23/11/2024 | 17:55 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Từ “đặc biệt” đến “toàn diện” và nhiều câu hỏi cần giải đáp

Lê Thế Mẫu
Từ “đặc biệt” đến “toàn diện” và nhiều câu hỏi cần giải đáp Đàm phán an ninh Nga - Mỹ tại thành phố Geneva, Thụy Sĩ, ngày 10-1-2022 kết thúc sau 7,5 giờ thảo luận_Nguồn: Reuters
Ngày 24-2-2023 là tròn 1 năm Nga tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraina. Đến nay, tính chất “đặc biệt” đó đã đưa chiến dịch quân sự này leo thang thành cuộc chiến tranh toàn diện giữa Mỹ cùng các nước phương Tây chống Nga, nhằm toan tính xóa sổ nước Nga trên bản đồ thế giới. Sau 1 năm nhìn lại, có nhiều câu hỏi về cuộc chiến tranh này cần được giải đáp.


Vì sao Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraina?

Tại các diễn đàn quốc tế có nhiều ý kiến cho rằng, Nga nên và cần phải sử dụng biện pháp đối thoại chính trị để hóa giải xung đột với Ukraina chứ không phải là giải pháp quân sự. Tuy nhiên, trước khi phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraina, Nga đã sử dụng toàn bộ tiềm lực chính trị đối ngoại nhưng đã không được Mỹ và các nước phương Tây mà nòng cốt là Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU), cũng như Ukraina chấp nhận. Biện pháp ngoại giao cuối cùng và có ý nghĩa chiến lược quan trọng khi ngày 15-12-2021, trước nguy cơ NATO đưa các căn cứ quân sự áp sát biên giới Nga và thông qua Ukraina nhằm tiến hành cuộc chiến tranh ủy nhiệm chống Nga, Bộ Ngoại giao Nga chính thức tuyên bố với Mỹ và NATO bản dự thảo Hiệp ước Bảo đảm an ninh Mỹ - Nga và NATO - Nga để đàm phán nhằm xây dựng cấu trúc an ninh chung công bằng, bền vững và ổn định lâu dài ở châu Âu, trong đó có điều khoản then chốt là không kết nạp Ukraina vào NATO. Sau 3 ngày đàm phán, Mỹ và NATO đã bác bỏ toàn bộ nội dung của dự thảo Hiệp ước, với lập luận “bất kỳ quốc gia nào cũng có quyền tự do lựa chọn liên minh”. Phía Nga cho rằng, lý do này của Mỹ và NATO hoàn toàn đi ngược lại nguyên tắc cơ bản của Tổ chức Hợp tác và An ninh châu Âu cũng như của Hiến chương Liên hợp quốc là “các quốc gia có quyền tự do lựa chọn liên minh nhưng không được làm phương hại đến an ninh của quốc gia khác”. Trong khi đó, từ năm 2014 đến năm 2021, Mỹ đã xây dựng và hiện đại hóa quân đội Ukraina theo tiêu chí của NATO và tiến hành hàng chục cuộc tập trận binh chủng hợp thành trên lãnh thổ Ukraina. Như vậy, một khi Mỹ kết nạp Ukraina vào NATO sẽ dẫn tới xung đột giữa Nga và NATO, có thể leo thang thành cuộc chiến tranh thế giới mới ở châu Âu. Ngoài ra, chính quyền Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky còn bác bỏ hoàn toàn Thỏa thuận Minsk đã được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc xác định trong khi thỏa thuận này là giải pháp chính trị quan trọng nhất để hóa giải xung đột Nga - Ukraina. Chính vì vậy, Chủ tịch Hạ viện Nga Vyacheslav Volodin nhận định, việc Nga buộc phải phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraina là cơ hội duy nhất để ngăn chặn hiểm họa một cuộc chiến tranh thế giới mới giữa Nga và NATO.

Lời giải nào về 3 mục tiêu trong “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga ở Ukraina?

Trong tuyên bố phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraina, Tổng thống Nga V. Putin nêu rõ 3 mục tiêu chính của chiến dịch này là bảo vệ người dân, phi phát xít hóa và phi quân sự hóa Ukraina.

