Tỉnh Vĩnh Long: Những bài học trong công tác phát triển đảng viên ở địa bàn dân cư
Minh Trang - Thanh Trường
Khó khăn vì thiếu nguồn kết nạp
Thực trạng thiếu nguồn phát triển đảng viên ở địa bàn dân cư là vấn đề nan giải của cấp ủy nhiều địa phương trong tỉnh Vĩnh Long. Các đồng chí bí thư đảng ủy 2 xã Vĩnh Xuân và Thuận Thới (huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) chia sẻ khó khăn chung: nguồn kết nạp đảng viên chủ yếu là đoàn viên, thanh niên. Thế nhưng do thanh niên địa phương sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông phần lớn rời địa phương để đi đến các thành phố lớn học tập, tìm việc làm hoặc tham gia vào thị trường lao động nước ngoài.
Từ đó khiến công tác tạo nguồn phát triển đảng trên địa bàn gặp nhiều khó khăn. Một bộ phận rất ít thanh niên còn ở lại địa phương thì chủ yếu chuyên tâm vào việc sản xuất nông nghiệp, ít hoặc không tham gia các hoạt động phong trào, đoàn thể. Thế nên, các tổ chức hội, đoàn thể khó tiếp cận để phát hiện, giới thiệu nhằm bồi dưỡng, tạo nguồn kết nạp vào Đảng. Nguồn phát triển đảng viên ở nhiều địa phương chủ yếu dựa vào lực lượng dân quân tự vệ, đội ngũ giáo viên các trường học trên địa bàn. Tuy nhiên, số lượng này cũng rất hạn chế dẫn đến tình trạng già hóa đảng viên ở chi bộ dân cư là điều khó tránh khỏi.
Ông Nguyễn Hiếu Nghĩa - Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Vĩnh Long - cho biết: đảng viên ở địa bàn dân cư đa số là lớn tuổi, chủ yếu là cán bộ công chức, viên chức nghỉ hưu mà thiếu những đảng viên trẻ để làm nòng cốt trong các sinh hoạt đảng, cũng như các hoạt động phong trào ở địa phương. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhưng nguyên nhân cốt lõi nhất là quần chúng, đoàn viên, hội viên thích hoạt động tự do trong học tập cũng như trong lao động sản xuất.
Vậy vì sao khó phát triển đảng viên là quần chúng, thanh niên, đoàn viên, hội viên? Ngoài những nguyên nhân khách quan như đã nêu trên, có những nguyên nhân mang tính chủ quan. Đó là có tình trạng một số cấp ủy, tổ chức đảng, đoàn thể chưa thường xuyên quan tâm, quán triệt các chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng về công tác phát triển đảng viên.
Công tác tuyên truyền, giáo dục quần chúng để có lý tưởng phấn đấu vào Đảng ở nhiều chi bộ cơ sở chưa được chú trọng; hoạt động của các tổ chức đoàn thể chưa tạo sự tác động tích cực trong việc tập hợp, giáo dục, tạo môi trường thúc đẩy sự phấn đấu của đoàn viên, hội viên; một số cấp ủy đảng chưa thường xuyên theo dõi, lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các chi bộ tổ dân phố, ấp xây dựng và thực hiện kế hoạch...
Những điển hình đáng nhân rộng
Trên thực tế, vẫn có những địa phương cấp xã trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long làm tốt công tác phát triển đảng viên mới ở địa bàn khu dân cư. Một trong những địa phương điển hình làm tốt công tác này phường 4, thành phố Vĩnh Long. Năm 2022, Đảng bộ phường 4 đã hoàn thành chỉ tiêu phát triển đảng ở địa bàn dân cư. Anh Thạch Ngọc Sona là một trong số những đảng viên được kết nạp vào đảng năm 2022. Là giám đốc một công ty TNHH một thành viên, thời gian qua Thạch Ngọc Sona luôn là nhân tố tích cực trong các phong trào hoạt động của địa phương, nổi bật nhất là trong thời điểm 2 năm bùng phát dịch COVID-19 là 2020, 2021.
