28/04/2025 | 21:37 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Đôi điều về tộc danh Mông

Trương Hữu Thiêm
Đôi điều về tộc danh Mông Vẽ hoa văn trên vải thổ cẩm của đồng bào dân tộc Mông, tỉnh Hà Giang_Ảnh: TL
Cho tới nay, hầu hết các tài liệu về dân tộc học đều có chung kết luận: đồng bào Mông di cư vào nước ta qua nhiều đợt, trong đó có 3 đợt chủ yếu, đợt sớm nhất cách đây hơn 300 năm. Trải qua quá trình hơn 3 thế kỷ gắn bó cộng sinh, dân tộc Mông trở thành một thành viên trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam...

Khái quát về một tộc người

Nếu xét theo ý cư trú mật tập, địa bàn sinh sống của người Mông chủ yếu nằm trên các triền núi cao, tại các tỉnh miền núi phía Bắc từ Hà Tĩnh trở ra (ngoại trừ trường hợp những cuộc di cư tự do đã đưa một số gia đình người Mông từ các tỉnh Tây Bắc và Việt Bắc vào các tỉnh Tây Nguyên trong vài thập niên gần đây). 

Trước kia, trong khoảng thời gian kéo dài hàng trăm năm, tộc người Mông có tên là Mèo. Theo một tài liệu chuyên ngành phát hành ngày 20-3-1970, của Ban Dân tộc - Khu Tự trị Tây Bắc, cho biết: trong lịch sử sinh tồn của mình, dân tộc Mèo có nhiều tên gọi khác nhau. Tên gọi xưa nhất xuất hiện từ Trước công nguyên, sử sách Trung Quốc ghi là “Miêu tử” hoặc “Miêu dân”, đời nhà Đường (năm 618) có tên là “Miêu tộc”, sang thời kỳ Tưởng Giới Thạch lại gọi là “Thục miêu” hoặc “Sinh miêu”.

Tại Việt Nam, trong các sách “Bắc kỳ cương giới” và “Đại Nam nhất thống chí”, cũng ghi là “Tộc miêu” hoặc “Miêu dân”, hiểu theo nghĩa chữ Nôm... Như vậy, trong số rất nhiều tên gọi vừa nêu, không có từ nào là “Mèo”, vả lại chữ Mèo cũng không có nghĩa gì (trừ khi đó là một ngữ danh từ, chỉ một loài động vật nuôi trong nhà - con mèo). 

Tuy nhiên, theo cố Giáo sư Đặng Nghiêm Vạn, tên gọi Mèo bắt nguồn từ 2 chữ “Tam miêu” (tức theo thuyết của Khổng Tử). Miêu là âm Hán - Việt, có nghĩa người làm ruộng lúa, chỉ những cư dân vùng đất phía Tây sông Hoàng Hà và sông Dương Tử, tập trung nhiều nhất ở vùng hồ Động Đình và hồ Bành Lãi, dưới thời cai trị của đế chế nhà Sở.

Trải qua hơn 8 thế kỷ các triều đại phong kiến Trung Quốc, từ Đường - Tống - Nguyên - Minh - Thanh với vô số các cuộc nổi dậy của nông dân mà trong đó, người Mèo hoặc nhiều hoặc ít đều có tham gia. Song lần lượt các cuộc khởi nghĩa này đều bị chính quyền phong kiến tập quyền dìm trong tang tóc. 

Chế độ chia rẽ và áp bức dân tộc ngày một trầm trọng, tất yếu đã hình thành những cuộc thiên di đầy nước mắt của tổ tiên người Mèo; đồng thời, cũng là những trang sử đấu tranh kiên cường, bất khuất của dân tộc Mèo chống lại thiên nhiên và đặc biệt chống lại giai cấp bóc lột.

Đến giữa thế kỷ thứ XIX, các cuộc khởi nghĩa vẫn liên tiếp nổ ra. Điển hình là cuộc khởi nghĩa Hàm Đông năm 1853 dưới sự lãnh đạo của Trương Tú Mi, bắt đầu từ Đông Nam Quý Châu, lan sang các tỉnh Hồ Nam và Vân Nam, kéo dài suốt 18 năm ròng rã. 

