20/09/2024 | 18:51 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Nói và làm

Người xây dựng
(Tạp chí Cộng sản, số 4-1977)
Nói và làm

Tục ngữ ta có câu: “Ăn rồng cuốn, nói rồng leo, làm mèo mửa” để ám chỉ và phê phán những người hay ăn giỏi, nói hay, nhưng làm thì... rất dở. Giờ đây, trong chúng ta, có những người không gương mẫu trong hành động thực tế, lời nói không đi đôi với việc làm.

Ai cũng biết, lời nói là phương tiện thông tin, là công cụ giao tế trực tiếp rất cần thiết trong đời sống hằng ngày của con người. Không có lời nói thì không có xã hội loài người. Chính trình độ phát triển của lời nói phản ánh trình độ văn minh của xã hội. Lời nói hay, lời nói đúng soi sáng và hướng dẫn hành động thực tế của con người, góp phần nâng cao tư tưởng, tình cảm, trí tuệ, đạo đức của con người, vạch phương hướng và tương lai cho con người vươn tới, là tiếng kèn giục giã con người dũng cảm tiến lên. 

Đối với người cách mạng, lời nói còn là vũ khí chiến đấu rất sắc bén, là một lực lượng vật chất rất lợi hại. Một lời nói khôn ngoan có khi đánh lui được cả hàng chục nghìn quân giặc. Một lời kêu gọi thống thiết có thể làm bùng lên khí thế ngút trời của quần chúng nhân dân. Nhưng dù sao, lời nói chỉ có tác dụng mạnh mẽ một khi nó được quán triệt bằng hành động thực tế, bằng việc làm cụ thể của con người, lý luận chỉ trở thành lực lượng vật chất khi nó được thâm nhập vào quần chúng. Chính vì thế mà cuộc sống nghiêm khắc đòi hỏi, bên cạnh lời nói, con người còn cần phải làm việc nữa. Chỉ có làm việc, làm việc thật sự, làm việc hết sức cần mẫn, siêng năng và không ngừng sáng tạo, người ta mới có thể sản xuất ra được lúa gạo, ngô, khoai, vải vóc, của cải vật chất để nuôi sống con người.

Có làm thì mới có ăn

Không dưng ai dễ mang phần đến cho.

Chỉ có làm việc, con người mới tồn tại và mới thúc đẩy xã hội ngày càng tiến tới. Và cũng chính thông qua làm việc, thông qua lao động mà lời nói của con người dần dần được bổ sung và giàu có thêm lên.

*

Sự nghiệp cách mạng của chúng ta là một sự nghiệp rất vĩ đại, mới mẻ và có nhiều khó khăn. Nó đòi hỏi Đảng ta chẳng những phải đề ra được đường lối, chủ trương đúng mà còn phải có khả năng tổ chức thực tiễn giỏi. Chỉ có tổ chức thực tiễn giỏi, Đảng ta mới có thể biến những chủ trương đường lối của mình thành hiện thực được. Tổ chức, tổ chức và tổ chức rất giỏi, đó là cái bảo đảm cho chúng ta thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối của Đảng ta. Vì như Mác đã khẳng định: “Mỗi bước tiến của cuộc vận động thực sự còn quan trọng hơn là cả một tá cương lĩnh”[1]

Muốn tổ chức thực tiễn giỏi thì mọi cán bộ, đảng viên của Đảng chẳng những phải là người lãnh đạo quần chúng, có khả năng tuyên truyền, vận động quần chúng bằng lời nói rất giỏi mà còn phải là người lính xung kích, người chiến sĩ rất gương mẫu, tiên phong trong hành động thực tế. Nếu chỉ nói mà không làm, lời nói không đi đôi với việc làm, thì không thể nào động viên, tổ chức được quần chúng thực hiện thắng lợi mọi chủ trương, đường lối của Đảng. Lời nói ấy sẽ là lời nói “rồng leo”, lời nói suông, trống rỗng. 

Vả chăng, ngay trong công tác tuyên truyền, người cán bộ, đảng viên muốn tuyên truyền tốt thì chính mình phải làm gương mẫu trước quần chúng. Tuyên truyền, giáo dục quần chúng không phải chỉ bằng những lý thuyết chung chung, những khẩu hiệu trừu tượng, những lời nói khô khan, không có linh hồn, mà cái chính là phải bằng hành động thực tế, bằng khả năng hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ thực tế, bằng sự gương mẫu đến mực thước của chính bản thân những người cán bộ, đảng viên. Chỉ có bằng những việc làm thực tế, những hành động gương mẫu của chính mình, người ta mới có thể làm cho lời nói của mình có nội dung sắc bén, có sức thuyết phục mạnh.

Hồ Chủ tịch kính yêu của chúng ta là một tấm gương vô cùng trong sáng về đạo đức, tác phong cũng như toàn bộ phẩm chất của một chiến sĩ cách mạng. Người luôn luôn có tác phong lời nói đi đôi với việc làm. Tất cả những câu nói của Người, ngoài sức thuyết phục của tính khoa học, tính cách mạng, tính luân lý còn có sức thuyết phục vô cùng mạnh mẽ của chính bản thân những việc làm gương mẫu của Người. 

