23/11/2024 | 20:11 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa: Nhận diện, phát huy các giá trị văn hóa, con người phục vụ phát triển kinh tế - xã hội

TẤT TRƯỜNG
Thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa: Nhận diện, phát huy các giá trị văn hóa, con người phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Tháp Ponagar - điểm du lịch văn hóa độc đáo tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa_Ảnh: Bảo Linh
Năm 2024 là năm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại, cũng là dấu mốc đặc biệt trên chặng đường 100 năm hình thành, xây dựng và phát triển của thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Việc tổng kết, nhìn nhận, đánh giá những giá trị bản sắc văn hóa, con người được đúc kết tròn 1 thế kỷ nơi đây là hết sức cần thiết, có ý nghĩa quan trọng, góp phần khẳng định những đóng góp của thành phố Nha Trang đối với sự phát triển của tỉnh Khánh Hòa nói riêng, đất nước nói chung.

Một thế kỷ vươn mình

Từ giữa thế kỷ XIX trở về trước, vùng đất Nha Trang vốn chỉ là một làng chài nhỏ bé, hoang vu, nhiều thú dữ; đến năm 1944, thị trấn Nha Trang được nâng cấp thành thị xã; cuối tháng 3-1977, thị xã Nha Trang được nâng cấp thành thành phố (trực thuộc tỉnh Phú Khánh). Ngày 22-4-2009, Nha Trang được công nhận là đô thị loại I, từ đây mở ra nhiều cơ hội phát triển mới. 

Đến thời điểm hiện tại, thành phố đã đi qua chặng đường 100 năm hình thành, xây dựng và phát triển (1924 - 2024) và 15 năm được công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Khánh Hòa (2009 - 2024). Từ một vùng đất hẻo lánh nép mình bên sông Cái, Nha Trang từng bước vươn mình trở thành thành phố phồn vinh, sôi động với diện tích hơn 26,6 nghìn héc-ta (bao gồm 19 phường, 8 xã) với dân số khoảng 330 nghìn người; là đô thị hạt nhân của vùng duyên hải Nam Trung Bộ.

Những định hướng, chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như của tỉnh Khánh Hòa, đặc biệt là Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 28-1-2022, của Bộ Chính trị, “Về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã xác định các mục tiêu cụ thể nhằm xây dựng, phát triển Nha Trang trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật và du lịch; là đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế, đầu tàu (1 trong 3 vùng kinh tế - xã hội động lực, trọng điểm) của tỉnh Khánh Hòa và vùng duyên hải Nam Trung Bộ. 

Đặc biệt, sau giai đoạn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9-6-2014, của Ban Chấp hành Trung ương, “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, thành phố có bước phát triển mạnh mẽ về văn hóa - xã hội; trình độ dân trí, nhận thức về vai trò của văn hóa ở các cấp, các ngành và nhân dân ngày càng được nâng cao; nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được bảo tồn, gìn giữ, phát huy; các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo và sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân được quan tâm...

Tuy nhiên, yếu tố văn hóa vẫn chưa thật sự trở thành động lực quan trọng trong xây dựng và phát triển thành phố. Nhiều khó khăn, thách thức trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, con người Nha Trang đang được đặt ra, có tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến nhiệm vụ xây dựng thành phố ngày càng văn minh, hiện đại, phát triển bền vững.

Nhận diện những giá trị văn hóa, con người đặc sắc

Thứ nhất, có thể khẳng định, một trong những đặc trưng của văn hóa Nha Trang là tính đa dạng về văn hóa. Trong quá trình phát triển, nơi đây đã diễn ra sự giao thoa, tiếp biến của nhiều nền văn hóa (từ văn hóa Nam Đảo, văn hóa Chăm, văn hóa người Việt cho đến văn hóa phương Tây), từ đó, tạo dựng nên bản sắc văn hóa riêng của mình. 

Ở khía cạnh bản sắc con người, có một đặc trưng khác biệt và rất giá trị, đó là dù sống ở miền biển, luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn của tự nhiên, nhưng người dân Nha Trang lại rất giản dị, hiền hòa, chất phác. Yếu tố đáng chú ý khác là địa - văn hóa, như nhà bác học Lê Quý Đôn đánh giá, “Nha Trang là đất hình thế trọng yếu một phương”, là nền tảng để trở thành trung tâm văn hóa vùng duyên hải Nam Trung Bộ. 