Đây là cuộc khởi nghĩa mà lịch sử Trung Quốc gọi là “Khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc”, đã được dựng thành những bộ phim lịch sử (hoặc dã sử) dài tập, được đưa lên sân khấu hiện đại Trung Quốc quãng vài chục năm lại đây (nhiều bộ phim về giai đoạn lịch sử này từng được chiếu trên các kênh sóng của Đài Truyền hình Việt Nam).

Trong hoàn cảnh chính trị - xã hội rối ren và tàn khốc ấy, một lần nữa tộc người Mông lại buộc phải tiến hành những cuộc thiên di. Mục đích chính nhằm trốn chạy những cuộc truy sát đẫm máu của vương triều nhà Thanh, mặt khác cũng phản ánh tư tưởng bất hợp tác và sau cùng là tìm chỗ sinh sống làm ăn. Nơi họ đến là các nước Đông Nam Á nói chung, Việt Nam nói riêng. 

Các nhà nghiên cứu gọi đây là cuộc di dân quy mô thứ 3, cách ngày nay chừng 150 năm. Sách “Nguồn gốc lịch sử tộc người vùng biên giới phía Bắc Việt Nam” (Nguyễn Chí Huyên chủ biên, Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc, Hà Nội 2000), viết: nhiều vùng người Mèo, trong tang lễ còn có nghi thức mô phỏng những động tác chống trả kẻ thù. Quần áo cho người chết cũng phải xé rách, không quên “dặn” linh hồn người chết luôn luôn nhớ lại cuộc đời cơ cực của cha ông trên đường thiên di về phương Nam (trang 179). 

Mấy trăm năm trải qua cuộc cộng cư trên đất nước Việt Nam, nhiều thế hệ người Mông đã sinh ra và lớn lên, tham gia một cách bình đẳng vào các hoạt động kinh tế - văn hóa - xã hội. Tổ quốc Việt Nam mặc nhiên trở thành quê hương, là nơi gắn bó thiêng liêng vận mệnh của mỗi công dân Mông, với vận mệnh chung của cộng đồng người Mông và của toàn đất nước.

Và một tộc danh

Theo số liệu từ cuộc Tổng điều tra dân số toàn quốc năm 1989, dân tộc Mông ở Việt Nam có 558.053 người. Ngày 15-6-1998, con số do Giáo sư Đặng Nghiêm Vạn công bố là trên 700.000 người. Điều đó chứng tỏ sự an cư lạc nghiệp, chứng tỏ khả năng sinh tồn và phát triển dòng giống của tộc người Mông trên đất nước ta. 

Tại hầu hết các địa phương, người Mông đều tự gọi dân tộc mình là Mông và bà con cũng muốn các dân tộc khác gọi mình như vậy. Mông là tên chung, dùng cho cả một tộc người thống nhất. Tuy nhiên, trong sự thống nhất ấy lại có tính đa dạng, dân tộc Mông được chia ra làm nhiều ngành trên cơ sở trang phục phụ nữ. 

Đó là: Mông trắng (Mông đâu/đơư), phụ nữ mặc váy màu trắng; Mông hoa (Mông lềnh/lình), phụ nữ mặc váy thêu hoa; Mông đỏ (Mông si), phụ nữ cũng mặc váy hoa nhưng màu đỏ là chủ đạo; Mông đen (Mông đú), phụ nữ mặc váy màu đen; Mông xanh (Mông súa/lai), phụ nữ mặc quần màu xanh... 

Dù có nhiều ngành Mông như thế, nhưng trong giao tiếp nhóm Mông này vẫn sử dụng tiếng nói của nhóm Mông kia một cách bình thường, sự khác biệt số lượng âm tiết giữa các nhóm ngôn ngữ là không đáng kể.