Chính vì thế mà Người nói lời nào cũng là chân lý, dạy điều gì cũng được hàng triệu người tuân theo, hàng triệu người kính nể. Lời nói của Người có một linh hồn, có sức sống hết sức mãnh liệt. Còn gì xúc động và đáng vâng lời hơn khi một vị Chủ tịch nước kêu gọi quốc dân đồng bào hãy ra sức tiết kiệm để cứu giúp những người tạm thời bị đói thì chính mình đã gương mẫu trước tiên, cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa để lấy gạo cứu dân! Còn gì cao cả và đáng khâm phục hơn đối với một vị lãnh tụ vĩ đại, đã cống hiến trọn vẹn cả cuộc đời mình cho dân, cho Đảng, đã chịu bao nhiêu cực khổ, gian lao, đến khi làm Chủ tịch nước, sống giữa Thủ đô, Người vẫn giữ một cuộc sống hoàn toàn thanh đạm, khiêm tốn, giản dị, chan hòa gần gũi với nhân dân! Người thường nói: “Người ta ai cũng muốn ăn ngon mặc đẹp, nhưng muốn phải cho đúng thời, đúng hoàn cảnh. Trong lúc nhân dân ta còn thiếu thốn mà một người nào đó muốn riêng hưởng ăn ngon, mặc đẹp, như vậy là không có đạo đức”[2].

Được sự giáo dục của Đảng và của Hồ Chủ tịch, đại đa số cán bộ, đảng viên ta luôn luôn cố gắng rèn luyện, giữ đúng phẩm chất cao quý của người đảng viên, có được tác phong miệng nói, tay làm, gương mẫu trong công tác thực tế. Chính nhờ thế mà Đảng ta có đủ khả năng và sức mạnh lãnh đạo và tổ chức nhân dân ta vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, giành thắng lợi này đến thắng lợi khác. Tuy vậy, trong Đảng ta, không phải không có những đồng chí do còn có tư tưởng ngại khó, ngại khổ, thích an nhàn, mà chưa có được tác phong lời nói đi đôi với việc làm, hoặc có khi nói một đường làm một nẻo, không giữ được vai trò tiên phong gương mẫu của người đảng viên. Chẳng hạn có một số đồng chí khi thảo luận công tác trong hội nghị thì tỏ ra rất quyết tâm, nhưng khi bắt tay vào thực hiện thì lại không như vậy. 

Một số đồng chí, khi nói về đường lối, chính sách của Đảng thì nói đúng, nói hay, nhưng trong việc chấp hành thì lại tự do, tùy tiện, làm được đến đâu hay đến đó, có khi viện lý do này lý do nọ để thoái thác, hoặc tự ý bỏ qua. Có đồng chí nói rất hay về giữ gìn và bảo vệ của công, chống tham ô lãng phí, nhưng trong việc làm thì lại lãng phí tiền bạc, của cải của Nhà nước, thậm chí có khi còn tham ô, bớt xén của công. 

Có đồng chí, trong nhận thức thì đã thấy được vai trò to lớn của quần chúng nhân dân, nói mọi người phải kính trọng nhân dân, tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân, nhưng trong hành động thì lại có thái độ quan liêu, cửa quyền, hống hách với dân. Cũng có đồng chí, trên lời nói thì tỏ ra rất đề cao tính tổ chức, tính kỷ luật, nhưng trong cuộc sống thực tế thì lại không nghiêm khắc với bản thân, không tôn trọng tập thể, không tôn trọng kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, và có khi còn đặt mình trên tổ chức, ngoài kỷ luật. 

Hoặc có đồng chí, khi nói về phê bình, tự phê bình rất hay, nào phê bình, tự phê bình là vũ khí sắc bén của Đảng, là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng... nhưng bản thân những đồng chí đó lại chỉ thích những lời khen, không thích người khác phê bình mình, không thích người khác nói tới những sai lầm, khuyết điểm của mình, hoặc cũng có khi nhận khuyết điểm, sai lầm nhưng không chịu sửa chữa, v.v... và v.v...

Chúng ta biết rằng, Đảng ta là Đảng lãnh đạo cách mạng, là đội tiên phong của giai cấp công nhân, Đảng mang trong mình những đức tính tốt đẹp của giai cấp công nhân. Tiên phong, gương mẫu trong hành động thực tế là một vấn đề thuộc về bản chất của Đảng, là lý do tồn tại của Đảng. Mọi đảng viên vào Đảng là để hy sinh, chiến đấu cho lý tưởng của Đảng, mang lại ấm no hạnh phúc cho nhân dân. Nếu không lao vào chiến đấu trong công tác thực tế, không gương mẫu trong việc làm thực tế thì làm sao người đảng viên có thể vận động, thuyết phục quần chúng thực hiện thắng lợi lý tưởng của Đảng? Làm sao giữ trọn được danh hiệu cao quý của người đảng viên? 

