Ukraina gia nhập NATO: Nhiệm vụ bất khả thi?
Đình Hùng
Nguyện vọng khẩn thiết
NATO là một liên minh quân sự dựa trên Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương được ký kết vào ngày 4-4-1949 bao gồm các nước hai bên bờ Đại Tây Dương là Mỹ, Canada và một số nước ở châu Âu. Trong bối cảnh quan hệ quốc tế phức tạp, cuộc Chiến tranh lạnh diễn ra giữa hai phe, hai cực Đông - Tây do Liên Xô và Mỹ đứng đầu sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, mục đích thành lập NATO là để ngăn chặn sự ảnh hưởng của chủ nghĩa cộng sản lúc đó đang trên đà phát triển mạnh mẽ ở châu Âu. Việc thành lập NATO dẫn đến việc các nước phe xã hội chủ nghĩa thành lập khối Warszawa ở châu Âu để làm đối trọng với NATO. Tuy nhiên, sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, khối Warszawa giải thể nhưng NATO không những không giải tán mà vẫn tồn tại, thậm chí sức mạnh còn gia tăng, tham gia một số cuộc chiến tranh, xung đột thời kỳ hậu Chiến tranh lạnh, như: các cuộc xung đột ở Nam Tư, nội chiến ở Kosovo...
Cũng sau Chiến tranh lạnh, hoạt động đáng chú ý của khối này là sự mở rộng về phía Đông, kết nạp thêm các nước cộng hòa thuộc Liên Xô (trước đây) và các nước Trung - Đông Âu vào NATO. Năm 1999, NATO kết nạp Séc, Hungary và Ba Lan làm thành viên. Năm 2004, Slovakia, Bulgaria, Romania, Slovenia, Estonia, Latvia và Lithuania, đã trở thành thành viên mới của NATO. Chỉ với 12 nước thành viên ban đầu, trải qua các lần mở rộng, NATO hiện nâng tổng số thành viên lên 30 nước, trong đó có những nước trước đây thuộc khối quân sự Warszawa, như Ba Lan, Séc, Hungary, Slovakia, Romania, Bulgaria, Albania... Hiện nay, NATO vẫn tiếp tục xem xét mở rộng danh sách thành viên của mình, với các ứng viên, như: Phần Lan, Thụy Điển, Serbia, Bosnia, Herzegovina, Georgia, Ukraina, đồng thời đưa ra nội dung chiến lược mới, mở rộng phạm vi, không gian, làm cơ sở cho các hoạt động của tổ chức này trong bối cảnh quốc tế mới.
Đối với Ukraina, việc ủng hộ hoặc phản đối tư cách thành viên NATO là một trong những chủ đề gây tranh cãi ở nước này. Sau khi Liên Xô tan rã, trong bối cảnh cục diện khu vực thay đổi, khát vọng gia nhập NATO và Liên minh châu Âu (EU) đã hình thành trong các thời kỳ khác nhau của chính quyền Ukraina, nhất là các chính quyền có xu hướng thân phương Tây. Với lựa chọn muốn gia nhập NATO, Ukraina nhắm mục đích tận dụng sự giúp đỡ của các nước phương Tây, đặc biệt về quân sự, để tăng cường tiềm lực đất nước, hóa giải mối đe dọa từ phía Nga, đồng thời hội nhập sâu rộng hơn vào châu Âu, qua việc vừa xúc tiến gia nhập EU, vừa thể hiện nguyện vọng gia nhập NATO. Chưa kể, vấn đề này còn là “con bài” tập hợp lực lượng, thu hút sự ủng hộ của cử tri, đấu tranh giành quyền lực trong các thế lực chính trị ở Ukraina. Với việc Ukraina chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO, Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky cho biết, đây là bước đi mang tính quyết định. Ông V. Zelensky đề nghị NATO kích hoạt quy trình kết nạp nhanh, sau khi Ukraina chứng minh được khả năng tương thích với các tiêu chuẩn của liên minh trên thực tế. Động thái của Ukraina được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin chủ trì buổi lễ tại Điện Kremlin, chính thức ký văn kiện sáp nhập 4 tỉnh của Ukraina (Donetsk, Lugansk, Kherson, Zaporizhzhia) vào lãnh thổ Nga.
NATO: chưa phải lúc
Sau khi Ukraina chính thức tuyên bố xin gia nhập NATO, đã có một số dư luận ủng hộ động thái của nước này. Hội nghị thượng đỉnh Bucharest diễn ra vào ngày 2-10-2022, bao gồm 9 nước thành viên NATO (Séc, Slovakia, Ba Lan, Romania, Estonia, Latvia, Lithuania, Bắc Macedonia, Montenegro), đã tuyên bố ủng hộ Ukraina và Georgia trong tiến trình gia nhập NATO. Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) được tổ chức ở Davos (Thụy Sĩ) vào ngày 17-1-2023, cựu Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Henry Kissinger cũng đã thay đổi lập trường so với trước đây, cho rằng tính trung lập của Ukraina không còn ý nghĩa trong hoàn cảnh hiện nay và ủng hộ Ukraina gia nhập NATO.
