Cái làm nên uy tín đảng viên
Nguyễn Phú Trọng(Tạp chí Cộng sản, số 2-1990)
Đã có một thời gian dài, người cộng sản chiếm được uy tín tuyệt đối trong nhân dân. Dưới mắt của nhiều người, người cộng sản là một mẫu mực tuyệt vời, một con người rất đẹp, đáng yêu, đáng phục. Người cộng sản gần như đồng nghĩa với chủ nghĩa anh hùng, sự kiên cường bất khuất, hết lòng hết sức chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội, vì lợi ích và hạnh phúc của nhân dân. Đã có biết bao cuốn sách, biết bao bài thơ ca ngợi hết lời phẩm chất và khí phách của người cộng sản. Nhiều người đã khao khát ước mơ:
Nếu là hoa hãy là hoa hướng dương
Nếu là chim hãy là chim câu trắng
Nếu là đá hãy là đá kim cương
Nếu là người hãy là người cộng sản!
Phương châm sống và hành động của mọi người, nhất là của thanh niên, là: “Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương những người cộng sản!”...
Thế mà những năm gần đây, hình ảnh người cộng sản dường như không còn sức hấp dẫn, dường như đã bị phai mờ. Đối với lớp người lớn tuổi đã từng chiến đấu hy sinh hoặc đã từng sống những tháng năm khởi nghiệp của cuộc đấu tranh quyết liệt, hình ảnh người cộng sản dường như chỉ còn là một vầng hào quang, một ký ức hoặc một giấc mơ đẹp. Đối với những thanh thiếu niên mới lớn, hình ảnh người cộng sản dường như quá xa xôi, lạ lẫm. Người ta chửi nhau câu cửa miệng “đảng viên nhan nhản, cộng sản hiếm hoi”.
Có những cuốn sách, những vở kịch, những bộ phim còn miêu tả người cộng sản như những con người ngờ nghệch, dốt nát, không có tình người, thậm chí cũng nhỏ nhen, ích kỷ, độc ác, vong ân bội nghĩa, táng tận lương tâm, đểu cáng... nghĩa là rất đáng khinh, đáng ghét. Và người ta lấy việc miêu tả như thế làm trò mua vui; đả kích, giễu cợt người cộng sản cốt để gây cười. Rất nhiều đảng viên và những người cách mạng chân chính không khỏi đau xót, nhức nhối.
Vì sao như vậy? Vì sao chỉ một thời gian ngắn mà uy tín của người cộng sản giảm sút nhanh như vậy? Ở đây có nhiều nguyên nhân. Có thể có nguyên nhân ở sự “đổi mới”, đổi mới tư duy, đổi mới cách nghĩ; trước đây chỉ ca ngợi một chiều, lý tưởng hóa một cách giản đơn, thô thiển người cộng sản, bây giờ cần có sự nhận thức lại, thêm cả mặt “đời thường” của người cộng sản.
Có thể có nguyên nhân ở bước phát triển mới của xã hội, trình độ của quần chúng ngày càng được nâng lên, đòi hỏi của họ đối với Đảng và đảng viên ngày càng cao. Có thể có nguyên nhân ở sự nhìn nhận lệch lạc, cực đoan của một số ít người muốn “hạ bệ thần tượng” người cộng sản. Cũng có nguyên nhân ở sự xuyên tạc, phá hoại của kẻ thù, chúng tìm mọi cách bôi nhọ người cộng sản để hạ thấp uy tín của đảng cộng sản...
Nhưng có lẽ nguyên nhân sâu xa nhất, cơ bản nhất, chính là ở bản thân đội ngũ đảng viên. Bước phát triển mới của cách mạng, bên cạnh số đông của đảng viên vững vàng, không bị đồng tiền và danh vọng cám dỗ làm hoen ố phẩm chất, có một bộ phận đảng viên đã không giữ được được vai trò tiên phong gương mẫu của mình, tự thủ tiêu vai trò của mình, thậm chí có một số người thoái hóa, hư hỏng, không còn xứng đáng với tư cách và danh hiệu đảng viên. Có những người mang danh cộng sản hoặc nhân danh cộng sản, lợi dụng uy tín của Đảng, lợi dụng lòng tin của nhân dân đối với Đảng để làm những điều xấu xa trái với đạo lý, làm hại uy tín của Đảng.
