20/09/2024 | 16:26 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Một số vấn đề rút ra từ thực tiễn công tác cán bộ trong những năm đổi mới

NGUYỄN PHÚ TRỌNG
(Tạp chí Cộng sản, số 17-1996)
Một số vấn đề rút ra từ thực tiễn công tác cán bộ trong những năm đổi mới Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với nhân dân thôn Thượng Điện, xã Vinh Quang, huyện Vĩnh Bảo trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc thành phố Hải Phòng, ngày15-11-2017_Ảnh: TTXVN

Mười năm qua, bám sát và phục vụ nhiệm vụ chính trị theo đường lối đổi mới, công tác cán bộ của Đảng ta cũng có những đổi mới đáng kể. Cùng với việc sắp xếp lại tổ chức cho gọn nhẹ, giảm bớt đầu mối trung gian, chúng ta đã thay đổi, bố trí hàng loạt cán bộ để đáp ứng yêu cầu của cơ chế quản lý mới trong điều kiện kinh tế thị trường. Bên cạnh những cán bộ lâu năm, vững vàng về chính trị, đã chú ý đào tạo và sử dụng những cán bộ có tư duy đổi mới, năng động, tháo vát, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, có kiến thức khoa học, kinh tế, luật pháp, có đầu óc kinh doanh...

Việc đánh giá và sử dụng cán bộ không chỉ nặng về lý lịch, thành phần, bằng cấp, quá trình..., như trước, mà đã chú ý nhiều hơn đến tiêu chuẩn, lấy hiệu quả thực tế công việc làm một căn cứ chủ yếu. Một số quy chế, quy trình đã được ban hành và thực hiện theo hướng dân chủ hơn. Trong việc bố trí cán bộ, đã chú ý kết hợp giữa các độ tuổi, các loại, các lớp cán bộ, không trẻ hóa hình thức.

Nói chung trong những năm đổi mới, chúng ta đã lựa chọn, đào tạo và bố trí đúng cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở các cấp, các ngành, các cơ quan đảng, nhà nước và đoàn thể, bảo đảm được yêu cầu của nhiệm vụ chính trị. Những thành tựu đạt được trong công cuộc đổi mới chứng tỏ chúng ta có một đội ngũ cán bộ có bản lĩnh, trưởng thành nhanh, vững vàng trước những diễn biến phức tạp của tình hình, bước đầu đáp ứng được những đòi hỏi của giai đoạn cách mạng mới.

Kiến thức, trình độ và năng lực công tác của cán bộ ở các cấp đều có tiến bộ rõ rệt. Ban chấp hành trung ương Đảng khóa VIII có 84,7% có trình độ đại học và trên đại học (khóa VI chỉ có 43,3%; khóa VII: 65%). Số cán bộ lãnh đạo và quản lý cao cấp công tác ở cơ quan trung ương có trình độ đại học và trên đại học là 75,2% (trong đó 26,7% là phó tiến sĩ và tiến sĩ); ở cấp tỉnh và thành phố, số có trình độ tương tự như thế là 55,9%; ở cấp huyện, số cán bộ có trình độ trung học và đại học chiếm 46,7%; còn ở xã, phường là 12,9%. Tuy 95% số cán bộ được đào tạo là ở Liên Xô và Đông Âu trước đây, hoạt động lâu trong hoàn cảnh chiến tranh và cơ chế bao cấp, hầu như chưa được thử thách qua cơ chế thị trường, nhưng đi vào cơ chế mới đã thích ứng nhanh, thông minh, năng động.

Vấn đề có ý nghĩa quan trọng là đội ngũ cán bộ của ta, nhất là cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược, đoàn kết nhất trí, không có tình trạng chia rẽ, bè phái. Đây là một truyền thống vô cùng quý báu của Đảng, và là một trong những nhân tố bảo đảm giữ vững ổn định chính trị, giữ vững sự đoàn kết thống nhất trong toàn Đảng, toàn dân. Trong điều kiện đời sống rất khó khăn và có nhiều tác động tiêu cực của xã hội, số đông vẫn giữ được lối sống lành mạnh, quan tâm, chăm lo đến sự nghiệp chung.

