06/10/2024 | 00:45 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Xu hướng định hình “chính sách hướng Đông mới” của Nga

Phan Minh
Xu hướng định hình “chính sách hướng Đông mới” của Nga Tháng 6-2016, tại Diễn đàn Kinh tế St. Petersburg, Nga đề xuất về một tầm nhìn chiến lược Đại Á - Âu, bao gồm các quốc gia thuộc khu vực Đông, Đông Nam và Nam Á, cũng như Trung Á và châu Âu_Ảnh: en.kre
Cách đây hơn 10 năm, Nga chính thức công bố chính sách xoay trục sang hướng Đông, trong đó truyền tải mục tiêu tăng cường quan hệ với các nước phương Đông. Trước những biến động to lớn của tình hình thế giới và thay đổi trong quan hệ đối ngoại thời gian qua, gần đây Nga có xu hướng điều chỉnh chính sách này nhằm thích nghi với cục diện thế giới mới.


Nhìn lại chính sách xoay trục hướng Đông của Nga

Năm 2012, tại Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Tổng thống Nga Vladimir Putin công bố sáng kiến về việc Nga xoay trục sang hướng Đông. Các mục tiêu trong sáng kiến này là phát triển vùng Viễn Đông của Nga, đa dạng hóa quan hệ kinh tế với khu vực châu Á - Thái Bình Dương và tăng cường sự hiện diện của Nga tại khu vực này. Tháng 6-2016, tại Diễn đàn Kinh tế St. Petersburg, Nga đề xuất về một tầm nhìn chiến lược Đại Á - Âu, bao gồm các quốc gia thuộc khu vực Đông, Đông Nam và Nam Á, cũng như Trung Á và châu Âu. Nói cách khác, việc xoay trục sang phía Đông được đưa vào một khuôn khổ rộng lớn hơn, ngụ ý rằng thành công ở các tiểu vùng khác nhau của Đại Á - Âu sẽ góp phần thực hiện chính sách của Nga.

Cơ sở xây dựng chính sách này dựa trên sự gắn bó lợi ích ngày càng lớn giữa Nga và các nước phương Đông. Thứ nhất, về chính trị, các nước phương Đông không có nhiều bất đồng, cạnh tranh lợi ích đáng kể với Nga, ngoại trừ một số tranh chấp lãnh thổ mang tính lịch sử và cạnh tranh ảnh hưởng cục bộ; thứ hai, Nga thừa nhận vị thế và vai trò ngày càng lớn của các nước phương Đông. Tại Hội nghị mở rộng của Bộ Ngoại giao Nga vào tháng 11-2022, Tổng thống V. Putin đề cập về sự chuyển dịch “trọng tâm của nền kinh tế và chính trị thế giới” sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương, do vậy Nga cần phải “tiếp tục phát triển quan hệ mạnh mẽ với các quốc gia” trong khu vực phù hợp với mục tiêu thiết lập quan hệ Đối tác Á - Âu mở rộng; thứ ba, sự liên kết của khu vực châu Á - Thái Bình Dương với kế hoạch chiến lược Đại Á - Âu của Nga đã nhấn mạnh tầm quan trọng của khu vực đối với việc xác định vị thế của Nga trong trật tự thế giới mới. Chính những tư tưởng đó đã hình thành nên cơ sở của khái niệm chính sách đối ngoại năm 2016, bao gồm ý tưởng hình thành không gian chung cho Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU), nhằm duy trì hòa bình ở Đông Bắc Á và thiết lập quan hệ đối tác hữu nghị với Nhật Bản.

Vũ khí, dầu mỏ, khí đốt là những “vũ khí” được Nga sử dụng để “mặc cả” với phương Tây và vận động sự ủng hộ của các nước phương Đông. Vì vậy, Nga đã tranh thủ lợi thế của mình trong lĩnh vực này để mở rộng ảnh hưởng ở khu vực, tác động tới sự vận động của môi trường an ninh khu vực theo hướng thuận lợi cho mình.

Trong bối cảnh thay đổi nhanh chóng của tình hình chính trị thế giới, Nga đã nhiều lần nêu ý định cải thiện quan hệ với khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Chiến lược An ninh quốc gia của Nga nhấn mạnh, các mục tiêu trong chính sách đối ngoại là phát triển quan hệ đối tác với Trung Quốc và Ấn Độ, bảo đảm sự ổn định của khu vực châu Á - Thái Bình Dương và hỗ trợ các thể chế đa phương trong khu vực, bao gồm ASEAN và các cơ chế khác.

Tuy nhiên, cho tới nay, chính sách này chưa thể hiện nhiều tiến triển trong thực tế. Mặc dù Nga nhấn mạnh về sự chuyển dịch địa - chính trị và địa - kinh tế toàn cầu sang phía Đông, nhưng về cơ bản, quyết định tương lai của trật tự thế giới, trọng tâm quân sự - ngoại giao của Nga vẫn phụ thuộc nhiều vào phương Tây. Trong hơn 10 năm qua, chính sách của Nga với phương Đông được coi như một bộ phận trong tổng thể chính sách với phương Tây với những khúc mắc xung quanh khái niệm và nguyên tắc về việc “chung sống hòa bình” với phương Tây.