Trong giai đoạn đó, nhiều hoạt động xã hội bị xáo trộn, gián đoạn để thực hiện công tác phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn cho người dân, anh Thạch Ngọc Sona không chỉ tham gia cùng chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội địa phương đóng góp tiền để mua thực phẩm, thuốc men giúp người dân gặp khó khăn mà còn tình nguyện tham gia hỗ trợ lực lượng tuyến đầu chống dịch. Với những hoạt động tích cực vì cộng đồng, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã tuyên truyền, vận động và anh Thạch Ngọc Sona mong muốn được đứng trong hàng ngũ của Đảng.
Nhận thức của anh có sự chuyển biến tích cực, đó là vào tổ chức đảng để chung vai sát cánh cùng cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đóng góp nhiều hơn vào các phong trào thi đua và các hoạt động an sinh xã hội của địa phương. Anh Thạch Ngọc Sona cho biết, bản thân được đứng vào hàng ngũ của Đảng vừa là vinh dự cho bản thân và gia đình, vừa là điều kiện thuận lợi để anh tiếp tục đồng hành cùng Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc trong thời gian tới, nhằm phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Để đạt được kết quả trên, Đảng ủy phường 4, thành phố Vĩnh Long luôn nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác kết nạp đảng viên; từ đó phân công các đồng chí trong cấp ủy bám sát địa bàn, chú trọng quan tâm đến công tác tạo nguồn, nhất là vận động, bồi dưỡng quần chúng ưu tú. Đảng ủy phường đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị ở cơ sở, đặc biệt là vai trò của các tổ chức, đoàn thể quần chúng như: đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội nông dân,... phát động phong trào hành động thiết thực tại cơ sở, thu hút đoàn viên, hội viên vào các hoạt động thực tiễn; giáo dục chính trị, tư tưởng đối với đoàn viên, hội viên nhằm tạo nguồn kết nạp bền vững.
Quan tâm kết nạp các đối tượng quần chúng là thanh niên thực hiện nghĩa vụ trong lực lượng vũ trang; bộ đội xuất ngũ; thanh niên ưu tú; các trưởng xóm, phố chưa phải là đảng viên; các đối tượng người theo tôn giáo và người lao động trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Thời gian qua, Đảng ủy phường 2, thành phố Vĩnh Long là một trong những tổ chức cơ sở đảng làm tốt công tác phát triển đảng viên ở địa bàn dân cư. Nhiều thanh niên ưu tú của địa phương đã được các chi bộ kết nạp đảng, điển hình như anh Nguyễn Văn Khánh - nhân viên bán hàng điện máy, điện tử ở địa phương. Ngoài giờ làm việc ở cơ sở, buổi tối, Nguyễn Văn Khánh còn tham gia lực lượng dân quân tự vệ. Chấp hành nghiêm kỷ luật, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, Khánh được giao nhiệm vụ là khóm đội trưởng dân quân của khóm 1.
Chi bộ khóm 1 đã chăm bồi và vừa tổ chức kết nạp Nguyễn Văn Khánh vào Đảng. Từ khi được kết nạp đảng, Nguyễn Văn Khánh vừa cảm thấy rất vinh dự, tự hào khi tham gia tích cực vào các hoạt động ở địa phương, đăng ký học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Bài học kinh nghiệm và những giải pháp
Từ thực tế công tác phát triển đảng viên ở địa bàn khu dân cư phường 4, phường 2, thành phố Vĩnh Long cũng như những đảng bộ cơ sở khác làm tốt công tác này đã đúc rút ra những bài học kinh nghiệm thực tiễn như sau:
Thứ nhất, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội cấp cơ sở cần chủ động, linh hoạt tham mưu cho cấp ủy, chính quyền trong việc phát triển đảng viên trên địa bàn, lĩnh vực. Đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội nông dân,... cần có nhiều hoạt động thiết thực nhằm thu hút, tập hợp đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia các phong trào ở khu dân cư, thông qua đó phát hiện quần chúng ưu tú để bồi dưỡng phát triển đảng.
