Nguyện làm viên đá của Nhà thờ Đức Bà Paris
Peter Pho
Nhà thờ Đức Bà Paris_Ảnh: TL
Nhà thờ Đức Bà được xây dựng từ năm 1163 và hoàn thành vào năm 1345, với lịch sử hơn 850 năm. Nhà thờ Đức Bà nằm trên đảo Ile de la Cité bên bờ sông Seine ở Paris, có tổng chiều cao khoảng 130m. Đối với nhiều người dân Paris, địa danh lịch sử này chắc chắn là trái tim của thành phố, với 2 tòa tháp Gothic hình vuông sừng sững đứng nhìn các tòa nhà khác xung quanh bờ sông Seine.
Notre-Dame cũng là nhà thờ chính tòa của Tổng giáo phận Công giáo Paris và là một trong những nhà thờ lâu đời và phong phú nhất. Nó không chỉ là nơi diễn ra các lễ cưới hoàng gia mà còn là nơi đăng quang của Napoléon I, là phúc địa xưng thánh cho nữ anh hùng dân tộc Pháp Gioanna xứ Arc. Các lễ cầu siêu sau cái chết của các cựu Tổng thống Pháp Charles de Gaulle và Francois Mitterrand cũng được tổ chức tại đây. Nhà thờ Đức Bà cũng là nơi công chúng tôn vinh sự vĩ đại và cuộc sống tốt đẹp.
Nhà thờ Đức Bà được ủy quyền xây dựng bởi Vua Louis VII của Pháp, ông muốn nơi đây trở thành biểu tượng của sức mạnh chính trị, kinh tế, trí tuệ và văn hóa của Paris trong và ngoài nước. Paris vào thời điểm đó đã trở thành trung tâm quyền lực của Pháp và cần một tượng đài tôn giáo để xứng tầm với vị thế của nó. Qua hàng thế kỷ, Nhà thờ Đức Bà Paris mới được hoàn tất. Việc thi công đầu tiên gồm 4 giai đoạn chính: xây dựng điện và hai hành lang chính điện (giai đoạn 1163 - 1182); xây dựng 2 gian cuối và các gian bên (1182 - 1190); xây dựng mặt ngoài, 2 gian đầu của nhà thờ (1190 - 1225); xây dựng hành lang thượng, 2 tháp cùng thay đổi, mở rộng các cửa sổ (từ 1225 - 1250) và chính thức xây dựng xong vào năm 1350.
Nhà văn Pháp Victor Hugo đã xuất bản cuốn tiểu thuyết “Nhà thờ Đức Bà Paris” (Notre Dame de Paris) xuất bản vào ngày 14-1-1831, cũng làm cho nhà thờ Gothic này nổi tiếng hơn trên toàn thế giới. Câu chuyện của cuốn tiểu thuyết lấy bối cảnh ở Notre-Dame de Paris vào năm 1482 và xoay quanh một cô gái Digan (Esmeralda) và một người gù kéo chuông trong nhà thờ (Quasimodo) được nuôi dưỡng bởi Phó Giám mục nhà thờ (Claude Frollo). Tiểu thuyết nổi tiếng này nhiều lần được chuyển thể thành phim, truyền hình và nhạc kịch.
Một buổi sáng mùa đông giá lạnh của Paris, tôi co ro trong gió buốt đi dọc theo bờ sông Seine tìm đến hiệu sách Shakespeare tại số 37, phố Bucherie để mua lại cuốn “Notre-Dame de Paris” phiên bản tiếng Pháp rồi qua cầu bước vào bên trong Nhà thờ Đức Bà. Tôi thích đến đây vào mùa đông lạnh giá, bởi muốn tránh khỏi dòng người đông đúc ồn ào chen chúc nhau vào thăm quan nơi thánh địa tôn kính này vào những ngày đẹp trời. Nhà thờ mới mở cửa được nửa tiếng, chỉ vài người khách đã ngồi trên hàng ghế đầu. Tôi nhẹ nhàng đi lách sang bên trái bước xuống ngồi ở ghế thứ ba ở hàng thứ ba gần chiếc quạt sưởi ấm.
Tôi đã đọc “Nhà thờ Đức Bà Paris” nhiều lần, nhưng lần nào cũng thấy mới mẻ, thú vị. Thú thực rằng đọc tác phẩm này ngay trong Nhà thờ Đức Bà thì cảm giác thú vị và lôi cuốn tăng lên bội phần. Tôi hình dung thấy thần tượng của tôi Victor Hugo ngồi ngay sát cạnh tôi, ông cúi đầu vào hai lòng bàn tay đặt ở thành ghế trước như để cầu nguyện, để suy tư... Trong óc ông dần dần hiện ra một câu chuyện hình thành dưới nóc nhà thờ thiêng liêng này: “cô gái Digan xinh đẹp Esméralda mà ông bắt gặp ở quảng trường trước nhà thờ đang múa những vũ điệu Digan đầy cuồng nhiệt, đầy phóng đãng trước một đám đông những người hành khất quần áo tả tơi...
Phó Giám mục nhà thờ Claude Frollo bước tới xua đuổi đám đông nhưng khi nhìn thấy sắc đẹp quyến rũ của Esméralda thì sững sờ như chôn chân dưới đất, vốn là người đạo hạnh và nhân từ nhưng trong chốc lát, ông đã nghiệm thấy được hiểm họa sa vào địa ngục khi ông bắt đầu cảm nhận đã say mê cô gái múa rong này...
