Sông Hà Cối bình lặng chảy trôi giữa nhịp sống bộn bề
Phạm Học
Cái tên Hà Cối có từ tháng 6-1888, do tổng Hà Môn tách ra khỏi châu Vạn Ninh (địa danh thuộc thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh ngày nay) để thành lập lấy tên mới là Hà Cối. Theo chiết tự chữ Hán thì hà là sông, cối là cây cỏ rậm rạp.
Như thế, Hà Cối là vùng đất có nhiều cây cỏ tốt tươi ven sông. Cối chỉ những loại cây xanh tốt quanh năm lá không rụng theo mùa. Như thế, hiểu văn chương một chút thì Hà Cối là rừng già bên sông, là vùng đất xanh tươi có sức sống mãnh liệt, chống chọi với biết bao khó khăn, thử thách. Hà Cối là biểu tượng của sinh thái tươi tốt, là khí chất kiên cường như cây tùng, cây bách.
Cùng với sông Tài Chi, sông Hà Cối là con sông lớn nhất chảy qua huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh. Sông Hà Cối khởi nguồn từ vùng núi cao trên 500m thuộc dãy Quảng Nam Châu. Chỉ có chiều dài 35km, sông chảy qua xã Quảng Sơn đổ ra biển qua thị trấn Quảng Hà, với diện tích lưu vực khoảng 118,4km2, lưu lượng dòng chảy lớn nhất 1.190m3/s, lưu lượng nhỏ nhất 2,69m3/s. Lưu lượng đó khá thấp. Đến mùa khô năm sau thì rất cạn.
Tấn Mài là ngọn nguồn của dòng sông Hà Cối. Thác nước ùng ục như tiếng giã gạo. Có lẽ thanh âm của nước suối hơi khác biệt cũng vì đặc trưng của đá núi nơi này. Đá núi ở vùng Quảng Nam Châu thuộc hệ tầng Tấn Mài, là loại đá trầm tích biến chất do bụi núi lửa phun trào. Loại đá này rất dễ chế tác khi mới khai thác và càng để lâu theo thời gian thì càng cứng.
Vùng núi rừng Tấn Mài còn là di chỉ khảo cổ học quý giá ở Quảng Ninh. Nơi đây tìm thấy dấu vết của người Việt cổ với các công cụ chặt, đập thô sơ, công cụ mũi nhọn. Trong quá khứ, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đã tiến hành điều tra, thu thập gần 80 hiện vật đồ đá cổ ở đây. Hầu hết di vật là đá cát kết màu gan gà, tím nhạt hoặc nâu nhạt, độ cứng thấp; dẻo nhưng đều bị bào mòn.
Qua vùng Tấn Mài, đến tận ngã ba sông vẫn còn thác nước. Ở đây có thác Hà và thác Cối. Chỉ có điều thác Hà có nhiều hà sông bám vào cồn đá còn thác cối thì là một cái xoáy nước có hình thù như chiếc cối đá khổng lồ. Có lẽ vì thế mà nhiều người lý giải rằng sông Hà Cối được đặt tên ghép từ tên của 2 con thác này.
Vượt qua bao ghềnh thác, con sông vẫn vậy, đều đặn đưa nước về với biển, nhưng người Việt cổ thì đã sống cách chúng ta ngày nay chừng 11.000 năm. Đặc biệt, năm 1981, tại đây đã khai quật được chiếc trống đồng Quảng Chính có niên đại cùng hệ thống trống đồng Đông Sơn. Người thời văn hóa Tấn Mài được xem là lớp người tiên phong mở đất Quảng Ninh.
Từ xã Quảng Chính, có thể thấy một số đập ngăn nước trữ nước dùng để sinh hoạt. Sông Hà Cối cùng các con sông khác hình thành nên 3 hồ chứa nước ngọt lớn nhất Hải Hà là hồ Trúc Bài Sơn, hồ Khe Dầu và hồ Khe Đình. Hệ thống kênh dẫn nước từ hồ Trúc Bài Sơn đi tưới tẩm cho hầu khắp các khu sản xuất nông nghiệp của huyện Hải Hà.