Bên cạnh những ưu điểm và sự trưởng thành nêu trên, đội ngũ cán bộ và công tác của ta cũng còn không ít nhược điểm, khuyết điểm. Nổi bật nhất là:

- Tình trạng sa sút về phẩm chất chính trị và đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ. Bên cạnh những biểu hiện dao động, mất niềm tin vào chủ nghĩa xã hội và sự lãnh đạo của Đảng, có những hiện tượng chạy theo lối sống cơ hội thực dụng, làm giàu bất chính, lợi dụng chức quyền và những sơ hở trong cơ chế chính sách để ăn cắp của công, thu vén cá nhân, ăn chơi sa đọa. Một số vụ tham nhũng, buôn lậu phát triển thành những “đường dây” có tổ chức. Sự phân hóa giàu nghèo diễn ra ngay trong đội ngũ cán bộ; số giàu không bình thường đang tăng lên. Đã có không ít cán bộ, trong đó có một số vừa làm việc cho cơ quan nhà nước, vừa tự động xin vào làm việc cho các cơ quan đại diện và công ty liên doanh với nước ngoài, hoặc xin thôi việc nhà nước để làm trong các cơ sở kinh tế của người nước ngoài và các công ty tư nhân. Có những người giàu lên rất nhanh, đang bị dư luận nghi vấn, hoặc lên án. Một số bộc lộ rất lộ liễu tham vọng cá nhân, kèn cựa địa vị, cục bộ địa phương, gia trưởng, độc đoán, ý thức tổ chức kỷ luật kém, phát ngôn tùy tiện, bất chấp các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng. Cá biệt có những người do bất mãn mà đi đến phản bội lại lý tưởng của Đảng và lợi ích của nhân dân.

- Kiến thức và năng lực quản lý còn yếu, nhất là kiến thức về quản lý kinh tế, quản lý nhà nước. Trong các cấp ủy tỉnh, số được học về quản lý nhà nước mới có 12,8%; ở cấp huyện: 10,3%; cấp xã, phường: 6,4%. Còn về quản lý kinh tế thì cấp tỉnh là 33,8%; cấp huyện: 16,2%; cấp xã, phường: 7,7%. Nhìn chung đội ngũ cán bộ chủ chốt vùng sâu, vùng xa, trình độ học vấn còn thấp.

- Đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt vừa hẫng hụt, vừa thiếu đồng bộ, nhất là ở cấp trung ương và cấp tỉnh, thành phố. Đội ngũ cán bộ khoa học phân bổ không đều. Chuyển sang kinh tế thị trường và mở cửa nhưng thiếu cán bộ có kiến thức quản lý kinh doanh giỏi, cán bộ thông thạo về kinh tế đối ngoại, cán bộ có kiến thức luật pháp, thiếu các chuyên gia đầu ngành, nhất là về khoa học, lý luận... Đội ngũ cán bộ hưu trí ngày càng đông nhưng cũng chưa có chính sách phát huy tốt. Cán bộ cơ sở chưa được quan tâm đào tạo bồi dưỡng đúng mức.

Về công tác cán bộ: Tồn tại lớn hiện nay là vẫn chưa có được một chiến lược cơ bản và lâu dài xây dựng đội ngũ cán bộ phục vụ cho nhiệm vụ cách mạng thời kỳ mới. Chưa quan tâm đúng mức đến việc đào tạo và sử dụng cán bộ xuất thân từ công nông. Nhiều việc hầu như vẫn làm theo nếp cũ, kể cả quan điểm, chính sách, phương thức, quy trình. Thiếu dự báo để chuẩn bị đội ngũ cán bộ đón đầu cho thời kỳ mới, thường sa vào những công việc cụ thể mang tính đối phó, chắp vá. Tình trạng hẫng hụt cán bộ là do thiếu chuẩn bị và cũng có phần do quan điểm và phương pháp đánh giá lựa chọn chưa phù hợp.

Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tuy có nhiều cố gắng, nhưng hiệu quả còn thấp; chất lượng chưa cao; đào tạo chưa gắn với quy hoạch sử dụng, chưa chú ý đào tạo theo tiêu chuẩn chức danh; chưa chăm lo tạo nguồn ngay từ các trường đại học ở nhiều học sinh giỏi không được đào tạo, bồi dưỡng tiếp để trở thành nhân tài phục vụ đất nước.