Có người vốn dĩ là đảng viên cộng sản đã từng xông pha trong lửa đạn, sống chết với dân, được dân nuôi, dân che chở, nhưng nay trở thành người có chức, có quyền, bị đồng tiền, danh lợi cám dỗ, họ sớm quên đi những năm tháng đồng cam cộng khổ với dân để rồi sống xa dân, vô trách nhiệm với dân, tự biến mình thành “quan cách mạng”, lộng quyền, tham nhũng, sống phè phỡn, đè đầu cưỡi cổ dân... Chính những người này đã làm hại thanh danh uy tín của Đảng, làm giảm lòng tin của quần chúng đối với Đảng.
Hiện nay, Đảng ta đang lãnh đạo nhân dân tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện đất nước ta. Công cuộc đổi mới đòi hỏi Đảng phải tự đổi mới mình, nâng cao uy tín, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của mình, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Muốn thế, Đảng phải ra sức củng cố đội ngũ của Đảng, nâng cao vai trò, trách nhiệm và uy tín đảng viên.
Trước kia, người đảng viên cộng sản sống và hành động theo đạo lý “giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy vũ không thể khuất phục”. Họ sẵn sàng từ bỏ cuộc sống gia đình êm ấm, hy sinh hạnh phúc riêng tư của mình, dấn thân vào con đường cách mạng đầy chông gai, thậm chí sẵn sàng lên máy chém, ra trường bắn, vui vẻ chết vì sự nghiệp cứu nước, cứu dân. Và vì thế họ có uy tín lớn. Có thể nói đó là mẫu hình người cộng sản của giai đoạn trước.
Còn trong giai đoạn hiện nay mẫu hình người cộng sản thế nào? Cái gì thể hiện vai trò tiên phong của người cộng sản, cái gì tạo nên uy tín đảng viên? Lâu nay Đảng ta vẫn thường chỉ rõ, đảng viên phải là người tiêu biểu cho những phẩm chất cách mạng tốt đẹp nhất của giai cấp công nhân, là mẫu mực của con người mới xã hội chủ nghĩa. Đảng viên là người chiến sĩ tiên phong, có nghị lực cách mạng và tinh thần trách nhiệm cao nhất, phấn đấu thực hiện có hiệu quả đường lối, chính sách của Đảng, đóng góp tích cực nhất cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Điều lệ Đảng và nhiều nghị quyết của Đảng đã chỉ ra những nhiệm vụ, những đòi hỏi đối với người đảng viên. Nhưng vấn đề đã đặt ra là trong công cuộc đổi mới hiện nay, những yêu cầu đó cần được cụ thể hóa như thế nào? Làm thế nào để phát huy được vai trò tiên phong gương mẫu của đảng viên, củng cố được uy tín của đảng viên?
Tôi cho rằng, trong điều kiện đổi mới hiện nay, cái quan trọng nhất thể hiện được vai trò tiên phong gương mẫu của đảng viên, làm nên uy tín đảng viên, là những vấn đề sau:
Một là: Đảng viên phải có thái độ đúng đắn, tích cực đối với công cuộc đổi mới, đi đầu thực hiện đổi mới, kiên định lập trường cách mạng của giai cấp công nhân, trung thành với lý tưởng cộng sản, đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản, vững vàng, không động dao trước bất kỳ khó khăn, thử thách nào.
Đổi mới là một yêu cầu khách quan, là đòi hỏi nghiêm ngặt của thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta nhằm nhận thức đúng hơn về chủ nghĩa xã hội, khắc phục những mặt trì trệ, đẩy nhanh quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội một cách hợp quy luật, đạt hiệu quả cao, củng cố và tăng cường chủ nghĩa xã hội. Đại hội VI và các hội nghị Trung ương Đảng đã chỉ rõ nội dung đổi mới toàn diện các lĩnh vực của đất nước. Trách nhiệm và nghĩa vụ của đảng viên là nhất trí với đường lối chủ trương của Đảng, bằng mọi cách phấn đấu thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đảng, đưa sự nghiệp đổi mới của nước ta đi đến thắng lợi.
