Tỉnh Quảng Bình và tỉnh Khăm Muộn: Gắn kết nghĩa tình đưa 2 vườn quốc gia thành di sản thiên nhiên thế giới xuyên biên giới
Lam Giang
Những giá trị tương đồng về tài nguyên và tình hữu nghị
Theo những khảo sát của Việt Nam và Lào, hai bên biên giới của tỉnh Quảng Bình và tỉnh Khăm Muộn hội tụ đủ các điều kiện và sự tương đồng để thành lập chung một di sản thiên nhiên thế giới xuyên biên giới.
Năm 2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cử đoàn chuyên gia gồm các thành viên ở Cục Di sản văn hóa, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, Cục Hợp tác quốc tế,... sang hỗ trợ Lào hoàn thiện hồ sơ đối với Vườn quốc gia Hin Nậm Nô để trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO). Mới đây, ngày 29-6-2024, 2 tỉnh Quảng Bình và Khăm Muộn đã ký kết hợp tác phát triển toàn diện về du lịch, bảo tồn và phát huy giá trị, cũng như tiếp tục hoàn thiện hồ sơ chung về khu vực di sản thiên nhiên thế giới xuyên biên giới đầu tiên của Đông Nam Á, là Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Vườn quốc gia Hin Nậm Nô.
Hiện nay, bản đồ hiện trạng tỷ lệ 1/50.000 phục vụ hồ sơ đề cử đã được chuẩn bị chu tất. Bản đồ này đồng nhất tỷ lệ với bản đồ tại Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới giữa Việt Nam và Lào, cũng đồng nhất với tỷ lệ bản đồ của hồ sơ Di sản thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng năm 2015. Bản đồ đề xuất di sản này sử dụng hệ tọa độ quốc tế, lập theo hướng dẫn của Ủy ban Di sản thế giới.
Điều quan trọng là 2 tỉnh đã thống nhất rà soát dữ liệu đường biên giới và mốc quốc giới, ở đoạn trùng với ranh giới của Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Vườn quốc gia Hin Nậm Nô. Nhằm thống nhất bản đồ để gửi các bộ, ngành liên quan ở trung ương xem xét trước khi chính phủ 2 nước thông qua, làm cơ sở trình hồ sơ tới UNESCO.
Theo hồ sơ của tỉnh Khăm Muộn, Vườn quốc gia Hin Nậm Nô thuộc huyện Bualapha, chung biên giới với Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng thuộc tỉnh Quảng Bình. Hin Nậm Nô có tổng diện tích hơn 82.000ha, là nơi ở của 40 loài động vật có vú, hơn 200 loài chim, 25 loài dơi, 46 loài lưỡng cư và bò sát, hơn 100 loài cá, hơn 520 loài thực vật... Có nhiều loài quý hiếm như chà vá chân đỏ, voọc đen má trắng, mang Vũ Quang, dơi quạ, dơi đốm hoa, dơi io, hồng hoàng, khướu đá mun...
Hin Nậm Nô do tương đồng với Phong Nha - Kẻ Bàng về mọi mặt nên có tiềm năng lớn về các loại hình du lịch hang động, mạo hiểm, sinh thái... Một số hang động lớn đã được phát hiện và khảo sát, có khả năng đưa vào khai thác du lịch là hang Nangen, Vua, Trời, Konglor, Xebangpha..., trong đó có hang động dài hơn 5km theo sông Xe Bangfai. Người dân bản địa hai bên biên giới tương đồng lối sống, do có sự giao thoa về văn hóa, đời sống và tập tục từ lâu đời nay.
Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng có tổng diện tích vùng lõi hơn 125.700ha. Theo số liệu năm 2023 của Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, thực vật bậc cao có mạch là 1.762 họ, 511 chi, 876 loài. Gần đây phát hiện thêm nhiều loài quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng cao như bách xanh đá, lan hài đốm, lan hài xanh, lan hài xoắn... Có 140 loài thú lớn, 356 loài chim, 99 loài bò sát và lưỡng cư, 259 loài bướm, 162 loài cá, 47 loài ếch nhái. Với đặc trưng các kiến tạo đá vôi dày đặc, Phong Nha - Kẻ Bàng được ví là “vương quốc hang động”, với phát hiện và đo vẽ được 404 hang động lớn, nhỏ.
Hiện vườn có 15 tuyến, điểm du lịch khám phá thiên nhiên, khám phá hang động, Camping, Trecking, Zipline... Với những giá trị quý giá, mang tính toàn cầu về địa chất, địa mạo và đa dạng sinh học, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng 2 lần được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới.
Nếu Hin Nậm Nô và Phong Nha - Kẻ Bàng thành liên vườn quốc gia và di sản thiên nhiên thế giới xuyên biên giới, sẽ là một trong những di sản vùng núi đá vôi rộng lớn và đa dạng sinh học, địa chất, địa mạo nhất thế giới. Về du lịch, cũng sẽ có những điểm đến lớn có sức thu hút với du khách nước ngoài trong khám phá hang động, nghiên cứu địa chất địa mạo, đa dạng sinh học..., cũng như lập các tour du lịch xuyên biên giới.
Khi đã tạo ra sức hút đó thì kinh tế, văn hóa, đời sống,... của người dân vùng biên giới Việt - Lào phát triển hơn. Khi trở thành di sản xuyên biên giới, vùng biên giới Việt - Lào ở khu vực miền Trung Việt Nam này càng có thêm độ “kết dính” keo sơn hơn của tình sâu nghĩa nặng Việt - Lào hai bên dãy Trường Sơn.
