26/04/2025 | 08:02 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Bảo vệ di sản văn hóa ở một số nước châu Âu

Vân Dung
Bảo vệ di sản văn hóa ở một số nước châu Âu Khách du lịch đi thuyền gondola tại Venice, Italia_Ảnh: TL
Ở châu Âu, việc bảo vệ và phát triển di sản văn hóa, thiên nhiên đã trở thành phong trào văn hóa toàn cầu do Liên hợp quốc đề xướng. Nền văn minh của châu Âu đã xác định vị thế cao nhất của di sản văn hóa, khẳng định nhu cầu bảo vệ và sử dụng hiệu quả di sản cũng là một trong những nguồn lực quan trọng thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

Italia: Mục tiêu cơ bản của phát triển văn hóa quốc gia

Theo thống kê của UNESCO, khoảng 60% đến 70% số di tích tiêu biểu nhất của châu Âu tập trung ở Italia, bao gồm hơn 6.000 địa điểm khảo cổ (không bao gồm dưới nước), 100.000 nhà thờ, 50.000 công trình lịch sử, 1.500 tu viện, hơn 20.000 lâu đài cổ, 900 trung tâm lịch sử của các thành phố cổ và vô số di tích văn hóa bất động sản khác, như biệt thự, trang viên, cung điện, công trình lịch sử...

Vào thế kỷ XV, Tòa thánh đã ban hành sắc lệnh quốc gia đầu tiên trước khi Italia thống nhất, nhằm ngăn chặn việc phá hủy và sự mất mát các tác phẩm nghệ thuật. Giáo hoàng Pius VII đi đầu trong nỗ lực bảo vệ di sản văn hóa và nghệ thuật, thúc đẩy sự phát triển của khảo cổ học. Năm 1820, Italia ban hành Luật Bảo vệ di sản văn hóa và đưa ra lý thuyết “phục hồi khảo cổ học”. Sau khi Italia thống nhất (năm 1860), 2 đạo luật được thông qua vào năm 1902 và 1909, tập trung vào các vấn đề liên quan đến việc bảo tồn di sản văn hóa, trở thành những quy định sớm nhất về di sản văn hóa.

Hầu hết các luật hiện hành của Italia liên quan đến di sản văn hóa đều được ban hành vào cuối những năm 30, đầu những năm 40 của thế kỷ XX. Sau khi chế độ phát-xít sụp đổ, Hiến pháp mới của Italia (năm 1947) đã đặt “bảo vệ di sản”, “tự do tư tưởng và nghệ thuật” và “thúc đẩy xây dựng văn hóa” là mục tiêu cơ bản của phát triển văn hóa quốc gia; phát triển văn hóa trở thành trách nhiệm được quy định trong Hiến pháp. Năm 1964, Italia thông qua Hiến chương Venice, trở thành tiêu chuẩn quốc tế để các nước châu Âu bảo vệ di tích và di sản văn hóa.

Chính phủ Italia đã đầu tư rất nhiều công sức vào việc bảo vệ di sản văn hóa, tích lũy kinh nghiệm phong phú về sự tham gia của công chúng vào việc bảo vệ di sản văn hóa. Các chính sách và quy định bảo vệ di sản của Italia, cũng như nền tảng bảo vệ, được thành lập bởi các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.

Chính phủ Italia cũng đóng vai trò to lớn trong thúc đẩy toàn xã hội quan tâm đến việc bảo vệ di sản văn hóa. Tất cả các tổ chức công cộng đều đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và phát huy di sản văn hóa. Trong những năm 90 của thế kỷ XX, chính quyền trung ương dần phân cấp quyền lực cho chính quyền địa phương và các thành phố trực thuộc trung ương, chính quyền các cấp cùng hợp tác để thúc đẩy lợi ích kinh tế và xã hội của các nguồn tài nguyên văn hóa. Nhà nước chịu các khoản chi tiêu tương ứng thông qua thuế chung. Khu vực công đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và phát huy di sản văn hóa, hầu hết quỹ bảo vệ đều đến từ tài chính công.

Pháp: Tích cực nâng cao nhận thức quốc gia về bảo vệ di sản văn hóa

Ở Pháp, khái niệm di sản văn hóa bắt đầu từ Cách mạng Pháp. Để hạn chế những thiệt hại về văn hóa do cách mạng gây ra, chính quyền cách mạng đã tuyên bố quốc hữu hóa các di tích văn hóa và di sản kiến trúc vào năm 1792. Năm 1840, Pháp ban hành luật bảo vệ di sản văn hóa đầu tiên mang tên Đạo luật về công trình lịch sử - là luật đầu tiên trên thế giới về bảo vệ di sản văn hóa. Trong các kế hoạch bảo vệ di sản văn hóa của Pháp, Chính phủ Pháp chuyển giao một phần hoạt động quản lý và phát huy di sản cho các tổ chức tư nhân, phần còn lại trao cho các tổ chức quản lý di sản. Các tổ chức quản lý di sản chủ động lựa chọn những phương pháp phù hợp dựa trên đặc điểm riêng của di sản để giải quyết những bất đồng giữa các chủ thể trong việc bảo vệ di sản và sử dụng lợi ích di sản mang lại, đồng thời nhấn mạnh tính khoa học và tính hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan quản lý các ngành công nghiệp bảo vệ di sản. Về mặt quy định, mang tính chặt chẽ nhưng cởi mở, chú trọng bảo vệ và phát triển như nhau.