Thực tế, khái niệm “phương Đông” của Nga đã dần mở rộng trong những năm qua, trong đó không chỉ bao gồm khu vực Á - Âu mà còn cả châu Phi và Mỹ Latin, hay gọi cách khác là “phi phương Tây” hay “đa số toàn cầu”. Điều này thể hiện qua việc Nga đề xuất nhiều ý tưởng và kế hoạch nhằm thay đổi trật tự thế giới lấy phương Tây làm trung tâm và vận hành dựa trên các luật lệ, nguyên tắc do phương Tây đề ra như hiện nay. Dù có mối quan hệ song phương đa dạng với từng quốc gia phương Đông nhưng Nga vẫn chưa có lộ trình cụ thể, chi tiết về xoay trục sang phương Đông ngoài các tuyên bố chính trị, thậm chí các đường nét chính của lộ trình này cũng chưa được đề ra rõ ràng. Ngoại trừ các quốc gia Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (CSTO) thuộc Liên Xô trước đây, Nga không có quan hệ đồng minh chiến lược quân sự nào với các nước “phi phương Tây” để giúp Nga có thể hình thành hệ thống an ninh quân sự nhằm đề cao vai trò của mình. Nga cũng không có hệ thống quan hệ kinh tế hay các chuỗi giá trị thương mại riêng để có thể tạo ra các hệ thống thanh toán và tiền tệ mới, thay thế hệ thống tiền tệ chung mà phương Tây đã xác lập từ lâu để thu hút sự tham gia của các nước khác. Do đó, Nga cần sự ủng hộ của các nước phương Đông nhằm tạo lập các hệ thống quốc tế mới do Nga dẫn dắt hoặc đóng vai trò quan trọng.

Tái định hình chính sách xoay trục hướng Đông

Việc Nga có xu hướng điều chỉnh chính sách hướng Đông phần nào được thể hiện trong các sáng kiến tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông (EEF) ở Nga và Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) ở Uzbekistan vào tháng 9-2022. Việc điều chỉnh chính sách này bị tác động bởi môi trường địa - chính trị và an ninh quốc tế, trong đó sức mạnh và vị thế của Nga đã không còn như trước, nhất là so với Mỹ và Trung Quốc. Từ đó, chính sách đối ngoại của Nga cần có sự điều chỉnh phù hợp với tình hình mới. Sự điều chỉnh cũng là cần thiết bởi các nước kỳ vọng nhiều đối với Nga về hành động thực tế hơn là chỉ với những tuyên bố chung chung rằng, các lực lượng “phi phương Tây” sẽ tạo ra một trật tự thế giới công bằng và bình đẳng hơn. Thực tế, các sáng kiến của Nga về những dự án kinh tế và thương mại với phương Đông có quy mô rất lớn nhưng không tạo thành một bức tranh toàn cảnh về chính sách hướng Đông của Nga. Các nước “phi phương Tây” mong đợi Nga xác định rõ hơn mối quan hệ chính trị với họ, đặc biệt về vị trí của họ trong một trật tự thế giới mới mà Nga hướng tới. Điều quan trọng là Nga phải mang đến cho các đối tác tiềm năng ở phương Đông những triển vọng về sự phát triển chung dựa trên các thế mạnh và tiềm lực của Nga. Bên cạnh đó, việc Nga điều chỉnh chính sách hướng Đông một cách thực chất hơn cũng sẽ phải đương đầu với không ít thách thức.

Một là, các nước phương Đông là một hệ thống phức tạp hơn phương Tây. Phương Tây là hệ thống chỉ có một trung tâm là Mỹ với vai trò chi phối. Trong khi đó, phương Đông là “một tập hợp đa dạng” gồm nhiều quốc gia không đồng nhất về mô hình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội cũng như về mục tiêu, quan điểm lợi ích. Do đó, việc xây dựng chính sách hướng Đông mới đòi hỏi cần xem xét đúng đắn lợi ích đa dạng của các quốc gia và các “trung tâm quyền lực” ở phương Đông, trong đó Nga cần bảo đảm duy trì cân bằng quan hệ với tất cả các đối tác tại đây.

Hai là, vấn đề lợi ích khiến các nước phương Đông không phải lúc nào cũng có thái độ tích cực đối với Nga. Các cuộc bỏ phiếu gần đây tại Hội đồng Bảo an và Đại hội đồng Liên hợp quốc về những chủ đề nhạy cảm liên quan đến Nga là minh chứng rõ cho điều này. Ngay cả các đối tác gần gũi với Nga như Trung Quốc, Ấn Độ cũng bỏ phiếu không thuận cho Nga. Kết quả tích cực của Hội nghị thượng đỉnh G-20 gần đây cũng không loại bỏ được những lo ngại về thái độ mập mờ của các nước đối với Nga. Nguyên nhân là bởi ngay cả các nước thuộc nhóm “phi phương Tây” cũng hành động phù hợp với lợi ích riêng của họ, không nhất thiết phải song trùng với lợi ích của Nga.

Ba là, lợi thế cạnh tranh về “sức mạnh mềm” của Nga trong quan hệ với các nước phương Đông đã không còn như trước. “Chính sách hướng Đông” trước đây của Liên Xô dựa trên tư tưởng đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, đế quốc, xây dựng trên cơ sở chủ nghĩa quốc tế cộng sản. Chính sách này đã góp phần củng cố vị thế của Liên Xô cũ tại nhiều quốc gia ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latin. Tuy nhiên, trải qua nhiều thập niên, ở những quốc gia này đã hình thành cấu trúc kinh tế - xã hội mới với các thế hệ lãnh đạo mới có tư duy thực tế hơn, trong đó đa phần không còn gắn cuộc chiến chống chủ nghĩa thực dân của Liên Xô với chính sách hướng Đông của Nga.

 Do đó, điều chỉnh chính sách “xoay trục sang hướng Đông” trong giai đoạn mới là một yêu cầu cấp thiết đối với Nga, đòi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng, xây dựng một cách rõ ràng, cụ thể và cần được triển khai bài bản, phù hợp với tình hình thực tế của Nga và các nước trong khu vực cũng như bối cảnh thế giới đang có nhiều biến chuyển nhanh chóng, khó lường./.

Chuyên mục: Bên lề sự kiện