Lối thoát nào cho cuộc xung đột Nga - Ukraina?
Mai Dinh
Diễn biến của cuộc xung đột
Cuộc xung đột Nga - Ukraina đến nay trải qua 4 giai đoạn.
Giai đoạn thứ nhất (ngày 24-2 đến 25-3-2022): Nga phát động cuộc chiến trên diện rộng với phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh”, đồng thời thúc ép Ukraina đàm phán, chấp thuận các điều kiện của Nga để chấm dứt chiến tranh. Tuy nhiên, sức kháng cự của quân đội Ukraina trên chiến trường buộc Nga phải điều chỉnh chiến thuật, khiến Mỹ và các nước phương Tây thay đổi thái độ từ do dự chuyển sang hậu thuẫn mạnh cho Ukraina, đồng thời gây sức ép mạnh đối với Nga.
Giai đoạn thứ hai (ngày 26-3 đến 3-7-2022): Nga chuyển trọng tâm chiến lược, thu hẹp phạm vi chiến dịch quân sự và tập trung lực lượng về phía Đông - Nam Ukraina, tổ chức tác chiến với phương châm “đánh chắc, tiến chắc”. Đầu tháng 7-2022, Nga kiểm soát hoàn toàn Lugansk, phần lớn lãnh thổ Donetsk và một số thành phố duyên hải quan trọng ở phía Đông Nam của Ukraina. Được hậu thuẫn mạnh từ Mỹ và các nước phương Tây, Ukraina gia tăng hoạt động quân sự, bước đầu phản công quân đội Nga ở một số mặt trận.
Giai đoạn thứ ba (ngày 4-7 đến 20-9-2022): Nga tập trung củng cố các khu vực kiểm soát và đẩy nhanh tiến trình chuẩn bị sáp nhập các vùng lãnh thổ ở phía Đông và Đông Nam Ukraina. Sự hỗ trợ mạnh từ Mỹ và phương Tây đã giúp Ukraina dần thay đổi cục diện chiến trường, bao vây, chia cắt, tạo sự uy hiếp mạnh với quân đội Nga ở một số khu vực do Nga kiểm soát.
Giai đoạn thứ tư (ngày 21-9-2022 đến nay): Nga chủ động thay đổi tính chất của cuộc chiến, từ hoạt động “can thiệp nhân đạo” sang “chiến tranh vệ quốc” với việc gấp rút tổ chức trưng cầu ý dân và hoàn tất các thủ tục sáp nhập 4 vùng lãnh thổ Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia. Trên chiến trường, từ ngày 10-10-2022, Nga sử dụng vũ khí chính xác cao tấn công phá hủy kết cấu hạ tầng quân sự và năng lượng của Ukraina, gây thiệt hại lớn cho Ukraina, nhất là tình trạng thiếu điện và khí đốt trên diện rộng. Trong khi đó, Ukraina tiếp tục được Mỹ và các nước phương Tây hậu thuẫn về vũ khí ngày càng hiện đại để đối phó; đồng thời, từ chối “khả năng” đàm phán chấm dứt xung đột với Nga. Nhờ sự hỗ trợ liên tục và quan trọng, Ukraina vẫn trụ vững sau 1 năm chiến tranh không cân sức với Nga.
Triển vọng kết thúc chiến sự mờ nhạt
Những diễn biến phức tạp mới của cuộc xung đột, nhất là việc Nga sáp nhập các vùng lãnh thổ của Ukraina, khiến các nỗ lực tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ngày càng trở nên xa vời. Cả hai bên đang cố gắng tiếp tục cuộc chiến với hy vọng đảo ngược tình thế, quyết liệt giành giật các vùng lãnh thổ chiến lược ở miền Đông - Nam Ukraina. Phía Ukraina sẽ không chấp nhận giải pháp chính trị và tiếp tục cuộc chiến để giành lại các vùng lãnh thổ bị Nga sáp nhập. Trong khi đó, Nga sẽ cố gắng duy trì quyền kiểm soát thế trận và vùng lãnh thổ đã sáp nhập.
Kể từ khi chiến sự bùng phát, các bên đã thực hiện 5 vòng đàm phán, song chỉ đạt được một số kết quả hạn chế. Đến nay, tiến trình đàm phán bị ngưng trệ, hai bên không đạt được đồng thuận trong một số vấn đề. Trong đó, Nga khẳng định tiếp tục thực hiện “chiến dịch quân sự đặc biệt” đến khi đạt được tất cả các mục tiêu đề ra. Tháng 12-2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định sẵn sàng đàm phán với tất cả các bên liên quan trong cuộc xung đột nhưng Ukraina và phương Tây đã bác bỏ.
Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) William Burns cho rằng, trong khi hầu hết các cuộc xung đột đều kết thúc trên bàn đàm phán thì những đánh giá của CIA cho thấy “Nga chưa thực sự nghiêm túc về những cuộc đàm phán”. |
Ukraina cương quyết không nhượng bộ trong các vấn đề liên quan đến chủ quyền lãnh thổ, yêu cầu quân đội Nga rút hoàn toàn khỏi lãnh thổ của Ukraina nếu muốn tiếp tục đàm phán. Do đó, khả năng đàm phán hòa bình chấm dứt chiến tranh trong tương lai gần được cho là sẽ gặp nhiều khó khăn và khó có thể dự báo thời điểm, cũng như kết quả đàm phán.
