23/11/2024 | 22:59 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 - 7-5-2024): Xếp lại quá khứ, hướng tới tương lai

Trương Hữu Thiêm
Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 - 7-5-2024): Xếp lại quá khứ, hướng tới tương lai Nghĩa trang Đồi A1 - nơi an nghỉ của 644 anh hùng, liệt sĩ trận Điện Biên Phủ năm 1954_Ảnh: Hữu Thiêm
Mỗi năm chỉ có một tháng 5 và hình như tháng 5 nào trời Mường Thanh nắng cũng thơm như mật ngọt. Cánh đồng “nhất Thanh” lúa vụ chiêm đang chín. Đó là loại gạo mà khách du lịch ai cũng muốn mua về một ít làm quà, đồng thời như để chứng minh rằng mình cũng đã ít nhất một lần đến Điện Biên...

Tròn 70 năm qua, thời gian nhẹ trôi trong ký ức người Điện Biên, trong những nỗ lực dồn tâm huyết để vinh danh một thành phố anh hùng. Vẫn còn đó hàng nghìn người và hàng nghìn những cái tên lặng lẽ trên bảng vàng Tổ quốc ghi công. Trong cảm xúc ấy, mấy tuần qua du khách nói chung và tăng ni phật tử nói riêng đã về đây cùng thắp nén tâm nhang, cùng dâng đóa hoa lòng trước những hàng bia mộ vô danh. 

Như người ta vẫn nói: với những linh hồn bất tử thì không một dòng chữ nào chở hết chiến công. Đúng như Tố Hữu từng viết: “Hỡi các chị, các anh/ Trên chiến trường ngã xuống/ Máu của anh chị, của chúng ta không uổng/ Sẽ xanh tươi đồng ruộng Việt Nam”. Đó là sự dâng hiến phần hồn, là sự hóa thân phần xác để làm nên đất nước!...

Đúng vậy! Trong buổi chiều chiến thắng 70 năm trước, lá cờ “Quyết chiến Quyết thắng” rầm rập bay qua cầu, giọt máu cảm tử của những anh vệ quốc đoàn rơi trên cầu, tiếng hô xung phong nối nhau qua cầu. Không chỉ bắc bằng những vật liệu xây dựng thông thường, mà cầu Mường Thanh còn được tạo nên bởi biết bao cuộc đời người chiến sĩ “đi ta đi không tiếc tuổi xanh”. 

Chiều dài cây cầu không chỉ thể hiện bằng đại lượng đo lường thông thường, mà nó được đo bằng chiến công oanh liệt của cả một thế hệ xả thân, của rất nhiều những nỗi lòng chinh phụ nhớ chồng mà không dám khóc... 

Cũng như con người Mường Thanh, sông Nậm Rốm lúc có giặc thì sục sôi đánh giặc, giặc chạy rồi lại cần mẫn góp sức dựng xây. Một dòng sông chảy qua trận mạc, chảy qua truyền thuyết, chảy qua hoài niệm, chảy qua những mối tình lãng mạn và chảy qua những mùa vàng no ấm; làm phong phú, ý nghĩa và hấp dẫn thêm tên đất, tên người Điện Biên...

Thiếu tướng Lưu Trọng Lư - nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Điện Biên, hiện là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Điện Biên - cho biết: thông thường nếu khách du lịch là các cựu chiến binh Điện Biên Phủ, điểm đầu tiên họ đến là Nghĩa trang A1. 

Đó là những chiến sĩ của các đại đoàn bộ binh: 304, 308, 312, 316 và đại đoàn công pháo 351 anh hùng. 70 năm trước, họ là những người đi qua trận đánh 56 ngày đêm với chí trai “thù nhà nợ nước”; 70 năm sau, họ trở về chiến trường xưa mong được chụm mái đầu bạc, soi vào mắt nhau để nhớ lại cái thời cả tiểu đội có một bi-đông nước dùng trong 1 ngày mà vẫn quần nhau với địch giành giật từng mét chiến hào, từng mỏm đồi, khe suối. 

Hiện nay, Nghĩa trang A1 nằm dưới chân đồi A1 (thuộc phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ), nơi yên nghỉ của 644 anh hùng - liệt sĩ trận Điện Biên Phủ.

Lại nhớ tròn 20 năm trước, dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, sáng ngày 20-4-2004, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có cuộc gặp gỡ với gần 500 cựu chiến binh trận Điện Biên Phủ đến từ các tỉnh thuộc Quân khu 2 và đại diện các lực lượng vũ trang tỉnh Điện Biên. 

Mấy lời gan ruột của “Người anh cả” Võ Nguyên Giáp: “tôi muốn nói, gặp lại nhau đây sau 50 năm là quý lắm rồi”, khiến rất nhiều cựu chiến binh đưa bàn tay già nua run run lau lên khóe mắt nhàu nhĩ vết chân chim.