Sự lãnh đạo của cấp ủy đối với công tác cán bộ chưa chặt chẽ, có nơi gần như khoán trắng cho cơ quan tổ chức. Sự phối hợp và kết hợp giữa các cơ quan làm công tác tổ chức cán bộ (kể cả việc đào tạo và bố trí sử dụng) chưa chặt chẽ. Chưa phát hiện, sử dụng tốt cán bộ thật sự có phẩm chất và năng lực. Một số cấp ủy và tổ chức đảng buông lỏng công tác giáo dục, rèn luyện, quản lý cán bộ; có phần nhấn mạnh một chiều vấn đề lợi ích, xem nhẹ việc giáo dục lý tưởng, đạo đức.

Thiếu cụ thể hóa tiêu chuẩn cán bộ cho từng chức danh, dẫn đến việc xem xét, đánh giá cán bộ không cụ thể, thiếu chuẩn xác và công bằng; không ít trường hợp người làm việc hiệu quả thấp lại được đề bạt, người làm việc có hiệu quả cao lại bị bỏ sót. Trong việc bố trí và sử dụng cán bộ thường nặng về cơ cấu, có khi không bảo đảm tiêu chuẩn.

Việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ có những thiếu sót, khuyết điểm. Tình trạng thiếu tập trung, người có thẩm quyền nể nang, né tránh, cơ quan có thẩm quyền chờ đợi sự thương lượng, thỏa thuận, dẫn đến chần chừ trong quyết định. Mặt khác, lại có tình trạng thiếu dân chủ hoặc dân chủ hình thức. Khâu đánh giá, nhận xét, đề bạt cán bộ nhiều khi hình thức là tập thể nhưng thực chất là dựa vào ý kiến của một vài cá nhân. Việc quản lý cán bộ vừa phân tán, chồng chéo, vừa thiếu tập trung thống nhất. Một số vấn đề về trách nhiệm quản lý cán bộ giữa tổ chức đảng và chính quyền, giữa tập thể và cá nhân... còn chưa rõ.

Chính sách cán bộ thiếu nhất quán, chưa khuyến khích người tài, người làm việc có hiệu quả, người công tác ở cơ sở, ở vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Chưa tạo được động lực để tập hợp, thu hút nhân tài, động viên và thúc đẩy cán bộ phấn đấu vươn lên phát huy hết tài năng phục vụ đất nước. Nhiều chế độ, chính sách đã cũ nhưng không được sửa đổi kịp thời. Chính sách lương mới tuy có tiến bộ nhưng cũng đẻ ra nhiều vấn đề phức tạp khác. Hiện nay có tình trạng chênh lệch quá xa về thu nhập giữa cán bộ các ngành, các vùng, giữa cán bộ chính trị với cán bộ quản lý kinh tế, giữa cán bộ đương chức và cán bộ nghỉ hưu. Nạn “chảy chất xám” là nguy cơ đáng báo động.

Từ thực tiễn đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ trong thời gian qua, đồng thời căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ sắp tới, có thể rút ra một số vấn đề nhằm chỉ đạo thực hiện tốt hơn nữa công tác cán bộ:

1 - Quán triệt quan điểm giai cấp công nhân trong công tác cán bộ, có chính sách đoàn kết, tập hợp rộng rãi các loại cán bộ, trọng dụng mọi nhân tài của đất nước.

Quán triệt quan điểm giai cấp trong công tác cán bộ là vấn đề có tính nguyên tắc. Bất cứ giai cấp nào, chế độ xã hội nào cũng có đường lối cán bộ riêng của mình. Đảng và Nhà nước phải đào tạo, lựa chọn và sử dụng những người thật sự trung thành với lý tưởng của giai cấp công nhân, với lợi ích của dân tộc, với chủ nghĩa xã hội, có ý thức tổ chức kỷ luật, gắn bó với người lao động. 

Không để những phần tử cơ hội, phản động lọt vào hàng ngũ lãnh đạo để phá hoại sự nghiệp cách mạng. Những người được bố trí vào cương vị lãnh đạo của đảng và nhà nước trước hết phải là những người đã được đào tạo và thử thách trong thực tiễn đấu tranh cách mạng, những người hết lòng phấn đấu vì lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động.

