Những bài học đối ngoại cần thiết cho các quốc gia, vùng lãnh thổ
Phạm Thúy QuỳnhThực tế hiện định hình rất rõ cục diện kép là cùng với giao tranh quân sự trực tiếp ở Ukraina giữa Nga và Ukraina còn có cuộc chiến không tiếng súng giữa Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và đồng minh với Nga. Cả 2 cuộc chiến này đều chỉ có thể kết thúc khi có bên giành về phần thắng và phía còn lại chịu chấp nhận thua, bất kể kết cục ấy đến bằng chiến sự hay đàm phán ngoại giao. Từ bỏ những vùng lãnh thổ đang kiểm soát ở Ukraina do thất bại trên chiến trường, hay do nhượng bộ trong đàm phán ngoại giao, đều có nghĩa là Nga thua và phía bên kia thắng. Nếu Nga giữ được những vùng lãnh thổ ấy bất kể bằng chiến sự hay thông qua đàm phán ngoại giao, có nghĩa là Ukraina và Mỹ, EU, NATO cùng đồng minh thua. Thể diện, vị thế của các bên cùng với số phận tương lai của các vùng lãnh thổ bị giằng co ở Ukraina rồi đây sẽ quyết định kết cục cuối cùng của cuộc chiến ở Ukraina. Vì thế, cuộc chiến ở Ukraina gây khó xử về đối ngoại cho tất cả các bên liên quan cũng như các quốc gia, vùng lãnh thổ không liên quan.
Bài học thứ nhất là hòa bình không tự tồn tại vĩnh viễn, an ninh không tự bền vững vĩnh viễn và chiến tranh không tự chấm hết vĩnh viễn. Con người trên Trái đất phải luôn nỗ lực để duy trì hòa bình, bảo đảm an ninh, ngăn ngừa chiến tranh. Châu Âu đã không những chỉ bị bất ngờ mà còn phải trả giá rất đắt khi để xảy ra cuộc chiến ở Ukraina. Các mối quan hệ quốc tế, mọi cơ chế, thể chế, cấu trúc chính trị ngoại giao và chính trị an ninh đã hình thành, hoạt động từ rất nhiều năm ở châu Âu đều không đủ hiệu quả trên thực tế để ngăn ngừa xảy ra chiến tranh trên châu lục. Từ đó có thể thấy, sứ mệnh lịch sử của đối ngoại hiện tại là chấm dứt cuộc chiến ở Ukraina nhanh chóng như có thể được; là gây dựng những cấu trúc, thể chế, cơ chế hòa bình và an ninh chung cho châu Âu ở thời sau cuộc chiến tại Ukraina; là bảo đảm để chiến tranh không còn có thể lại bùng phát ở châu Âu.
Bài học thứ hai là bảo tồn và thực hiện lợi ích quốc gia trong bối cảnh có sự chia phe, phân tuyến trên thế giới bởi cuộc chiến giữa Nga với Ukraina và bởi cuộc đối địch giữa Mỹ, EU, NATO và đồng minh với Nga. Bài học này bao gồm 2 khía cạnh. Khía cạnh thứ nhất là xác định lại những nội hàm khả biến trong lợi ích quốc gia và xác định lại thứ tự ưu tiên những nội hàm khả biến ấy. Đây là những nội hàm có thể và cần phải điều chỉnh kịp thời, thích hợp để giúp cho việc thực hiện, bảo toàn lợi ích quốc gia trong mọi tình huống, hoàn cảnh luôn khả thi, bảo đảm hiệu quả cao nhất. Khía cạnh thứ hai là triển khai thực hiện lợi ích quốc gia như thế nào trong môi trường chính trị đối ngoại và chính trị an ninh cũng như kinh tế đối ngoại đã thay đổi rất nhanh chóng, khá cơ bản như thế. Một khi môi trường này đã thay đổi, cách thức bảo vệ, thực thi lợi ích quốc gia phải khác trước. Đối ngoại khi ấy phải chủ động, linh hoạt chứ không giáo điều và xơ cứng, thực tế và nhạy bén chứ không bị động, cố chấp.
