21/11/2024 | 14:32 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Có người đi thì thành đường

Dư Hồng Quảng

Trong thế giới cổ đại, những người khôn ngoan thường không bao giờ gây chiến vào mùa đông. Thế nhưng, Đại đế Alexander xứ Macedonia là kiểu người không bao giờ muốn đi theo lối mòn.

Trong tiết trời buốt giá, chỉ có thể ở trong doanh trại thì Alexander lại bất ngờ ra lệnh hành quân. Người Ba Tư buông lỏng phòng bị, vì không ai nghĩ có kẻ điên rồ nào lại xuất binh tấn công họ thời điểm đó.

Alexander dẫn đầu binh sĩ vượt gần 100 dặm qua các dãy núi để chinh phục hơn 30 thành trì vùng Lycia. Trong chiến dịch này, chiến thắng lớn nhất của quân đội Macedonia không phải là kẻ thù, mà là chiến thắng nghịch cảnh.

Trận cổng trời đèo Ba Tư cũng là nơi thể hiện rõ phong cách chỉ huy linh hoạt và sáng tạo của Alexander. Quân Ba Tư coi đây là pháo đài bất khả xâm phạm vì địa thế đèo cao hiểm trở, quân Macedonia lên bao nhiêu chết bấy nhiêu. 

Nhiều lần binh sĩ Macedonia xung phong đều bị bẻ gẫy vì quân Ba Tư dùng lợi thế lăn đá từ trên vách núi xuống. Nếu chỉ tấn công theo con đường đó, chắc chắn thất bại. 

Alexander Đại đế tìm được người thổ dân chăn cừu dẫn đường tắt, đánh tập hậu quân phòng vệ đèo Ba Tư. Bị đánh bất ngờ từ phía sau, đèo cổng trời thất thủ, mở ra cánh cửa chinh phục Ba Tư - vương quốc rộng lớn nhất và hùng mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ.

Macedonia vốn là xứ đất hẹp dân thưa. Sức mạnh của quân đội Macedonia phụ thuộc vào người chỉ huy thông thái và quyết đoán. Trong suốt cuộc đời binh nghiệp của mình, Alexander bách chiến bách thắng với phong cách sáng tạo mang thương hiệu riêng, đã chinh phạt gần như toàn bộ thế giới mà người châu Âu thời đó từng biết đến. 

Những thông tin trên trích trong cuốn “Alexander Đại đế - huyền thoại xứ Macedonia” (Nhà xuất bản Dân trí, năm 2023).

Ở châu Á, thời Hán - Sở tranh hùng có một mưu kế nổi tiếng là “minh tu sạn đạo, ám độ Trần Thương”. Sau khi Hán vương Lưu Bang rút vào Tây Xuyên, mưu sĩ Trương Lương đã đốt sạn đạo là con đường duy nhất nối với các nước ở Trung Nguyên. Sạn đạo là đường bắc cầu treo, dùng ván gỗ ghép vào sườn núi để đi qua các khu vực hiểm trở không có đường bộ. 

Đốt sạn đạo gửi thông điệp từ nay Lưu Bang an phận ở trong Tây Xuyên, không bao giờ có chí hướng Đông để tranh đoạt thiên hạ nữa.

Thực ra Lưu Bang không cam chịu chết già ở Tây Xuyên. Sau thời gian âm thầm chuẩn bị, thực lực đã mạnh lên, ông chuẩn bị Đông tiến. Sở vương Hạng Vũ luôn cảnh giác đề phòng, cho quân do thám, nên nắm được động thái của Hán vương Lưu Bang. 

Đại tướng của Hán vương là Hàn Tín cho quân tu sửa sạn đạo. Theo lẽ thường, để sửa xong sạn đạo phải mất 3 năm. Quân Sở chỉ tập trung canh phòng đường sạn đạo đang sửa trong khi Hàn Tín âm thầm dẫn quân Hán tinh nhuệ lẻn đi đường khác qua ngả Trần Thương. Đây là con đường núi hiểm trở không ai biết. Quân Sở bất ngờ bị tập kích nên bại vong.

Với mưu kế “minh tu sạn đạo, ám độ Trần Thương”, Hàn Tín đã đi một con đường khác để lập được chiến công hiển hách. Đi một hải trình phiêu lưu khác hẳn người đương thời cũng đã giúp Christopher Columbus tìm ra châu Mỹ. Họ đạt được những thành tựu chưa từng có vì đã làm những việc chưa ai từng làm.

Tìm con đường đi riêng, Vua Pyotr Đại đế đã tiến hành cuộc cải tổ vĩ đại tại nước Nga. Trong 2 năm 1697 - 1698, ông đóng giả dân thường, đi vòng quanh Tây Âu, học được những điều mới lạ rồi truyền về nước Nga. 

Trong việc xây dựng đất nước, Pyotr thường tham vấn những cố vấn tài ba người nước ngoài để thay đổi thể chế, dỡ bỏ ách tắc, giải phóng sức sản xuất, thúc đẩy kinh tế phát triển. Nhờ vậy, dưới triều đại của Pyotr Đại đế (1696 - 1725), nước Nga lạc hậu đã vươn lên, trở thành một đế quốc hùng cường trên thế giới.

Trong các nước châu Á chịu ảnh hưởng sâu sắc của Nho giáo, Nhật Bản là một khác biệt. Thời kỳ nước ta thực thi “bế quan tỏa cảng” thì Nhật Bản dưới chế độ Mạc phủ cũng thực hiện chính sách “tỏa quốc” (khóa cửa đất nước). 

Giới tinh hoa người Nhật trước đây chỉ theo học một địa chỉ duy nhất là Trung Quốc. Nhưng trong giai đoạn “tỏa quốc” ngặt nghèo, một số trí thức đã lén lút vượt biển, âm thầm học hỏi phương Tây. 

Con đường khác biệt và mạo hiểm mang tính khai sáng ấy, sau này đã thúc đẩy canh tân đổi mới, đưa nước Nhật lạc hậu ở châu Á vươn lên thành cường quốc ngang ngửa với phương Tây.

Cải tổ, canh tân, đổi mới cùng có một đường chung là khác với cái cũ. Con đường phát triển thậm chí là đi ngược lại cái cũ, và có thể là con đường hoàn toàn mới mẻ, chưa từng có ai đi. 

Nhà văn Lỗ Tấn nói, trên mặt đất vốn làm gì có đường, người ta đi mãi thì thành đường thôi./.

10 November 2024
Tản văn
Những ngày hè cháy khát (11/07/2024 20:35:42)
Nguồn cội… (29/04/2024 10:22:58)
Vết sẹo (17/04/2024 17:02:17)