Tuy nhiên, vùng đất Nha Trang “đẹp nhưng mà hẹp”, “chiếc áo” diện tích đã trở nên chật hẹp trong khi thành phố đang lớn lên từng ngày, do đó, cần chú trọng việc mở rộng không gian phát triển theo cả 4 hướng, làm cơ sở đánh thức và phát huy cao độ các giá trị văn hóa Nha Trang.

Mặt khác, Nha Trang có sự đa dạng tự nhiên, tộc người, tôn giáo, dẫn tới hình thành sự đa dạng về biểu đạt văn hóa. Sự đa dạng văn hóa không phải là thời điểm mà là cả một dòng chảy liên tục từ quá khứ đến hiện tại; không phải có sẵn mà là cả quá trình kiến tạo của các cộng đồng cư dân; không bất biến mà luôn có sự vận động theo hướng bồi đắp, hội tụ, phát triển hoặc phân tán, suy giảm, mai một; không do áp đặt từ bên ngoài hay ý muốn chủ quan của ai mà là sự lựa chọn của tất cả các cộng đồng cư dân sinh sống trên mảnh đất này. 

Trong bối cảnh sự gia tăng mạnh mẽ của các dòng chảy toàn cầu hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, nền văn hóa của thành phố cũng có nhiều thay đổi theo nhiều chiều hướng khác nhau (vừa kế thừa, tái cấu trúc, vừa bổ sung, thêm mới), song sự đa dạng văn hóa vẫn luôn là nền tảng, có vai trò đặc biệt trong kiến tạo sức mạnh, bản sắc nơi đây...

Thứ hai, có một số vấn đề cần được đặc biệt chú trọng, quan tâm, nghiên cứu sâu sắc hơn trong quá trình nghiên cứu về văn hóa, con người vùng đất Nha Trang, đó là phạm vi tìm hiểu không thể chỉ giới hạn, phụ thuộc trong giai đoạn 100 năm, mà phải nhìn ở góc độ bề dày lịch sử cả nghìn năm, bắt đầu từ khi những con người đầu tiên có mặt nơi đây; đồng thời, cần chú ý đến các giá trị văn hóa riêng biệt và sự đa dạng có tính chất giao thoa văn hóa từ xa xưa của Nha Trang trong mối liên hệ tổng thể với nền văn hóa dân tộc Việt Nam,... để bảo đảm tính toàn diện, sâu sắc, khoa học trong đánh giá bản sắc, văn hóa của thành phố.

Thứ ba, qua quá trình lịch sử lâu dài, trong tinh thần con người và văn hóa Nha Trang - Khánh Hòa đã hình thành 4 đặc trưng tiêu biểu: chất hồn hậu, hào hiệp; chất khoan dung, nhân ái, giàu năng lực sáng tạo; chất kiên cường, bản lĩnh cách mạng; chất trí tuệ, giàu năng lực phân tích và khát vọng phát triển. Theo thời gian, từ thế giới của nền văn hóa Chăm, Việt cùng sự tương tác với người Hoa và phương Tây, thành phố đã chuyển mình tiến vào hiện đại và trở thành một bộ phận của nền văn hóa Việt Nam.

Thứ tư, với phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, có bề dày văn hóa, giao thông thuận lợi, thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế, lãnh đạo tỉnh tâm huyết với văn hóa, Nha Trang từng bước trở thành nơi lý tưởng để xây dựng thành thành phố điện ảnh; tuy nhiên, để biến tiềm năng thành hiện thực cần thu hút các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân trong nước, quốc tế đầu tư về tài chính, nguồn nhân lực để đồng hành cùng địa phương. Một điểm khác, từ thuở ban đầu, Nha Trang không phải là một thành phố thương mại, công nghiệp mà là thành phố nghỉ dưỡng, nghiên cứu khoa học, như vậy, đây là vấn đề cơ bản cần lưu ý trong định hướng cho việc phát huy giá trị văn hóa, con người Nha Trang.