Về mục tiêu bảo vệ người dân, sau khi chính quyền 2 tỉnh Donetsk và Lugansk tổ chức cuộc trưng cầu ý dân để thành lập Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Lugansk do họ không chấp nhận chính quyền tân phát xít được Mỹ dựng lên ở Kiev sau cuộc đảo chính vào tháng 2-2014, quân đội Ukraina tiến hành “chiến dịch chống khủng bố” nhằm vào người dân ở 2 khu vực này. Trong 8 năm kể từ 2014 đến 2022, Nga chính thức gửi lên Liên hợp quốc hơn 3.000 tài liệu thu thập chứng cứ xác thực về tội ác diệt chủng của chính quyền tân phát xít đối với những người dân gốc Nga ở hai tỉnh Donetsk và Lugansk. Theo đó, để bảo vệ người dân, trên cơ sở kết quả trưng cầu ý dân, ngày 30-9-2022, Nga chính thức sáp nhập Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Lugansk, 2 tỉnh Kheron và Zaparogia thành các chủ thể mới của Liên bang Nga.

Về mục tiêu phi phát xít hóa, các tài liệu giải mật của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và giới nghiên cứu lịch sử ở phương Tây và Nga chứng tỏ, sau khi Ukraina tuyên bố độc lập vào năm 1991, Mỹ đã đưa các phần tử dân tộc cực đoan người Ukraina từng chiến đấu trong hàng ngũ phát xít Đức chống lại Hồng quân Liên Xô trở về đất nước và bắt đầu thưc hiện chủ trương phát xít hóa xã hội Ukraina. Trong cuộc bạo loạn chính trị vào tháng 2-2014, Mỹ sử dụng các lực lượng tân phát xít để tiến hành cuộc đảo chính và dựng lên ở Kiev chính quyền mới hoàn toàn chịu quyền kiểm soát của Mỹ. Chính quyền mới ở Kiev thực hiện chủ trương tiêu diệt người Nga và hủy diệt nước Nga tương tự như chủ trương của Đức Quốc xã trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Chính vì thế, trong cuộc bỏ phiếu ngày 15-12-2022 tại Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết lên án sự tôn vinh chủ nghĩa phát xít, Mỹ và 49 quốc gia thành viên NATO và đồng minh của Mỹ bỏ phiếu chống.

Về mục tiêu phi quân sự hóa, kể từ năm 2014, Mỹ coi Ukraina là đồng minh ngoài NATO; hiện đại hóa quân đội Ukraina theo tiêu chuẩn NATO; xây dựng trên lãnh thổ Ukraina 30 trung tâm huấn luyện và căn cứ quân sự, 30 phòng thí nghiệm vũ khí sinh học và chuẩn bị khả năng công nghệ cho Ukraina chế tạo vũ khí hạt nhân. Đây thực sự là hiểm họa đối với nước Nga. Do đó, mục tiêu tấn công của các loại vũ khí chính xác cao của Nga trong giai đoạn đầu của chiến dịch là nhằm vô hiệu hóa tiềm lực quân sự của Ukraina. Trong giai đoạn sau, khi Mỹ và NATO ồ ạt chuyển giao vũ khí hiện đại cho Ukraina, Nga tập trung tấn công các cơ sở hạ tầng hậu cần - kỹ thuật để giảm thiểu khả năng của Ukraina sử dụng vũ khí của Mỹ và NATO.


Người dân Ukraina xếp hàng nhận đồ ăn ở thị trấn Borodyanka, ngoại ô Thủ đô Kiev sau khi Nga rút quân vào tháng 3, ngày 16-5-2022_Ảnh: TL

Vì sao kinh tế Nga không sụp đổ trước các biện pháp cấm vận của Mỹ và phương Tây?