Để bảo vệ tốt hơn các công trình cổ và đáp ứng nhu cầu sinh sống của người dân, Chính phủ Pháp chỉ định các khu vực đặc biệt để xây dựng những cộng đồng hiện đại. Đồng thời, Pháp phê duyệt kinh phí và sẽ cung cấp lần lượt 40%, 50% kinh phí để bảo vệ và sửa chữa các công trình cổ, nhà cổ. Pháp cũng quy định việc phá dỡ và cải tạo các công trình cổ phải được chính phủ chấp thuận và nhà nước sẽ cấp kinh phí. Ngân sách trung bình hằng năm của Pháp để sửa chữa các di tích lịch sử ước khoảng 305 triệu euro.

Bảo tồn di sản văn hóa, lịch sử của Pháp được phát triển gắn liền với nhận thức sâu sắc công chúng. Trong những năm 50 và 60 của thế kỷ XX, người dân Pháp tự nguyện tổ chức và thành lập các tổ chức bảo vệ khu phố như Hiệp hội Nhà cổ và Hiệp hội Cư dân lịch sử để bảo tồn không gian lịch sử và văn hóa. Pháp luôn tích cực nâng cao nhận thức quốc gia về việc bảo vệ di sản văn hóa, lịch sử. Năm 1984, Pháp tiên phong tổ chức Ngày Di sản văn hóa và chỉ định đó là ngày cuối tuần thứ ba của tháng 9 hằng năm.

Việc bảo vệ di sản văn hóa đã nâng cao hiệu ứng thương hiệu của văn hóa dân tộc, đặc biệt đóng vai trò tích cực trong việc thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế du lịch Pháp. Với dân số hơn 60 triệu người, đón trung bình hơn 70 triệu khách du lịch nước ngoài mỗi năm, doanh thu du lịch trung bình hằng năm là 40 tỷ euro, Pháp đã trở thành điểm đến du lịch số một thế giới trong nhiều năm.

Đức: Hệ thống pháp luật bảo vệ di sản hoàn thiện

Sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, chính sách văn hóa của Đức luôn thiên về công khai, xã hội hóa di sản văn hóa. Bảo vệ di sản văn hóa được coi là vấn đề chung của mỗi bang. Có một số quỹ quốc gia được xây dựng nhằm bảo vệ di sản văn hóa, chẳng hạn như Quỹ Di sản văn hóa Phổ ở Thủ đô Berlin, Quỹ Văn hóa quốc gia ở thành phố Halle và Quỹ Văn hóa liên minh nhà nước (là một tổ chức được tài trợ và giám sát bởi các bang) có trụ sở chính tại Thủ đô Berlin.

Các luật chính liên quan đến di sản văn hóa do Đức ban hành bao gồm: Luật Bảo vệ di sản văn hóa khỏi bị mất mát năm 1955 sửa đổi năm 1998, Luật Bảo vệ di sản văn hóa trong xung đột vũ trang ban hành năm 1967 và sửa đổi năm 1971; năm 1980 ban hành Quy định về bảo vệ di tích và di tích văn hóa trong các quy định của Liên bang; Luật Phục hồi di sản văn hóa được ban hành năm 1998; 2 nghị quyết do Ủy ban quốc gia Đức về UNESCO ban hành: Nghị quyết về bảo vệ di sản văn hóa chống trộm cắp và xuất khẩu bất hợp pháp được thông qua năm 2003 và Nghị quyết về bảo vệ di sản văn hóa chống trộm cắp và xuất khẩu bất hợp pháp được thông qua trong Nghị quyết năm 2006 về Di sản thế giới ở Đức do UNESCO chỉ định.

Việc bảo vệ di sản văn hóa Đức được hỗ trợ nhiều bởi xã hội, đặc biệt là các nhóm tư nhân. Ngoài những tổ chức chính thức, còn có các tổ chức phi chính phủ về di sản văn hóa quốc gia, bao gồm Hiệp hội Bảo vệ di sản văn hóa địa phương, Ủy ban quốc gia Đức về bảo vệ di sản văn hóa, Liên minh môi trường và quê hương Đức... Việc bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể ở Đức chủ yếu được thực hiện bởi các hiệp hội bảo vệ văn hóa quê hương ở mỗi bang, chẳng hạn như tổ chức phi chính phủ Hiệp hội Bảo vệ văn hóa quê hương Bavaria./.

1 March 2024
Tản văn
Hạnh phúc giản đơn (19/02/2025 13:59:36)
Những ngày hè cháy khát (11/07/2024 20:35:42)
Nguồn cội… (29/04/2024 10:22:58)