14/07/2025 | 20:13 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

An Giang chăm lo khuyến học, khuyến tài

MINH QUÂN
An Giang chăm lo khuyến học, khuyến tài Hội Khuyến học tỉnh An Giang ký kết Chương trình phối hợp khuyến học, khuyến tài với Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh_Ảnh: Minh Quân
Những năm qua, tỉnh An Giang ngày càng xuất hiện nhiều cá nhân, tập thể quan tâm chăm lo cho phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập với nhiều hoạt động, mô hình thiết thực. Đến nay, phong trào này đã đạt được những kết quả tích cực, tạo động lực to lớn để các em học sinh, nhất là học sinh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới nỗ lực học tập, xây dựng tương lai.

72 tuổi vẫn “còn nợ” ngành giáo dục

Đến xã An Hảo, thị xã Tịnh Biên hỏi về công tác khuyến học, khuyến tài, một trong những người đầu tiên mà người dân nơi đây nhắc đến là ông Lý Văn Bé - Chủ tịch Hội Khuyến học xã. 

Ông Bé cho biết, năm 1979, ông đến vùng đất dưới chân núi Cấm này để dạy học. Cuộc sống lúc đó còn nhiều khó khăn nên sau một thời gian dạy học, ông phải tạm xa bục giảng đi làm ăn xa. 

Năm 2007, khi cuộc sống tạm ổn, ông trở về An Hảo và tham gia công tác khuyến học, khuyến tài từ những ngày đầu được địa phương phát động đến nay. Ông Bé bộc bạch: “chắc do tôi “còn nợ” ngành giáo dục nên nay đã 72 tuổi đời vẫn gắn bó với sự nghiệp trồng người”.

Trong những lần gặp gỡ với ông Bé, ấn tượng mà ông để lại với nhiều người là mái tóc hoa râm, nụ cười hiền từ và luôn mang theo bên mình một quyển sổ nhỏ để ghi chép công việc. 

Trong quyển sổ đó, nội dung chủ yếu là quá trình vận động tiền, quà mà ông và các thành viên Hội Khuyến học xã thực hiện từ năm 2018 đến nay để giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có nhiều học sinh là người dân tộc Khmer. 

“Tôi già rồi nên công nghệ kém lắm! Vì thế, phải chịu khó ghi chép thủ công, miễn sao hỗ trợ tốt cho các cháu học sinh”, ông Bé tâm sự. Trong xã có Trường Tiểu học “C” An Hảo rất đông học sinh là người Khmer. Do cuộc sống gia đình của nhiều cháu trong số này còn khó khăn, Hội Khuyến học xã thường ưu tiên các nguồn vận động để hỗ trợ các cháu trong chương trình “Tiếp bước đến trường” trên cơ sở đề xuất của nhà trường.

Nói về lý do Hội Khuyến học xã thực hiện tốt công tác vận động nguồn kinh phí tài trợ, ông Bé phấn khởi cho biết, nhờ xã có nhiều nhà hảo tâm, như: Chùa Bửu Sơn, Ban Quản tự chùa Phật Lớn, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo xã An Hảo,... luôn sẵn lòng tiếp sức cho hoạt động khuyến học, khuyến tài tại địa phương. 

Tính từ năm 2018 đến năm 2023, Hội Khuyến học xã đã vận động tiền, quà trị giá hơn 1,8 tỷ đồng cho hoạt động khuyến học, khuyến tài.

Chuyển biến nhận thức

Thực hiện Kết luận số 49-KL/TW, ngày 10-5-2019, của Ban Bí thư “Về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập” và Chỉ thị số 31-CT/TU, ngày 30-7-2019, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang, “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập”, 5 năm qua, Thị ủy, Ủy ban nhân dân thị xã Tịnh Biên đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài và nhận được sự đồng thuận, tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân.

Ông Lâm Văn Bá - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Tịnh Biên - cho biết: Phòng Giáo dục và Đào tạo, Hội Khuyến học, các cơ sở giáo dục trên địa bàn đã phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh thị xã, các chùa Khmer thường xuyên tuyên truyền trong đồng bào Khmer về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giáo dục và đào tạo; tôn chỉ, mục đích của Hội Khuyến học về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập ở địa phương. 