Đương nhiên, chúng ta không hiểu quan điểm giai cấp một cách đơn giản, thô thiển, cứng nhắc, dẫn đến biệt phái, hẹp hòi, thành phần chủ nghĩa. Quan điểm giai cấp sâu sắc được vận dụng nhuần nhuyễn là phải làm sao đoàn kết, tập hợp rộng rãi các loại cán bộ, trọng dụng mọi nhân tài của đất nước, không kể người đó trong đảng hay ngoài đảng, thuộc dân tộc, tôn giáo nào, ở trong nước hay người Việt Nam ở nước ngoài. 

Cũng không nên định kiến với những người quá khứ có sai lầm nay đã hối cải và sửa chữa. Bất cứ ai có phẩm chất, có sáng kiến, có tài năng đều được trọng dụng, miễn sao họ toàn tâm, toàn ý phụng sự đất nước, phụng sự nhân dân. Hồ Chủ tịch là một mẫu mực tuyệt vời về thực hiện chính sách này. Người dày công bồi dưỡng, vun trồng những cán bộ có tâm, có tài, có triển vọng ở mọi tầng lớp xã hội, mọi tôn giáo, dân tộc, tin tưởng và mạnh dạn giao việc cho những người thật sự có đức, có tài, thu hút, cảm hóa, tập hợp được những trí thức giỏi nhất của đất nước trên tất cả các lĩnh vực.

2 - Đổi mới quan điểm và phương pháp đánh giá cán bộ.

Đánh giá cán bộ là vấn đề hết sức hệ trọng và rất tế nhị, nhạy cảm, phức tạp. Nó chẳng những là khâu mở đầu quyết định để bố trí, sử dụng cán bộ đúng hay sai, mà còn là một nhân tố dễ gây ra những tâm tư, thắc mắc, ân oán, mất đoàn kết nội bộ. Muốn đánh giá cán bộ đúng, phải có quan điểm và phương pháp thật sự khoa học, khách quan, công tâm, theo một quy trình dân chủ. Việc đánh giá cán bộ phải dựa trên các căn cứ:

- Nắm vững và dựa vào tiêu chuẩn cán bộ: Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, tiêu chuẩn chung đối với người cán bộ lãnh đạo và quản lý nước ta là:

+ Có lập trường chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; quyết tâm thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới.

+ Có đạo đức cách mạng cần kiệm liêm chính, chí công vô tư; trung thực; kiên quyết đấu tranh bảo vệ các quan điểm, đường lối của Đảng.

+ Có kiến thức và năng lực tham gia các quyết định của tập thể và khả năng tổ chức thực tiễn, làm việc có hiệu quả.

+ Có ý thức tổ chức kỷ luật, giữ gìn đoàn kết thống nhất.

+ Gắn bó với quần chúng, được quần chúng tín nhiệm.

Các mặt đó có quan hệ chặt chẽ với nhau, cả đức và tài không thể xem nhẹ mặt nào. Trong tình hình hiện nay cần đặc biệt quan tâm vấn đề phẩm chất chính trị và đạo đức cách mạng. “Đức là cái gốc của người cách mạng” (Bác Hồ). Người có phẩm chất chính trị là người vững vàng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên định chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Người có đạo đức cách mạng là người sống trung thực, không tham vọng cá nhân, kèn cựa địa vị; không cơ hội, tham nhũng; có lối sống giản dị, trong sáng, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng và các biểu hiện tiêu cực khác.

- Thực sự lấy hiệu quả công tác và sự đóng góp thực tế làm thước đo phẩm chất và năng lực cán bộ.

- Đặt cán bộ trong môi trường và điều kiện cụ thể, trong mối quan hệ biện chứng với đường lối, chính sách, tổ chức và cơ chế quản lý để xem xét toàn diện các mặt khách quan, chủ quan, trong cả quá trình phát triển của cán bộ.

- Bảo đảm chế độ tập thể, dân chủ trong việc đánh giá cán bộ. Những nhận xét, kết luận về cán bộ nhất thiết phải do tập thể có thẩm quyền quyết định. Cấp quản lý cán bộ phải tiếp cận với cán bộ, trực tiếp nghe cán bộ tự đánh giá về mình; đồng thời phải có cơ chế lấy ý kiến nhận xét của tổ chức đảng và quần chúng ở cơ sở nơi cán bộ đó công tác và nơi cư trú.

