30/12/2024 | 21:27 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Chức vụ và uy tín

Trọng Nghĩa
(Tạp chí Cộng sản, số 2-1984)
Chức vụ và uy tín

Thông thường, bất cứ người lãnh đạo nào cũng phải có một uy tín nhất định; chức vụ càng cao thì uy tín càng lớn. Bởi vì không có uy tín thì không thể lãnh đạo, thuyết phục và tập hợp người khác được. Uy tín là điều kiện bảo đảm hiệu quả công tác của người lãnh đạo. Người lãnh đạo không có uy tín thì nói chẳng ai nghe, làm chẳng nên trò trống gì. Vả chăng, khi tập thể và cấp trên giao cho người nào đó một chức vụ nào đó tức là đã căn cứ vào phẩm chất, năng lực và uy tín của anh ta rồi. Không có uy tín, làm sao anh ta có thể được cân nhắc đề bạt?

Nhưng dĩ nhiên sự đời không đơn giản như vậy. Không phải hễ cứ có chức vụ là đã có uy tín, càng không phải đã có uy tín đầy đủ. Uy tín, theo đúng nghĩa chân chính của nó là sự tín nhiệm mà người đó có được bằng chính phẩm chất và tài năng của mình. Chức vụ không đẻ ra uy tín, không quyết định uy tín. Uy tín không phải bao giờ cũng tỷ lệ thuận với chức vụ. Thực tế đã chẳng có những người ở cương vị khá cao, thậm chí rất cao nhưng lại không có uy tín hoặc uy tín quá thấp đó sao? Ở nơi này nơi nọ, đã chẳng có những “thủ trưởng” nói mà quần chúng và cấp dưới không muốn nghe, thậm chí còn bị quần chúng chê trách, muốn “tẩy chay” đó sao?

Rõ ràng, giữa chức vụ và uy tín tuy có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, nương tựa vào nhau, nhưng không phải là một. Theo ý nghĩa nào đó, có thể hiểu mối quan hệ giữa chức vụ và uy tín như mối quan hệ giữa hình thức và nội dung. Chức vụ là hình thức, còn uy tín là nội dung. Chức vụ là điều kiện khách quan để củng cố và nâng cao uy tín, trong khi uy tín là cái quyết định sự tồn tại của chức vụ. Nếu uy tín mất đi thì theo quy luật thông thường, chức vụ trước sau cũng sẽ mất theo.

Trong thực tế cũng có những trường hợp một người nào đó ở tập thể này thì có uy tín, nhưng khi chuyển sang tập thể khác lại không có uy tín, hoặc ngược lại. Ngay trong một đơn vị, người lãnh đạo có thể có uy tín cao với một số người này nhưng lại không có uy tín như thế với số người khác. Điều đó chứng tỏ cách xem xét, đánh giá của những người chung quanh, cũng như môi trường công tác và đặc điểm của mỗi tập thể cũng có ảnh hưởng đến việc xây dựng uy tín của một người. 

Ví dụ như, một người lãnh đạo vốn có phẩm chất tốt, có năng lực chuyên môn giỏi, lại phụ trách một tập thể tốt, đoàn kết nhất trí thì dễ phát huy tác dụng và do đó dễ có uy tín hơn là phải phụ trách một đơn vị mà nội bộ có nhiều vấn đề phức tạp. Nhưng dù sao môi trường công tác cũng chỉ là hoàn cảnh khách quan góp phần thử thách và kiểm nghiệm uy tín của một người, chứ không phải là cái quyết định uy tín.

Vậy cái gì quyết định uy tín? Uy tín hình thành và phát triển theo con đường nào?

Thực tế đã cho biết, uy tín là sự phản ánh phẩm chất và năng lực của một người, do đó tất yếu nó phải do phẩm chất và năng lực quyết định. Nó phải là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố thuộc về nỗ lực chủ quan của một người trên cả hai mặt phẩm chất và năng lực, trong đó nổi bật nhất, quan trọng nhất là những yếu tố sau đây:

- Sự gương mẫu, gương mẫu đến mực thước về các mặt, đặc biệt là về mặt chấp hành các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, có lối sống trong sạch, tận tụy hy sinh vì tập thể.