Hà Cối xưa là 1 trong 2 thị trấn của huyện Quảng Hà cũ, nơi người dân tận dụng khu bến sông, cửa biển để hình thành nên khu vực phố thị nhỏ. Tại Hải Hà xưa cũng có nghề sản xuất ngói âm dương, với những lò gốm nằm cạnh hai bên bờ sông Hà Cối như lò gốm Cái Đá Bàn.
Hình ảnh bến sông luôn là điểm nhấn đặc biệt của thị trấn cả xưa và nay. Thị trấn Hà Cối nằm bên sông từ xưa đã mang vẻ đẹp mộc mạc, gần gũi với những dãy nhà ngói âm dương. Phố xá ở Hà Cối xưa không dài rộng lắm, đi bộ loanh quanh một hồi là hết.
Người Hà Cối trước đây tận dụng khu bến sông, cửa biển hình thành nên chợ huyện. Vào đúng ngày chợ phiên lúc nào cũng tràn ngập sắc áo của đồng bào dân tộc Tày, Sán Chỉ, Dao Thanh Phán, Dao Thanh Y...
Lên chợ huyện, du khách sẽ nghe thấy xen lẫn tiếng nói đầy sóng gió của người Phú Hải, giọng miền biển Đầm Hà hay là Thủy Nguyên của Hải Phòng di cư đến. Đây đó còn có cả giọng của những sơn nữ vừa xuống núi nói tiếng Kinh chưa sõi.
Ông Lương Hùng Thanh - nhà nghiên cứu văn hóa dân gian địa phương - cho rằng, 2 chữ Hà Cối xuất phát từ chuyện những sơn nhân từ trên núi chuyển cư xuống biển. Đây là vùng đất cửa sông trù phú nên còn có tên cũ là Hà Môn (cửa sông, tên một tổng của châu Vạn Ninh). Những người từ trên núi cao xuống dưới thấp ở tự gọi mình là dân “hạ cư”. Do phương ngữ địa phương dần dần đọc chệch đi thành Hà Cối.
Trong ký ức của người già ở đây, phố Hà Cối xưa không có những ngôi nhà cao tầng, không có ngã tư đèn xanh, đèn đỏ, nhưng ngõ nhỏ thì nhiều. Hà Cối xưa còn giữ lại ngôi nhà Vạn Sinh đường, rạp chiếu phim, sân bóng đá... Hà Cối từ xa xưa đã có rạp chiếu phim chứ không phải xem phim ở sân khấu ngoài trời như nhiều nơi khác. Thời khi tivi còn chưa có, rạp to với hơn 200 chỗ ngồi có thể coi là trung tâm văn hóa, tinh thần của người dân huyện. Vì thế, rạp Hà Cối từng là niềm tự hào của người dân nơi đây.
Ngang dòng sông Hà Cối, qua xã Phú Hải nhộn nhịp tàu thuyền, du khách sẽ thấy cảnh đẹp hài hòa, chuyến đi thêm ý nghĩa khi ghé tham quan đền, chùa Hải Hà. Cụm đình đền chùa bên sông Hà Cối là nét đẹp văn hóa tâm linh, nơi gặp gỡ giao thương của những ngư dân nông dân và thương nhân trong mối quan hệ gắn bó, đoàn kết keo sơn. Điểm đầu ghé thăm là đền thờ Trần Hưng Đạo được xây dựng hướng ra cửa sông Hà Cối ngụ ý mong muốn các vị anh hùng tiếp tục trấn ải cửa sông, cửa biển, bảo vệ nhân dân.
Cách đền Trần Hưng Đạo không xa là di tích đình My Sơn. My Sơn là tên làng cổ vì có ngọn núi bao quanh cong như lông mày của người thiếu nữ nên mới sinh ra cái tên ấy. Đình My Sơn thờ Thành hoàng Vạn Cảnh canh giữ các cửa sông. Trải qua biến thiên lịch sử, đình được di chuyển qua nhiều địa điểm, nay tọa lạc ở bên cạnh dòng suối Khe La.
