28/04/2025 | 21:32 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Tết nguyên đán - nét phong tục đẹp xưa và nay

Nguyễn Toàn Thắng
PGS,TS, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Tết nguyên đán - nét phong tục đẹp xưa và nay Gói bánh chưng ngày tết - nét văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam_Ảnh: vietnam.vn
Tết nguyên đán là phong tục đẹp có từ lâu đời trên đất nước ta. Đó là sự nhận thức của con người về quy luật vận hành của thiên nhiên tạo hóa, với nhịp điệu thời gian bất tận. Đó cũng là dịp mong ước về năm mới tốt đẹp hơn, từ đó biết ứng phó cho phù hợp với sự phát triển.

Vũ trụ xoay vần

Thời gian một năm có 4 mùa xuân, hạ, thu, đông chuyển động trong 12 tháng: xuân sinh (sự vật sinh sôi nảy nở), hạ trưởng (sự vật trưởng thành đỉnh điểm), thu thu (mùa thu, mọi sự sống thu mình lại, cây trút lá vàng), đông tàng (sức sống của sự vật tiềm tàng bên trong nội lực, không lộ diện, cây cối khẳng khiu chịu giá rét), rồi lại xuân sinh đến hạ trưởng, thu thu, đông tàng. Cứ như vậy, thế giới liên tục tuần hoàn theo quy luật thiên nhiên. Kết thúc một năm là vào cuối mùa đông. Mở đầu một năm mới là tháng giêng mùa xuân với những làn gió ấm áp từ phía Đông thổi đến mà ông cha ta thường gọi gió xuân (hoặc gió đông, nhưng không phải gió mùa Đông Bắc lạnh giá) như Nguyễn Du từng viết “Hoa đào năm ngoái còn cười gió Đông”, hay như cảm thức của Nguyễn Đình Chiểu về gió xuân thổi đến từ phía Đông “Hoa cỏ ngùi ngùi ngóng gió Đông”.

Cuối tháng 12 âm lịch (tháng chạp), tiết trời chuyển động ngày càng rõ rệt, trời vẫn lạnh, độ ẩm tăng dần. Những hạt mưa phùn li ti từ trên không trung bay nhè nhẹ xuống làm ẩm ướt thân cây đào khô gầy sau 3 tháng mùa đông âm thầm tích nhựa sống, kiên cường chống trả rét buốt. Cành đào chợt đung đưa, bên vỏ thân cành cây mềm ướt bỗng cựa quậy, nhúc nhích. Những chồi non đã tách vỏ cây, từ từ trỗi dậy thành lá xanh vươn ra đón gió đông trong nắng mai đang dần ấm lên. Xen lẫn với bất tận cây lá, những nụ hoa đào ban đầu là vô vàn các chấm nhỏ màu đỏ hồng bám sát thân cành cây đào. Rất nhanh, khi đến cận tết, cả vườn đào bừng nở rực rỡ sắc hồng, hoa đào hoàn thành thiên chức sứ giả mùa xuân báo tin tết nguyên đán đã đến.

Lo tết, “ăn” tết

Mỗi khi đến tháng Chạp, người Việt đều có tâm lý mong muốn hướng về quê hương để chuẩn bị lo tết và “ăn tết”. Từ sau rằm tháng chạp, các phiên chợ tết bắt đầu náo nhiệt, đông đúc người mua, kẻ bán với cơ man hàng hóa tết: hành củ, dưa cải, mộc nhĩ, nấm hương, rong, miến, hạt tiêu, gạo nếp, lá dong xanh mướt lấy từ trên rừng, ống giang chẻ lạt, hoặc cả bó giang đã chẻ lạt sẵn; củi gốc cây to hoặc gốc mọ tre già kèm với bao tải trấu dùng để ủ bếp, đun, luộc bánh chưng, bánh tét. Người ta kỳ công tìm bằng được gà giò (gà trống choai) để cúng giao thừa cho linh ứng, theo đó là bóng bì, chân giò, thịt lợn tươi để gói bánh chưng, bánh tét, gói giò, nấu thịt kho Tàu... Các mặt hàng phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh ngày tết cũng được bày bán vô cùng phong phú như trầu, cau, trầm, hương mà phổ biến là hương vòng, hương vàng, hương đen cùng với hàng mã tiền vàng kim ngân, mũ áo, hia giày của Táo quân, cá chép giấy...