Thế nhưng, đó chỉ là những tiếng nói ủng hộ hiếm hoi. Cùng với những lý do quan trọng khác, nguyện vọng gia nhập NATO của Ukraina không dễ dàng, nếu không nói là bất khả thi. Đầu tiên, Ukraina phải trải qua quy trình thủ tục phức tạp để trở thành thành viên NATO. Không chỉ có Ukraina, hiện có một số ứng viên nổi bật khác đang xúc tiến việc gia nhập NATO, như Phần Lan và Thụy Điển. Ngoài việc phải đáp ứng các yêu cầu của luật pháp trong nước (đạt được sự thống nhất nội bộ), ứng viên phải trải qua một quy trình nhiều bước, trong đó phải chứng tỏ được sự sẵn sàng, chấp nhận và có thể đáp ứng các nghĩa vụ, cam kết chính trị, pháp lý, quân sự với tư cách thành viên NATO. Chính phủ các nước thành viên NATO cũng cần phải nhất trí phê chuẩn nghị định thư gia nhập của ứng viên, theo luật pháp của riêng các quốc gia đó. Điều này đòi hỏi ứng viên phải giành được sự ủng hộ của các nước thành viên còn lại. Nếu như có nước phản đối, như trường hợp Thổ Nhĩ Kỳ không ủng hộ Thụy Điển gia nhập NATO hiện nay, việc gia nhập của ứng viên sẽ rất khó khăn.
Đối với Ukraina, các vấn đề thủ tục trên nhanh hay chậm được quyết định bởi mức độ ủng hộ của các nước thành viên NATO hiện nay đối với Ukraina. Tuy nhiên, dường như các nước thành viên NATO đang đắn đo với lựa chọn của mình. Ngoài 9 nước bày tỏ ủng hộ Ukraina, các nước còn lại, nhất là các quốc gia thành viên chủ chốt, hầu hết đều cho rằng bây giờ chưa phải là thời điểm thích hợp để thảo luận về vấn đề Ukraina gia nhập NATO. Sau khi Ukraina nộp đơn, Đức cho biết sẽ làm mọi cách để tránh biến NATO thành một bên trong cuộc xung đột Nga - Ukraina; quyết định về tư cách thành viên của Ukraina sẽ do tất cả các thành viên NATO cùng đưa ra, Đức sẽ không đơn phương thực hiện điều đó. Trong khi đó, Pháp cho rằng việc Ukraina gia nhập NATO hiện không được thảo luận do cuộc xung đột giữa Ukraina và Nga vẫn đang diễn ra. Về phía Mỹ - nước giữ vai trò lãnh đạo chủ chốt của NATO - cho biết, vẫn luôn duy trì chính sách mở cửa với các nước có nguyện vọng gia nhập NATO, tuy nhiên lúc này không phải là thời gian thích hợp để xem xét nguyện vọng gia nhập khối của Ukraina. Còn Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, Ukraina hiện nay nên tập trung vào việc bảo vệ chủ quyền quốc gia của mình thay vì thúc đẩy ý định gia nhập NATO. Các quan điểm trên cho thấy, dường như NATO đang muốn kéo dài thời gian ra quyết định trước một bài toán tiến thoái lưỡng nan với khối này. Bởi nếu chấp thuận việc Ukraina gia nhập, NATO sẽ bị “lôi kéo” vào cuộc xung đột trực tiếp với Nga, dẫn tới nguy cơ chiến tranh quy mô lớn nổ ra mà không bên nào mong muốn.
Có thể nói, mặc dù đã gửi đơn xin gia nhập, song việc thảo luận về vấn đề này, chưa kể là giành được lá phiếu ủng hộ của các nước thành viên NATO, đối với Ukraina là một việc rất khó khăn. Lý do phía sau, chính là do với vị trí địa - chính trị hết sức quan trọng của mình, nằm ở vùng đệm giữa Nga và các nước châu Âu, việc gia nhập của Ukraina không đơn giản, mà là một vấn đề hết sức nhạy cảm, liên quan đến quan hệ vốn rất phức tạp giữa Nga và các nước phương Tây. Do đó, việc Ukraina xin gia nhập NATO luôn gặp phải sự phản ứng vô cùng mạnh mẽ từ Nga. Tổng thống V. Putin từng nhiều lần nhấn mạnh, các nước thuộc không gian hậu Xô viết không chỉ là quốc gia láng giềng, mà còn là một phần không thể thiếu trong lịch sử, văn hóa và tinh thần của nước Nga. Xét trên góc độ địa - chính trị, các nước này vốn được xem là “vùng đệm” ngăn cách Nga với NATO, nên việc họ gia nhập NATO sẽ làm Nga mất vùng đệm chiến lược, phá vỡ cấu trúc an ninh, đe dọa không gian sinh tồn và làm suy giảm ảnh hưởng địa - chính trị của Nga. Với Ukraina, quốc gia ở vị trí địa - chính trị quan trọng, Nga càng không thể để Ukraina gia nhập vào khối quân sự từ lâu vốn không “thân thiện” với Nga. Nếu Ukraina quyết tâm gia nhập và NATO chấp thuận điều này, Ukraina sẽ phải tính đến những tổn thất từ những đòn đáp trả mạnh mẽ của Nga.
Rõ ràng, việc gia nhập vào khối NATO không phải là điều dễ dàng đối với Ukraina, nếu không nói là một nhiệm vụ bất khả thi. Hồ sơ gia nhập NATO của Ukraina nhiều khả năng sẽ phải trải qua một quá trình xem xét lâu dài, trừ khi cục diện quốc tế, khu vực, nhất là mối quan hệ giữa Nga và các nước phương Tây, đặc biệt là cục diện chiến trường giữa Nga và Ukraina, có những thay đổi quan trọng so với hiện nay./.