Cả lý luận và thực tiễn xưa nay đều chứng minh rằng đảng cách mạng chân chính phải bao gồm những người đồng tâm nhất trí, đoàn kết thống nhất, không thể có tình trạng đảng viên của Đảng lại không tán thành đường lối, quan điểm của Đảng, không thực hiện nghị quyết của Đảng. Có thể nói, lúc này, thái độ và tinh thần đối với chủ trương đổi mới là thước đo phẩm chất, năng lực, vai trò tiên phong gương mẫu của mỗi đảng viên.
Tuy nhiên, đổi mới là một quá trình, là một cuộc vận động cách mạng có rất nhiều phức tạp khó khăn, đòi hỏi phải có định hướng đúng và có bước đi vững chắc, không thể nóng vội, giản đơn, cực đoan. Thực tế vừa qua ở nước ta cũng như ở nhiều nước anh em cho thấy, đổi mới không thể tiến hành một cách chủ quan, bất chấp quy luật, bất chấp những nguyên tắc đã được thử thách. Trong đổi mới có thể xảy ra những xáo trộn, mất ổn định, thậm chí rối loạn ở bộ phận này bộ phận khác nhưng trên toàn cục, ở những nét cơ bản phải ổn định. Trong đổi mới không tránh khỏi những vấp váp, sai lầm.
Chủ nghĩa đế quốc và bọn phản động các loại đang khai thác những vấp váp, sai lầm và lợi dụng những khó khăn khác của chủ nghĩa xã hội để chống phá chủ nghĩa xã hội. Thái độ đúng đắn của người cộng sản là phải bình tĩnh, tỉnh táo, không hốt hoảng bi quan, không hoang mang dao động. Người cộng sản hơn quần chúng bình thường chính là ở chỗ, vào những lúc khó khăn thử thách, họ luôn vững vàng, kiên định lập trường cách mạng, giữ vững nguyên tắc của chủ nghĩa xã hội.
Lúc này, hơn ai hết, người cộng sản phải kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa xã hội, bảo vệ lý tưởng và sự nghiệp của Đảng, bảo vệ lợi ích của nhân dân, giữ gìn tính khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, ủng hộ những nhân tố mới đúng đắn, phê phán và đấu tranh với những biểu hiện mơ hồ, cực đoan, thiếu cảnh giác với những âm mưu và thủ đoạn phá hoại của kẻ thù. Chính lúc này là lúc thử thách sự kiên định, bản lĩnh, lòng trung thành của mỗi đảng viên, kiểm nghiệm những nhận thức, quan điểm, ý thức tư tưởng của mỗi người cộng sản: đổi mới hay bảo thủ, vững vàng hay dao động, nhiệt thành xây dựng hay cơ hội chủ nghĩa... Các tổ chức đảng có thể qua đây xem xét, sàng lọc, xốc lại đội ngũ của mình.
Mác và Ăng-ghen ngay từ năm 1874 đã xác định rằng chỉ có những người chứng minh bằng cả cuộc đời mình sự trung thành với lý tưởng cộng sản, tích cực đấu tranh để thực hiện lý tưởng đó, nghiêm túc phục tùng kỷ luật thống nhất của Đảng, mới có thể là đảng viên. Lê-nin cũng khẳng định: Đảng cộng sản chỉ có thể hoàn thành được sứ mệnh lịch sử của mình nếu như nó thật sự là đội tiên phong của giai cấp cách mạng, bao gồm trong đội ngũ của mình những người hoàn toàn giác ngộ và trung thành với lý tưởng cộng sản, được giáo dục và tôi luyện bằng kinh nghiệm của cuộc đấu tranh cách mạng kiên cường.
Hai là: Đảng viên phải có kiến thức, có năng lực thực hiện công cuộc đổi mới.