Dân chủ là một khâu then chốt trong việc đổi mới phương pháp đánh giá cán bộ, đổi mới cơ chế quản lý cán bộ, và là điều kiện cần thiết để bảo đảm cho công tác cán bộ đạt hiệu quả tốt. Tình trạng thiếu dân chủ, không kết hợp đúng đắn giữa tập trung và dân chủ, hoặc dân chủ hình thức, làm cho việc đánh giá, sử dụng cán bộ thiếu chính xác, thiếu công bằng. Muốn thực hiện tốt vấn đề này, lại phải cụ thể hóa, thể chế hóa thành các quy chế, quy định cụ thể.

3 - Trong khi chăm lo tính đồng bộ của đội ngũ cán bộ, cần đặc biệt coi trọng và tập trung xây dựng tốt đội ngũ cán bộ chủ chốt, trước hết là những cán bộ lãnh đạo cấp vĩ mô và cấp cơ sở.

- Xây dựng được đội ngũ cốt cán tốt và giỏi thì chính từ họ sẽ nhận ra được nhiều cán bộ khác, sẽ tập hợp được những người có đức, có tài, tạo được niềm tin của quần chúng.

Trong việc xây dựng đội ngũ cốt cán, phải đặc biệt chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ cấp vĩ mô, trước hết là người đứng đầu, thật sự vững vàng, có đủ bản lĩnh để giải quyết những tình huống phức tạp có quan hệ đến sự phát triển của đất nước và sự sống còn của chế độ. Thực tế cho thấy, trong bất cứ hoàn cảnh nào, nhất là vào những thời điểm quyết định có tính chất bước ngoặt, vận nước đặt tất cả vào cán bộ cấp cao nhất.

Đi đôi với việc xây dựng đội ngũ cốt cán cấp vĩ mô, phải hết sức chú trọng xây dựng đội ngũ cốt cán ở cơ sở. Bởi vì đây chẳng những là nơi trực tiếp lãnh đạo và tổ chức quần chúng thực hiện sáng tạo các nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước, mà còn là một nguồn cung cấp cán bộ cho các cấp trên. Phải có kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo, kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở về phẩm chất và năng lực, đồng thời chú ý đúng mức đến chính sách chăm lo đời sống và điều kiện, phương tiện làm việc cho cán bộ cơ sở. Có chính sách đưa cán bộ đã tốt nghiệp ở các trường về công tác ở cơ sở để vừa tăng cường cho cơ sở, vừa tạo điều kiện cho cán bộ trưởng thành, tạo nguồn cán bộ cung cấp cho các cấp trên sau này.

Công tác cán bộ nói chung và việc xây dựng đội ngũ cốt cán nói riêng phải luôn bám sát yêu cầu nhiệm vụ chính trị, xuất phát từ nhiệm vụ chính trị, và phục vụ nhiệm vụ chính trị. Thực hiện đúng phương châm “kế thừa và phát triển”, tích cực bồi dưỡng sử dụng số cán bộ đã có, đồng thời đào tạo mới và đào tạo lại. Công tác cán bộ phải đi trước một bước, phải dự báo chiều hướng phát triển của tình hình, đón trước thời cơ và thách thức để chuẩn bị cán bộ sao cho không bị động, lúng túng.

Một trong những nội dung quan trọng của chiến lược cán bộ là phải tạo được nguồn cán bộ, tức là phải xây dựng được quy hoạch cán bộ và chăm lo đào tạo bồi dưỡng cán bộ, trong đó quan trọng nhất là quy hoạch xây dựng đội ngũ cán bộ cốt cán trong hệ thống chính trị. Quy hoạch là thể hiện chức năng lãnh đạo - chủ động - định hướng của Đảng, gắn với nhiệm vụ chính trị, với chiến lược kinh tế - xã hội. Càng đi vào kinh tế thị trường, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đảng càng phải nắm chắc cán bộ, có kế hoạch bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ. Cần khẳng định dứt khoát phải có quy hoạch cán bộ, đồng thời phải hiểu đúng nội dung và đổi mới phương pháp tiến hành quy hoạch sao cho thiết thực và có hiệu quả.

4 - Chú ý giáo dục, rèn luyện phẩm chất đạo đức và lối sống lành mạnh của cán bộ, giữ gìn đoàn kết nội bộ.

