Ngày càng ác liệt, tác động toàn diện trên toàn cầu
Nguyễn Quang KhaiTác động mạnh mẽ đến kinh tế toàn cầu
Cuộc xung đột ở Ukraina cùng những biện pháp trừng phạt của Mỹ và các nước phương Tây đối với Nga không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế của Nga và Ukraina, mà còn tác động tiêu cực tới nền kinh tế thế giới.
Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo, kinh tế toàn cầu sẽ bước vào thời kỳ suy thoái nghiêm trọng kéo dài, tỷ lệ tăng trưởng sẽ giảm từ 3% xuống còn 1,7% trong năm 2023 - mức thấp nhất kể từ năm 1991. Tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế tiên tiến dự kiến sẽ giảm từ 2,5% (năm 2022) xuống còn 0,5% (năm 2023), trong đó tỷ lệ tăng trưởng của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ giảm từ 1,9% (năm 2022) xuống mức 0% (năm 2023). Đây là cuộc suy thoái toàn cầu lớn nhất kể từ cuộc đại khủng hoảng kinh tế thế giới năm 1930. Mỹ, Eurozone và Trung Quốc, vốn có sức ảnh hưởng nhiều nhất đến tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đang trải qua tình trạng suy giảm nghiêm trọng. Tỷ lệ lạm phát ở Mỹ và các nước Liên minh châu Âu (EU) đã tăng lên đáng kể. Vào giai đoạn cao điểm, lạm phát ở Mỹ lên tới 8,3% và tại Eurozone, lạm phát chạm mức kỷ lục 10,7%. Đây là mức cao nhất kể từ cuộc chiến tranh dầu mỏ xảy ra vào những năm 70 của thế kỷ XX.
Theo Viện Nghiên cứu kinh tế và xã hội Anh (NIESR), do ảnh hưởng của cuộc xung đột ở Ukraina, năm 2023, quy mô nền kinh tế thế giới sẽ giảm ít nhất 1%, tương đương 1.000 tỷ USD. Các chuyên gia của NIESR cũng cho rằng, tỷ lệ lạm phát toàn cầu sẽ tăng 2 điểm vào năm 2023. Trong khi đó, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho biết, cuộc chiến ở Ukraina có thể khiến nền kinh tế toàn cầu mất đi khoảng 2.800 tỷ USD vào cuối năm 2023.
Lệnh cấm vận năng lượng của Nga ảnh hưởng tiêu cực tới chính các nước thuộc EU, vì họ nhập khẩu tới 57,5% tổng số năng lượng tiêu thụ và Nga là nhà cung cấp chính. Hằng năm, EU còn nhập khẩu khoảng 30% nhu cầu dầu mỏ và khoảng 150 tỷ mét khối khí đốt từ Nga. Cuộc chiến Ukraina đã làm giá khí đốt và giá dầu tăng mạnh. Các nhà kinh tế cho rằng, nhiều nước EU đang đứng trước nguy cơ xảy ra một cuộc suy thoái lớn.
Trật tự thế giới đang trong quá trình chuyển đổi sâu sắc
Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, trật tự thế giới được hình thành với 2 trung tâm quyền lực: một bên là Mỹ và các nước phương Tây, một bên là Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa. Sự đối đầu gay gắt giữa 2 phe do 2 siêu cường đứng đầu khiến quan hệ quốc tế luôn trong tình trạng căng thẳng. Năm 1991, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu tan rã, khối Tổ chức Hiệp ước Hữu nghị, Hợp tác và Tương trợ (Warsaw) giải thể, trật tự thế giới chuyển từ lưỡng cực sang đơn cực do Mỹ đứng đầu. Cán cân quyền lực bị phá vỡ, thế giới trở nên hỗn loạn với các cuộc chiến tranh đẫm máu ở vùng Vịnh, khu vực Balkan, Afghanistan, Iraq...
Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) gồm 9 nước thành viên chính thức: Trung Quốc, Ấn Độ, Iran, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Pakistan, Nga, Tajikistan và Uzbekistan. Đến nay, có thêm 12 nước đã đệ đơn hoặc bày tỏ quan tâm, mong muốn gia nhập tổ chức này. Nhóm BRICS cũng đang thu hút sự tham gia của các nước tiềm năng như Argentina, Iran, Arab Saudi, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập... |
Hiện nay, có thể nói cuộc chiến Nga - Ukraina là bước ngoặt mang tính quyết định làm thay đổi trật tự thế giới từ đơn cực sang đa cực. Mỹ không còn là trung tâm quyền lực có sức ảnh hưởng duy nhất. Các biện pháp bao vây, trừng phạt toàn diện của Mỹ và phương Tây đối với Nga đã tạo “đòn bẩy” để Nga “xoay trục sang phía Đông”, làm suy yếu tất cả các nền tảng của trật tự thế giới. Chiến lược “xoay trục sang phía Đông” của Nga không chỉ là một phản ứng trước những thách thức địa - chính trị của phương Tây, mà còn là một xu hướng dẫn đến hình thành trật tự thế giới mới đa cực, trong đó Nga, Trung Quốc và các nước phương Đông là những trung tâm quyền lực đang nổi lên chiếm một vị trí đặc biệt trong cán cân quyền lực toàn cầu. Các nước thuộc châu Á, châu Phi và Mỹ Latin ngày càng nhận ra rằng, trật tự đơn cực sau Chiến tranh lạnh đã không còn đem lại hòa bình và ổn định, thế giới đang trở nên hỗn loạn hơn. Các cường quốc như Nga, Trung Quốc và Ấn Độ không chấp nhận bị loại ra ngoài lề hệ thống an ninh toàn cầu nên đã có nhiều động thái để thu hút sự quan tâm của các quốc gia, tổ chức và khu vực. Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và Nhóm các nền kinh tế lớn mới nổi (BRICS - Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi) được thành lập theo sáng kiến của Nga và Trung Quốc đang thu hút sự tham gia đông đảo của các quốc gia trên thế giới. Đây là những tổ chức khu vực lớn nhất thế giới. SCO chiếm khoảng 60% diện tích lục địa Á - Âu (Eurasia), 40% dân số thế giới và hơn 30% GDP toàn cầu. Trong khi đó, BRICS chiếm 40% dân số thế giới và 1/4 GDP thế giới. Với tiềm năng to lớn như vậy, SCO và BRICS ngày càng đóng vai trò quan trọng không chỉ về kinh tế, mà còn trong cả hệ thống an ninh và chính trị toàn cầu.
Có thể thấy rằng, cuộc chiến ở Ukraina là cuộc đối đầu giữa Nga và các nước NATO do Mỹ đứng đầu. Ukraina chỉ là chiến trường thử nghiệm kế hoạch nhằm làm suy yếu và tiêu diệt nước Nga. Chính vì vậy, Mỹ và NATO liên tục ồ ạt đổ tiền và vũ khí vào chiến trường Ukraina. Năm 2022, Mỹ viện trợ cho Ukraina 50 tỷ USD. Trong chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky vào tháng 12-2022, Mỹ cam kết cung cấp cho Ukraina thêm 44,9 tỷ USD. Trong khi đó, các nước EU cam kết viện trợ cho Ukraina gần 60 tỷ euro, phần lớn là viện trợ về quân sự. Đáng chú ý, gần đây Mỹ và các nước NATO còn cung cấp vũ khí tấn công hạng nặng cho Ukraina, gồm tổ hợp tên lửa Patriot, xe tăng Abrams và Leopard-2.
Nhiều chuyên gia quốc tế nhận định, cuộc xung đột Nga - Ukraina chỉ có thể được giải quyết thông qua đàm phán hòa bình. Trước đây, ngay sau khi xảy ra xung đột, tháng 3-2022, Ukraina và Nga đã có cuộc đàm phán tại thành phố Gomel (Belarus), sau đó là tại Thủ đô Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). Kết quả là hai bên đã đạt được thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản cho giải pháp giải quyết xung đột. Tuy nhiên, sau khi Mỹ và NATO can thiệp, cuộc chiến trở nên phức tạp và kéo dài chưa có hồi kết./.