Chúng ta vẫn thường nói, đảng cộng sản là đội tiên phong lãnh đạo, là trí tuệ, là danh dự và lương tâm của thời đại; mỗi đảng viên là một chiến sĩ tiên phong, gương mẫu. Muốn lãnh đạo cách mạng thành công, bên cạnh phẩm chất chính trị, lòng trung thành, nhiệt tình cách mạng, Đảng phải có tri thức, nắm vững quy luật, biết vận dụng quy luật và có năng lực tổ chức thực tiễn. Đổi mới là một cuộc vận động cách mạng toàn diện và sâu sắc, diễn ra trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, từ cơ cấu kinh tế đến cơ chế quản lý, từ chế độ kinh tế đến hệ thống chính trị...
Đó là một quá trình khó khăn, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, chưa có mô hình định sẵn. Đổi mới đụng chạm đến rất nhiều vấn đề, phá vỡ nhiều cái cũ, trong khi có những cái cũ đã tồn tại quá lâu, ăn sâu vào nếp nghĩ, cách làm, đã thành thói quen, thành cơ chế chính sách rất khó sửa. Mặt khác, thế giới cũng đang chuyển mạnh trên con đường cải tổ và đổi mới; nhiều cái cũ bị đảo lộn, nhiều vấn đề phức tạp mới nảy sinh; trên một số vấn đề phải trái, đúng sai dường như rất khó phân biệt, rất khó kết luận và xử lý. Thời đại chúng ta lại là thời đại cách mạng khoa học kỹ thuật phát triển như vũ bão, thời đại tin học đạt nhiều thành tựu kỳ diệu, hằng ngày lượng thông tin ào ạt đến rất nhanh và rất nhiều đòi hỏi phải có trình độ thu nhận, phân tích và xử lý đúng đắn...
Rõ ràng trong tình hình đó, nếu cán bộ, đảng viên không có kiến thức, không có trình độ nhất định về mặt văn hóa, khoa học kỹ thuật, quản lý kinh tế, pháp luật... thì không thể có đủ năng lực để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, thậm chí còn phạm những sai lầm không thể tha thứ. Vừa qua, không ít trường hợp đảng viên không phát huy được tác dụng, rơi vào tình trạng “trung bình”, mất uy tín trước quần chúng, là do thiếu hiểu biết, thiếu kiến thức. Đã qua rồi cái thời cứ hễ là đảng viên, là cán bộ thì dường như có thể làm được mọi việc. Ngày nay, mỗi người cộng sản chỉ có thể khẳng định vai trò lãnh đạo và uy tín của mình trong quần chúng bằng sự kiên định, trí thông minh, sự hiểu biết và khả năng hoàn thành nhiệm vụ.
Lê-nin đã dặn đi dặn lại những người cộng sản Nga rằng, nếu chỉ có nhiệt tình và lòng dũng cảm không thôi thì không thể chiến thắng được chủ nghĩa tư bản, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, mặc dù nhiệt tình cách mạng và lòng dũng cảm là yếu tố cực kỳ quan trọng để chiến thắng chủ nghĩa tư bản, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, những người cộng sản còn phải có kiến thức, có trình độ văn hóa cao, có trí thông minh và năng lực làm việc. Muốn thế phải không ngừng học tập, học tập một cách kiên trì và nghiêm túc; đừng bằng lòng với những những kinh nghiệm của mình, kiêu ngạo cộng sản cũng là một tội ác. Lê-nin nhấn mạnh rằng, những người cộng sản, dù đó là những người cộng sản đã từng làm cuộc cách mạng vĩ đại chưa từng thấy trên thế giới, vẫn cần phải học tập, học tập ngay một người bán hàng tầm thường. Và Người sẵn sàng đổi một tá những người cộng sản kém hiểu biết để lấy một chuyên gia thành thạo công việc, dù đó là chuyên gia tư sản.
Ba là: Đảng viên phải nỗ lực phấn đấu làm hết sức mình, bằng lao động sáng tạo và có chất lượng cao của mình, góp phần xóa bỏ nghèo nàn, lạc hậu, làm giàu cho đất nước, cho nhân dân, trong đó có bản thân.
