Lữ đoàn 215: Từ lịch sử hào hùng đến đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới
Trần Văn VũBí thư Đảng ủy, Chính ủy Lữ đoàn 215, Binh chủng Tăng Thiết giáp
Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 215 thực hành huấn luyện khai thác, làm chủ vũ khí thiết bị kỹ thuật mới trên xe T54B cải tiến tại Trường bắn cơ bản của đơn vị_Ảnh: PV
Góp công trong thắng lợi vĩ đại của toàn dân tộc
Bước vào giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã giành thắng lợi to lớn trên khắp chiến trường miền Nam. Trước thời cơ cách mạng mới, theo đề nghị của Bộ Tư lệnh Binh chủng Thiết giáp, ngày 10-4-1973, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 57/QĐ-QP thành lập Trung đoàn xe tăng 215 trực thuộc Bộ Tư lệnh Thiết giáp (tiền thân của Lữ đoàn xe tăng 215 ngày nay). Lễ công bố quyết định được tổ chức trang trọng tại làng Dầm, xã Đạo Tú, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc. Sự ra đời của Trung đoàn xe tăng 215 là sự kiện có ý nghĩa lịch sử, phản ánh bước phát triển mới của bộ đội TTG, thể hiện sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước và quân đội về khả năng đột kích táo bạo, thọc sâu với ưu thế cơ động nhanh, hỏa lực mạnh của bộ đội TTG trong tác chiến Binh chủng hợp thành. Ngay sau ngày thành lập, chấp hành chỉ thị của Thường vụ, Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Thiết giáp và theo lệnh của Bộ Quốc phòng để kịp thời bổ sung lực lượng TTG cho các chiến trường, ngày 5-12-1973, Trung đoàn xe tăng 215 chuyển toàn bộ lực lượng, phương tiện từ Vĩnh Phúc vào đứng chân tại xã Kỳ Tây, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh; đến ngày 20-2-1974, di chuyển về xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Để chuẩn bị lực lượng, sẵn sàng cho những chiến dịch lớn nhằm tạo ra bước ngoặt có tính chất quyết định cho cuộc chiến tranh giải phóng, cuối năm 1973, Bộ Quốc phòng quyết định phát triển các Trung đoàn TTG, trong đó có Trung đoàn 215 thành lữ đoàn, mở đường cho sự phát triển lớn mạnh của Lữ đoàn xe tăng 215 anh hùng.
Tháng 2-1975, thời cơ giải phóng miền Nam tới, Lữ đoàn được Bộ Tư lệnh Thiết giáp giao nhiệm vụ tăng cường cho chiến trường Đông Nam Bộ mang phiên hiệu Đoàn 275, chiến đấu trên 2 hướng của Chiến dịch Hồ Chí Minh, với nhiệm vụ phối thuộc cho Quân đoàn 4, hiệp đồng chặt chẽ với Sư đoàn Bộ binh 341 chiến đấu trên hướng Đông Bắc Sài Gòn và phối thuộc cho Binh đoàn 232 hiệp đồng chặt chẽ với Sư đoàn Bộ binh 9 chiến đấu trên 2 hướng Tây và Tây Nam Sài Gòn, thọc sâu vào trung tâm thành phố Sài Gòn - Gia Định... Theo đó, các đơn vị xe tăng và bộ binh cơ giới của Lữ đoàn hiệp đồng chặt chẽ với bộ binh và các lực lượng khác chiến đấu anh dũng, phát huy sức mạnh đột kích, cơ động thọc sâu, mưu trí sáng tạo đập tan các tuyến phòng ngự cuối cùng của quân đội Việt Nam Cộng hòa, giải phóng Sài Gòn. Trong đội hình tiến công binh chủng hợp thành, các đơn vị của Lữ đoàn đã có mặt trong thành phố Sài Gòn, góp công trong thắng lợi vĩ đại của toàn dân tộc.
Trong 2 cuộc chiến tranh biên giới ở 2 đầu đất nước, Lữ đoàn trực tiếp tham gia chiến đấu. Theo lệnh của Bộ Quốc phòng, tháng 2-1978, Lữ đoàn lên đường chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, làm nhiệm vụ quốc tế giúp nước bạn Campuchia giải phóng đất nước, thoát khỏi họa diệt chủng. Tháng 2-1979, chấp hành mệnh lệnh của trên, Lữ đoàn hành quân đến tập kết tại Hà Bắc để chuẩn bị lực lượng, sẵn sàng bước vào cuộc phản công chiến lược, chiến đấu bảo vệ biên giới thiêng liêng của Tổ quốc. Tháng 5-1979, Lữ đoàn hành quân trở về đơn vị tiếp tục thực hiện nhiệm vụ cơ động dự bị chiến lược của Bộ, tập trung huấn luyện và nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng nhận và hoàn thành các nhiệm vụ được giao.
Sau khi đất nước thống nhất, để đáp ứng yêu cầu bố trí lực lượng của Bộ Quốc phòng và của Bộ Tư lệnh TTG, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam ký Quyết định số 09/QĐ-TM, ngày 6-1-1976, điều động Lữ đoàn xe tăng 215 thuộc Bộ Tư lệnh TTG về địa điểm đóng quân mới ở xã Quỳnh Châu, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Với những thành tích cống hiến đặc biệt, Lữ đoàn đã 6 lần được tặng Huân chương các loại. Năm 2004, Lữ đoàn vinh dự được đón nhận danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ đổi mới”.
Đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới
Kế thừa và phát huy truyền thống anh hùng của quân đội, của bộ đội TTG Việt Nam, những năm qua cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn luôn đoàn kết, chủ động, sáng tạo, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, khắc phục mọi khó khăn hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Trước yêu cầu nhiệm vụ quân sự - quốc phòng nhằm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới ngày càng cao, quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Binh chủng TTG lần thứ XI cùng với đẩy mạnh sắp xếp tổ chức biên chế, xây dựng đơn vị theo hướng “tinh, gọn, mạnh”; Lữ đoàn đã đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tập trung nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu theo Nghị quyết số 765-NQ/QUTW, về “Nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn giai đoạn 2013 - 2020 và những năm tiếp theo”. Xác định đổi mới và nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu là khâu đột phá cần tập trung lãnh đạo nhằm nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, bảo đảm cho Lữ đoàn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Quá trình tổ chức, triển khai thực hiện đã đạt được những kết quả vững chắc, tiêu biểu.
Thứ nhất, nhận thức của cán bộ, chiến sĩ về nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu được nâng cao; vai trò lãnh đạo, chỉ huy các cấp được phát huy. Công tác chỉ đạo, quản lý điều hành huấn luyện có nhiều đổi mới tích cực, sát thực tế đơn vị, tình hình nhiệm vụ, địa bàn, thích ứng linh hoạt với đặc điểm tình hình từng giai đoạn.
Thứ hai, kịp thời đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp huấn luyện, diễn tập, hội thi, hội thao bảo đảm linh hoạt, phù hợp thực tế, ngày càng có nhiều đổi mới sáng tạo, kịp thời cập nhật sự phát triển của khoa học - công nghệ quân sự, nghệ thuật tác chiến sử dụng lực lượng TTG, phù hợp với nhiệm vụ quân sự - quốc phòng thời kỳ mới.
Thứ ba, chủ động, sáng tạo xây dựng kế hoạch, tổ chức tốt các cuộc diễn tập và tham gia với cấp trên. Diễn tập vòng tổng hợp cấp đại đội, tiểu đoàn, diễn tập chỉ huy - tham mưu, tham gia diễn tập hiệp đồng quân binh chủng theo kế hoạch của Binh chủng TTG... Vận dụng linh hoạt các hình thức tác chiến trong đánh địch đổ bộ đường không, tiến công đường bộ trong điều kiện sử dụng vũ khí công nghệ cao...
Thứ tư, tổ chức và tham gia các hội thi, hội thao trong nước và quốc tế đạt kết quả tốt như Hội thi “Cán bộ huấn luyện giỏi”, Hội thi “Kíp xe tăng giỏi” toàn quân. Đặc biệt, Lữ đoàn cử lực lượng đi tham gia Hội thao quân sự quốc tế (Army Games) và đạt được những thành tích nổi bật trong những năm gần đây... Thông qua tổ chức và tham gia các hội thi, hội thao các cấp trình độ tổ chức, phương pháp huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của cán bộ và phân đội không ngừng được nâng lên, khẳng định sự phát triển vững chắc về chất lượng huấn luyện, trình độ làm chủ vũ khí trang bị kỹ thuật, khả năng sẵn sàng chiến đấu và sức mạnh chiến đấu của Lữ đoàn trong tình hình mới.
Trong những năm tới, để phát huy những thành tích đạt được, đồng thời đáp ứng tốt các yêu cầu đặt ra, Lữ đoàn cần tập trung vào một số nội dung, biện pháp cơ bản sau.
Một là, tích cực phát huy vai trò và tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
Hai là, tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng huấn luyện, trình độ khả năng sẵn sàng chiến đấu, tạo sự đột phá về sức mạnh chiến đấu của Lữ đoàn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Ba là, tích cực đẩy mạnh công tác bảo đảm mọi mặt về kỹ thuật, hậu cần đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu trong điều kiện mới.
Huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu là nhiệm vụ trung tâm, xuyên suốt, là cơ sở để nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu, sức mạnh chiến đấu cũng như thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ khác của Lữ đoàn trong suốt 50 năm xây dựng, chiến đấu và phát triển. Quán triệt sâu sắc các mục tiêu, quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, các Nghị quyết của Quân ủy Trung ương, Đảng ủy Binh chủng TTG, tiếp tục phát huy truyền thống “Đoàn kết, chủ động, sáng tạo, khắc phục khó khăn - đã ra quân là đánh thắng” và những kết quả đạt được trong thời gian qua; Lữ đoàn 215 tiếp tục phấn đấu, khắc phục mọi khó khăn, tích cực, chủ động, đổi mới sáng tạo nâng cao chất lượng huấn luyện, khả năng sẵn sàng chiến đấu, đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới xứng đáng với danh hiệu đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu” của Bộ Quốc phòng./.









Các bài cũ hơn