Một số giải pháp

Thứ nhất, cần nghiêm túc quán triệt, triển khai, cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người nói chung[1]. Bên cạnh đó, tăng cường huy động mọi nguồn lực tập trung chăm lo sự nghiệp giáo dục; xây dựng đồng bộ thiết chế văn hóa cơ sở, phát triển phong trào văn hóa nghệ thuật quần chúng trong thành phố; đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, đội ngũ cán bộ, giáo viên, những người trực tiếp làm công tác giáo dục với phương châm “có giáo dục tốt sẽ có công dân tốt”.

Thứ hai, trên chặng đường phát triển sẽ không tránh khỏi sự va đập, mâu thuẫn giữa các giá trị truyền thống và hiện đại. Đặc biệt, trong xu thế toàn cầu hóa ngày nay, nhiệm vụ giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời xây dựng các giá trị văn hóa mới ngày càng cấp bách, đóng vai trò then chốt; do đó, phải chú trọng xây dựng con người hiện đại, giữ được tính hiền hòa mến khách nhưng luôn năng động, sáng tạo, có khả năng tiếp nhận những cái mới, cái đẹp, cái tốt và đề kháng, loại bỏ những cái xấu, cái ngoại lai để tạo nên sự hoàn thiện trong nhân cách của mình.

Thứ ba, phải quan tâm đúng mức việc đưa các giá trị lịch sử, văn hóa vào hệ thống văn bản pháp lý; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân và hệ thống chính trị về vai trò động lực của hệ thống giá trị văn hóa, lịch sử, từ đó hình thành các giá trị văn hóa mới, tiến bộ, phù hợp. Mặt khác, thành phố cần tổ chức các sự kiện kỷ niệm lịch sử, các lễ hội văn hóa, đưa giá trị văn hóa, lịch sử vào việc phát triển kinh tế - du lịch của địa phương; đồng thời chú trọng đúng mức, đúng cách việc tuyên truyền, quảng bá hình ảnh tươi đẹp, riêng biệt của thành phố đến với bạn bè trong nước và quốc tế...

Thứ tư, nghiên cứu, xác định hệ giá trị, bản sắc văn hóa, con người Nha Trang hiện nay, trong đó chú trọng tính dân tộc, khoa học, đại chúng, nhân văn, theo tinh thần có kế thừa và phát triển, góp phần vào chiến lược xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Đặc biệt chú trọng tính khoa học, có sự kế thừa các giá trị tích cực và loại bỏ những tư duy, nội dung lạc hậu; đồng thời, đặt văn hóa trong mối quan hệ biện chứng với các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là với phát triển kinh tế, tránh việc hình thành lối sống thực dụng, xã hội hưởng thụ...

Thứ năm, thành phố Nha Trang đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức trong phát triển, như việc phát triển nóng du lịch biển sẽ dẫn tới cạn kiệt tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường; áp lực từ việc hoạch định là đô thị hạt nhân và trở thành cực tăng trưởng của cả vùng khiến Nha Trang dễ đi chệch quỹ đạo trong việc gìn giữ giá trị văn hóa; trách nhiệm, áp lực trong bảo đảm quốc phòng - an ninh và phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn... 

Theo đó, thành phố cần tập trung nhận diện đầy đủ khó khăn và thách thức; quan tâm, chỉ đạo, tranh thủ sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, tạo động lực để phát triển mạnh mẽ, xây dựng Nha Trang trở thành đô thị văn minh, hiện đại, hạt nhân và trung tâm của tỉnh Khánh Hòa; đồng thời, là điểm đến du lịch lớn của khu vực và quốc tế./.


[1] Nghị quyết số 05-NQ/TW, ngày 28-11-1987, của Bộ Chính trị,“Về đổi mới và nâng cao trình độ lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật và văn hóa, phát huy khả năng sáng tạo, đưa văn học, nghệ thuật và văn hóa phát triển lên một bước mới”; Nghị quyết số 03-NQ/TW, ngày 16-7-1998, của Ban Chấp hành Trung ương, “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”; Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9-6-2014, của Ban Chấp hành Trung ương, “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; Kết luận số 76/KL/TW, ngày 4-6-2020, của Bộ Chính trị, “Về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.



27 March 2024
Tản văn
Những ngày hè cháy khát (11/07/2024 20:35:42)
Nguồn cội… (29/04/2024 10:22:58)
Vết sẹo (17/04/2024 17:02:17)