Đặc sắc nữa là chợ tranh tết toàn màu hồng điều rực rỡ được bày bán la liệt như hoành phi, câu đối, tranh Đông Hồ màu sắc làm từ thảo mộc được vẽ trên giấy dó với các chủ đề truyền thống xa xưa như: tranh “Lý ngư vọng nguyệt”, tranh 4 bức “tứ bình” xuân - hạ - thu - đông; hay tranh “đám cưới chuột”, “tấn tài tấn lộc”, “vinh quy bái tổ”... Tất cả đều có ý nghĩa cầu mong tài lộc thịnh vượng, cầu mong đỗ đạt, đem lại tiếng thơm cho gia đình, dòng họ, quê hương...

Chợ hoa tết cũng hết sức sôi động với vô số các loại hoa khoe sắc như hoa hải đường, hoa huệ, hoa hồng, lay ơn, thược dược, đào cây, đào cành và vô số cây cảnh non bộ khác. Hàng mía cây tím từng bó lớn còn nguyên lá cũng rất đông người mua. Mía cây thân màu tím, gióng to, ngắn, đầy đặn, chắc khỏe, thường được mọi người mua 2 cây mang về bày hai bên bàn thờ gia tiên như biểu tượng lộc lá ngọt ngào cho năm mới. Cũng có nơi quan niệm, 2 cây mía tím làm gậy ông vải để gia tiên sử dụng “đi, về” với con cháu. Các phiên chợ tết thường vô cùng náo nhiệt, như làm ấm cả tiết trời se lạnh.

Đến 23 tháng chạp hoặc cận 30 tết, bàn thờ gia tiên sẽ được “bao sái” sạch sẽ bằng nước ngũ vị hương đun nóng. Đồ thờ, đồ đồng được chùi đánh sáng choang, sắp xếp ngăn nắp đúng quy cách tín ngưỡng tâm linh. Đêm 30 tết (còn gọi là đêm giao thừa), mọi gia đình đều thực hành tín ngưỡng lễ trừ tịch. Thường thì đêm 30 tết, trời tối đen như mực, và nếu được như vậy thì dân gian cho rằng năm đó sẽ rất tốt, có “mưa gió thuận hòa”, “nhân khang vật thịnh”. Lúc hết giờ hợi và khởi đến giờ tý (thời điểm nửa đêm và bắt đầu bước sang ngày mới mồng một tết), sẽ diễn ra lễ trừ tịch. Đây là thời khắc thiêng liêng đầu tiên của năm mới có ý nghĩa quan trọng đặc biệt về tâm linh. Gia chủ sẽ chuẩn bị cỗ cúng giao thừa thịnh soạn gồm có vàng, hương, trầu cau, hoa tươi, mâm ngũ quả, gà giò, xôi, rượu, thịt, bánh chưng, vàng mã kim ngân,... kính cẩn bày trên bàn thờ gia tiên hoặc bày ở sân trước nhà để cúng ngoài trời. Theo tín ngưỡng tâm linh của dân gian “lễ trừ tịch tiễn và và đón các vị Hành khiển Phán quan của năm cũ và năm mới, đồng thời cầu cúng cả Bản cảnh Thành hoàng và Thổ địa Thần kỳ”[1].

Sáng mồng một tết, trong gia đình nhiều thế hệ, ông bà, cha mẹ sẽ ngồi ở tràng kỷ, hoặc trên sập gụ; người phụ nữ ngồi ở ghế ngồi lùi sau một chút; các con cháu xếp hàng nối tiếp nhau để chúc tết bề trên. Sau khi nhận lời chúc tết từ con cháu, ông bà, cha mẹ sẽ lấy phong bao được làm từ giấy hồng điều gấp lại, đặt trong đó một đồng tiền mới, mệnh giá nhỏ để “mở hàng” cho từng người, mục đích lấy may cho con cháu đầu năm mới có nhiều lộc lá tươi tốt, mong cầu một năm mới gia đình thịnh vượng, an lành.

Những ngày tết, mọi người già trẻ, trai gái, lớn bé đều cần phải ăn mặc tươm tất đón năm mới. Ba ngày tết cũng phải là 3 ngày sung túc, dù sau đó có thể là những ngày khó khăn. Tết là thời điểm con người đánh giá năm cũ và khát khao năm mới phải tốt hơn. Đó là ý nguyện và cũng là khát vọng chính đáng mà con người đưa ra với tinh thần lạc quan lạ kỳ.