Ngày 15-4-2019, một đám cháy đã bùng phát trên mái nhà Nhà thờ Đức Bà Paris, gây thiệt hại đáng kể cho tòa nhà. Chóp nhà thờ và mái bị sập, thiệt hại đáng kể đã xảy ra đối với bên trong và các bức tường của nhà thờ. Tuy nhiên, trần đá vòm bên dưới mái nhà đã ngăn phần lớn ngọn lửa rơi vào phần nội viện của nhà thờ bên dưới. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã hứa xây dựng lại nhà thờ, được tài trợ ít nhất một phần bởi một chiến dịch gây quỹ quốc gia. Hoạt động tu sửa nhà thờ đang được tiến hành tích cực để bảo đảm theo đúng kế hoạch, hy vọng có thể mở cửa hoạt động trở lại kể từ năm 2024. |
Khi màn đêm vừa buông, ông trèo lên gác chuông, đánh thức Quasimodo - một thằng gù, vừa mù, vừa thọt làm công việc kéo chuông của nhà thờ mà ông đã đem về nuôi khi hắn còn là một đứa bé bị vứt bỏ ngoài cửa nhà thờ. Ông chỉ thị cho Quasimodo đi bắt cóc nàng Esméralda về cho ông... Nhưng sau đó lại xuất hiện đội tuần tra của đại úy Phoebus kịp giải cứu cô gái và bắt Quasimodo đi... Mối tình giữa Esméralda yêu đại uý Phoebus bắt đầu nẩy sinh... Rồi Esméralda cứu sống thi sĩ Gringoire khi anh ta lang thang lạc vào vương quốc ăn mày. Esméralda săn sóc Quasimodo đem nước cho hắn uống trong lúc hắn bị xử phạt trên đài bêu vì tội bắt cóc và quấy rối... Trái tim hoang dã của Quasimodo bắt đầu thức tỉnh bởi vẻ đẹp và tấm lòng của Esméralda, hắn bắt đầu yêu nàng, một tình yêu bất diệt không cần đền đáp. Chính vậy, sau khi Esméralda bị vu oan và kết án treo cổ, Quasimodo đã phá pháp trường để cứu Esméralda, đem cô vào trú ẩn an toàn trong Nhà thờ Đức bà... Rồi Esméralda bị đem đi treo cổ một lần nữa. Quasimodo biết rõ đầu đuôi câu chuyện và sự thâm độc của Phó Giám mục, hắn đã xô Frollo ngã từ trên tháp chuông nhà thờ xuống đất. Sau đó, Quasimodo ôm xác Esméralda vào cùng chết chung trong hầm mộ...
Victor Hugo đã đưa tuổi thanh xuân của tôi đắm chìm trong hình ảnh Nhà thờ Đức Bà. Mỗi lần đến Paris là một lần nóng lòng vứt bỏ hành lý trong khách sạn để vội vã chạy về đây. Mỗi lần về đây là một lần như được đọc lại tác phẩm bất hủ này, một lần chiêm nghiệm lại vẻ đẹp thánh thần của nhà thờ với kiến trúc theo phong cách Gothic phức tạp, kính màu của Italia, trụ đá bay Hy Lạp, điêu khắc cực kỳ dày công phức tạp của Italia, cánh cửa chính với những đường nét vô cùng huyền hoặc, đỉnh tháp bằng gỗ sồi được tỉa tót kỳ công như một thánh tích,... và nhiều báu vật vô giá khác lưu giữ nơi đây.
Victor Hugo đã để lại trái tim mình ở đây, ông từng nói, ông “nghe” những âm thanh từ Nhà thờ Đức Bà phát ra như bản giao hưởng của Chúa, tất cả, từ viên đá nằm tại đây đều phát sáng ra những hào quang thiêng liêng của thánh tích. Mỗi một tác phẩm điêu khắc, tượng, bích họa hay một góc của kiến trúc, một di vật để lại đằng sau đều có một câu chuyện đầy ly kỳ và đầy hấp dẫn.
Mỗi lần về đây là một lần trái tim thổn thức đến nức nở, nghẹt thở. Đứng trong giáo đường, tôi luôn cảm nhận được sự vĩ đại của thánh thần và sự nhỏ bé tựa cát bụi của con người. Nhiều lần đến mà bắt gặp dòng người chen chân trong giáo đường, tôi vội làm dấu thánh rồi lẩn ra bên ngoài đi dọc bức tường vây quanh nhà thờ hoặc dạo bước ở quảng trường. Tĩnh tâm, suy tư, tôi vẫn cảm nhận ra hơi ấm hơn 850 năm lịch sử của nhà thờ xuyên thấu qua tường đá dầy cộm phả vào mặt tôi. Tôi vẫn nghe được những lời thủ thỉ phát ra từ những bức tượng đá, bích họa, kể lại câu chuyện hàng trăm năm của trái tim Paris. Nhận thức về nhà thờ Đức Bà không thể trọn vẹn chỉ trong một hay vài chuyến thăm quan. Có lần tôi cầu nguyện xin làm viên đá lát đường trong khuôn viên nhà thờ để được ngày đêm cảm nhận, nghe ngóng từng hơi thở, từng nhịp đập ở đây. Lịch sử, thánh tích và nghệ thuật của Nhà thờ Đức Bà một khi đọc hiểu thì sẽ cuốn hút đến trọn một kiếp người. Vĩnh viễn, như mối tình đầu.../.