Tính từ sau khi Nga sáp nhập Crimea, Mỹ và phương Tây đã áp đặt 11.000 biện pháp cấm vận Nga. Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố, với các biện pháp cấm vận nhằm vào “trái tim” của nền kinh tế Nga là dầu mỏ và khí đốt thì nền kinh tế Nga sẽ sụp đổ, nước Nga sẽ lâm vào trạng thái khủng hoảng toàn diện. Để đáp trả các biện pháp cấm vận này, kể từ năm 2014, Nga đã chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp ứng phó, như xây dựng và đưa vào sử dụng thành công hệ thống thanh toán liên ngân hàng quốc tế sau khi bị Mỹ tách Nga ra khỏi Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT); đầu tư phát triển các công nghệ mới thay thế các công nghệ trước đây phải nhập khẩu; chuyển sang thanh toán các hợp đồng xuất khẩu dầu mỏ, khí đốt và các nguyên liệu sản xuất có ý nghĩa chiến lược bằng đồng ruble... Đánh giá về tình hình kinh tế Nga năm 2022, Tổng thống

V. Putin nhận định, cuộc chiến tranh kinh tế của phương Tây chống Nga đã hoàn toàn thất bại. Mặc dù bị cấm vận, kim ngạch xuất khẩu dầu của Nga trong năm 2022 tăng gần 40% so với năm 2021, đạt 337,5 tỷ USD. Điều đáng chú ý, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống V. Putin sau 1 năm xảy ra cuộc chiến Nga - Ukraina đã lên tới gần 80% - mức tín nhiệm cao trên thế giới.

Hồi kết nào cho cuộc chiến Nga - Ukraina khi đàm phán hòa bình rơi vào bế tắc?

Kể từ đầu chiến dịch, Nga và Ukraina đã tiến hành 4 cuộc đàm phán. Trong cuộc đàm phán cuối cùng ở Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 20-3-2022, hai bên đạt được một số thỏa thuận quan trọng. Trong đó, Ukraina chấp nhận vị thế trung lập, không gia nhập NATO để đổi lấy các bảo đảm an ninh, còn Nga chấp nhận rút các lực lượng đang phong tỏa Thủ đô Kiev. Tuy nhiên, trong khi Nga rút các lực lượng bao vây Thủ đô Kiev thì Ukraina bất ngờ tuyên bố xóa bỏ các thỏa thuận đã đạt được và chấm dứt đàm phán. Ngày 30-9-2022, Tổng thống

V. Zelensky ký sắc lệnh dừng hoàn toàn các cuộc đàm phán với Nga và tuyên bố sẽ giành chiến thắng trước Nga trên chiến trường. Mỹ và NATO cũng tuyên bố sẽ “đánh bại Nga trên chiến trường” và tiếp tục viện trợ ồ ạt vũ khí hiện đại cho Ukraina. Đàm phán rơi vào bế tắc. Ngày 8-11-2022, Tổng thống V. Zelensky đưa ra “điều kiện nối lại đàm phán” như Nga phải rút khỏi Crimea và 4 khu vực Donetsk, Lugansk, Kherson, Zaporizhzhia vừa sáp nhập, chấp nhận Ukraina gia nhập NATO. Phía Nga tuyên bố các điều kiện đó thực chất là “tối hậu thư” không thể chấp nhận.

Như vậy, thực tiễn cho thấy, trong toan tính của Mỹ và phương Tây, Ukraina trở thành tâm điểm của cuộc chiến tranh thế giới phức hợp đầu tiên trong lịch sử xét trên nhiều phương diện. Đơn cử như, xét về mục tiêu tiến hành cuộc chiến tranh ủy nhiệm ở Ukraina, Mỹ tập hợp lực lượng để duy trì quyền thống trị thế giới đơn cực do Mỹ kiểm soát sau Chiến tranh lạnh, trước hết là để đánh bại Nga - nhân tố cản trở lớn nhất của Mỹ. Tiếp đó, Mỹ sẽ nhắm tới Trung Quốc - quốc gia được Mỹ xác định là thách thức đối với “trật tự thế giới dựa trên luật lệ” của Mỹ. Xét về phương thức tác chiến, Mỹ và các nước phương Tây đã áp dụng toàn bộ các biện pháp kinh tế, chính trị, ngoại giao, quân sự, văn hóa, khoa học - công nghệ để chống Nga. Xét không gian tác chiến, cuộc chiến này diễn ra trên đất liền, trên biển, trên không, trong vũ trụ và trong không gian mạng trên phạm vi toàn cầu. Chính vì vậy, theo giới chuyên gia, cuộc chiến này khó có thể đoán định được hồi kết, tiếp tục tiềm ẩn hiểm họa leo thang khó kiểm soát./.