- Có tầm hiểu biết rộng lớn, bao gồm các nhãn quan chính trị, trình độ nhận thức và vốn sống.

- Có tinh thần trách nhiệm, có năng lực tổ chức, thể hiện ở chỗ hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

- Liên hệ chặt chẽ và có mối quan hệ đúng đắn với quần chúng, trước hết là với những người cùng cộng tác hoặc có quan hệ trực tiếp với mình.

Không có những yếu tố đó, người lãnh đạo không thể có uy tín được. Uy tín không phải tự nhiên mà có. Nó phải là kết quả của sự phấn đấu và rèn luyện gian khổ, bền bỉ của bản thân mỗi người. Một người lãnh đạo, bằng hành động thực tế của mình, chứng tỏ rằng mình thật sự có phẩm chất và tài năng thì “hữu xạ tự nhiên hương”, tự nhiên họ sẽ được quần chúng tin yêu, kính trọng và tín nhiệm. 

Trái lại, một người nào đó nếu không gương mẫu, chỉ nói không làm, lời nói không đi đôi với việc làm, không nghiêm chỉnh chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, không đảm đương nổi nhiệm vụ được giao, thậm chí còn lợi dụng chức quyền làm điều sai trái, thì dù họ có nắm giữ chức vụ gì, dù họ có tự đề cao bao nhiêu, có được người này người khác tán tụng như thế nào, họ cũng vẫn không thể có uy tín. Lê - nin đã dạy: Người lãnh đạo cần phải giành lấy uy tín tuyệt đối trong quần chúng bằng chính nghị lực của mình, bằng ảnh hưởng tư tưởng và hành động thực tế của mình, chứ không phải bằng danh hiệu và chức vụ[1]. Hồ Chủ tịch cũng đã căn dặn: “Trước mặt quần chúng không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”[2].

Như thế, xây dựng cho được một uy tín cần thiết không phải là dễ dàng. Phấn đấu để giữ vững và không ngừng nâng cao uy tín càng khó khăn hơn. Nó đòi hỏi phải có ý chí, có nghị lực. Người ở cương vị càng cao càng phải hết sức chăm lo giữ gìn uy tín, vì uy tín của họ không phải đơn thuần chỉ là uy tín cá nhân mà còn liên quan đến uy tín chung của tập thể, của Đảng. Chỉ cần họ một phút thiếu cảnh giác với mình, buông thả mình là có thể phạm sai lầm lớn, làm mất uy tín của mình, làm hại thanh danh của Đảng. Không phải ngẫu nhiên mà ông cha ta đã đúc kết: “Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng”!

Không nhận thức đầy đủ những điều nói trên, hiện nay trong chúng ta có một số người lầm tưởng rằng như họ cứ có chức vụ là đã có uy tín, mọi lời nói và việc làm của họ đều được quần chúng đồng tình. Từ đó họ chủ quan trong công tác, không chịu học tập rèn luyện, không khiêm tốn, không dân chủ khi bàn bạc công việc, thậm chí cá nhân, độc đoán, thích “lên lớp” dạy bảo người khác, thích người khác phải trọng vọng, qụy lụy mình. Họ không biết rằng do kém gương mẫu, kém năng lực, làm nhiều việc sai trái, họ không được quần chúng tín nhiệm nữa, uy tín của họ đã mất rồi.