Công cuộc xây dựng đất nước đang đòi hỏi mỗi đảng viên phải là một người lao động giỏi, lãnh đạo và quản lý giỏi trên lĩnh vực công tác được giao. Nếu trước đây, trong cách mạng dân tộc dân chủ, đảng viên nêu gương trong cuộc đấu tranh giữa cái sống và cái chết, phấn đấu hy sinh để giải phóng đất nước, giành chính quyền, thì ngày nay, đảng viên phải nêu gương chấp hành các chính sách và pháp luật của nhà nước, lao động giỏi, học tập và công tác giỏi, biết lãnh đạo quần chúng phát triển sản xuất kinh doanh, giải quyết tốt mối quan hệ giữa lợi ích cá nhân và lợi ích chung, đặt lợi ích chung lên trên lợi ích cá nhân, cống hiến hết sức mình cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Có đồng chí cho rằng, trong điều kiện hiện nay mà nói như vậy là không thực tế, là đạo lý, hô hào suông, trong cuộc sống bây giờ có mấy ai làm như vậy. Có đồng chí nhấn mạnh một chiều lợi ích kinh tế, quyền lợi đảng viên mà không thấy đầy đủ trách nhiệm và nghĩa vụ đảng viên. Vậy thì xin hỏi: ranh giới giữa đảng viên và người ngoài đảng là ở đâu? Vai trò tiên phong gương mẫu của đảng viên là ở chỗ nào? Phải chăng trong điều kiện hòa bình xây dựng, phát triển sản xuất hàng hóa, làm kinh tế, đảng viên không cần hy sinh, đảng viên cũng chạy theo lợi nhuận, làm giàu bằng mọi cách như một tư nhân thông thường?
Vừa qua, chính vì chạy theo lợi ích cá nhân, vun vén cho cá nhân, thậm chí xoay xở chiếm công vi tư, đặc quyền đặc lợi, sống giàu sang trên sự nghèo khổ của người khác, nhẫn tâm trước những đau khổ của người khác mà nhiều đảng viên đã mất hết uy tín trước quần chúng nhân dân. Thực tế đó chứng tỏ rằng cái làm nên uy tín đảng viên còn là sự gương mẫu, tinh thần hy sinh, tinh thần “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”. Không có cái đó, đảng viên không thể có uy tín nào hết.
Có đồng chí cho rằng, để lãnh đạo được kinh tế, đảng viên phải có óc kinh doanh, phải biết buôn bán, biết làm giàu, hơn nữa còn phải gương mẫu làm giàu. Điều đó đúng, hoàn toàn đúng, Đảng ta khuyến khích đảng viên biết làm giàu, nhưng đó phải là sự làm giàu chính đáng, bằng sức lao động của mình, không tham ô biển thủ, bóc lột người khác, không xà nẻo, chấm mút của công. Những người lợi dụng chức quyền để kiếm chác, tham nhũng, bóc lột thì dù mang danh đảng viên, thực chất họ không còn là đảng viên. Họ còn ở trong Đảng chẳng qua là vì tổ chức đảng nơi họ sinh hoạt đã kém đấu tranh, xuê xoa, nể nang hoặc vì sự vô nguyên tắc nào đó. Và chừng nào còn như vậy thì sự trong sạch và uy tín của Đảng không tránh khỏi bị phá hoại.
Bốn là: Đảng viên phải có quan hệ tốt với quần chúng.
Đảng ta đã xác định chế độ chính trị của nước ta là chế độ làm chủ của nhân dân lao động dưới sự lãnh đạo của Đảng; sức mạnh vô địch của Đảng là ở mối liên hệ chặt chẽ với quần chúng nhân dân. Đảng chủ trương phát huy mạnh dân chủ, coi dân chủ vừa là mục tiêu vừa là động lực của công cuộc đổi mới. Mỗi đảng viên, trước hết đảng viên là cán bộ lãnh đạo, có chức có quyền phải tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của dân, chăm lo đời sống hằng ngày của quần chúng, tìm hiểu nguyện vọng và lắng nghe ý kiến quần chúng, ủng hộ, học tập những kinh nghiệm sáng tạo của quần chúng, giúp đỡ quần chúng khi gặp khó khăn, kiên quyết đấu tranh chống bệnh quan liêu, mệnh lệnh, gia trưởng, độc đoán, đặc quyền đặc lợi, trù dập ức hiếp quần chúng và mọi hành vi vi phạm quyền dân chủ của dân.
