Những bài ca thiên cổ
Dư Hồng QuảngThời Hán Sở tranh hùng bên Trung Quốc, đại tướng quân Hàn Tín chỉ huy quân Hán lập trận trường xà bát quái bao vây quân Sở ở Cai Hạ. Nhưng lòng quân Sở vẫn không rối loạn vì Sở vương Hạng Vũ quá dũng mãnh.
Trong một ngày, Hạng Vũ đánh lui hơn 60 viên tướng Hán. Luôn mấy ngày đánh với Hạng Vũ, các tướng nhà Hán không ai địch nổi. Với khí thế đó, Hạng Vũ có thể phá được vòng vây, thoát về Giang Đông, chuyển bại thành thắng. Hàn Tín lo lắng, bèn mời Trương Lương hiến kế.
Trương Lương bèn bày cho Hàn Tín kế “tâm công”, cụ thể là đánh vào lòng người nước Sở xa quê. Đêm càng khuya gió thu càng lạnh lẽo, bỗng từ xa một khúc tiêu vang đến. Tiếng tiêu của Trương Lương thổi giữa đêm gợi vào lòng người một mối buồn viễn chinh.
Tiếng tiêu ấy kèm theo khúc bi ca nỉ non, réo rắt: “Đêm thu mù mịt trời sương/ Có người thiếu phụ quê hương lạnh lùng/ Sa trường vó ngựa/ Trẩy gót binh nhung/ Con thơ nheo nhóc mịt mùng dặm xa/ Cơ hàn đau đớn mẹ cha/ Canh khuya vò võ tuổi già đợi con”.
Nghe tiếng tiêu và lời hát bi ai, quân Sở kẻ khóc, người buồn ngồi đứng không an. Tiếng thì thầm bàn tán truyền đi khắp dinh trại: “chúng ta tòng quân lâu ngày, bỏ nhà xa vợ con theo Sở vương. Nếu cứ mãi thế này biết bao giờ đoàn tụ gia đình!”.
Ba quân bàn tán rồi cùng nhau bỏ trại đi hết. Chỉ trong chốc lát, dinh Sở trống không. Trương Lương chỉ dùng một tiếng tiêu đã làm tan rã đại quân nước Sở. Hạng Vũ, chiến tướng có sức mạnh vô địch thiên hạ, cuối cùng phải rút gươm đâm cổ tự vẫn ở bến Ô Giang. Câu chuyện bi hùng này ghi trong cuốn “Hán Sở tranh hùng” (Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin, năm 2009).
Về sức mạnh của tiếng hát lời ca, sách “Đông Chu liệt quốc” (Nhà xuất bản Khoa học xã hội, năm 1988) cũng có câu chuyện thú vị. Thời Xuân Thu, Quản Trọng là người kỳ tài, Bão Thúc Nha muốn đưa về nước Tề, nhưng sợ nước Lỗ giữ lại.
Bão Thúc Nha bèn lập mưu nhốt Quản Trọng vào xe tù, nói là giải về nước Tề để trị tội. Quản Trọng muốn mau chóng thoát khỏi nước Lỗ, bèn đặt ra một bài ca để dạy quân Tề hát. Quân Tề nghe hát, vui tai quên nhọc, ngựa bon xe ruổi, một ngày đi được bằng hai ngày đường.
Khi nước Lỗ phát hiện, đuổi theo thì xe tù đã vượt qua địa giới. Bão Thúc Nha mừng lắm, tiến cử Quản Trọng với Tề Hoàn công (tên thật là Khương Tiểu Bạch). Đời sau, Khổng Tử nói: “Quản Trọng làm tể tướng cho Tề Hoàn công, giúp Tề Hoàn công làm bá chủ chư hầu, giúp cho thiên hạ thái bình, đến đời nay dân vẫn còn chịu ơn”.
Tài kinh bang tế thế của Quản Trọng, sử sách đã ghi. Chỉ riêng khả năng sáng tác lời ca tác động đến binh sĩ, ông đã lưu danh thiên cổ. Chuyện kể rằng khi Tề Hoàn công đánh nước Cô Trúc, đường hành quân vô cùng hiểm trở. Quản Trọng lại làm mấy bài ca “thượng sơn, hạ sơn” để quân sĩ vùa hát vừa đẩy xe cho vui. Xe chạy băng băng, lên được điểm cao có thể khống chế chiến cuộc, giành được thắng lợi.
Tề Hoàn công hỏi vì sao, Quản Trọng nói: “người ta thân thể khó nhọc thì tinh thần mỏi mệt. Nếu khiến cho tinh thần vui vẻ thì sự khó nhọc có thể quên đi được”. Tề Hoàn công cảm phục nói: “ngày nay ta mới biết văn chương cũng có thể giúp sức cho người ta được nhiều!”.
“Tư tưởng không thông đeo bình tông không nổi” là một câu phổ biến nói về sức mạnh tinh thần. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đại bác là vũ khí tấn công uy lực nhất của quân đội ta. Một cỗ đại bác nặng hàng tấn, bộ đội ta gọi thân mật là “voi chiến”, được kéo bằng tay lên chiến trường.
Chứng kiến bao hiểm nguy, gian nan của bộ đội ta ngày đêm kéo pháo vượt qua dốc cao vực sâu, nhạc sĩ Hoàng Vân đã sáng tác bài “Hò kéo pháo”. Lời ca hùng tráng không chỉ cổ vũ bộ đội ta vượt qua gian khó. Bài hát này đã vượt qua năm tháng, còn vang vọng mãi tới ngày nay: “Hò dô ta nào, kéo pháo ta vượt qua đèo/ Hò dô ta nào, kéo pháo ta vượt qua núi/ Dốc núi cao cao, nhưng lòng quyết tâm còn cao hơn núi/ Vực sâu thăm thẳm, vực nào sâu bằng chí căm thù”.
Sách giáo khoa giai đoạn 1976 - 1979 cũng có bài tập đọc lớp 2 về bộ đội ta kéo pháo lên Điện Biên: “Ta đi lên đèo/ Ta leo lên dốc/ Voi ơi khó nhọc/ Khó nhọc cũng trèo!/ Con đường gieo neo/ Là đường vệ quốc/ Tha hồ đèo dốc/ Ta hò ta reo!”.
Đọc lại bài thơ xưa, nghe lại câu ca cũ để biết một thời “tiếng hát át tiếng bom” là hoàn toàn có thật. Chiến tranh đã lùi xa, cuộc sống đã đổi thay thì lời hát bài ca ngày nay cũng khác. Tiến bộ là quá trình kế thừa và phát triển. Không ai muốn chiến tranh, nhưng cũng chớ quên những bài ca vệ quốc./.









Các bài cũ hơn