Hơn bao giờ hết, lúc này phải đề cao việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác Hồ, thường xuyên tự phê bình, phê bình, kết hợp với việc tổ chức để quần chúng giám sát, phê bình, góp ý kiến cho cán bộ, đảng viên. Các cấp ủy và tổ chức đảng phải đưa vấn đề này vào sinh hoạt đảng một cách nền nếp, có biện pháp quản lý chặt chẽ các hoạt động, giám sát các nguồn thu nhập của cán bộ để kịp thời phát hiện và uốn nắn những biểu hiện sai trái. Ở đâu có đảng viên, cán bộ vi phạm tiêu chuẩn về đạo đức, lối sống thì cấp ủy và chi bộ ở đó phải chịu trách nhiệm.

Giáo dục, rèn luyện và quản lý tốt đội ngũ cán bộ là biện pháp quan trọng để bảo vệ đảng. Lúc này, bảo vệ cán bộ chính là bảo vệ phẩm chất chính trị, quan điểm, đạo đức, lối sống; giữ cho cán bộ không bị thoái hóa, sa ngã, không tiếp tay hoặc móc nối với các thế lực thù địch. Sớm xây dựng và thực hiện nội quy, quy chế về quản lý cán bộ. Xử lý kịp thời và nghiêm minh những cán bộ thoái hóa biến chất, tham nhũng. Đối với những người có dư luận tham nhũng phải có biện pháp tích cực kiểm tra, điều tra, làm rõ. Trường hợp cần thiết có thể lập hội đồng giám định các nguồn thu nhập bất minh.

Thường xuyên quan tâm xây dựng sự đoàn kết thống nhất trong đội ngũ cán bộ, khắc phục bằng được những hiện tượng mất đoàn kết ở một số nơi. Mỗi nơi tùy tình hình mà phân tích nguyên nhân cụ thể để có biện pháp giải quyết dứt điểm. Nhưng nói chung là phải giáo dục cho mọi cán bộ nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình đối với đảng, đối với đất nước, đối với công việc chung. Tuân thủ các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, thường xuyên tự phê bình và phê bình. Thực hiện các chính sách về cán bộ một cách nhất quán, công tâm, công bằng. Bố trí đúng cán bộ lãnh đạo chủ chốt, trước hết là người đứng đầu. Người đứng đầu một đơn vị phải là người trung thực, gương mẫu, tận tụy, có năng lực và trình độ, có uy tín, có khả năng thu phục nhân tâm, và phải là trung tâm đoàn kết.

Kinh nghiệm của nhiều nơi cho thấy, khi đã có hiện tượng mất đoàn kết thì cấp trên phải chỉ đạo kiên quyết, giải quyết ngay, xử lý ngay, không để kéo dài. Vì càng để kéo dài tình hình sẽ càng phức tạp, dẫn đến đối phó nhau, căng thẳng hơn, mất đoàn kết sẽ trầm trọng và khó gỡ hơn.

5 - Gắn việc quy hoạch tạo nguồn cán bộ với việc đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ thành một quá trình liên tục.

Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cần chú ý theo quy hoạch, gắn lý luận với thực tiễn, với yêu cầu sử dụng. Nội dung các kiến thức, các quan điểm cần thống nhất giữa các trường lớp, giữa các ngành và địa phương theo giáo trình chuẩn quốc gia; không nên để tình trạng mỗi trường, mỗi nơi dạy một khác, thậm chí quan điểm đối chọi nhau. Có kế hoạch định kỳ bồi dưỡng cán bộ.

Cán bộ lãnh đạo chủ chốt cần biết rộng, có kiến thức cơ bản tương đối toàn diện và cần được luân chuyển qua nhiều công việc ở nhiều lĩnh vực và địa phương khác nhau. Cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ cần chuyên sâu, ổn định.

Đào tạo, bồi dưỡng phải kết hợp với yêu cầu dự kiến bố trí công tác, sao cho khi nhận nhiệm vụ mới, người cán bộ có thể phát huy tác dụng được ngay, tránh tình trạng đề bạt rồi mới đưa đi đào tạo.