Đây là một vấn đề hết sức quan trọng, một yêu cầu rất cần thiết đối với người đảng viên trong điều kiện Đảng lãnh đạo chính quyền. Nó quyết định sự tín nhiệm của nhân dân đối với đảng viên, cũng có nghĩa quyết định uy tín của đảng trong quần chúng. Không phải ngẫu nhiên khi còn sống, Bác Hồ luôn luôn quan tâm đến vấn đề này, nói nhiều về vấn đề này. Người thường nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải thường xuyên rèn luyện đạo đức cách mạng, trau dồi quan điểm và thái độ đúng đắn đối với quần chúng, coi việc tôn trọng quần chúng, học hỏi quần chúng, có quan hệ mật thiết với quần chúng là một vấn đề thuộc về phẩm chất, tư cách, đạo đức của đảng viên.
Đương nhiên, trong quá trình phát huy dân chủ, phải chống thái độ theo đuôi quần chúng, mị dân, dân chủ hình thức, dân chủ cực đoan. Dân chủ phải đi đôi với kỷ luật và pháp luật. Dân chủ không có nghĩa là tự do vô tổ chức, vô chính phủ.
Năm là: Đảng viên phải có ý thức tổ chức kỷ luật, giữ gìn sự đoàn kết thống nhất của Đảng trên cơ sở thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng.
Sức mạnh của Đảng là ở tính thống nhất: thống nhất ý chí, thống nhất quan điểm, thống nhất hành động. Nguyên tắc bảo đảm sự thống nhất của Đảng là nguyên tắc tập trung dân chủ. Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên bất cứ ở cương vị nào đều phải tôn trọng và chấp hành đúng nguyên tắc tập trung dân chủ.
Đảng viên có trách nhiệm tích cực tham gia thảo luận các vấn đề thuộc về đường lối, chủ trương của Đảng, có quyền chất vấn, tranh luận một cách thẳng thắn, đồng thời chú ý lắng nghe và tôn trọng ý kiến của người khác. Khi đã thành quyết định của tập thể thì phải nghiêm túc chấp hành. Nếu còn có ý kiến khác thì được bảo lưu hoặc trình bày, báo cáo lại theo đúng nguyên tắc tổ chức, đảng viên không được tự ý làm trái hoặc trì hoãn không thi hành nghị quyết của tập thể hoặc của cấp trên; không được phát ngôn bừa bãi hoặc truyền đạt những ý kiến, quan điểm riêng của mình ngoài các hội nghị đảng.
Xung quanh vấn đề này lâu nay vẫn tồn tại một ý kiến cho rằng, nếu trong trường hợp nghị quyết của tập thể của cấp trên sai thì xử trí ra sao? Trường hợp nghị quyết sai có thể có, và thực tế đã có, nhưng không phải là phổ biến và thường xuyên. Ai cũng biết, mỗi quyết định, mỗi nghị quyết của Đảng thường được nghiên cứu, chuẩn bị khá công phu. Đó là kết quả của trí tuệ tập thể, là kết tinh những nhận thức đúng đắn của tập thể, ít nhất cũng đến một thời điểm nào đó, và trong đó có sự đóng góp của đông đảo đảng viên.
Trường hợp một đảng viên thấy nghị quyết là sai hoặc có điểm sai, thì thái độ đúng đắn nhất là kịp thời và thẳng thắn trình bày ý kiến của mình với tổ chức có thẩm quyền. Nếu ý kiến vẫn chưa được chấp nhận thì đảng viên đó có quyền được bảo lưu, nhưng phải phục tùng tổ chức, phải thi hành nghị quyết của tổ chức. Rồi qua thực tế thực hiện nghị quyết, cuộc sống sẽ kiểm nghiệm và khẳng định chân lý thuộc về ai, lúc đó sẽ có sự điều chỉnh cần thiết. Không như vậy thì Đảng (hay bất cứ tổ chức chính trị nào khác) không còn là một tổ chức thống nhất; nó sẽ chỉ là câu lạc bộ bàn cãi suông, không có sức lãnh đạo và chiến đấu./.