Để con đường đến trường không lỗi hẹn
Phạm HọcBão số 3 khiến các trường học trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh bị ảnh hưởng nặng nề. Ngay khi bão tan, các cơ sở giáo dục đã huy động toàn bộ lực lượng cùng sự hỗ trợ của cha mẹ học sinh tiến hành tổng vệ sinh, dọn dẹp khuôn viên trường lớp, thu gom rác thải. Hệ thống điện, nước và những hạng mục bị hư hỏng nhỏ đều được khắc phục.
Tại Quảng Ninh, đã có hàng nghìn lượt bộ đội, công an, các lực lượng địa phương, giáo viên, phụ huynh,... chung tay dọn bùn đất; chặt phát, thu dọn cây xanh, tôn, kính vỡ; thau rửa đồ đạc, sàn nhà, bàn ghế; phun khử trùng phòng, chống mầm bệnh... Chỉ 5 ngày sau bão, tại 13 địa phương trong toàn tỉnh đã tổ chức các hoạt động giáo dục đạt 89%.
Tuy nhiên, do mất điện, mất nước nên toàn tỉnh chỉ có một số ít trường tổ chức ăn bán trú cho học sinh. Với tinh thần “khó khăn gấp đôi, phải quyết tâm gấp ba”, đến nay, nhiều cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh cơ bản khắc phục xong hậu quả của bão số 3. Riêng huyện Cô Tô, vì là huyện đảo ngoài khơi nên toàn bộ các trường học bị thiệt hại nặng nề chưa thể khắc phục được hoàn toàn.
Thầy giáo Đỗ Văn Quang - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cô Tô - cho biết: “cơn bão số 3 đã gây hậu quả vô cùng lớn đối với toàn huyện. Hệ thống các phòng học, cây xanh trong khuôn viên nhiều trường bị bão càn quét, phá hoại hư hỏng toàn bộ. Trường tiểu học thị trấn bị bay mất toàn bộ mái tôn khu nhà học 3 tầng, cổng trường hỏng và đổ 3m tường rào, vỡ 4 ô kính hành lang dãy phòng học. Trường Trung học cơ sở Thanh Lân, gió bão thổi bay toàn bộ mái tôn các dãy phòng học, phòng hiệu bộ, nhà truyền thống, nhà đa năng... Để bảo đảm ổn định công tác giảng dạy tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cô Tô đã chỉ đạo các trường tích cực khẩn trương rà soát, kiểm tra mức độ thiệt hại và đề xuất những hạng mục cần sửa chữa, khắc phục, để nhanh chóng tổ chức hoạt động giáo dục”.
Tương tự, huyện đảo Vân Đồn có trường học vẫn chưa khôi phục được điện, nước phục vụ học sinh nên chưa tổ chức được ăn bán trú. Ông Hoàng Anh Tuấn - Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Bản Sen, huyện Vân Đồn - cho biết: “Bản Sen là một xã đảo nên bão vào sớm, gây thiệt hại nhiều hơn. Các trường học trên địa bàn đều bị bay mái, hư hỏng cửa chính, cửa sổ, bàn ghế, hỏng hóc các thiết bị dạy học của giáo viên và học sinh. Tại gia đình các em, có 136 hộ bị tốc mái nhà, trong đó có 5 hộ hỏng không thể ở được nữa”.
Vì thế sau bão, con đường đến trường của các bạn nhỏ cũng thêm vất vả, gập ghềnh hơn. Trường học nào cũng bị tốc mái tôn, vỡ cửa kính, có mái tôn bay ra tận cánh đồng. Hiện các cháu học sinh đã được đến trường trở lại, nhưng điện, nước thì vẫn chưa có.
Cô giáo Nguyễn Thị Mến - Chủ tịch công đoàn Trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Bản Sen - chưa hết lo lắng: “trường chỉ có 2 giáo viên là người địa phương còn lại từ đất liền ra tăng cường. Sau bão, nhiều giáo viên từ Vân Đồn, Cẩm Phả ra thấy nhà bị tốc mái, cây đổ, khung cảnh tan hoang, nhìn mà không khỏi xót xa, bàng hoàng. Giáo viên dọn trường cả tuần mới tạm ổn để đón học sinh đến trường.
Khác với tuyến đảo, Ba Chẽ là huyện miền núi nơi có độ dốc cao của tỉnh Quảng Ninh. Do ảnh hưởng hoàn lưu bão, đã xảy mưa to kéo dài, kết hợp với lũ trên thượng nguồn đổ về gây lũ lớn trên sông Ba Chẽ, chia cắt cục bộ nhiều cụm dân cư, học sinh không thể đi học. Ngay sau khi lũ rút, lãnh đạo huyện đã trực tiếp xuống hiện trường, chỉ đạo các lực lượng, phương tiện khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai, mưa lũ; hỗ trợ các trường học dọn dẹp bùn đất, vệ sinh môi trường, bảo đảm việc học tập của các em học sinh.
