12/09/2024 | 09:35 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Tỉnh Vĩnh Long tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em

Minh Trang - Trần Khải
Tỉnh Vĩnh Long tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em Trao học bổng cho các em học sinh nghèo vượt khó học giỏi_Ảnh: Khải Trang
Công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long thời gian qua luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Đây được xem là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu trong việc bảo đảm an sinh xã hội, vì mục tiêu phát triển ổn định và lâu dài của đất nước.

Thời gian qua, cùng với sự phát triển về mọi mặt của đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, công tác trẻ em ở tỉnh Vĩnh Long ngày càng được chú trọng và quan tâm. Những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến sự nghiệp chăm sóc, giáo dục trẻ em đã và đang đi vào cuộc sống. Các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục ngày càng phát triển toàn diện đã được tỉnh Vĩnh Long tập trung thực hiện tốt.

Bà Phan Hồng Hạnh - Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Long - cho biết: tỉnh tập trung vào công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, nâng cao vai trò của cấp ủy đảng, của lãnh đạo các cấp, của người đứng đầu trong việc gương mẫu thực hiện nhiệm vụ chăm sóc và giáo dục, bảo vệ trẻ em; phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan thực thi pháp luật trong việc chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em thông qua đó bảo đảm quyền lợi trẻ em, bảo đảm cho trẻ em được thụ hưởng tốt nhất những chính sách của Đảng và Nhà nước.

Theo số liệu của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, tỉnh Vĩnh Long hiện có hơn 202.600 trẻ em dưới 16 tuổi. Để trẻ em được phát triển toàn diện, những năm qua, tỉnh đã huy động các nguồn lực chăm lo cho sự nghiệp giáo dục. Hệ thống trường lớp được đầu tư xây dựng đáp ứng nhu cầu học tập của trẻ em. 

Toàn tỉnh hiện có 398 trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông. Tỷ lệ huy động trẻ em đi mẫu giáo từ 3 - 5 tuổi đạt hơn 98%. Ngành giáo dục không ngừng đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra và đánh giá nhằm phát huy tư duy sáng tạo, phẩm chất, kỹ năng của người học coi trọng thực hành thí nghiệm ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý giáo dục.

Công tác xã hội hóa giáo dục xây dựng xã hội học tập phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu. Phong trào thi đua xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực được các nhà trường và học sinh hưởng ứng tích cực tạo môi trường giáo dục lành mạnh, không có bạo lực và chú trọng phát triển kỹ năng mềm, kỹ năng sống để các em tự tin trong giao tiếp và phát triển toàn diện về sức khỏe, trí tuệ và thể chất.

Nhà trường chủ động xây dựng các kế hoạch, tổ chức nhiều hoạt động nhằm tạo môi trường thuận lợi để trẻ em được chăm sóc, học tập, vui chơi, giải trí và được bảo đảm các quyền cơ bản, được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh; luôn quan tâm đặc biệt đối với trẻ em nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để các em được sống, được hòa nhập và phát triển; triển khai các mô hình bảo vệ trẻ em trong trường học, phòng chống tai nạn thương tích, phòng, chống đuối nước trẻ em.

Bà Phan Thị Hóa - Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Lợi, phường 3, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long - chia sẻ: việc giáo dục toàn diện cho học sinh là điều mà tất cả nhà trường đều phải quan tâm, ngoài việc là giáo dục các môn học, giáo dục về phẩm chất cũng như năng lực của các em theo yêu cầu của chương trình, nhà trường rất quan tâm đến vấn đề giáo dục kỹ năng sống. Ngoài giờ chính khóa, nhà trường có những tiết dạy kỹ năng sống, thứ bảy hằng tuần nhà trường cũng có lớp tổ chức ca hát, nhảy múa cho học sinh.

Công tác chăm sóc sức khỏe, bảo đảm dinh dưỡng cho trẻ em được cải thiện đáng kể, tỷ lệ trẻ em được tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine hằng năm đạt hơn 98%, tỷ lệ trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế đạt 100%. Triển khai bổ sung vitamin liều cao cho trẻ từ 6 - 35 tháng tuổi đạt 99%, các trường học đã trang bị phòng y tế đầy đủ thiết bị và cơ số thuốc tối thiểu theo quy định. 

Các hoạt động vui chơi, giải trí, sinh hoạt văn hóa, thể dục thể thao được đẩy mạnh, đa dạng hóa dưới nhiều hình thức tạo điều kiện cho trẻ được giao lưu rèn luyện, phát huy năng khiếu sở trường và có cơ hội bày tỏ nguyện vọng của mình.

Hướng tới xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh cho trẻ em, tỉnh Vĩnh Long quan tâm đầu tư xây dựng nâng cấp công trình phúc lợi, sân chơi, bãi tập, nhà văn hóa. 

Hiện toàn tỉnh có 8 trung tâm văn hóa, thông tin và thể thao cấp huyện, 90 trung tâm văn hóa - thể thao cấp xã và 94 trụ sở nhà văn hóa - khu thể thao ấp, liên ấp có tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí cho trẻ em bảo đảm 30% thời lượng hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao theo quy định. Các cấp, các ngành đã phối hợp tổ chức những hoạt động văn hóa, thể thao phù hợp, thiết thực cho trẻ em với nhiều hình thức.