Qua đó, làm chuyển biến sâu sắc nhận thức của người dân trong việc chăm lo cho con, cháu học tập để xây dựng tương lai. Đến nay, thị xã có 14 hội khuyến học cấp xã, phường, 70 ban khuyến học, 156 chi hội khuyến học với 22.667 hội viên (trong đó, 69 điểm trường đều có chi hội khuyến học), 14.932 gia đình đạt danh hiệu “Gia đình học tập”, 14 “Dòng học học tập”, 25 “Cộng đồng học tập” và 45 “Đơn vị học tập”. 

Đây là kết quả từ nỗ lực nhiều năm liền của các cấp, các ngành, của nhiều cá nhân, tập thể trong việc chăm lo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho quê hương, đất nước.

Đề cập đến sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với đời sống người Khmer, nhất là hoạt động khuyến học, khuyến tài, Hòa thượng Chau Cắt - sãi cả chùa Mỹ Á, phường Núi Voi, thị xã Tịnh Biên - nói: “đời sống bà con trong phum, sóc ngày càng khởi sắc, nhà cửa khang trang hơn trước. Thanh niên Khmer bây giờ có nhiều điều kiện đi học, đi làm nên tương lai tốt đẹp hơn. Sư mong chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm chăm lo để các cháu có điều kiện học hành đến nơi, đến chốn”. 

Để tăng cường công tác khuyến học, khuyến tài trong thời gian tới, Bí thư Thị ủy Tịnh Biên Nguyễn Hồng Đức cho biết: “trên cơ sở chủ trương của Trung ương, của tỉnh, các cấp ủy, chính quyền từ thị xã tới cơ sở sẽ xây dựng các chương trình, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập phù hợp với định hướng phát triển địa phương trong giai đoạn 2021 - 2030. Chúng tôi quyết tâm không để bất cứ học sinh nào của thị xã phải bỏ học vì nghèo”.

Nâng cao chất lượng khuyến học, khuyến tài

Không chỉ ở thị xã Tịnh Biên, những năm gần đây, phong trào khuyến học, khuyến tài ngày càng phát triển mạnh mẽ ở tỉnh An Giang. Toàn tỉnh hiện có 2.567 chi hội khuyến học, 800 ban khuyến học, 156 hội khuyến học cơ sở với 445.169 hội viên, đạt tỷ lệ 23,36% dân số toàn tỉnh. 

Trong 6 tháng đầu năm 2024, các cấp Hội Khuyến học trong toàn tỉnh đã vận động Quỹ Khuyến học được hơn 23,52 tỷ đồng, thực hiện chi gần 17 tỷ đồng để hỗ trợ 46.290 học sinh, sinh viên, giáo viên. Đặc biệt, Hội Khuyến học tỉnh đã tăng cường phối hợp với các cấp, các ngành quan tâm, hỗ trợ các địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực biên giới, miền núi chăm lo cho công tác khuyến học, khuyến tài.

Theo Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh An Giang Nguyễn Tấn Danh, thời gian qua, Hội đã tích cực phối hợp với các cơ quan truyền thông, các cấp, các ngành thường xuyên tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giáo dục - đào tạo; về công tác khuyến học, khuyến tài; về gương sáng hiếu học, các gia đình, dòng họ, đơn vị học tập tiêu biểu. 

Qua đó, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về xã hội học tập và học tập suốt đời, khơi dậy ý thức, trách nhiệm tự học của mỗi công dân. Năm 2024, Hội Khuyến học tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp với các đơn vị lực lượng vũ trang, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, các tổ chức chính trị - xã hội trên toàn tỉnh để đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2024 - 2030. Trong đó, Hội chú trọng đến học sinh, sinh viên, giáo viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng núi, vùng biên giới.

“Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng các mô hình học tập, hình thức học tập đa dạng, phù hợp như cá nhân tự học, học từ xa song song với việc phát huy mô hình gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập ngay tại các tổ khóm, ấp. Qua đó, tiếp tục nâng cao chất lượng công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên toàn tỉnh”, ông khẳng định./.

11 July 2024