Lối thoát nào cho cuộc xung đột?
Một thỏa thuận ngừng bắn: nếu cuộc xung đột đi vào bế tắc, có thể có một số thỏa thuận ngừng bắn tạm thời giữa Nga và Ukraina. Tuy nhiên, đó có thể không phải là sự kết thúc mà giống như một cuộc xung đột đóng băng, có thể nóng lên hoặc hạ nhiệt, tùy thuộc vào các yếu tố đòn bẩy. Trong kịch bản này, Nga có thể hy vọng Mỹ và các nước phương Tây khác sau một thời gian bị chi phối từ tình hình quốc tế khác sẽ không quan tâm nhiều đến cuộc xung đột và ủng hộ Ukraina.
Một thỏa thuận hòa bình: khả năng chiến tranh sẽ kết thúc bằng một thỏa thuận hòa bình, mặc dù việc giải quyết là vô cùng khó khăn vì Nga và Ukraina vẫn cách xa nhau về các điều khoản mà hai bên cùng chấp nhận được nhằm chấm dứt cuộc xung đột quân sự. Kịch bản Nga rút quân đội khỏi Ukraina trong điều kiện Ukraina chấp nhận những vùng lãnh thổ mà Nga đã sáp nhập đã được một số nhà phân tích đưa ra, song điều này được cho là rất khó có khả năng xảy ra, bởi đối với bất kỳ nhà lãnh đạo nào ở Ukraina, đây sẽ là hành động “tự sát về chính trị” nếu họ trao lãnh thổ Ukraina cho đối phương.
Nga tuyên bố chiến thắng: Nga không dễ dàng có thể xoay chuyển hoàn toàn cuộc chiến và đạt được các mục tiêu ban đầu của mình, nhưng có thể chấp nhận một “chiến thắng” hoặc tuyên bố “chiến thắng” theo cách riêng của mình dưới hình thức một thỏa thuận hòa bình, trong đó có thể Nga kiểm soát được nhiều vùng lãnh thổ hơn so với trước khi cuộc xung đột bắt đầu.
Nếu những kịch bản trên không thể xảy ra, Nga, Ukraina và phần còn lại của thế giới cần sự thỏa hiệp hoặc dùng những lực đẩy tác động từ bên ngoài để tạo lối thoát cho các bên. Vậy, liệu có thể đạt được những điều khoản thực tế nào đó để chấm dứt cuộc xung đột? Nếu không có bên nào giành được chiến thắng chung cuộc, khi ấy hai bên chỉ có thể đạt được một giải pháp thông qua đàm phán nếu cùng chấp nhận một số nhượng bộ nào đó. Một số nước phương Tây có thể đưa ra đề xuất:
Để đổi lấy việc Nga rút quân khỏi toàn bộ lãnh thổ Ukraina mà Nga kiểm soát và Nga dừng “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraina, phương Tây sẽ thu hồi các lệnh trừng phạt kinh tế mà họ áp đặt đối với Nga kể từ ngày đó. Để Ukraina đồng ý không tìm cách gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) như Nga yêu cầu, Nga sẽ cần một số nhượng bộ để thuyết phục Ukraina không làm vậy, như việc Nga sẽ rút lực lượng quân đội ra khỏi biên giới Ukraina, Belarus, Transnistria (khu vực ly khai của Moldova được Nga hậu thuẫn) và chấm dứt phong tỏa hải quân đối với các cảng biển của Ukraina. Tuy nhiên, theo giới phân tích, điều này sẽ vấp phải nhiều cản trở bởi họ không đủ mạnh trong việc trừng phạt Nga đã phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraina. Tương tự, Nga sẽ không dễ từ bỏ mục tiêu của mình sau khi hứng chịu các thiệt hại không nhỏ.
Hiện nay, cả hai bên đều chưa thể hiện bất cứ sự nhượng bộ nào. Thế nhưng các nhà phân tích cho rằng, nếu hai bên vẫn trong thế bế tắc thì vào một thời điểm nào đó, cả hai bên sẽ phải chấp nhận một giải pháp thỏa hiệp. Khi đó, cộng đồng quốc tế cần tích cực hỗ trợ để hai bên đạt được tiến trình này.
Một số quan điểm cho rằng, Ukraina khó có thể chiến thắng Nga về mặt quân sự. Nhưng nếu vũ khí và viện trợ trên chiến trường tiếp tục được cung cấp, không dễ dàng có thể đàm phán. Song, cũng có dự đoán khác đưa ra, cùng với những chuyến hàng quân sự, vẫn diễn ra các cuộc vận động hậu trường ngoại giao nhằm đưa hai bên trở lại bàn đàm phán. Dù triển vọng cuộc chiến còn rất chông gai và mờ mịt, song dư luận vẫn hy vọng về một lối thoát có tính khả thi cho tình trạng bế tắc hiện nay