Trong quá khứ, cuộc chiến đấu chống đế quốc Mỹ xâm lược của nhân dân Việt Nam cũng được nước bạn Lào ủng hộ hết mình. Người dân các bộ tộc Lào cùng chịu chung bom đạn Mỹ với Việt Nam, giúp chúng ta mở những tuyến đường từ Quảng Bình ở Đông Trường Sơn sang Khăm Muộn ở Tây Trường Sơn.
Những tuyến đường này đã vận chuyển quân cụ và đưa bộ đội vào chiến trường miền Nam suốt cả cuộc chiến tranh. Đó là đường 20 Quyết Thắng (qua Phong Nha, huyện Bố Trạch), 12A (qua huyện Minh Hóa), đường 10 và 16 (qua huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy)... Sau chiến tranh, tuyến đường 20 Quyết Thắng trở thành đường giao thương qua Cửa khẩu tế quốc tế Cà Roòng - Noọng Ma, đường 12A trở thành đường giao thương qua Cửa khẩu tế quốc tế Cha Lo giữa Quảng Bình và Khăm Muộn.
Vì một tương lai phát triển
Tại hội thảo kỷ niệm 20 năm Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng là Di sản thiên nhiên thế giới (năm 2023) do tỉnh Quảng Bình tổ chức, ông Khamkeo Latthayod - Giám đốc Vườn quốc gia Hin Nậm Nô - cho biết, nếu đề cử Vườn quốc gia Hin Nậm Nô là Di sản thiên nhiên thế giới được UNESCO chấp nhận, đồng thời là thành phần mở rộng xuyên biên giới của khu Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, đây sẽ là khu di sản thiên nhiên thế giới đầu tiên của Lào.
Điều này cho phép vườn mở rộng diện tích lên 217.000ha, cũng mở rộng luôn một trong những vùng đá vôi (karst) rộng lớn nhất trên thế giới được bảo tồn. Ông Khamkeo Latthayod khẳng định: “du lịch là một ngành đang phát triển, đặc biệt với Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng so với Vườn quốc gia Hin Nậm Nô, tuy nhiên cả 2 địa điểm sẽ coi đây là cơ hội thu nhập chính và cho việc quản lý các địa điểm.
Phong Nha - Kẻ Bàng cùng Hin Nậm Nô hợp tác trong quy trình lập kế hoạch du lịch chung hoặc nhóm quản lý du lịch bền vững”. Bà Kamonrat Chayamarit - Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Thái Lan và Lào - cũng giới thiệu các mô hình quản lý của các khu di sản xuyên biên giới hiện nay trên thế giới, đồng thời nói rõ quan điểm của Ủy ban Di sản thế giới và UNESCO là luôn khuyến khích việc thành lập một khu di sản xuyên biên giới giữa Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Vườn quốc gia Hin Nậm Nô.
Ông Nguyễn Duy Lương - chuyên gia bảo tồn tự nhiên quốc tế - cho biết, Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) đã điều tra về độ phong phú của loài trong khu phức hợp xuyên biên giới giữa 2 vườn, cho thấy mức độ lớn hơn nhiều so với mức độ phong phú riêng lẻ chỉ Phong Nha - Kẻ Bàng hoặc Hin Nậm Nô.
Bởi với gần 2.700 loài thực vật có mạch và hơn 800 loài động vật có xương sống, hơn 400 loài thực vật được cho là loài đặc hữu của Trung Lào và Việt Nam, 38 loài động vật thậm chí còn là loài đặc hữu của dãy núi Trường Sơn, là minh chứng cho sự nổi bật về đa dạng sinh học trên toàn khu xuyên biên giới này.
Ông Nguyễn Châu Á - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Chua Me Đất (Oxalis), đơn vị khai thác du lịch ở Phong Nha - Kẻ Bàng - cho biết, giữa Phong Nha - Kẻ Bàng và Hin Nậm Nô có sự tương đồng về định hướng và cách phát triển du lịch, sẽ trở thành đối tác của nhau.
Một trong những bước đi đầu tiên trong sự hợp tác du lịch xuyên biên giới này là áp dụng chính sách “xiều Oxalis” (bạn của Oxalis) - giảm giá 10% cho du khách từng tham gia tour bất kỳ của Green Discovery Laos khi đi tour của Oxalis Adventure, và ngược lại.
Ông Phạm Hồng Thái - Giám đốc Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng - cho biết: “phía tỉnh Quảng Bình đã hỗ trợ tất cả mọi vấn đề cho bạn Lào, nhằm sớm có hồ sơ trình lên các cấp thẩm quyền. Thời gian qua, hai bên tích cực với các hoạt động hợp tác về bảo tồn, phát huy giá trị chung về đa dạng sinh học, địa chất địa mạo. Hằng năm, Quảng Bình và Khăm Muộn đều gặp gỡ để có các thỏa thuận nhằm góp phần bảo tồn các giá trị và cảnh quan liên biên giới của hai bên”.
Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Vườn quốc gia Hin Nậm Nô khi trở thành Di sản thiên nhiên thế giới xuyên biên giới còn thể hiện tình hữu nghị keo sơn Việt - Lào. Tình cảm bền vững, sáng trong ấy vốn được thử thách qua cuộc đấu tranh của 2 nước chống ngoại xâm giữ gìn độc lập, tự do của đất nước. Để nay núi liền núi, sông liền sông cho Việt - Lào tựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ cùng phát triển./.









Các bài cũ hơn