Hiện nay, trong số 53 dân tộc thiểu số Việt Nam chỉ 21 dân tộc có chữ viết theo mẫu tự Latin, 4/21 dân tộc ấy sống ở miền núi phía Bắc, trong đó có dân tộc Mông. Ngày 27-11-1961, sau khi “Phương án chữ Mèo” được Hội đồng Chính phủ Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phê chuẩn, bộ chữ Mông (Hmôngz ntươr) chính thức ra đời và được cả cộng đồng người Mông vui sướng đón nhận. 

Đây là loại ký tự đa âm tiết gồm 58 phụ âm đầu, có phụ âm đủ khả năng biểu đạt tới 3 âm tiết. Danh từ riêng “Hmôngz” bao gồm 3 bộ phận cấu thành: phụ âm đầu “Hm” phát âm gần giống chữ “m” trong tiếng phổ thông, nguyên âm “ông” đọc như chữ Việt, chữ “z” sau cùng có chức năng dấu giọng (dấu thanh, thường gọi là dấu). 

Cũng vì thế, khi trình bày theo chữ phổ thông, có người đã lược bỏ chữ “H” ở đầu và chữ “z” ở cuối, thành một từ thuần Việt là “Mông”. Thật mừng là điều này được người Mông chấp nhận vì ngoài sự giản lược trong cách viết, không mang theo ẩn ý gì khác. Tuy vậy, đáng tiếc là trên không ít sách báo, có người do không hiểu ngọn nguồn đã điền thêm dấu phẩy (,) biến chữ H thành chữ H và sau đó đọc là “Hơ Mông”. Thế nên, một thời gian khá dài, xuất hiện nhiều cách viết không đúng khác nhau là “Hmông”, “HMông”, “Hơmông”...

Ngày 2-3-1979, trên cơ sở những kết luận của nhiều ngành khoa học, Chính phủ công bố “Danh mục 54 dân tộc Việt Nam”, trong đó quy định tên gọi pháp lý và chữ viết chính thức của một số dân tộc. Theo đó, dân tộc Kinh gọi là dân tộc Việt; dân tộc Nhắng gọi là dân tộc Giáy, dân tộc Mán gọi là dân tộc Dao, dân tộc Mèo gọi là dân tộc Mông... 

Tại thông báo số 22/TB, ngày 13-1-1992, của Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng, chỉ thị số 45/CT, ngày 23-9-1994, của Ban Bí thư Trung ương Đảng..., vấn đề chữ Mông và tộc danh Mông được đặt ra với cả tầm quan trọng và tính bức thiết của đòi hỏi thực tiễn. Ngày 4-12-2001, Hội đồng Dân tộc Quốc hội (khóa X) có công văn số 903/2001/CV-HĐDT, nêu rõ tên gọi của dân tộc Mông nếu thể hiện bằng chữ phổ thông thì viết là “Mông”, nếu thể hiện bằng chữ Mông thì viết là Hmôngz và cũng đọc là “Mông”.

Để khép lại bài viết này, chúng tôi xin dẫn ý kiến của ông Nguyễn Duy Tiến (Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Điện Biên Phủ, thành viên Hội đồng biên soạn “Giáo trình tiếng Mông”, thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên): cách viết bằng chữ phổ thông và chữ Mông tuy khác nhau về mặt ký tự (Mông và Hmôngz), nhưng đều giống nhau khi đọc (Mông). 

Trong các văn bản hành chính cũng như trên sách báo chữ phổ thông, việc viết đúng tộc danh Mông chẳng những là sự tôn trọng vấn đề quy phạm của văn bản, mà còn thể hiện lối ứng xử văn hóa với một tộc danh, với một tộc người, trong mối quan hệ bình đẳng, khăng khít và tiến bộ của đại gia đình 54 dân tộc Việt Nam.../. Hồ sơ sự kiện số 449 (ngày 25-6-2021)

1 December 2023
Tản văn
Hạnh phúc giản đơn (19/02/2025 13:59:36)
Những ngày hè cháy khát (11/07/2024 20:35:42)
Nguồn cội… (29/04/2024 10:22:58)