giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Kế hoạch số 619/KH-TM của Bộ Tổng Tham mưu. 

Trong triển khai thực hiện quy trình đào tạo, nhà trường thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm tăng cường gắn kết nhà trường với đơn vị. Hằng năm, nhà trường luôn tổ chức khảo sát, xin ý kiến đánh giá của các đơn vị về chất lượng cán bộ sau khi ra trường về đơn vị công tác, về chương trình đào tạo để kịp thời điều chỉnh nội dung, chương trình đào tạo cho phù hợp với điều kiện thực tế huấn luyện - sẵn sàng chiến đấu của đơn vị.

Đặc biệt, năm 2022 xây dựng chuẩn đầu ra chương trình đào tạo sĩ quan phân đội ngành chỉ huy tham mưu, chỉ huy kỹ thuật TTG, trên cơ sở ý kiến đóng góp của các cơ quan Bộ Tư lệnh binh chủng TTG và các đơn vị, nhà trường đã hoàn thiện và trình Bộ phê duyệt; mời cán bộ các lữ đoàn TTG tham gia quá trình đào tạo; phối hợp với các đơn vị TTG toàn quân xây dựng tưởng định, phương án huấn luyện chiến thuật ở nhiều địa hình khác nhau phù hợp với địa bàn đóng quân để làm phương án huấn luyện và thi tốt nghiệp tại nhà trường; tổ chức cho cán bộ, giảng viên nhà trường đi tham quan diễn tập tại các đơn vị, đồng thời tăng cường truyền thụ kinh nghiệm thực tiễn chiến đấu cho học viên.

Bên cạnh đó, nhà trường rất chú trọng đến công tác bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giảng viên; nghiên cứu khoa học và khai thác triệt để hệ thống công nghệ thông tin, công nghệ mô phỏng phục vụ nhiệm vụ giáo dục đào tạo như: tổ chức thi giảng viên giỏi; thi chủ nhiệm bộ môn giỏi; phối hợp tổ chức các lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, giảng viên; cử 2 đoàn công tác đi học tập, nghiên cứu thực tế tại quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1; cử 47 cán bộ, giảng viên đi học tập thực tiễn tại các đơn vị. 

Thực hiện 28 đề tài và 102 sáng kiến, mô hình học cụ có hàm lượng khoa học cao; biên soạn 84 giáo trình, tài liệu; tổ chức hội thao chuyên ngành cho học viên năm thứ 3 - 4; tổ chức hành quân rèn luyện đường dài theo quý, kết hợp học tập, ăn ở dã ngoại, làm công tác dân vận; tăng cường rèn luyện thể lực, bồi dưỡng kỹ năng mềm cho các đối tượng học viên đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra...

Kết quả khảo sát mức độ hoàn thành nhiệm vụ của học viên sau khi tốt nghiệp ra trường cho thấy, tuyệt đại đa số có lập trường tư tưởng và bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, yên tâm công tác, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. 

Các học viên có thái độ chính trị rõ ràng, kiên quyết đấu tranh với các quan điểm, nhận thức sai trái, bảo vệ đường lối, quan điểm của Đảng và nhiệm vụ của quân đội. Phẩm chất đạo đức tốt, lối sống trong sạch, lành mạnh; có tinh thần đoàn kết, yêu thương đồng chí, đồng đội, tạo sự thống nhất cao trong đơn vị. Không có các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; chấp hành nghiêm Điều lệ, các quy chế, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kỷ luật quân đội và quy định của đơn vị. 

Cơ bản đã biết vận dụng kiến thức đã học vào huấn luyện, quản lý, chỉ huy bộ đội; biết vận dụng kiến thức kết hợp với tiếp thu kinh nghiệm thực tiễn đơn vị trong quá trình công tác...

Nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo sát với thực tiễn nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu

Để nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo sát với thực tiễn nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị, góp phần xây dựng lực lượng TTG toàn quân chính quy, hiện đại, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, gắn với thực hiện phương châm “Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”, nhà trường xác định tiếp tục thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội, Đảng bộ Binh chủng Tăng thiết giáp lần thứ XI; Nghị quyết số 1657/QUTW, ngày 20-12-2022, của Quân uỷ Trung ương về đổi mới công tác giáo dục - đào tạo đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng quân đội chính quy, tinh nhuệ, hiện đại trong tình hình mới; Nghị quyết số 09, Nghị quyết số 18 của Đảng ủy Binh chủng về đổi mới công tác huấn luyện - đào tạo gắn với thực hiện Kế hoạch số 619/KH-TM, ngày 9-4-2021, của Bộ Tổng Tham mưu về thực hiện Phương châm “Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”. 

Triển khai thực hiện có hiệu quả 3 đề án: “Đổi mới quy trình, chương trình đào tạo cán bộ các cấp trong quân đội, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”; “Xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong quân đội giai đoạn 2023 - 2030 và những năm tiếp theo”; “Tổ chức tuyển sinh đại học, cao đẳng quân sự hệ chính quy giai đoạn 2023 - 2030 và những năm tiếp theo”; Chỉ thị 4591 của Tư lệnh Binh chủng Tăng thiết giáp về đổi mới công tác nhà trường.

