06/10/2024 | 00:36 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Tác động xấu ngày một lớn tới kinh tế toàn cầu

Nguyễn Anh Tuấn
Tác động xấu ngày một lớn tới kinh tế toàn cầu Nga đã bị đẩy ra khỏi Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT) ngay khi bắt đầu “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraina (trong ảnh: Người dân xếp hàng bên ngoài một chi nh
Kể từ khi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraina bùng phát (ngày 24-2-2022) đến nay, một thỏa thuận ngừng bắn hay hòa bình được cho là còn xa vời khi các bên liên quan vẫn tồn tại nhiều vấn đề căng thẳng chưa thể giải quyết. Điều đáng quan ngại là tác động kinh tế quy mô toàn cầu của sự kiện này ngày một lớn, trong khi cuộc xung đột giữa 2 nước nhiều khả năng sẽ còn kéo dài.


Đánh giá về “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga tại Ukraina, Giáo sư, lý thuyết gia về quan hệ quốc tế John Mearsheimer (Mỹ) cho rằng, đây là kết quả trực tiếp của quyết định thiếu sáng suốt của Mỹ và các đồng minh khi dự định kết nạp Ukraina vào Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Hệ quả của cuộc xung đột đã vượt khỏi tính toán của tất cả các bên, nhất là khi cuộc xung đột Nga - Ukraina xảy ra vào thời điểm thế giới vừa trải qua 2 năm điêu đứng vì dịch bệnh COVID-19 và đang kỳ vọng vào giai đoạn phục hồi hậu đại dịch.

Những hệ lụy tiêu cực

Ngay khi Nga bắt đầu “chiến dịch quân sự đặc biệt”, Mỹ và các nước phương Tây đã đẩy Nga ra khỏi Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT). Điều này chấm dứt tất cả các giao dịch quốc tế, gây ra sự biến động tiền tệ và kéo theo sự tháo chạy của các dòng vốn lớn khỏi Nga. Tuy nhiên, tiên liệu trước điều này, Nga và Trung Quốc thống nhất phát triển Hệ thống chuyển thông điệp tài chính (SPFS), được xem là một giải pháp thay thế SWIFT. Đây là cấu trúc tài chính riêng giúp 2 nước có thể sử dụng để tránh những tác động do hệ thống thanh toán quốc tế mà đồng USD thống trị. Hệ thống Thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới (CIPS) của Trung Quốc cũng được coi là một giải pháp giúp Nga thay thế SWIFT. Bên cạnh đó, khi bị Mỹ và đồng minh cấm vận về khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ quân sự, Nga và Trung Quốc đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực này, trong đó có việc trao đổi công nghệ quân sự và nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào phục vụ công nghiệp quốc phòng. Đây là cơ sở để Nga và Trung Quốc, bên cạnh lĩnh vực quốc phòng - an ninh, củng cố mối quan hệ giữa 2 nước cả trong lĩnh vực kinh tế và khoa học - công nghệ.

SPFS hiện có khoảng 400 thành viên đang sử dụng và khoảng 20% giao dịch nội địa của Nga được thực hiện thông qua SPFS. Tuy nhiên, dung lượng của tin nhắn bị hạn chế đáng kể so với SWIFT và hệ thống chỉ hoạt động trong giờ hành chính, trong khi SWIFT hoạt động 24/7.