Cô Đỗ Thị Huệ - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở thị trấn Ba Chẽ - cho biết: “nhà trường đã nhận được sự quan tâm của huyện, thị trấn và các lực lượng chức năng và ngành giáo dục trong công tác khắc phục hậu quả do siêu bão và lũ lớn trên sông gây ra. Công tác khắc phục đã cơ bản hoàn tất, chúng tôi cùng với nhiều trường trong huyện đã bảo đảm công tác dạy và học từ ngày 11-9”.
Tuy là đô thị thủ phủ, các trường kiên cố và kín gió hơn nhưng thành phố Hạ Long vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão số 3. Toàn thành phố có 117 trường từ mầm non đến trung học phổ thông và 2 trung tâm giáo dục thường xuyên của tỉnh, thành phố đều bị thiệt hại. Trong đó, nhiều trường bị tốc hết mái tôn. Các phòng học vỡ kính, sập nhà để xe, toàn bộ đồ chơi ở sân trường bị thổi bay và vỡ hỏng. Nhiều cổng trường bị đổ, nhiều cây xanh bị gãy...
Tuy nhiên, chỉ sau 3 ngày triển khai chiến dịch cao điểm khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 để lại, bằng sự nỗ lực của các nhà trường cùng toàn hệ thống chính trị và sự chung tay của các lực lượng vũ trang, thành phố đã có 85% số trường học bảo đảm an toàn cho học sinh đến lớp.
Đến nay, toàn bộ học sinh trên địa bàn thành phố đã trở lại trường, tuy nhiên một số trường vẫn chưa thể bố trí ăn trưa bán trú buổi trưa. Những ngày tới, các trường học của thành phố Hạ Long tiếp tục phát huy sự chủ động, không trông chờ vào tỉnh, vào thành phố; tiếp tục tổ chức dọn vệ sinh trường lớp, khắc phục hậu quả của bão và có biện pháp phòng, ngừa dịch bệnh, bảo đảm an toàn cho học sinh.
Bên cạnh đó, thành phố Hạ Long và các đơn vị quân đội bố trí lực lượng hỗ trợ để các trường hoàn thành việc sửa chữa, dọn dẹp cây cối trong thời gian nhanh nhất. Đối với Trung tâm Hướng nghiệp và Giáo dục thường xuyên, do thiệt hại quá lớn, không thể khắc phục được ngay, thành phố đề xuất chuyển một bộ phận sang hoạt động tạm thời ở cơ sở khác.
Tương tự, tại thành phố Uông Bí, toàn bộ 50/50 trường học bị đổ gãy cây xanh, cổng, tường rào, bị vỡ kính hệ thống cửa và cầu thang, bị tốc mái tôn chống nóng, các phòng học. Hệ thống điện, mạng, hệ thống cấp nước và các thiết bị phục vụ công tác giảng dạy, các phòng chức năng bị hư hỏng... Nhiều trường lớp tan hoang sau bão.
Thành phố Uông Bí đã thống nhất linh động nguồn kinh phí cấp ngay cho việc khắc phục hậu quả sau bão tại các trường học, sửa chữa, thay mới các hạng mục hư hỏng, ưu tiên hạng mục về kính và mái tôn nhằm bảo đảm an toàn lớp học.
Nhờ vậy, chỉ 4 ngày sau bão, 100% số trường học cơ bản khắc phục các hạng mục về kính, mái tôn bị hư hỏng, bảo đảm giáo viên và học sinh được dạy và học trong phòng học kín gió, không bị thấm dột. Cô giáo Nguyễn Thị Mơ - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Lợi (thành phố Uông Bí) - chia sẻ: “3 ngày sau bão, học sinh của trường đã đi học trở lại. Nhà trường đã bảo đảm các điều kiện an toàn để tổ chức hoạt động giáo dục. Trước mắt, nhà tường tổ chức học 1 buổi/ngày, chưa tổ chức ăn bán trú. Chúng tôi sẽ cố gắng bảo đảm mọi hoạt động giáo dục ở trường diễn ra bình thường theo đúng khung kế hoạch thời gian năm học 2024 - 2025”.
Trong khi tại nhiều địa phương phải cho học sinh nghỉ học cả tuần, đến mãi ngày 16-9, thậm chí có trường dài hơn nữa thì Quảng Ninh đã nỗ lực bằng mọi giá không thể để các em chậm trễ việc quay trở lại trường. Sau bão, con đường đến trường của học sinh có vất vả hơn, nhưng các điều kiện về bảo đảm an toàn và trang bị phương tiện dạy học đã dần được khắc phục một cách tốt nhất, đầy đủ nhất./.