Các nhà văn hóa xã được trang bị thêm tủ sách, đầu sách và tăng cường thời gian mở cửa để đón nhận các em đến đọc sách và vui chơi, giải trí. Các địa phương, nhà trường và gia đình thường xuyên tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí, tham quan du lịch cho trẻ em, nhất là trong dịp hè, tổ chức học vẽ, âm nhạc, võ thuật thu hút hàng trăm lượt trẻ em tham gia.

Tuy vậy, toàn tỉnh vẫn còn hơn 1.950 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khuyết tật, mồ côi không nơi nương tựa. Các cơ quan chức năng trong tỉnh đã triển khai đầy đủ, kịp thời chế độ chính sách hỗ trợ của Nhà nước; thực hiện có hiệu quả các chương trình nhân đạo, lập hồ sơ để trẻ em được hưởng bảo trợ xã hội hằng tháng, bảo đảm đúng đối tượng. Các xã, phường, thị trấn tích cực triển khai công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, xây dựng xã phường phù hợp với trẻ em.

Bà Trương Ngọc Nhung - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường 8, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long - nói: thời gian qua, cấp ủy, chính quyền địa phương đã và đang thực hiện các giải pháp cụ thể. 

Một là, tăng cường công tác lãnh chỉ đạo của các cấp ủy, sự chỉ đạo điều hành của của các cấp chính quyền trong việc xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em, thông qua việc ban hành các nghị quyết, chương trình, các văn bản chỉ đạo, điều hành. 

Hai là, huy động các nguồn lực xã hội hóa để chăm lo cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, tăng cường công tác tuyên truyền, giám sát ở địa bàn khu dân cư nhằm đẩy lùi các nguy cơ dẫn đến trẻ em bị xâm hại, trẻ em bị tai nạn thương tích, trẻ em vi phạm pháp luật, trẻ em sử dụng ma túy. Đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt phải được quan tâm và trợ giúp thường xuyên...

Hằng năm, có 95% số trẻ là con em đồng bào dân tộc nghèo, gia đình cận nghèo và nghèo; con thương binh, gia đình chính sách khó khăn được trợ giúp đi học thông qua chính sách miễn giảm học phí và hàng nghìn suất học bổng tiếp sức đến trường; các hoạt động của cộng đồng chăm sóc trẻ em, như nhận đỡ đầu nuôi dưỡng, được nhiều tổ chức cá nhân đồng hành, giúp con đường đến trường của các em bớt chông chênh. 

Chị Thạch Thị Sa Liêm - ở xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long - chia sẻ: cháu tôi mồ côi mẹ, cha bỏ đi từ nhỏ được mấy anh công an tỉnh nhận đỡ đầu, hằng tháng cho tiền, đồ dùng học tập.

Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Vĩnh Long được thành lập là nơi vận động, tiếp nhận các nguồn lực trong và ngoài nước kịp thời hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh. Với mục tiêu đó, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh luôn quan tâm vận động nguồn lực hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trong học tập. 

Trong năm 2023, Quỹ đã vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp tổng số tiền gần 6 tỷ đồng, phối hợp với nhà tài trợ và chính quyền địa phương tổ chức trao tặng, hỗ trợ kịp thời cho hơn 6.100 lượt trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em sống trong hộ nghèo, hộ cận nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số. Các phần hỗ trợ, bao gồm quà, tiền mặt, học bổng, xe đạp, dụng cụ học tập, tổ chức tết trung thu,... kịp thời giúp các em vượt qua khó khăn.

Cùng với đó, tỉnh cũng huy động nguồn lực và sử dụng nguồn lực từ các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức phi chính phủ để triển khai có hiệu quả các mô hình bảo vệ trẻ em; duy trì, phát triển, nhân rộng các mô hình bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn tỉnh. 

Bà Phan Hồng Hạnh - Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Long - cho biết: giai đoạn tới, tỉnh tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, trong công tác chăm sóc và giáo dục, bảo vệ trẻ em. 

Trong đó tập trung truyền thông giáo dục nâng cao nhận thức, kỹ năng để thực hiện quyền trẻ em, cũng như đổi mới và đa dạng các hình thức, nội dung để tuyên truyền một cách linh hoạt, phù hợp với trẻ em từng địa phương; biểu dương, khen thưởng kịp thời những tổ chức, cá nhân có hành động, có mô hình tốt, có đóng góp tốt cho công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; phối hợp với các cấp, các ngành tiếp tục tham mưu xây dựng nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh để quy định một số chính sách riêng dành cho trẻ em trong tỉnh; tham mưu tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật cũng như các dịch vụ xã hội để chăm sóc và bảo vệ trẻ em tốt hơn.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và bằng những việc làm hiệu quả thiết thực, công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em của tỉnh Vĩnh Long đã đạt được nhiều kết quả tích cực. 

Trên cơ sở đó, tỉnh tiếp tục đề ra nhiều giải pháp nhằm làm tốt hơn nữa công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trong tình hình mới, góp phần cùng toàn xã hội chung tay chăm sóc bảo vệ trẻ em, giúp trẻ có cuộc sống ấm no, hạnh phúc vì mục tiêu phát triển ổn định và lâu dài của đất nước./.

27 August 2024
Tản văn
Những ngày hè cháy khát (11/07/2024 20:35:42)
Nguồn cội… (29/04/2024 10:22:58)
Vết sẹo (17/04/2024 17:02:17)