Như vậy, có thể thấy thay vì hợp tác, kinh tế và khoa học - công nghệ thế giới đang bị phân tách giữa một bên là Mỹ và các nước phương Tây và bên kia là Nga cùng Trung Quốc. Điều này cùng với việc các bên phong tỏa không phận (cấm bay) và hải phận (cấm vận chuyển đường biển) đối với nhau đã và đang khiến nền kinh tế thế giới đối mặt với tình trạng đứt gãy các chuỗi cung ứng và các chuỗi giá trị, dẫn đến việc thiếu hụt nguyên nhiên liệu đầu vào do nhiều loại trước đây được nhập khẩu từ Nga và Ukraina, như dầu khí, kali, palladium, uranium, khí hiếm (neon), phân bón, lương thực và thực phẩm; gia tăng bất ổn tài chính toàn cầu, tê liệt hoạt động tài chính không chỉ của Nga, mà còn ảnh hưởng đến hoạt động thanh toán của hệ thống ngân hàng thế giới; đẩy lạm phát và giá cả hàng hóa, nhất là giá các mặt hàng thiết yếu, như lương thực, thực phẩm, khí đốt tăng cao kỷ lục ở nhiều nơi trên toàn cầu. Tình trạng này dẫn đến khủng hoảng năng lượng, lương thực nghiêm trọng xảy ra tại nhiều khu vực trên thế giới, nhất là tại các nước chậm và kém phát triển ở châu Phi và Trung Đông, làm suy giảm niềm tin của các nhà đầu tư và người tiêu dùng, khiến tổng sản phẩm nội địa (GDP) toàn cầu năm 2022 giảm mạnh so với năm 2021 và kinh tế nhiều nước có thể lâm vào suy thoái trong năm 2023.

Theo tạp chí The Fortune (Mỹ, tháng 10-2022), cuộc xung đột Nga - Ukraina đã gây thiệt hại khoảng 2.800 tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu dưới nhiều dạng: lạm phát, giá nhiên liệu và lương thực tăng, đứt gãy chuỗi cung ứng, du lịch tê liệt và nhiều hệ lụy khác. Trong khi đó, WB cảnh báo khó khăn chồng chất khiến 1/3 nền kinh tế toàn cầu có nguy cơ trải qua ít nhất 2 quý tăng trưởng âm liên tiếp trong năm 2022 và 2023, gây thiệt hại khoảng 4.000 tỷ USD từ nay đến năm 2026. Các ngành dịch vụ, nhất là du lịch và hàng không, mới bước đầu phục hồi từ đại dịch COVID-19 được dự báo sẽ tiếp tục đối mặt với áp lực suy giảm nếu cuộc xung đột còn kéo dài.

Theo phân tích của Ngân hàng Thế giới (WB), giá dầu ảnh hưởng tới 64% biến động giá lương thực. Cụ thể, năm 2022, lạm phát đã trở thành một hiện tượng toàn cầu, tác động tới 100% các nước tiên tiến, 87% số thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển. Đồng thời, tăng trưởng toàn cầu chỉ còn 2,8% trong năm 2022, so với mức 6,1% của năm 2021.

Ai sẽ thiệt hại lớn nhất?

Cuộc xung đột Nga - Ukraina gây thiệt hại nặng nề về kinh tế cho cả Ukraina, Nga và Liên minh châu Âu (EU).

Đối với Ukraina, thiệt hại về kinh tế khó có thể tính được. Nhiều báo cáo còn cho rằng, kinh tế Ukraina đang đứng bên bờ vực sụp đổ. Chỉ ước tính tổng thiệt hại về nhà ở, kết cấu hạ tầng và các nhà máy công nghiệp hiện lên tới khoảng 150 tỷ USD. Song thiệt hại phi vật chất còn lớn hơn rất nhiều. Các doanh nghiệp đã đóng cửa hoặc ngừng đầu tư, trong khi hàng triệu công nhân phải bỏ việc để tham gia chiến đấu hoặc tị nạn. Nhà nước Ukraina phải chi hàng tỷ USD cho hoạt động quân sự và hỗ trợ người dân di dời. Đến nay, ước tính chung, cuộc xung đột khiến Ukraina thiệt hại khoảng 600 tỷ USD; nếu tính cả thiệt hại về thương mại và kinh doanh, mức độ thiệt hại cao gấp hơn 3 lần GDP của Ukraina trong năm 2021. Ngoài ra, theo tờ The Washington Post (Mỹ), Ukraina đã mất quyền tiếp cận các mỏ khoáng sản trị giá 12.400 tỷ USD trên các lãnh thổ Nga đang chiếm đóng, tương đương 63% mỏ than, 11% mỏ dầu, 20% mỏ khí, 42% mỏ kim loại và 33% mỏ đất hiếm của nước này. Còn theo WB, kinh tế Ukraina trong năm 2022 giảm khoảng 45,1%.

