06/10/2024 | 00:37 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Trật tự quốc tế đang định hình lại

Huệ Anh
Trật tự quốc tế đang định hình lại Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Bali, Indonesia, ngày 14-11-2022_Ảnh: Reuters
Năm 2022, thế giới chứng kiến hàng loạt sự kiện lớn tác động đến quan hệ quốc tế, thậm chí được đánh giá là đang định hình lại trật tự quốc tế. Nổi bật và tác động lớn nhất, toàn diện nhất đến đời sống chính trị quốc tế là cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraina, không đơn thuần là xung đột giữa 2 quốc gia, mà còn kéo theo một loạt nước gián tiếp tham gia, ảnh hưởng sâu rộng đến cục diện chính trị, an ninh khu vực châu Âu và thế giới.

Quan hệ quốc tế phân tuyến rõ ràng

Cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraina khiến quan hệ quốc tế, nhất là quan hệ giữa các nước lớn, bị phân tuyến rõ ràng giữa một bên là Mỹ, phương Tây với một bên là Nga và Trung Quốc.

Quan hệ Mỹ - Trung Quốc lún sâu vào khó khăn. Cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraina đã làm tăng sự hoài nghi và thù địch lẫn nhau giữa Trung Quốc và Mỹ. Hai bên bất đồng sâu sắc xung quanh nguồn gốc và nguyên nhân của cuộc xung đột này. Hơn thế, Mỹ nhiều lần tái khẳng định, xung đột Nga - Ukraina không thay đổi nhận định về việc Trung Quốc là đối thủ chiến lược chủ yếu nhất của Mỹ. Xung đột còn đẩy nhanh sự đứt gãy, tách rời về công nghệ và chuỗi sản xuất then chốt giữa hai bên. Mỹ đã thông qua Đạo luật Chip và Khoa học, đề xuất Liên minh Chip 4 nhằm chống lại khả năng trỗi dậy về công nghệ của Trung Quốc; áp đặt nhiều lệnh hạn chế xuất khẩu những mặt hàng công nghệ cao sang Trung Quốc, nhất là chất bán dẫn; lôi kéo đồng minh vào cuộc chiến chip với nước này; xây dựng liên minh chuỗi cung ứng then chốt. Xung đột cũng tác động đáng kể đến hợp tác thương mại, tài chính giữa 2 nước. Mỹ đưa ra các biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt đối với các công ty Trung Quốc có liên quan đến Nga, thông qua Đạo luật Cạnh tranh sửa đổi; khởi động Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF)... Trước các lệnh trừng phạt tài chính đối với Nga, Trung Quốc xác định việc nâng cao năng lực để phòng ngừa và chống lại “vũ khí tài chính” của Mỹ là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách. Điều này cho thấy xu hướng tách rời trong quan hệ Mỹ - Trung Quốc đã lan rộng từ nền kinh tế thực (công nghệ, chuỗi sản xuất) sang nền kinh tế ảo (tài chính, ngân hàng).

Quan hệ Nga - Trung Quốc xích lại gần nhau. Xung đột quân sự Nga - Ukraina là lý do để Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tăng cường liên kết, nhưng cũng thúc đẩy Nga - Trung Quốc tăng cường quan hệ nhằm đối phó với sức ép của Mỹ và phương Tây. Theo đó, Trung Quốc và Nga nhất trí gia hạn Hiệp ước láng giềng hữu nghị và hợp tác thân thiện đã được ký kết năm 2001 thêm 5 năm; đặc biệt, ngày 30-3-2022, hai bên khẳng định “không có giới hạn nào trong hợp tác Trung Quốc - Nga”. Nga “dựa vào sự ủng hộ của Trung Quốc, vì Trung Quốc là nước láng giềng lớn nhất và là đối tác chiến lược của Nga”. Trung Quốc khẳng định tiếp tục tăng cường phối hợp chiến lược với Nga; đồng thời nhấn mạnh, dù tình hình quốc tế thay đổi, Trung Quốc sẽ “trước sau như một” hợp tác chiến lược với Nga để cùng thắng nhằm bảo vệ lợi ích chung, thúc đẩy xây dựng quan hệ quốc tế kiểu mới.