Vì vậy, nói và làm theo đúng đường lối, chính sách của Đảng, gương mẫu trong hành động thực tế, hoàn thành xuất sắc những công tác thực tế, đó là yêu cầu nghiêm ngặt đối với người đảng viên, là tư cách, đạo đức của người đảng viên, là thước đo lòng trung thành của người đảng viên đối với Đảng, với sự nghiệp cách mạng. Không thể quan niệm một cán bộ, đảng viên tốt lại chỉ nói mà không làm, hoặc nói một đường làm một nẻo. Loại đảng viên này thì có cũng như không. Đó là loại đảng viên “hữu danh vô thực”. Lê-nin nói: “Những đảng viên hữu danh vô thực thì cho không chúng ta cũng không cần... Chúng ta cần có những đảng viên mới không phải để quảng cáo mà là để làm việc thật sự”[3]. Người đã phê phán rất nghiêm khắc những cán bộ, đảng viên nói nhiều mà làm ít, không gương mẫu trong việc làm thực tế, lời nói không đi đôi với việc làm. Người gọi những đảng viên không có khả năng công tác thực tế, không thành thạo nghiệp vụ của mình là “những người thợ thủ công đáng thương hại”, là những đảng viên “có hại”. 

Và Người sẵn sàng đổi hàng tá những đảng viên như thế để lấy một chuyên gia tư sản thành thạo và nghiêm túc với công việc của mình. Theo Lê-nin, một chuyên gia thành thạo công việc, dù là chuyên gia tư sản đi nữa, còn “10 lần quý hơn đảng viên cộng sản huênh hoang”, không chịu bắt tay vào những công việc thực tế. Người luôn nhắc nhở: “Hãy bớt những lời hoa mỹ đi, và hãy làm thêm công việc giản dị, thường ngày đi, hãy quan tâm thêm chút nữa đến pút lúa mì và pút than!”[4].

Chúng ta đang bắt tay vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước. Đó là một cuộc cách mạng rất sâu sắc và rất vĩ đại nhằm biến nước ta từ một nước nông nghiệp lạc hậu thành một tổ quốc xã hội chủ nghĩa hùng cường, có công nông nghiệp hiện đại, quốc phòng vững mạnh, văn hóa và khoa học tiên phong. Một chân trời mới chứa chan bao hy vọng đang mở ra trước mắt chúng ta. Nhưng muốn có được cơ đồ vẻ vang đó, không có cách nào khác, là chúng ta phải dũng cảm lao vào công tác thực tiễn, làm việc thật sự, làm việc với một nghị lực phi thường, một nhiệt tình cháy bỏng, một quyết tâm lấp biển dời non, lay trời chuyển đất, một tinh thần tiến công quyết liệt, tiến công liên tục vào lạc hậu và nghèo nàn, bất chấp mọi khó khăn và gian khổ. 

Đại hội toàn quốc lần thứ IV của Đảng đã vạch ra cho nhân dân ta đường lối vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Giờ đây, nhiệm vụ chủ yếu của chúng ta tổ chức thắng lợi đường lối đó, nhất là đường lối xây dựng và phát triển kinh tế, một nhiệm vụ hết sức khó khăn và phức tạp, “một cuộc tiến quân một triệu lần gay go hơn cuộc tiến quân gay go nhất”. Chỉ có hăng hái và dũng cảm lao vào công tác thực tế với tinh thần “tất cả cho sản xuất, tất cả cho chủ nghĩa xã hội, tất cả vì Tổ quốc giàu mạnh, vì hạnh phúc của nhân dân” thì chúng ta mới có thể thực hiện được mục đích, lý tưởng của Đảng ta.

Đương nhiên, phấn đấu để làm việc một cách có kết quả, hoàn thành cho được những nhiệm vụ cụ thể của người đảng viên, là một việc làm hoàn toàn không đơn giản. Trái lại, nó rất khó khăn, đòi hỏi người đảng viên chẳng những phải luôn luôn cháy sáng một ngọn lửa nhiệt tình cách mạng, trung thành vô hạn với lý tưởng của Đảng, một lòng một dạ vì hạnh phúc của nhân dân, có nghị lực, có quyết tâm, có lòng say mê, dũng cảm, không sợ gian khổ, khó khăn, nhẫn nại kiên trì, luôn luôn sâu sát, cụ thể, và có phương pháp công tác đúng, mà còn phải luôn luôn cố gắng học tập và rèn luyện để trang bị cho mình những kiến thức cần thiết về mọi mặt; đồng thời lại phải biết dựa vào quần chúng, lắng nghe ý kiến của quần chúng, học hỏi kinh nghiệm của quần chúng, phát huy đầy đủ quyền làm chủ tập thể của quần chúng./.


[1] C. Mác - F. Ăng-ghen: Tuyển tập, Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội, 1971, tập II, trang 11.

[2] Hồ Chủ tịch với các lực lượng vũ trang nhân dân, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1962, trang 195.

[3] V.I. Lê-nin: Toàn tập, Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội, 1968, tập 30, trang 69 - 70.

[4] V.I. Lê-nin: Tuyển tập, Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội, 1959, quyển II, phần II, trang 214.