Trong khi đó, có thể thấy nền kinh tế Nga trong thời gian sau “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraina gặp không ít khó khăn vì các lệnh trừng phạt của Mỹ và các nước phương Tây, tuy nhiên ngay sau đó, nền kinh tế Nga đã lấy lại đà ổn định trở lại do đẩy mạnh và mở rộng quan hệ hợp tác với các quốc gia khu vực châu Á, nhất là Trung Quốc và Ấn Độ. Hiện Mỹ và châu Âu đã chạm tới giới hạn và không còn những lựa chọn dễ dàng hay phương án tức thời để gia tăng sức ép đối với Nga. Theo Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2022 của Nga là -2,7%, thấp hơn nhiều so với dự đoán của phương Tây là từ -3,4% đến -4,5% sau khi kinh tế Nga chịu hơn 11.000 lệnh trừng phạt của Mỹ cùng các nước phương Tây liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraina và lạm phát ở mức 13% năm 2022 do phải gia tăng chi phí quốc phòng (tăng thêm ít nhất 1.200 tỷ ruble, tức gần 20 tỷ USD so với mức trước chiến tranh). Giới chức Nga cho rằng, trong năm 2023, nền kinh tế Nga sẽ gặp nhiều thách thức khi xét trên khía cạnh tài chính và thâm hụt ngân sách. Tuy nhiên, tình hình tăng trưởng kinh tế của Nga trong năm 2023 được cho là sẽ khả quan hơn năm 2022, với mức dự báo dao động từ -1% đến 0% cho dù Mỹ và các nước phương Tây tiếp tục tăng cường các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm làm suy yếu nước Nga, như áp đặt giá trần đối với giá dầu mỏ và các sản phẩm từ dầu mỏ nhập khẩu của Nga.

Không ngoại lệ, nền kinh tế của EU cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc xung đột Nga - Ukraina, khi mức tăng trưởng kinh tế trong năm 2022 chỉ đạt 3,5% so với mức 5,3% của năm 2021. An ninh năng lượng ở EU trở nên bấp bênh hơn bao giờ hết do nguy cơ gián đoạn nguồn cung năng lượng từ Nga, khiến niềm tin của người tiêu dùng và nhiều doanh nghiệp trong khối suy giảm mạnh. Theo Ủy ban châu Âu (EC), sau nửa đầu năm 2022 tăng trưởng mạnh mẽ, nền kinh tế EU bước vào giai đoạn khó khăn hơn. Trong bối cảnh bất ổn gia tăng, sức ép từ giá năng lượng tăng cao, sức mua của các hộ gia đình bị suy giảm, môi trường bên ngoài xấu đi và các điều kiện tài chính bị thắt chặt hơn, EU, nhất là khu vực đồng tiền chung châu Âu và hầu hết các quốc gia thành viên bị rơi vào tình trạng suy giảm trong quý IV-2022.

Tóm lại, có thể thấy, cuộc xung đột Nga - Ukraina để lại nhiều hệ lụy lớn trong cả lĩnh vực chính trị và kinh tế, nhất là lĩnh vực nhân đạo. Hiện nay, mong muốn lớn nhất của nhân loại là hòa bình, hợp tác và phát triển. Bởi vậy, việc cần làm nhất bây giờ là người dân được sống trong hòa bình, ổn định mà không lo sợ bom rơi, đạn nổ trên mảnh đất quê hương của mình. Hòa bình cho đất nước Ukraina nghĩa là hòa bình cho thế giới và cả thế giới đều được hưởng lợi trong một thế giới bình yên./.

Chuyên mục: Bên lề sự kiện