Có nhiều biến đổi

Thế kỷ XXI là thời đại bùng nổ của khoa học công nghệ, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số, hội nhập quốc tế và giao lưu văn hóa ngày càng rộng mở làm thay đổi thế giới từng ngày. Phong tục tết nguyên đán đang có nhiều biến đổi, nhưng về cơ bản, nét đẹp văn hóa truyền thống vẫn được trân trọng giữ gìn.

Hàng triệu người Việt náo nức được trở về quê ăn tết vẫn là một nhu cầu không thể thiếu trong xã hội hiện đại. Tuy nhiên, sắm tết giờ đây vô cùng tiện ích bởi xã hội “dịch vụ”. Tất cả hàng hóa tết đều có ở siêu thị (hoặc các phiên chợ quê hay chợ tỉnh) mà chỉ trong một ngày là có thể mua sắm đầy đủ mọi thứ cần thiết cho tết như mâm ngũ quả, bánh chưng, bánh tét, giò, chả, lại thêm đủ loại hoa quả, trái cây, bánh mứt, kẹo đặc sản do thị trường trong nước và nước ngoài cung ứng. Khắp nơi đều có điện thắp sáng, cho nên trẻ em (nhất là trẻ em thành phố) ít biết đến câu nói “tối như đêm ba mươi” của người xưa.

Chợ hoa tết ngày nay bạt ngàn các loại đào cây, đào gốc cổ thụ, đào cành, đào rừng, mận rừng, cây quất, cây cảnh đủ loại; các loại hoa thủy tiên, hoa hải đường cùng với các loại bình, đôn, chậu hoa gốm, sứ,... nhiều hơn vô kể so với tết xưa. Điều ngạc nhiên nhất là đến hôm 30 tết, tất cả hàng hóa có thể được người dân mua hết, hiếm khi hàng bị ế. Có năm đến 30 tết, siêu thị hết hàng, người mua đành chịu “rút kinh nghiệm” cho tết sau. Thế mới biết đời sống và nhu cầu tiêu dùng của nhân dân ngày nay đã phong phú hơn trước rất nhiều. Song vẫn còn những gia đình nghèo ở vùng sâu, vùng xa thiếu thốn, những người thiếu may mắn, vẫn rất cần sự sẻ chia, quan tâm của cộng đồng.

Giờ đây, việc đón tết cũng thay đổi. Nhiều gia đình còn lên kế hoạch du xuân ở một nơi khác quê, trong tư cách một chuyến du lịch “đổi gió” chứ không chịu “cố thủ” đón tết ở quê nhà. Việc chúc tết cũng giản tiện, hợp lý hơn. Nhiều người chúc tết qua hàng triệu tin nhắn điện thoại thông minh đến mức nghẽn mạng, hoặc trò chuyện suốt ngày trên Internet, Facebook, Zalo. Nhiều thanh niên trẻ tuổi lại thích đón giao thừa tại không gian công cộng với đám đông náo nhiệt hơn là cùng gia đình trong đêm trừ tịch.

Tết Giáp Thìn đã đến bên thềm thời gian của xuân 2024. Một mùa xuân mới lại về, tràn đầy sức sống của dân tộc trong thời kỳ đổi mới, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự nghiệp đổi mới trên đất nước ta đã đạt được những thành tựu vô cùng to lớn trên các phương diện kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại... Bởi vậy, Tết Giáp Thìn 2024 còn là sự kết tinh hoa thơm trái ngọt truyền thống mấy nghìn năm tết nguyên đán xa xưa của dân tộc; cũng là dịp thăng hoa vẻ đẹp hương sắc tâm hồn con người Việt Nam đang khao khát vươn lên mạnh mẽ trong quỹ đạo chuyển động chấn hưng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; để văn hóa, con người nước ta thực hiện tốt sứ mệnh vinh quang là nguồn lực nội sinh phát triển nhanh và bền vững, phấn đấu vì một nước Việt Nam luôn vững vàng trước mọi biến động đổi thay, thịnh vượng và hùng cường, đem hạnh phúc đến cho mọi nhà./.


[1] Nhất Thanh, Đất lề quê thói phong tục Việt Nam, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, 2016, tr. 222.

16 February 2024
Tản văn
Hạnh phúc giản đơn (19/02/2025 13:59:36)
Những ngày hè cháy khát (11/07/2024 20:35:42)
Nguồn cội… (29/04/2024 10:22:58)