Lễ hội đình My Sơn diễn ra từ ngày 16 đến 20 tháng Giêng với nhiều hoạt động đặc sắc, đặc biệt là lễ rước Thành hoàng ra cửa sông. Với vị trí thuận lợi gần trung tâm huyện, nằm cạnh cửa sông Hà Cối, phong cảnh hữu tình, cụm di tích đền, đình, chùa Hải Hà tạo điểm đến hấp dẫn du khách.
Con sông Hà Cối còn gắn liền với lịch sử giữ nước của cha ông. Sông Cạp Coóng chảy từ đỉnh núi Đục xuống tương truyền từng là mồ chôn quân giặc phương Bắc. Do đất đá bồi đắp nhiều trăm năm mà dòng sông xưa thu hẹp lại chỉ còn là một con suối. Từ trên núi Đục nhìn xuống thấy suối như con sông nhỏ chảy từ đỉnh xuống dẫn lối du khách vào cảnh thần tiên.
Đầu thế kỷ XX, ngay từ năm 1918, lực lượng của Đội Sáng ở huyện Bình Liêu mở rộng ảnh hưởng đến Hà Cối đã cùng quần chúng đánh vào đồn binh Pháp ở Trúc Bài Sơn gây tiêu hao nhiều sinh lực địch. Gần nửa thế kỷ sau, năm 1963, toán biệt kích Mỹ - Tưởng do Trung tá Chỉ huy trưởng Sư đoàn Trịnh Kỳ Thiệu chỉ huy đã dùng xuồng máy xâm nhập nhằm thực hiện ý đồ móc nối với bọn phản cách mạng ở Hà Cối. Quân dân nơi đây đã truy lùng bắt sống được toán biệt kích phản động khi chúng mới vào được cửa sông.
Rồi đến mùa xuân năm 1979, tiếng súng vang lên trên bầu trời biên giới phía Bắc, sông Hà Cối lại là con đường vận lương, tải đạn cho bộ đội bảo vệ biên cương. Ông Nguyễn Hữu Bính - nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Quảng Hà (nay là huyện Hải Hà) - nhớ lại: huyện đã huy động hàng trăm chuyến chở vật dụng sinh hoạt cho các gia đình lên định cư bảo vệ biên giới, tăng cường mọi nguồn lực xây dựng phòng tuyến Quảng Nam Châu. Toàn huyện đã làm được hàng vạn chông tre, chông sắt, trồng hàng nghìn cây mây, cây gai và chuyển hàng trăm tấn xi măng, thanh bê-tông làm công sự trên điểm tựa Quảng Nam Châu.
Đoạn cuối của sông chia làm nhiều sông nhỏ trước khi đổ ra biển là sông Hà Nam, sông Hà Cối, sông Bồ Lồ (Đại Hoàng), sông Đường Hoa, sông Cái Đá Bàn. Trong các sông này, chỉ sông Hà Cối có lưu lượng nước khá lớn về mùa mưa lũ. Các sông còn lại lưu lượng không đáng kể.
Con sông êm đềm chảy như người Hà Cối bình lặng sống chậm giữa nhịp sống bộn bề. Anh Lại Trường Thành - một nhạc sĩ, giáo viên dạy nhạc trường làng - là người nhận ra điều đó. Anh yêu con người nơi này, yêu con sông Hà Cối da diết. Anh nhận ra tình người nơi này trong lời ca tiếng hát quấn quýt lấy nhau, mượt mà óng ả như tấm lụa bên sông phơi đầy nắng, đầy gió, đầy tâm trạng.
Anh say sưa viết nhạc ca ngợi con sông. Ca từ anh viết có khi còn hay hơn cả những câu thơ: “Ngày sông chở đầy nắng gió. Đêm sông say ánh trăng mơ. Thuyền ai dừng chèo bến nhớ. Mà sao sóng mãi xô bờ. Tấn Mài ơi thác nguồn không vơi. Vang lên những khúc ca mộng mơ. Vang lên trang sử đẹp những thăng trầm thời gian”.
Anh nhạc sĩ viết lời đẹp quá. Lời bài hát thôi thúc bao bước chân tìm về Hải Hà để ngắm sông Hà Cối, để nghe con sông thì thầm kể chuyện./.









Các bài cũ hơn