Quan hệ Nga với Mỹ và châu Âu leo thang căng thẳng. Cuộc xung đột đã đẩy quan hệ Nga - Mỹ, Nga - châu Âu rơi vào trạng thái tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh lạnh. Các bên bước vào cuộc chiến ngoại giao gay gắt khi liên tục đưa ra các đòn đáp trả quyết liệt. Mỹ đẩy mạnh vận động, lôi kéo các nước tham gia cuộc chiến chống Nga thông qua hậu thuẫn Ukraina với nhiều gói viện trợ vũ khí, tài chính khổng lồ; áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế và cô lập ngoại giao chưa từng có đối với Nga nhằm làm suy yếu toàn diện nước Nga. Xung đột đã dẫn đến cuộc đối đầu mới giữa NATO và Nga. NATO coi Nga là mối đe dọa trực tiếp nhất với châu Âu, là đối tượng răn đe và ngăn chặn toàn diện, tuyên bố chấm dứt thời kỳ hậu Chiến tranh lạnh của châu Âu. NATO tăng cường triển khai quân đội ở Đông Âu, lực lượng phản ứng nhanh tăng từ 40.000 lên 300.000 quân. Thực tế cho thấy, Mỹ và NATO đang tiến hành một cuộc chiến tranh ủy nhiệm với Nga và mục tiêu chiến lược thực sự của Mỹ là khiến Nga sụp đổ.

Khủng hoảng năng lượng tồi tệ, lạm phát tăng kỷ lục, an ninh lương thực bị đe dọa

Cuộc xung đột Nga - Ukraina đã tạo ra cú sốc đối với chuỗi cung ứng năng lượng toàn cầu, đưa an ninh năng lượng trở lại mối quan tâm hàng đầu của nhiều nước. Nga cung cấp khoảng 7 triệu thùng dầu/ngày, chiếm 7% nguồn cung toàn cầu, do vậy các lệnh trừng phạt của Mỹ khiến thị trường dầu toàn cầu thiếu hụt nguồn cung, giá dầu tăng cao. Các nước EU buộc phải đề ra mục tiêu tiết kiệm 13% năng lượng vào năm 2030 thay vì 9% như trước đó, đồng thời đa dạng hóa nguồn cung với việc tìm kiếm các đối tác mới. Thậm chí, EU buộc phải hy sinh mục tiêu cắt giảm phát khí thải khi đề cập tới việc khôi phục các nhà máy nhiệt điện than để vượt qua cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ.

Giá năng lượng tăng kỷ lục khiến lạm phát tăng phi mã. Theo báo cáo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), lạm phát toàn cầu năm 2022 ở mức 8,8% - mức cao nhất kể từ năm 1996. Lạm phát của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tăng lên mức kỷ lục (11/19 nước thành viên lạm phát ở mức 2 con số), cao nhất trong 3 - 4 thập niên qua. Lạm phát ở Mỹ cũng trong tình trạng tương tự, có lúc lên mức 9,1% - cao nhất kể từ năm 1980 - khiến FED phải 8 lần tăng lãi suất. Tại một số quốc gia khác, tỷ lệ lạm phát ở mức 3 con số: Zimbabwe (269%), Lebanon (158%), Venezuela (156%), Syria (139%)...

Cuộc xung đột ở Ukraina còn làm cho chuỗi cung ứng bị đứt gãy khiến các nước, nhất là nước nghèo, khó tiếp cận lương thực. Nga và Ukraina chiếm khoảng 29% sản lượng xuất khẩu lúa mì, 19% sản lượng ngô và 80% sản lượng dầu hướng dương xuất khẩu toàn cầu. Trong đó, khoảng 70% số lượng lúa mì xuất khẩu của Nga đến Trung Đông và châu Phi năm 2021; phần lớn châu Âu cũng phụ thuộc vào lúa mì, lúa mạch và lúa mạch đen của Ukraina. Hoạt động xuất khẩu ngũ cốc bị gián đoạn khiến giá thực phẩm tăng cao và nhiều nước rơi vào tình trạng thiếu lương thực, an ninh lương thực toàn cầu bị đe dọa.