Nhưng giờ thì trái tim vĩ đại ấy đã yên nghỉ, sau hơn 1 thế kỷ chắt chiu từng nhịp đập cho non sông đất nước và cho Điện Biên. “Văn lo vận nước, văn thành võ/ Võ thấu lòng dân, võ hóa văn”, đó là một trong những đôi câu đối hay nhất mà người đương thời viết tặng khi Đại tướng còn khỏe. 

Với Điện Biên, dù là “văn thành võ” hay “võ hóa văn” thì trong ký ức của bà con các dân tộc, cái tên Võ Nguyên Giáp vĩnh viễn trường tồn với chiến công hiển hách Điện Biên Phủ...

Dịp này, lên thăm thành phố Điện Biên Phủ và bà con 19 dân tộc tỉnh Điện Biên, bạn sẽ thấy Điện Biên Phủ bây giờ đẹp lắm, cái đẹp nguyên khiết, sơ khai, gợi cho ta nhớ tới hình ảnh nàng công chúa ngủ ở trong rừng. 

Trong sắc nắng vàng ươm như có bàn tay tiên vừa nhẹ nhàng rót mật, những chú bướm cách điệu chập chờn như sắp sửa bay ra từ những bộ ngực căng tròn của các nàng sơn nữ Thái. 

Tạm biệt những triền núi xanh quanh năm giấu mình trong bồng bềnh mây trắng, từng cặp trai gái Mông theo ngựa và theo nhau, cuốn theo mùi rượu và mùi chàm nườm nượp đổ về đây, xúng xính trong những bộ váy áo truyền thống tự tay làm lấy. 

Bên cạnh các bà, các chị người Dao với những chiếc mũ đỏ rực như được làm bằng lửa, là các thiếu nữ Hà Nhì duyên dáng trong những bộ trang phục sặc sỡ như ghép từ muôn chiếc lông công. Có cảm giác vào những ngày này, không gian thành phố Điện Biên Phủ như chật lại và thời gian ở đây dường như cũng nhanh lên.

Ông Đoàn Văn Chì - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên - cho biết: tại thời điểm này, trong hệ thống các thiết chế văn hóa trên địa bàn tỉnh Điện Biên nói chung và các điểm chiêm bái - tưởng niệm hướng về Điện Biên Phủ nói riêng, công trình “Đền thờ liệt sĩ tại chiến trường Điện Biên Phủ” (Đồi F, phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ), được xem là mới nhất, đẹp nhất, trang trọng và bề thế nhất. 

Mới đây, cầu Thanh Bình - một trong những điểm nhấn quan trọng tạo diện mạo mới cho đô thị thành phố Điện Biên Phủ - được khánh thành. Với nguồn vốn đầu tư tròn 100 tỷ đồng, cùng với cầu Thanh Bình, tính đến hết quý I-2024, tỉnh Điện Biên đã cơ bản hoàn thành các hạng mục dự án, mở cửa trở lại Cảng Hàng không Điện Biên...

70 năm qua, trên cơ sở tiềm năng và thế mạnh, trên cơ sở những gì chúng ta đã, đang và sẽ làm, bao thế hệ người Lai Châu trước đây và Điện Biên hôm nay đã và đang tự tin viết tiếp huyền thoại “Chiến thắng Điện Biên” trong “thời đại 4.0” nhiều cơ hội nhưng cũng lắm thách thức. 

Hai dân tộc Việt - Pháp đã và đang trở thành đối tác của nhau, theo tinh thần ấy, người Điện Biên cũng dần xếp lại quá khứ để hướng tới tương lai. 70 năm dòng Nậm Rốm vẫn chảy, mang theo những tiềm năng thuỷ điện, mang theo những khát khao tỏa sáng; mang theo những hạt phù sa bồi tụ và lặng lẽ hiến dâng cho ruộng mật bờ xôi. 

Độ rày cánh đồng “nhất Thanh” chuẩn bị bước vào một mùa gặt tưng bừng. Đi trong hương lúa và gọi thầm hai tiếng Điện Biên, lòng ta như cháy lên trước di nguyện thiêng liêng của những anh hùng - liệt sĩ vĩnh viễn nằm lại nơi nghìn trùng đất Việt thân yêu. 

Mãi mãi Điện Biên Phủ oanh liệt, chói ngời, như giọt lệ tri ân ấm nóng đến muôn sau.../.

Chủ đề: Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ
6 May 2024
Tản văn
Những ngày hè cháy khát (11/07/2024 20:35:42)
Nguồn cội… (29/04/2024 10:22:58)
Vết sẹo (17/04/2024 17:02:17)