04/05/2025 | 11:49 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Thắng thua và công nghệ

Dư Hồng Quảng

Một đám binh sĩ lèo tèo 168 người đã nghiền nát một đội quân đông hơn họ 500 lần, đó là chiến công lẫy lừng của quân Tây Ban Nha trong trận Cajamarca ngày 16-12-1532. Chiến thắng này cho thấy sự khác biệt về công nghệ vũ khí giữa 2 nền văn minh. Câu chuyện được ghi lại trong cuốn “Súng, vi trùng và thép” của Jared Diamond (Nhà xuất bản Tri thức, năm 2019).

Quân Tây Ban Nha khi ấy chỉ có 10 khẩu súng hỏa mai - loại súng thô sơ của châu Âu. Nhưng thế kỷ XVI, người bản địa châu Mỹ chưa từng biết đến súng đạn. Tiếng nổ của súng hỏa mai làm rụng rời chân tay một đội quân hùng hậu nhất, làm choáng váng tinh thần một đế quốc vĩ đại nhất ở châu Mỹ. Hoàng đế Atahualpa - chúa tể của đế quốc Inca - đã bị quân Tây Ban Nha bắt sống. Nhà nước lớn nhất, tiên tiến nhất ở tân thế giới đã bị chinh phục.

Sự vượt trội về vũ khí của dân tộc ta lần đầu tiên được kể trong truyện nỏ thần. Trước họa xâm lăng của giặc phương Bắc, Vua An Dương Vương lấy móng của rùa vàng cho, sai tướng Cao Lỗ chế làm lẫy nỏ. Nỏ thần mỗi lần bắn ra hàng ngàn mũi tên, kẻ địch dù đông đúc và hùng mạnh đến đâu cũng khó lòng thoát chết. Có được bảo bối này, thành Cổ Loa của nước Âu Lạc là bất khả xâm phạm.

Nhân kỷ niệm chiến thắng Vua Quang Trung đại phá quân Thanh đầu năm 2022, báo chí có đăng bài về siêu vũ khí của quân Tây Sơn. Trước trận đánh, ngày 30 tết, Vua Quang Trung khao quân ăn tết sớm. Ngài hẹn với ba quân sẽ ăn tết tại Kinh thành Thăng Long vào ngày mùng 7 Tết Kỷ Dậu (năm 1789). Nhà vua khẳng định chỉ cần vài ngày để tiêu diệt toàn bộ quân Thanh, một đội quân xâm lược khổng lồ và thiện chiến.

Để hình dung sự chuyên nghiệp, thiện chiến này của giặc, chúng ta nhớ rằng sau khi chiếm được Trung Quốc, quân Thanh đã mở rộng lãnh thổ nước này lên gấp đôi. Với binh lính ít hơn hẳn so với đối thủ, tại sao Vua Quang Trung lại tự tin sẽ chiến thắng chóng vánh, phải chăng vì ngài có một thứ siêu vũ khí làm bảo bối?

Sử sách nhà Thanh ghi rõ 5.000 quân Thanh chết ngay lập tức, gần 14 vạn quân Thanh chết trong nửa ngày. Sự hủy diệt ấy không thể do gươm giáo thông thường. Đó là do một loại vũ khí vượt trội về công nghệ của Vua Quang Trung, người đương thời gọi là hỏa hổ (hổ lửa, ống phun lửa). Loại vũ khí này với sức nóng đến 2.0000C, lập tức hủy diệt kẻ địch tại chỗ, đồng thời gây mất ô xy trên diện rộng khiến số lượng lớn quân thù chết ngạt trong vài phút.

Tướng giặc là Trần Gia Ôn thoát được về nước, hốt hoảng tâu lên hoàng đế nhà Thanh rằng hỏa hổ của quân Nam nhanh như sấm chớp, nóng như thò tay vào vạc dầu. Quân có tinh nhuệ đến mấy cũng không thể nào tránh, chống đỡ được. Gặp vũ khí này thì gươm đao cũng thành vô hiệu, khiên mác cũng hóa vô dụng.

Thắng thua vì khoa học công nghệ là bài học lịch sử, cũng là vấn đề luôn mang tính thời sự. Tại Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số lần thứ 3, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã đưa ra một cam kết mạnh mẽ:“nếu ngày này năm sau, Thủ tướng đến Diễn đàn mà không nhìn thấy sự phát triển của lĩnh vực công nghệ số, các sản phẩm do những doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam làm ra, giúp cho người dân hạnh phúc, đất nước phát triển, tôi xin phép từ chức”.

Một đất nước lạc hậu về công nghệ sẽ đau khổ như thế nào. Có lẽ bạn sẽ thấy câu trả lời khi một lần qua phố Phan Đình Phùng, nhìn vết đại bác còn hằn trên cổng thành Cửa Bắc. Tự tin về công nghệ vũ khí áp đảo, 5 giờ sáng ngày 25-4-1882, Đại tá Henri Riviere gửi tối hậu thư, hạn đến 8 giờ sáng, quan quân nhà Nguyễn trong thành Hà Nội phải giải giáp. Tổng đốc Hoàng Diệu quyết tử, không chịu đầu hàng. Đúng 8 giờ 15, các pháo thuyền của Pháp từ sông Hồng bắn đại bác vào thành. Tới 10 giờ 45, quân Pháp đổ bộ tấn công và 11 giờ thì chiếm được thành Hà Nội.

Hai vết đạn lõm sâu trên tường thành Cửa Bắc in dấu một giai đoạn đau thương của dân tộc Việt Nam khi phải chống trả sự xâm lược của đội quân nhà nghề với vũ khí vượt trội. Sau khi bình định Bắc Kỳ, giặc Pháp cho phá hết thành Hà Nội nhưng để lại cổng Bắc Môn (Cửa Bắc) để cảnh cáo những ai có ý định chống Pháp.

Nhìn vết đạn hằn trên thành Cửa Bắc ngày nay, nghĩ về vết thương xuyên qua 3 thế kỷ, ta sẽ thấu hiểu rằng thua về khoa học công nghệ đau đớn biết chừng nào. Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu và bao anh hùng liệt sĩ dũng cảm có thừa, tận trung báo quốc, nhưng không giữ được thành chỉ vì thua về vũ khí. Nay chúng ta hội nhập quốc tế, thị trường là chiến trường, thắng thua cũng không nằm ngoài 2 chữ “công nghệ”./.

25 August 2023
Tản văn
Hạnh phúc giản đơn (19/02/2025 13:59:36)
Những ngày hè cháy khát (11/07/2024 20:35:42)
Nguồn cội… (29/04/2024 10:22:58)