Thứ hai, tập trung công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý đào tạo về trình độ, kỹ năng và phương pháp sư phạm, trước hết tạo sự chuyển biến toàn diện về phương pháp dạy học tích cực, trình độ ngoại ngữ; đưa trang bị mới (xe T-90S, T-54B cải tiến, súng kẹp nòng 14,5mm) vào nghiên cứu, giảng dạy. Triển khai có hiệu quả việc ứng dụng công nghệ thông tin; công nghệ mô phỏng, công nghệ số vào quản lý, chỉ huy, điều hành và giảng dạy. 

Chú trọng nghiên cứu xây dựng và phát triển các phần mềm chuyên dụng phục vụ dạy và học. Chủ động đề xuất lãnh đạo các cơ quan, đơn vị gửi giảng viên, cán bộ quản lý đi đào tạo tại các học viện, trường trong và ngoài quân đội. Luân chuyển cán bộ, giảng viên từ nhà trường ra đơn vị và lựa chọn cán bộ lãnh đạo, chỉ huy đơn vị đưa về nhà trường đảm nhiệm công tác quản lý, giảng dạy; coi đây vừa là khâu đột phá, vừa là yêu cầu trước mắt, nhiệm vụ lâu dài nhằm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giảng viên có kiến thức, năng lực toàn diện. 

Nâng cao hơn nữa chất lượng, số lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục trong từng giai đoạn, đồng thời từng bước “chuẩn hóa” tiêu chuẩn và quy trình tạo nguồn giảng viên, bảo đảm đủ trình độ, năng lực, trẻ hóa và kế cận.

Thứ ba, xây dựng chuẩn chương trình đào tạo; tập trung rà soát, bổ sung chương trình, nội dung từng môn học ngay trong quá trình đào tạo và kết thúc của từng năm học, khóa học; tiếp thu ý kiến của các đơn vị TTG toàn quân về chương trình đào tạo để nghiên cứu, bổ sung, nhằm từng bước đổi mới chương trình đào tạo của các đối tượng học viên, bảo đảm gắn kết hoạt động giáo dục - đào tạo của nhà trường với sự phát triển của khoa học - kỹ thuật, khoa học - công nghệ, vũ khí kỹ thuật, chức năng nhiệm vụ huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu ở các đơn vị TTG trong toàn quân. 

Mời cán bộ lữ đoàn tham gia vào quá trình đào tạo với nhà trường. Tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng lấy người học làm trung tâm; tăng cường hội thao chuyên ngành cho học viên năm thứ 3 - 4, thời gian huấn luyện thực hành, huấn luyện đêm, huấn luyện dã ngoại và diễn tập sát với tổ chức biên chế, trang bị của lực lượng TTG, sát với thực tế tác chiến hiện đại, vũ khí trang bị của đối tượng tác chiến, kết hợp với nâng cao trình độ ngoại ngữ và rèn luyện thể lực, tổ chức và phương pháp huấn luyện; điều chỉnh kế hoạch đào tạo, tổ chức cho học viên đào tạo đi thực tập trước khi đơn vị bước vào giai đoạn huấn luyện 1... Bảo đảm cho học viên khi ra trường có khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ theo chức trách được giao.

Thứ tư, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học, biên soạn giáo trình tài liệu; khai thác, quản lý, sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ huấn luyện - đào tạo hiện có, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu của nhiệm vụ. 

Đầu tư có trọng điểm các trang thiết bị dạy học hiện đại. Khai thác hiệu quả các công trình, phòng học mô phỏng, phòng học chuyên ngành, phòng thí nghiệm, phòng luyện tập thể lực, các bãi tập và dự án được đầu tư; đồng thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị làm tốt công tác bảo đảm kỹ thuật cho xe TTG, tạo sự đồng bộ của mọi hệ thống trên xe với tình trạng kỹ thuật tốt nhất, hạn chế những hư hỏng phát sinh ảnh hưởng đến thao tác thực hành của học viên.

Thứ năm, xây dựng kế hoạch đưa cán bộ, giảng viên của nhà trường tham gia học tập thực tiễn 2 - 3 tuần tại đơn vị. Đồng thời làm tốt công tác phối hợp, thường xuyên trao đổi giữa nhà trường và đơn vị, nắm chắc chương trình, kế hoạch huấn luyện của đơn vị để chủ động tổ chức cho cán bộ, giảng viên của nhà trường đi tham quan đơn vị huấn luyện các khoa mục có tính thực tiễn cao và diễn tập đạt chất lượng, hiệu quả./.

25 September 2024
Tản văn
Những ngày hè cháy khát (11/07/2024 20:35:42)
Nguồn cội… (29/04/2024 10:22:58)
Vết sẹo (17/04/2024 17:02:17)