Cuộc chiến ở Ukraina đẩy tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới không liên quan trực tiếp cũng như gián tiếp (bao gồm Nga, Ukraina, Mỹ, EU, NATO, nhóm G-7 và đồng minh của họ) vào tình thế phải tìm ra cách ứng xử thích hợp, có lợi, ít hệ lụy tiêu cực nhất về đối ngoại. Có những quốc gia ngả hẳn về phe này hay phía kia trong cuộc chiến ở Ukraina. Có những quốc gia tìm cách giữ thế cân bằng quan hệ giữa các bên nói trên để quan hệ hợp tác của họ với tất cả các bên không bị vạ lây, hoặc chỉ bị ảnh hưởng tối thiểu. Có những quốc gia ủng hộ bên này trên phương diện này, đồng thời đứng về phía bên kia trong chuyện khác. Mọi kiểu quyết định về định hướng cho hành xử về đối ngoại đều khả thi, bởi dù là Nga hay Ukraina hoặc Mỹ, EU, NATO, nhóm G-7 và đồng minh, thì tất cả dẫu có muốn tranh thủ, gây áp lực để lôi kéo đối tác bên ngoài, tập hợp lực lượng, cho tới nay cũng vẫn không dám bắt buộc các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới phải lựa chọn giữa bên này và phe kia. Nghệ thuật đối ngoại ở đây là đóng góp tích cực như có thể được vào việc nhanh chóng chấm dứt cuộc chiến ở Ukraina, nhưng ở ngoài cuộc đối địch giữa Mỹ, EU, NATO, nhóm G-7 và đồng minh với Nga.
Ở khía cạnh khác, cuộc chiến ở Ukraina giữa Nga và Ukraina cùng với cuộc đối địch giữa Nga với Mỹ, EU, NATO, nhóm G-7 và đồng minh đẩy các quốc gia, vùng lãnh thổ vào tình cảnh buộc phải xác định lại thứ tự ưu tiên về lợi ích quốc gia. Có quốc gia, vùng lãnh thổ phải dành ưu tiên cao nhất trong lợi ích quốc gia cho nội hàm bảo vệ an ninh, nhưng quốc gia và vùng lãnh thổ khác lại phải quan tâm nhiều nhất tới tăng trưởng kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội trong bối cảnh tình hình mới. Nhiệm vụ hàng đầu của đối ngoại cũng vì thế mà phải được điều chỉnh phù hợp và kịp thời.
Bài học đối ngoại thứ ba có thể đúc kết ra được từ 1 năm cuộc chiến ở Ukraina là phải coi trọng, ưu tiên việc dùng đối ngoại để ngăn ngừa chiến tranh, xung đột trước hết, sau đó mới là việc dùng đối ngoại để chấm dứt chiến tranh, xung đột. Trên phương diện đặc thù này, phương châm của đối ngoại phải đúng như nghĩa đen và nghĩa bóng của câu: “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Đối ngoại khi chưa xảy ra xung đột, chưa bùng phát chiến tranh không những chỉ khác về nội dung, cách thức so với đối ngoại sau khi đã nổ ra chiến tranh và xung đột, mà còn vừa dễ khả thi hơn trên thực tế, vừa dễ có thể thành công hơn. Một năm sau khi bùng phát cuộc chiến giữa Nga và Ukraina, câu hỏi gây day dứt, hiện còn được tranh luận nhiều nhưng vẫn chưa được trả lời là liệu đối ngoại thích hợp và kịp thời thì có thể ngăn ngừa cuộc chiến này không nổ ra hay không, hay bên nào đã xử lý không thỏa đáng về đối ngoại, nên cuộc chiến mới bùng phát cách đây 1 năm và dai dẳng mãi đến nay?
Bài học đối ngoại thứ tư là trong thế giới hiện đại ngày nay, các quốc gia, vùng lãnh thổ phải kiến tạo, củng cố và không ngừng phát triển các mối quan hệ hợp tác song phương, đa phương với các đối tác của họ sao cho ổn định, bền vững đến mức có đủ sức đề kháng tác động tiêu cực của mọi biến động về mọi phương diện trên thế giới. Đối ngoại phải nhận diện và xây dựng lợi ích chung, phải đưa lại lợi ích thiết thực to lớn sao cho các đối tác đều không thể không cùng bảo toàn và tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các mối quan hệ hợp tác khi xảy ra biến cố ở nơi khác, hoặc khi quan hệ giữa các đối tác bên ngoài với nhau biến động gây tác động và hệ lụy tiêu cực./.