Học từ người Nhật
Dư Hồng Quảng“Trong ba năm rưỡi Nhật chiếm đóng, tôi đã học được nhiều điều hơn ở bất kỳ trường đại học nào”. Người nói câu này là Thủ tướng Lý Quang Diệu, người sáng lập đất nước Singapore.
Trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai, Đế quốc Nhật Bản xâm chiếm các nước châu Á, trong đó có Singapore. Là người dân mất nước, ông Lý Quang Diệu căm ghét tội ác của quân Nhật, nhưng ông cũng thừa nhận mình đã học được nhiều điều từ kẻ thù.
Ông khâm phục tính kỷ luật và tự giác cao của người Nhật. Ông ghi lại trong cuốn “Hồi ký của Lý Quang Diệu” (Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh) rằng binh lính Nhật xếp hàng nối đuôi nhau bên ngoài “ngôi nhà giải trí” (lầu xanh) trên đường Cairnhill. Không ồn ào, không chen lấn, không tranh giành. Điều này là rất khác so với những đội quân viễn chinh.
Có rất nhiều câu chuyện cho thấy sự khác biệt của người Nhật. Bạn tôi vừa có chuyến đi Nhật Bản về. Anh kể về một hình thức bán hàng chưa từng thấy ở vùng nông thôn Nhật Bản. Đó là những quầy hàng nông sản không có người bán bên quốc lộ đi qua các trang trại. Ai mua gì thì tự trả theo giá đề ở các mặt hàng, hoặc tự cân, tự tính tiền và tự trả tiền vào hộp.
Anh viết trên Facebook: “tôi đã đi đủ các châu lục, và tôi dám khẳng định, trên hành tinh này, không một quốc gia nào người dân có tính tự giác, trách nhiệm và kỷ luật hơn được người Nhật”.
Tôi cũng có may mắn đi công tác tại Nhật, xin kể mẩu chuyện nhỏ. Một sáng sớm đi tập thể dục, tôi cùng anh Võ Đình Kha - Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Bình Định - từ trên công viên rẽ xuống bờ kênh Keihin Canal. Một bà đang lúi húi trên bờ kênh, không nhìn thấy chúng tôi. Lại gần thấy bà đang dùng giấy vệ sinh để gói ghém phân con chó vừa thải ra, bỏ vào túi xách đeo bên mình.
Tôi đã nói với anh Kha, ở đây vắng người, không ai trông thấy, cớ sao bà ấy phải dọn sạch phân chó? Bà ấy có thể không làm vậy được mà, có ai biết đâu? Anh Kha bảo hôm qua anh đi bộ cũng gặp một người khác, ông ấy cũng làm y như vậy. Họ sẽ mang chất thải của vật nuôi đến đúng nơi quy định. Đó là việc tự giác của từng người dân Nhật Bản.
Đi cùng đoàn công tác chúng tôi có chị Thùy Trang - Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ Thừa Thiên - Huế. Chị bảo câu chuyện trong nhà vệ sinh tại sân bay Haneda là một kỷ niệm khó quên. Đang làm thủ tục check-in, chị Trang phát hiện trước đó đã để quên điện thoại trong nhà vệ sinh.
Chị hốt hoảng quay lại tìm, nhưng chiếc điện thoại đã không còn ở đó. Có người bảo chị đến quầy thông tin (Information Desk) để báo cáo sự việc và nhờ giúp đỡ. Chưa kịp báo cáo sự việc, chị Trang đã thấy chiếc điện thoại của mình trên mặt bàn quầy thông tin.
Năm 1905, khi đang hoạt động ở Nhật Bản thì Phan Bội Châu và Tăng Bạt Hổ rủ nhau lên Tokyo để tìm một người bạn Trung Quốc tên là Ân Thừa Hiến. Một người phu xe đưa 2 ông đi tìm. Nhưng khi xe đến địa chỉ thì người bạn Trung Quốc đã chuyển đi nơi khác.
Không ai biết “nơi khác” là ở đâu. Nghĩ ngợi một lúc, người phu xe liền nói với hai vị khách Việt Nam: “xin các ngài cứ chờ tôi một chút, tôi sẽ đi tìm địa chỉ mới của Ân Thừa Hiến rồi quay lại đón 2 ngài”.
Phan Bội Châu và Tăng Bạt Hổ đứng chờ từ 2 giờ chiều, đến 3 giờ, rồi 4 giờ chiều vẫn không thấy người phu xe quay lại, liền nghĩ: “Tokyo rộng thế này, biết tìm Ân Thừa Hiến ở đâu!”. Nhưng đến 5 giờ chiều thì người phu xe bất ngờ quay lại và cho biết đã tìm được nơi ở của Ân Thừa Hiến. Thế rồi người phu xe đưa 2 vị khách Việt Nam đi thêm 1 tiếng nữa đến lữ quán của Ân Thừa Hiến.
Khi Phan Bội Châu hỏi tiền công thì càng ngạc nhiên vì người phu xe nói một con số khiến ông không tin nổi: “2 hào 5 xu”. Thấy số tiền quá rẻ cho nửa ngày trời chạy đôn chạy đáo tìm kiếm giúp mình, Phan Bội Châu rút ra một đồng bạc để trả, nhưng người phu xe kiên quyết từ chối với lý do: “theo quy định thì từ nhà ga Tokyo đến lữ quán này, giá chỉ là 2 hào 5 xu thôi”.
Cảm thán trước một người phu xe Nhật Bản, lại nghĩ đến người nước mình, Phan Bội Châu đã thốt lên: “chao ôi! Trí thức, trình độ dân nước ta xem với người phu xe Nhật Bản chẳng đáng chết thẹn lắm sao!”. Câu chuyện trên được kể lại trong tác phẩm “Tự phán” cách đây trên 100 năm của Phan Bội Châu (Nhà xuất bản Văn học in lại năm 2022).
Ngày nay, nhiều người nước ta sang nước bạn lao động, rồi bỏ trốn ra ngoài, rồi tìm cách cư trú bất hợp pháp, rồi làm những việc rất không hay. Đúng là “chết thẹn” với người Nhật!









Các bài cũ hơn