Kinh nghiệm cho thấy, muốn xây dựng được đội ngũ cán bộ và tuyển chọn được nhiều nhân tài cho đất nước, phải chú ý kết hợp việc đào tạo từ trong các trường lớp với việc rèn luyện cán bộ trong hoạt động thực tiễn, từ cơ sở, nâng cao trình độ dân trí, chăm lo tạo nguồn cán bộ ngay từ trong các trường đại học và cao đẳng. Chấn chỉnh việc đào tạo giáo dục ở các trường này, coi trọng cả hai mặt dạy kiến thức và phẩm chất đạo đức.

Trong việc bố trí và sử dụng cán bộ, cần chú ý: Bảo đảm đúng tiêu chuẩn; bố trí đúng người, đúng việc, đúng sở trường; thực hiện trẻ hóa đội ngũ cán bộ, bảo đảm tính liên tục và phát triển.

Đề bạt, bổ nhiệm cán bộ cần đúng lúc, giao việc đúng tầm, khuyến khích cán bộ vươn lên đảm nhiệm công việc cao hơn. Tốt nhất nên giao việc vào lúc cán bộ đang có xu hướng phát triển, đừng để đến lúc cán bộ đã chững lại mới đề bạt.

Thực hiện quy chế “bầu cử có nhiệm kỳ, bổ nhiệm có thời hạn”. Đối với những cán bộ theo cơ chế bầu cử thì hết nhiệm kỳ coi như hết trách nhiệm, ai muốn tiếp tục tái cử vào nhiệm kỳ mới thì phải thực hiện theo đúng quy chế ứng cử và đề cử. Còn đối với cán bộ giữ chức vụ do bổ nhiệm thì sau một thời gian quy định nhất thiết phải đánh giá lại, kết hợp với việc lấy phiếu tín nhiệm và tự phê bình của cán bộ để kịp thời điều chỉnh, bố trí lại khi cần thiết. Kiên quyết khắc phục tình trạng cục bộ, khép kín trong từng ngành, từng địa phương. Đối với những đồng chí có sai lầm khuyết điểm, nếu cấp ủy đã kiểm điểm giúp đỡ, nhưng sửa chữa chậm hoặc không sửa chữa cần được xử lý, miễn nhiệm, hoặc thay đổi công tác. Không bố trí cán bộ vào những công việc mà bản thân cán bộ đó chưa được chuẩn bị. Có cơ chế để cán bộ tự xin từ chức, đảm nhận công việc phù hợp hơn.

6 - Đảng trực tiếp thống nhất lãnh đạo và quản lý cán bộ, đồng thời phát huy trách nhiệm của các tổ chức thành viên trong hệ thống chính trị.

Một trong những nội dung lãnh đạo của Đảng cầm quyền là phải trực tiếp nắm vấn đề cán bộ, bao gồm cả việc định ra đường lối, chính sách cán bộ và quyết định bố trí cán bộ lãnh đạo chủ chốt trong các cơ quan nhà nước và trong các tổ chức chính trị xã hội. Đảng thông qua các đảng viên và các tổ chức đảng (ban cán sự đảng, đảng đoàn) trong các cơ quan nhà nước và trong các đoàn thể để thực hiện đường lối, chính sách cán bộ. Đảng quyết định sự phân công, phân cấp quản lý cán bộ cho các cấp ủy và các tổ chức đảng. Cấp ủy tập trung quản lý tốt số cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo chủ chốt.

Sự lãnh đạo của các cấp ủy là nhân tố quyết định sự thành công của công tác cán bộ. Từ quan điểm đánh giá cán bộ đến phương pháp tiến hành, thực hiện quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ đều phụ thuộc vào vai trò của cấp ủy. Ở đâu và lúc nào cấp ủy, trước hết là người lãnh đạo chủ chốt, có quan điểm đổi mới đúng đắn, thật sự dân chủ, khách quan thì ở đó, lúc đó công tác quy hoạch, lựa chọn, đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ thu được kết quả tốt. Khắc phục tình trạng cấp ủy không trực tiếp lo công tác cán bộ, chỉ khoán trắng cho cơ quan tổ chức, cơ quan tham mưu. Đồng thời phải tăng cường chất lượng các cơ quan tham mưu, giải quyết và phối hợp tốt mối quan hệ công tác giữa các cơ quan tham mưu làm công tác cán bộ./.