Cục diện an ninh châu Âu chao đảo

Tăng chi tiêu và củng cố năng lực quốc phòng: Cuộc khủng hoảng đã phủ bóng đen lên nỗ lực và tham vọng tự chủ chiến lược của châu Âu. Nếu trước đây, các nước châu Âu còn chần chừ tăng chi tiêu quốc phòng lên 2% theo yêu cầu của NATO thì sau khi cuộc xung đột xảy ra, một loạt quốc gia đã quyết định tăng chi tiêu quốc phòng. Theo đó, Đức tuyên bố đầu tư 115 tỷ USD cho trang bị vũ khí và chi tiêu quân sự sẽ đạt mức 2% GDP; Romania sẽ tăng chi tiêu quốc phòng từ mức 2% GDP lên 2,5% GDP, Ba Lan lên 3%, Latvia dự kiến mức 2,5% GDP vào năm 2025... Tiếp đó, tháng 11-2022, EU đề xuất Chính sách Phòng thủ không gian mạng và Kế hoạch Hành động cơ động lực lượng 2.0. Đây được coi là một bước hiện thực hóa “La bàn chiến lược” của EU, cho thấy tính chất của EU đang chuyển dần từ liên minh kinh tế sang liên minh quân sự.

Nội bộ EU tiếp tục chia rẽ: mặc dù một số chuyên gia cho rằng, cuộc xung đột Nga - Ukraina đã giúp nội bộ EU gắn kết hơn khi đạt được nhận thức chung trong hầu hết các biện pháp trừng phạt Nga và hỗ trợ Ukraina, tuy nhiên, điều dễ nhận thấy hơn là quan hệ giữa các nước châu Âu đã xuất hiện những đường đứt gãy mới do những bất đồng liên quan đến cuộc xung đột, trong các quyết định liên quan đến năng lượng (các lệnh trừng phạt, việc áp giá trần với năng lượng của Nga...). Điển hình là đoàn kết nội khối EU bị suy giảm khi các nước EU phê phán lẫn nhau về các chính sách trợ cấp năng lượng riêng rẽ và tự tìm kiếm các nguồn cung của mỗi nước. Việc nước Đức chi 200 tỷ euro (tháng 9-2022) trợ giá năng lượng cho các công ty nhà nước bị các thành viên EU chỉ trích mạnh mẽ. Trong đó, Pháp cho rằng, nếu không có sự tham vấn, đồng lòng giữa các nước, tôn trọng sân chơi thương mại bình đẳng, “Eurozone sớm muộn sẽ rạn nứt”.

Bất ổn xã hội gia tăng: tác động lớn nhất và tức thì nhất đối với châu Âu là trong lĩnh vực năng lượng. Châu Âu phụ thuộc lớn vào nguồn năng lượng giá rẻ của Nga (mỗi năm Nga cung cấp 41% nhu cầu khí đốt tự nhiên, 46% nhu cầu than đá và 27% nhu cầu dầu mỏ cho EU), do đó, châu Âu đã phải trải qua cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ nhất kể từ năm 1973. Châu Âu hiện chật vật với cú sốc giá năng lượng và chi phí sinh hoạt tăng cao. Chuỗi cung ứng bị gián đoạn, hoạt động sản xuất, kinh doanh khó khăn, gây áp lực suy thoái kinh tế; làn sóng di cư làm gia tăng gánh nặng cho lục địa già. Tình trạng này đã và đang đẩy xã hội châu Âu đến tình trạng bất ổn khi biểu tình diễn ra và lan rộng tại nhiều quốc gia (Pháp, Đức, Bỉ, Anh, Séc, Hungary...) từ giữa năm 2022 và vẫn đang tiếp diễn với quy mô lớn...

Tóm lại, cuộc xung đột quân sự tại Ukraina đã tác động toàn diện, sâu sắc đến đời sống chính trị quốc tế, có thể được coi là một dấu mốc trong lịch sử quan hệ quốc tế. Thế giới chứng kiến sự phân tuyến rõ ràng khi Mỹ và phương Tây lên án Nga, hậu thuẫn Ukraina, trong khi hầu hết các nước đang phát triển từ chối chọn phe, Nga - Trung Quốc tăng cường hợp tác toàn diện. Cuộc xung đột cũng tạo ra những kỷ lục buồn về suy thoái kinh tế, lạm phát, khủng hoảng năng lượng, lương thực.../.

Chuyên mục: Bên lề sự kiện