Thứ hai, các tổ chức cơ sở đảng chú trọng việc phân công các đồng chí trong cấp ủy, các đảng viên làm công tác vận động quần chúng. Qua đó nhằm theo dõi, phát hiện, giúp đỡ quần chúng ưu tú để phát triển vào Đảng; hỗ trợ đảng viên dự bị để họ tiếp tục phấn đấu trở thành đảng viên chính thức; giới thiệu quần chúng ưu tú vào danh sách cảm tình đảng; đề nghị cho cảm tình đảng đi học lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng.
Thứ ba, cấp ủy cơ sở chú trọng mở rộng đối tượng tạo nguồn: không chỉ tập trung vào lực lượng thanh niên mà còn hướng đến nhiều đối tượng khác như: hội viên hội phụ nữ, nông dân, những quần chúng ưu tú... Khi đã xây dựng được nguồn, cần lên kế hoạch phân công đảng viên theo dõi, giúp đỡ quần chúng rèn luyện phấn đấu vào Đảng.
Theo ông Nguyễn Hiếu Nghĩa - Ủy viên Ban thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Vĩnh Long - để làm tốt công tác phát triển đảng ở địa bàn trong thời gian tới, tỉnh sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp.
Một là, phải tiếp tục tập trung quán triệt trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu và tổ chức cơ sở đảng các cấp, xem đây là tiêu chí quan trọng để đánh giá, phân loại tổ chức cơ sở đảng ở địa bàn dân cư hằng năm để làm sao nâng cao được trách nhiệm cao nhất của cấp ủy và tổ chức cơ sở đảng ở địa phương.
Hai là, phải tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục công tác chính trị tư tưởng, nhất là đối với đoàn viên, hội viên ở địa bàn dân cư và thông qua các phong trào thi đua, các hoạt động để phát hiện những nhân tố mới tích cực, tiếp tục bồi dưỡng, rèn luyện ý chí về phẩm chất cách mạng, động cơ phấn đấu, động viên các em tham gia góp phần xây dựng quê hương; linh hoạt trong việc mở các lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng để tạo thuận lợi cho các đối tượng cảm tình đảng có điều kiện tham gia bằng các hình thức như tổ chức học trực tuyến, học vào ngày nghỉ, ngoài giờ hành chính, bố trí địa điểm, thời gian phù hợp với từng đối tượng học để quản lý, kiểm tra, đánh giá theo đúng quy định.
Ba là, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của cấp ủy cơ sở và quần chúng nhân dân. Khi cán bộ sơ sở có trình độ và tâm huyết, họ sẽ nhận thức đúng đắn và quan tâm đến tới việc phát triển đảng viên. Quần chúng hiểu rõ được mục tiêu, lý tưởng khi vào Đảng sẽ không còn phải băn khoăn với câu hỏi vào Đảng để làm gì? Tại sao chúng ta nên phấn đấu vào Đảng?
Để đem lại kết quả tích cực trong công tác phát triển đảng viên ở địa bàn dân cư, rất cần sự vào cuộc quyết liệt, sâu sát của các tổ chức đảng với những giải pháp, kế hoạch cụ thể phù hợp với tình hình địa phương. Tuy nhiên, các cấp ủy đảng cần xác định không chạy theo số lượng mà phải chú trọng về chất lượng, chặt chẽ về nguyên tắc, thủ tục, quy trình kết nạp đảng.
Cùng với đó là gắn công tác kết nạp đảng viên với xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức đảng, trọng tâm là sinh hoạt chi bộ phải theo nề nếp, bảo đảm tính lãnh đạo, tính chiến đấu trong sinh hoạt đảng. Các cấp ủy đảng chú trọng phân công nhiệm vụ, biểu dương, phát huy tốt vai trò gương mẫu, hạt nhân của các đảng viên mới được kết nạp trong các tổ chức chính trị - xã hội, trong các tổ chức, hội quần chúng khác để nhân rộng nhân tố mới, tích cực. Qua đó góp phần làm tăng số lượng đảng viên, nâng cao chất lượng, bảo đảm năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng ở địa bàn dân cư./. Hồ sơ sự kiện số 498, ngày 10-7-2023