Cũng có người muốn xây dựng cho mình một uy tín nào đó, nhưng không phải bằng nghị lực và sự gương mẫu của mình, mà lại bằng những thủ thuật riêng, đại loại như: tranh thủ, lôi kéo người này, công kích, nói xấu người khác, hạ uy tín người khác để đề cao mình; xun xoe nịnh bợ, lấy lòng cấp trên, làm ra vẻ mình là người gần gũi, tin cậy của cấp trên; cố giữ một khoảng cách nào đó với quần chúng và cấp dưới, vuốt ve, đe nạt cấp dưới, cố tỏ ra ta đây là “nhân vật quan trọng”; chỉ nhận làm và muốn làm những việc nào “ngon ăn”, dễ “nổi tiếng”, báo cáo láo, tô vẽ thành tích để được “nổi tiếng” v.v. 

Những người như thế thường rất chú ý giữ mình, giữ mình đến tròn như hòn bi, không dám nói thẳng, nói thật. Làm việc gì cũng sợ sai, sợ bị phê bình, sợ bị mất “uy tín”. Họ không biết rằng với những thủ đoạn ấy, họ chẳng bao giờ xây dựng cho mình được uy tín, mà nếu có chăng thì “uy tín” của họ cũng chỉ là uy tín giả, uy tín bề ngoài, không hơn không kém.

Tệ hơn nữa là có một số người bất chấp cả việc giữ gìn thanh danh, uy tín, lợi dụng chức quyền để ăn cắp của công, ăn hối lộ, thông đồng với gian thương, tư sản để làm giàu, ức hiếp quần chúng. Trên thực tế, họ đã thoái hóa biến chất, sa sút nghiêm trọng về phẩm chất đạo đức, không còn một chút uy tín nào trước nhân dân. Điều đáng chú ý là trong bộ phận ấy có cả một số cán bộ đã từng lăn lộn nhiều năm trong thời kỳ đấu tranh chống địch, đã từng có uy tín cao lớn trong quần chúng.

Nói rộng ra một chút, ngoài phạm vi một cá nhân, đôi khi ta còn gặp cả một nhóm người vì lẽ này lẽ nọ, họ tán tụng, đề cao “uy tín” của nhau. Khi phạm khuyết điểm, sai lầm, họ vào hùa với nhau để tìm cách lấp liếm, bênh che, giữ gìn “uy tín” cho nhau. Có khi nhờ “phù phép” mà trước cấp trên và quần chúng, tội của họ biến thành công, làm ăn chẳng ra gì nhưng lại rùm beng là có thành tích lớn; họ được nhận đủ thứ danh hiệu và tước vị, giấy khen và tiền thưởng; một vài cá nhân nào đó “uy tín” lên như diều!

Những hiện tượng không lành mạnh nói trên hoàn toàn xa lạ với chúng ta, những người cộng sản, những người cách mạng chân chính. Đảng và Nhà nước ta đã nhiều lần phê phán rất gay gắt những hiện tượng đó. Trong nhiều nghị quyết, Đảng ta đã khẳng định mạnh mẽ rằng cần phải kiên quyết thi hành kỷ luật những cán bộ, đảng viên làm bậy, phải thay đổi những cán bộ, đảng viên không có đủ những yêu cầu về phẩm chất năng lực đảm đương trách nhiệm được giao, không còn uy tín trước quần chúng. 

Nhưng đáng tiếc là cho đến nay, tư tưởng đó của Đảng và cũng là nguyện vọng của đông đảo đảng viên và quần chúng vẫn chưa được quán triệt một cách sâu sắc và triệt để; trong thực tế vẫn còn không ít những người không xứng đáng nắm giữ những chức vụ khá quan trọng trong các tổ chức đảng, các cơ quan quản lý kinh tế và các tổ chức xã hội khác. Vì sao như vậy? Đó chẳng phải vì cái gì khác ngoài sự nể nang và sự bao che, sự thiếu phê bình và tự phê bình. Chính sự nể nang, sự bao che, sự thiếu phê bình và tự phê bình đang là một trở ngại lớn trên con đường củng cố và kiện toàn đội ngũ cán bộ của chúng ta./.


[1] Xem V.I. Lê-nin: Toàn tập, (bản tiếng Nga), tập 45, tr.363.

[2] Hồ Chí Minh: Về xây dựng Đảng, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1980, tr.58.